Nhịp sống mới ở Thanh Lương

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/4/2015 | 9:59:40 AM

YênBái - YBĐT - Vẫn những thôn ấy, bản ấy với những con người hiền lành, chân chất nhưng hôm nay mảnh đất và con người Thanh Lương (huyện Văn Chấn) đã mang trong mình một diện mạo mới - một sự thay đổi mà ở đó những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn không ngừng được phát huy, đời sống kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến.

Người dân Thanh Lương đã biết giữ gìn cảnh quan môi trường sống sạch, đẹp, xây dựng khu vực chăn nuôi riêng rẽ.
Người dân Thanh Lương đã biết giữ gìn cảnh quan môi trường sống sạch, đẹp, xây dựng khu vực chăn nuôi riêng rẽ.

Giữ gìn và phát huy bản sắc

Về Thanh Lương, đi giữa cánh đồng Mường Lò thẳng cánh cò bay, thăm những bản người Thái, người Mường nằm ẩn mình dưới những rặng tre già, gặp các bà, các chị tuổi đã xế chiều nhưng vẫn miệt mài, hăng say luyện tập điệu múa, điệu xòe sau những giờ lao động vất vả, tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi không gian văn hóa nơi này. Vẫn còn đó những nếp nhà sàn mang đậm “phong cách” của người Thái, người Mường; những bộ trang phục truyền thống tuyệt đẹp với áo cỏm, khăn piêu, áo pắn. Hàng ngày, trong lao động sản xuất hay vui chơi, hội hè, người Thái, người Mường Thanh Lương lúc nào cũng gắn bó với những thứ thân thuộc này.
Hào hứng được là khách mời trong đám cưới của đôi bạn trẻ Hà Thế Anh - Đinh Thị Mai (dân tộc Mường) ở bản Khá Thượng 2, xã Thanh Lương, sau khi hòa mình vào những làn điệu dân ca, dân vũ nồng say, chất chứa ân tình, tôi đã được chứng kiến một lễ thành hôn thật thân tình, ấm cúng song cũng rất văn minh, tiết kiệm. Thay vì ăn uống linh đình, lễ vật nhiều, thách cưới cao, đám cưới chỉ tổ chức trọn vẹn trong một ngày. Phạm vi khách mời gói gọn trong anh em họ hàng, những người thân quen và cỗ cưới là những món ăn đặc trưng của dân tộc Mường. 

Đặc biệt, trong đám cưới, cô dâu và chú rể chỉ mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mường, không dùng xe hoa trang trí cầu kỳ để đón rước dâu và không ai tham dự đám cưới bị ép uống rượu đến say mới về. Xinh tươi như một bông hoa lan rừng trong ngày vui hạnh phúc, cô dâu Đinh Thị Mai tự hào: “Bản sắc văn hóa là thiêng liêng, quý giá, nó tạo nên cái đặc thù của một dân tộc. Bởi vậy, thế hệ trẻ chúng em luôn có suy nghĩ phải giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài việc duy trì ngôn ngữ riêng bằng việc thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc mình, bà con người Thái, người Mường chúng em còn khôi phục, dàn dựng lại các làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội truyền thống của dân tộc và thường xuyên tổ chức trong các dịp lễ, tết, hội làng”.

Giữ gìn và phát huy bản sắc, đến nay, những phụ nữ người Thái, người Mường ở Thanh Lương còn lưu giữ được cả nghề thêu dệt truyền thống và thường xuyên, tích cực truyền dạy cho con cháu. Chị Hà Thị Sam, thôn Đồng Lơi, xã Thanh Lương cho biết: “Trước những thay đổi của xã hội, nghề dệt có lúc tưởng như đã không thể tồn tại, song các thế hệ gắn bó với nghề đã quyết tâm bảo tồn và giữ gìn. Vì thế, đến nay nghề dệt vẫn có sức lôi cuốn với rất nhiều người”. Hiện, các sản phẩm thêu, dệt của chị em người Thái, người Mường như: khăn, chăn, gối, đệm không chỉ ngày càng được nhiều người ưa chuộng mà còn là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn quảng bá cho vùng Mường Lò.

