"Cách mạng 03" ở Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2015 | 3:39:22 PM
YênBái - YBĐT - Sở dĩ gọi việc thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010 là một cuộc "cách mạng" bởi thực hiện Nghị quyết này, một bộ phận không nhỏ đồng bào Mông huyện Trạm Tấu lần đầu tiên làm nhà vệ sinh, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, người chết không để lâu trong nhà...
Như nhiều bản làng vùng cao khác, cách đây 10 năm, Cu Vai (xã Xà Hồ) nặng nề phong tục lạc hậu, thách cưới cao, đám ma để lâu trong nhà, giết nhiều trâu, bò, lợn, gà..., không làm nhà vệ sinh, gia súc thả rông..., đói, nghèo, bệnh tật cứ quay vòng trong mỗi gia đình. Năm 2008, người dân Cu Vai "ngơ ngác" khi lần đầu tiên cán bộ về triển khai làm nhà vệ sinh và chuồng nuôi nhốt gia súc. Mùa A Phử một người dân bảo là: "Bao nhiêu năm cứ "tự nhiên" như thế có sao đâu, trâu có rừng, người cũng có rừng, giờ trong nhà đông người, tự nhiên làm một cái nhà ấy, xong mình đi lúc nào người ta cũng biết thì xấu hổ, nhất là chị em phụ nữ. Trâu bò cứ để nó trên núi, nó ăn no nó nghỉ, mất công mất sức đưa nó về làm gì". Và đương nhiên ý kiến của Phử được nhiều người đồng tình, thậm chí còn cho rằng đây là việc vớ vẩn, chẳng cần phải họp, ai thích làm thì làm.
Trưởng thôn Mùa A Đua đã đi họp ở xã về: “Cán bộ về xã nói rồi nhé, đây là nghị quyết của Tỉnh ủy, không phải trò đùa đâu, trong nghị quyết có nội dung làm đường, hỗ trợ chính sách khác và cả việc này nữa. Tại sao phải làm à, trâu bò trên rừng mùa đông làm sao mà không chết rét. Nó cũng như người, khí hậu lạnh cắt da cắt thịt, người phải ở trong nhà đốt lửa thì trâu bò cũng thế chứ. Nó chết rét lại cứ ngồi mà tiếc rớt nước mắt. Còn bản thân mình cũng phải học cái tiến bộ chứ. Đất nước đổi mới rồi, gia súc nó mới đi vệ sinh trên rừng, mình là con người, phải sạch sẽ hơn nó, lên rừng đi vệ sinh bị người ta nhìn thấy mới xấu hổ, ở trong nhà mình đó là nhu cầu sao mà phải xấu hổ”.
Chị em phụ nữ Say, Tồng, Mỷ còn cười chảy cả nước mắt, ấy vậy mà một tuần họp, một tháng họp cũng mới thông. Nhà vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc đầu tiên được làm ở những nhà đảng viên như Mùa A Ly, Mùa A Vư, Mùa A Vàng... Tò mò chứ, ai cũng ngó nghiêng. Mùa A Phử kể lúc ấy cứ đi ra đi vào, nghĩ đến mấy cơn đau bụng nửa đêm thì cái nhà vệ sinh có ích quá còn gì, chứ chưa nói đến việc sẽ giữ gìn được vệ sinh đường làng ngõ xóm, ngăn ngừa mầm bệnh, mà làm nhà vệ sinh cũng đâu có tốn kém gì. Về nhà, Phử cũng xây dựng một nhà vệ sinh, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, mấy mùa đông rồi đàn trâu, bò càng béo tốt.
Giờ gặp, Phử cười phớ lớ: "Ối, bây giờ bảo thủ không được đâu nhà báo ạ. Chủ trương của Đảng là đúng rồi, Đảng nói là mình làm theo thôi, vì thấy cái gì cũng có ích cho mình thật." Chị Mỷ - vợ anh Mùa A Phử còn nói thêm vào: "Làm nhà vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mình mà còn giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm".
Xuất phát từ trách nhiệm, gương mẫu, sự kiên trì vận động của cán bộ đảng viên, được sự đồng thuận từ lòng dân, đồng bào Mông trong xã Xà Hồ đã thấm nhuần tinh thần Nghị quyết, đến nay đã có 200 gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 350 gia đình làm chuồng nuôi nhốt gia súc.
Chiều tháng 5, nắng buông dài miên man như dát vàng trên con đường về bản. Nếp sống mới đã biến những vùng đất ẩm thấp khô cằn thành những cánh đồng thửa ruộng mầu mỡ xanh tươi. Những con đường như dải lụa vắt ngang sườn núi dẫn chúng tôi về với thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu.
Phó bí thư Chi bộ Tấu Giữa Vàng A Chu giới thiệu: "Thôn Tấu Giữa có 86 hộ. Cũng giống như nhiều thôn, bản người Mông khác, 10 năm trước đây, do lối sản xuất lạc hậu cộng với nhiều phong tục không còn phù hợp với nếp sống mới như đám ma để lâu trong nhà, thách cưới cao... khiến cuộc sống đồng bào khó khăn chồng chất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm lên trên 80%. Song, bằng sự kiên trì nhẫn nại của đội ngũ cán bộ đảng viên nơi đây, Tấu Giữa nay đã trở thành lá cờ đầu trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương".
Những câu chuyện về vận động đồng bào vùng cao thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy khiến con đường về Tấu Giữa ngắn lại, đón chúng tôi trong ngôi nhà gỗ khang trang, bề thế, ông Vàng A Sang tiếng cười giòn như pháo: "Úi giời, xưa thì đám ma để hàng tuần, lại còn treo lên làm ma khô, ruồi nhặng bay xung quanh mất vệ sinh vô cùng, đấy là chưa kể con cháu mổ nhiều trâu, bò, gà, lợn… mất người mất của nhà nào nghèo thì nợ đến mấy đời, đám cưới cũng thế... Giờ theo chủ trương của Đảng, thực hiện nếp sống mới đúng là nhàn thân, nhàn tâm, con cháu được nhờ". Nói thì ngắn gọn như vậy nhưng con đường vận động đồng bào thực hiện nếp sống mới gặp không ít những rào cản, bởi tư duy, lối sống cũ đã ăn sâu vào tư tưởng người dân. Già làng Mùa A Sùng bảo: “Mới triển khai chả ai nghe, người già còn nhảy lên như bị ong đốt. Tập tục ngàn đời làm sao có thể bỏ được, người chết thì phải treo, bón cơm, để cả tuần cho con cái còn khóc, để nhớ, cớ sao phải vội vàng cho vào hòm để đi chôn, như thế là bất hiếu...”.
Đảng viên trong chi bộ được phen đau đầu nhưng Mùa A Páo - Bí thư Chi bộ cùng các đảng viên trẻ sau nhiều đêm trăn trở, họp bàn cuối cùng cũng có giải pháp. Ông nội của Páo - Mùa A Sùng là đảng viên gạo cội, mỗi đảng viên đều có anh em người thân là các già làng trưởng bản, vậy thì bắt đầu cuộc "cách mạng tư tưởng" từ chính những con người này, bởi như Páo chia sẻ thì "Người thân trong gia đình rút cuộc sẽ yêu thương bao bọc và sẻ chia với nhau. Ông nội của mình thì sẽ là anh em với những người già khác... liên quan như thế, thế nào cũng được”.
Vậy là từ một cách làm mạnh dạn của lớp trẻ: nếu ông, bố, mẹ không nghe, con ra khỏi Đảng, không làm cán bộ xã nữa, vì con là đảng viên, người thân không làm con xấu hổ với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước cho đi học bao lâu nay... mà suy cho cùng Đảng, Nhà nước đâu có làm gì có hại cho đồng bào mình. Này nhé, làm đường lên tận bản, cấp gạo khi đói, cấp dầu hỏa cho mình thắp sáng khi không có điện, học sinh đi học được thêm tiền, cấp giống khi ngày mùa đến, cấp thẻ khám bệnh khi ốm đau... Bố mẹ con thương cả đời, bố mẹ nghĩ xem người chết rồi treo lên, bón cơm không ăn được, ruồi muỗi bay xung quanh, nhìn có khổ hơn là nằm yên trong quan tài như một giấc ngủ ngon không. Rồi đám ma lâu ngày, người giàu không sao, người nghèo mấy đời con cái trả nợ không hết... Trâu bò rét không mang về chuồng nó chết, thiệt hại mình gánh chịu chứ ai... Đảng không bắt mọi người bỏ, chỉ vận động mọi người làm theo cái hay, cái mới, cái tiến bộ để phục vụ chính cuộc sống của mình thôi... Đấy, cả tháng đọc nghị quyết truyên truyền chả ai thấm, thế mà con cháu nước mắt lưng tròng, đứng lên làm một thôi một hồi như thế mà các cụ hết ném ống điếu, các bà còn nước mắt còn rưng rưng. Đám ma ông Sùng A Đế là đám ma đầu tiên thực hiện nếp sống mới, đến nay có thêm 9 đám ma nếp sống mới nữa, 60% số hộ có gia súc làm chuồng nuôi nhốt.. Vậy là cái tư tưởng cũ đã đang dần được thay thế ở nơi này.
Thành công ở Tấu Giữa được nhân rộng ra các thôn bản khác. Vậy là trong 5 năm 2010 – 2015, xã Trạm Tấu có 27 đám tang cho người chết vào quan tài và không để quá 48 tiếng, hầu hết các đám cưới thực hiện theo nếp sống mới. Đồng chí Giàng A Hành - Bí thư Đảng bộ xã Trạm Tấu cho biết: "Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã thổi một luồng sinh khí mới vào xã, không chỉ là những con đường nối gần các bản làng xa xôi mà thành công lớn nhất là cuộc cách mạng tư tưởng cho người dân, giúp họ tiếp cận với nếp sống văn hóa mới, loại bỏ những phong tục không còn lạc hậu, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống".
Bằng cách khơi dậy được tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên, Trạm Tấu đã thực hiện thành công Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy. Đến nay, người dân Trạm Tấu vẫn tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa theo tinh thần Nghị quyết. 5 năm qua, đã có 2.620 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh, 5.368 gia đình có chuồng nuôi nhốt gia súc. Đặc biệt, toàn huyện đã có 317 đám tang và hầu hết các đám cưới thực hiện nếp sống văn hóa. Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của cán bộ đảng viên và đồng bào Trạm Tấu. Thời gian thực hiện Nghị quyết đã kết thúc từ lâu nhưng sức sống của Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay, đồng bào Mông Trạm Tấu vẫn tiếp tục nỗ lực quyết tâm xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới ấm no, giầu mạnh hơn".
Thực hiện thành công Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Yên Bái, Trạm Tấu không chỉ có cơ sở hạ tầng khang trang hơn mà nay nhờ tinh thần của Nghị quyết, đồng bào Mông Trạm Tấu đã đồng thuận cải tạo lối sống cũ lạc hậu, đồng lòng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT- Nhờ phát huy nội lực, chủ động huy động được các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo phương châm xã hội hóa mà chất lượng giáo dục - đào tạo của huyện Yên Bình ngày càng được nâng cao nhất là ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn.
YBĐT - Tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, định hướng chung trong phát triển kinh tế với sự hỗ trợ của "30a" là xây dựng các mô hình, chuỗi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, trang trại, từ đó nhân rộng và hướng tới xây dựng vùng chuyên canh theo quy hoạch. >> Bài 1: Khó khăn huyện nghèo
YBĐT - Được chọn chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh, với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Phác, huyện Văn Yên (Yên Bái), đây chính là cơ hội để tạo ra bước chuyển mới về cả lượng và chất trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
YBĐT - Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nhằm xóa đói, giảm nghèo cho các địa phương đặc biệt khó khăn trong cả nước là chương trình có ý nghĩa lớn đối với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Yên Bái có hai huyện là Trạm Tấu và Mù Cang Chải được thụ hưởng Chương trình này. Qua 6 năm thực hiện Chương trình cho thấy đây thực sự là một chặng đường dài và nhiều "chông gai", do vậy, phải vừa làm vừa nhìn nhận, đánh giá để có sự điều chỉnh và thực hiện hiệu quả...