Động lực của kinh tế nông thôn
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/5/2015 | 9:45:58 AM
YênBái - YBĐT - Tín dụng chính sách là kênh tín dụng đặc biệt, là nguồn vốn của Chính phủ cho người dân vay để thoát nghèo, giúp bà con vươn lên làm giàu. Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, cần có trách nhiệm rất cao của ngân hàng, chính quyền, các hội, đoàn thể và mỗi người dân. Kinh nghiệm rút ra trong thực hiện mô hình xã điểm tín dụng chính sách ở xã Yên Thái, huyện Văn Yên thời gian qua đã cho thấy rõ điều này.
Người dân xã Yên Thái nhận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
|
Gia đình bà Nguyễn Thị Ninh, thôn 3, xã Yên Thái trước đây hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, muốn làm ăn nhưng không có nguồn vốn. Năm 2009, được sự tuyên truyền của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), Hội Nông dân và tổ tiết kiệm vay vốn thôn 3, bà đã tham gia tổ tiết kiệm vay vốn và được bình xét làm thủ tục vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH với số tiền là 10 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và trồng rừng.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên kinh tế dần khá lên. Năm 2013, gia đình đã thoát nghèo, trả hết nợ và xây được một căn nhà khang trang. Bà Ninh phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi đầu tư toàn bộ số tiền vay được vào trồng rừng, quế và chăn nuôi. Hiện nay, quế đã xanh tốt và tỉa cành để bán. Từ số tiền này và tiền thu từ chăn nuôi, gia đình tôi đã trả được hết vốn vay và làm ngôi nhà mới. Năm 2014, gia đình tôi vay 30 triệu đồng từ NHCSXH và đầu tư vào đào ao thả cá, chăn nuôi và trồng rừng". Có thể nói, từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo đã biết sử dụng hiệu quả trong đầu tư sản xuất giúp thoát nghèo bền vững và ngày càng phát triển kinh tế. Tương tự gia đình bà Ninh, bà Nguyễn Thị Thắm ở thôn 2 cũng được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH vào năm 2008. Gia đình bà đã đầu tư nuôi lợn nái và đến nay cuộc sống khấm khá hơn…
Bà Vũ Thị Hằng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2 cho biết: "Tổ của tôi có 58 hội viên, dư nợ gần 1,8 tỷ đồng. Các hộ dân đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và đạt hiệu quả cao như trồng rừng quế, nuôi trâu, thả cá, nuôi lợn… Kết quả trên cho thấy, chất lượng cuộc sống của các thành viên từng bước được nâng lên và nhiều hộ đã thoát nghèo".
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm hộ gia đình tại xã Yên Thái nhờ vốn tín dụng chính sách đã thoát nghèo bền vững. Năm 2014, xã Yên Thái được NHCSXH tỉnh lựa chọn thí điểm mô hình xã điểm về tín dụng chính sách. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn nhưng trên cơ sở phân tích thực trạng, đối chiếu với mục đích, yêu cầu… một loạt giải pháp đồng bộ được áp dụng nhằm chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng và nâng cao chất lượng tín dụng.
Mô hình xây dựng xã điểm về tín dụng chính sách là một chiến lược, giải pháp lâu dài của NHCSXH tỉnh nhằm nâng cao toàn diện chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Sau hơn một năm triển khai, mô hình này cho thấy đã có sự chuyển biến rõ rệt, 100% hộ vay vốn đều đúng đối tượng và các hộ vay đều nộp lãi đầy đủ hàng tháng, không có nợ quá hạn, không có lãi tồn và không có nợ xâm tiêu, vay ké vì công tác bình xét cho vay được giám sát chặt chẽ, đúng đối tượng.
Bà Nguyễn Thị Thắm, thôn 2, xã Yên Thái chăm sóc đàn lợn tại gia đình.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH tỉnh khẳng định: "Đầu năm 2014, chúng tôi đã triển khai mô hình điểm về tín dụng chính sách đến 9 xã của 9 huyện, thị, thành phố. Kết quả cho thấy, tại tất cả các xã thực hiện các mô hình điểm đều có sự chuyển biến rất tích cực về chất lượng tín dụng chính sách nói chung và từng tiêu chí nói riêng. Từ việc thay đổi nhận thức của hộ vay vốn tới việc sử dụng vốn vay, trả nợ gốc, nợ lãi, thu tiền tiết kiệm, lưu giữ biên lai sổ tiết kiệm vay vốn… đều được thực hiện nghiêm túc, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trước đây. Cấp ủy, chính quyền các xã cũng đã quan tâm chỉ đạo sát sao đối với các hoạt động tín dụng chính sách. Đặc biệt, dư nợ và cơ cấu lại dư nợ tại các xã đều có sự thay đổi phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và đặc thù phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Bản thân các đơn vị thực hiện mô hình điểm cũng đã nhận thức được việc thực hiện các tiêu chí đưa ra là điều kiện quyết định trong việc nâng cao hoạt động tín dụng chính sách và bảo đảm sự phát triển bền vững của NHCSXH, là tiền đề để triển khai thực hiện tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh".
Với những kết quả đạt được năm 2014, năm 2015, Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai xây dựng mô hình điểm tới 50% số xã, phường, thị trấn và mục tiêu đến năm 2016, 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đều có chất lượng tín dụng chính sách đạt chuẩn theo tiêu chí đề ra. Tính đến thời điểm này, người nghèo và các đối tượng chính sách của tỉnh đã tiếp cận với hơn 1.720 tỷ đồng vốn. Tin rằng, với sự giúp đỡ, chỉ đạo trực tiếp của NHCSXH tỉnh, huyện và sự vào cuộc thật sự của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, nguồn vốn chính sách chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Chế biến gỗ rừng trồng là nghề đang phát triển khá rầm rộ tại các huyện, thị trong tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, do sự chủ quan, thiếu kiến thức về an toàn lao động của các nhà xưởng và chính người lao động, nhất là khi chủ xưởng chưa có sự đầu tư về các phương tiện và điều kiện bảo hộ lao động cho những lao động đang làm việc tại xưởng của mình... vẫn đang là những nguy cơ tiềm ẩn, rình rập gây mất an toàn lao động...
YBĐT - Sở dĩ gọi việc thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010 là một cuộc "cách mạng" bởi thực hiện Nghị quyết này, một bộ phận không nhỏ đồng bào Mông huyện Trạm Tấu lần đầu tiên làm nhà vệ sinh, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, người chết không để lâu trong nhà...
YBĐT- Nhờ phát huy nội lực, chủ động huy động được các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo phương châm xã hội hóa mà chất lượng giáo dục - đào tạo của huyện Yên Bình ngày càng được nâng cao nhất là ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn.
YBĐT - Tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, định hướng chung trong phát triển kinh tế với sự hỗ trợ của "30a" là xây dựng các mô hình, chuỗi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, trang trại, từ đó nhân rộng và hướng tới xây dựng vùng chuyên canh theo quy hoạch. >> Bài 1: Khó khăn huyện nghèo