Xây dựng đời sống mới

Thanh Lương - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và tinh thần đoàn kết và trước những yêu cầu cần đổi thay của một xã hội phát triển, hiện đại, cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây đã đồng lòng nỗ lực không ngừng cho sự phát triển của địa phương. Mặc dù là xã thuần nông, có diện tích nhỏ hẹp, không có đồi rừng, sông hồ song trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Thanh Lương đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nước tưới cho cây trồng; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Hiện, diện tích gieo cấy lúa nước của xã theo chương trình SRI đạt 117ha (chiếm 70% diện tích), diện tích ngô đông hàng năm đạt trên 100ha. Xã đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế với quy mô tương đối lớn như: nuôi gà thả vườn, nuôi lợn bán công nghiệp, trồng nấm rơm, trồng chanh tứ thời… Trong xã đã xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế giỏi như gia đình các ông: Nguyễn Văn Giang (thôn Khá Thượng), Bùi Văn Cấp (thôn Đồng Lơi), Hà Văn Nam (thôn Khá Hạ), Nguyễn Văn Phường (thôn Khá Thượng II)…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thanh Lương đã hoàn thành 10/19 tiêu chí, bao gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, bưu điện, tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, hệ thống chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự. Đồng chí Bùi Đình Vượng - Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: “Những kết quả này tuy chưa đủ điều kiện để Thanh Lương được công nhận là xã nông thôn mới nhưng nó đã phần nào nói lên sự đồng thuận cao giữa Đảng với nhân dân trên con đường xây dựng nông thôn mới, vì một Thanh Lương ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh”. Hiện tại, hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã ở Thanh Lương  đều đã bê tông hóa. Cảnh quan, môi trường sống của người dân bảo đảm “xanh - sạch - đẹp” nhờ có những thùng thu gom rác thải đặt ở các khu dân cư. Toàn xã có 80% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà xây kiên cố và nhà gỗ vững chãi; 7/7 thôn được công nhận đạt danh hiệu "làng văn hóa" và có nhà văn hóa; 100% trẻ em được phổ cập đúng độ tuổi. Xã không có hộ sinh con thứ 3 và người mắc các tệ nạn xã hội. Đồng chí Đinh Văn Thập - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho hay: “Bên cạnh việc thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch, các phong trào thi đua yêu nước, Thanh Lương còn duy trì tốt một phong trào mà không phải địa phương nào cũng làm được, đó là phong trào “Tiếng loa truyền thanh học đêm”. Hàng ngày, vào lúc 19 giờ, khi câu hiệu lệnh “Đây là tiếng loa khuyến học xã Thanh Lương…” vang lên là các cháu học sinh trong xã đều tự giác ngồi vào bàn học bài. Trong trường hợp nếu cán bộ xã đi kiểm tra mà cháu nào không thực hiện hoặc gia đình nào không có trách nhiệm tạo không gian yên tĩnh cho con em học bài thì sẽ bị nhắc nhở, kiểm điểm, đánh giá vào thi đua gia đình văn hóa. Thông qua phong trào này mà những năm gần đây chất lượng giáo dục của Thanh Lương được nâng lên, đã có nhiều cháu đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng”.

Kinh tế - xã hội có bước phát triển, bản sắc văn hóa không ngừng được giữ gìn và phát huy, có thể nói, Thanh Lương đã và đang tạo được tiền đề vững chắc để tiếp tục đạt được những thành tựu cao hơn trên con đường xây dựng nông thôn mới và là điểm đến hấp dẫn trong những tour du lịch cộng đồng của du khách các địa phương trong tỉnh, trong nước và quốc tế trong tương lai không xa.

Hồng Oanh

Các tin khác
Nông dân và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thu hoạch lúa mùa ở xã An Thịnh (Văn Yên). (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển kéo theo những bước tiến dài trong sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, sự phát triển này vẫn chưa xứng với tiềm năng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho giá trị hàng nông sản của chúng ta thường thấp hơn từ 15 - 50% so với sản phẩm cùng loại từ nước khác. Vì thế, để công nghiệp chế biến nông, lâm sản và vùng nguyên liệu phát triển bền vững, giải pháp cấp thiết lúc này là tăng cường liên kết gắn với tái cơ cấu và qui hoạch bền vững từ vùng nguyên liệu cho đến nội ngành công nghiệp chế biến.

Học sinh bán trú ở Mù Cang Chải.

YBĐT - Phát triển giáo dục - đào tạo ở tỉnh miền núi có nhiều dân tộc với quá nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở 70 xã vùng cao và 58 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có hai huyện 30a nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước như Yên Bái luôn là một khó khăn, thách thức lớn.

Sản xuất ván ép tại Công ty TNHH Quế Lâm (xã An Thịnh, Văn Yên).

YBĐT - Là tỉnh miền núi, nằm sâu nội địa nhưng Yên Bái có những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển những sản vật quí giá, đó là chè, là quế và cả những cánh rừng bạt ngàn. Từ lợi thế đó, những năm qua, Yên Bái đã tập trung quy hoạch các vùng cây nguyên liệu tập trung, thu hút, mời gọi đầu tư để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Để lâm nghiệp phát triển bền vững, các sản phẩm từ rừng cần được chế biến sâu. Ảnh: Phân loại đũa xuất khẩu ở Công ty cổ phần chế biến Lâm, Nông sản xuất khẩu Yên Bái. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Bằng nhiều giải pháp và hướng đi phù hợp, cho đến hôm nay, kinh tế lâm nghiệp ở Yên Bái đã được khẳng định rõ nét, là trụ cột của kinh tế nông, lâm nghiệp...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục