Kim Nọi chuyển mình
- Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2016 | 2:51:42 PM
YBĐT - Từ thị trấn huyện lỵ Mù Cang Chải, theo con đường bê tông chạy ngoằn ngoèo lên đỉnh núi với độ dốc trên 10 phần trăm, qua những cánh rừng thông, khoảng nửa giờ đi xe máy, chúng tôi đến với Kim Nọi, một xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải.
Cô và trò Trường Mầm non Kim Nọi trong giờ ra chơi.
|
Là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện, lại được Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải phân công phụ trách nên tình hình địa phương được anh Nguyễn Tiến Quân nắm khá chắc. Anh thông tin, Kim Nọi có diện tích tự nhiên 3.226 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 191 ha, đất lâm nghiệp 2.248 ha. Xã có 6 bản là La Phu Khơ, Kháo Giống, Dào Xa, Háng Chú, Háng Đăng Dê, Tà Chơ với 325 hộ, 1.773 khẩu, hầu hết là dân tộc Mông.
Như nhiều địa phương khác trên địa bàn, chỉ vài năm trước đây, do địa hình vùng cao, độ dốc lớn, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, lại thường xuyên xảy ra thiên tai; bên cạnh đó, trình độ dân trí không đồng đều nên dẫn đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ còn chậm. Trong bà con vẫn tồn tại một số tập tục lạc hậu; tệ nạn xã hội, buôn bán, tàng trữ ma túy, việc thả rông gia súc phá hại hoa màu vẫn còn. Trong đó, một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả cán bộ, đảng viên còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng... Tuy nhiên, nay đã có những đổi khác.
Đem theo thông tin đồng chí Phó chủ tịch HĐND huyện cung cấp, chúng tôi đến trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, được xây dựng bên sườn núi, một ngôi nhà 2 tầng khá khang trang. Sau trụ sở làm việc là trường tiểu học, trước là nhà cộng đồng thôn cũng được xây dựng kiên cố, tạo nên quần thể kiến trúc khá hiện đại nơi non cao. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức xã nhìn cơ bản sáng sủa, trang phục gọn gàng. Anh Quân cho biết, dù vùng cao nhưng có tới 60% cán bộ xã đã có trình độ đại học. Khá thú vị về thông tin này. Về tình hình địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Gia cho biết: “Kim Nọi có 6 bản, bản xa nhất cách trung tâm xã 5 km. Đảng bộ xã có 76 đảng viên, sinh hoạt tại 7 chi bộ”.
Trước hàng loạt khó khăn từ tự nhiên và xã hội, làm sao để phát triển kinh tế, đưa đời sống bà con đi lên? Trả lời câu hỏi của tôi, người đứng đầu Đảng bộ xã cho biết: “Phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong vận động nhân dân khắc phục khó khăn phát triển kinh tế, đồng thời tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Cụ thể, cùng điện lưới quốc gia, đường chính lên xã và vào xã Chế Tạo đã được bê tông. Thuận lợi nữa là đường từ bản Háng Chú đi bản Háng Đăng Dê - Tà Chơ dài 5,5 km, đường từ bản La Phu Khơ đi bản Tà Ghênh (xã Lao Chải) dài 0,5 km cũng được đầu tư xây dựng nên đến nay 6/6 bản trong xã đã đi được xe máy, có 3 bản đi được ô tô. Cùng với đó, hệ thống kênh mương thủy lợi gồm 2 công trình thủy lợi dài 6,6 km và 16 công trình thủy lợi nhỏ phục vụ tưới tiêu được đầu tư phục vụ sản xuất” - Bí thư Gia thông tin. Tôi nghĩ, có lẽ đây là “cú huých” để Kim Nọi chuyển mình!
Khai thác triệt để kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ về vốn, cây con giống, đào tạo nghề… dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Kim Nọi đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Cùng lãnh đạo xã vào thăm bản La Phu Khơ. Trên con đường bê tông, qua trường mầm non, thấy cô và trò đang vui vẻ nô đùa bên cầu trượt.
Dọc tuyến đường 5 km vào thôn, lúa xuân, ngô xuân hè đã lên xanh thắm, thấp thoáng bóng dáng những cô gái Mông đang làm cỏ. Vui hơn, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp đôi vợ chồng người Mông đèo nhau bằng xe máy xuống phố huyện đi chợ, vừa đi vừa nói cười vui vẻ! Bản Mông nằm trong thung lũng bên sườn núi với những ngôi nhà lợp phi-brô-xi-măng, điện lưới quốc gia kéo về tận trung tâm. Đồng chí Bí thư Đảng ủy vui vẻ thông tin: “Trước đây, người Mông chỉ cấy một vụ lúa nên đói quanh năm, nay đã cấy hai vụ, lương thực đã bảo đảm. Dù thời tiết đầu năm không thuận lợi nhưng do chủ động trong tuân thủ lịch gieo cấy và chăm sóc chắc vụ này sẽ giành thắng lợi!”.
Vui với sự đổi thay trong nhận thức của người dân vùng cao, điều này được minh chứng qua số liệu cụ thể. Năm 2011, diện tích lúa xuân của xã là 14 ha. Qua vận động bà con, diện tích này đã tăng lên 70 ha vào năm 2016, sản lượng từ 56 tấn tăng lên 362 tấn. Đối với sản xuất vụ mùa, từ 85 ha năm 2011, đã tăng lên 191 ha năm 2016, năng suất đạt 42 tạ/ha, sản lượng đạt 476 tấn.
Cùng cây lúa, cây ngô được phát triển mạnh, đặc biệt là ngô xuân - hè với 205 ha, sản lượng 837 tấn; ngô thu - đông 30 ha, năng suất 38 tạ/ha, sản lượng 114 tấn. Tăng mạnh về diện tích, tổng sản lượng lương thực năm 2015 của Kim Nọi đạt 1.790 tấn; trong đó, ngô 950 tấn, đưa bình quân lương thực đầu người trong xã đạt 500 kg, tăng 120 kg so với năm 2011. Đây quả là con số khá ấn tượng!
Qua câu chuyện với lãnh đạo xã được biết thêm, cùng cây lương thực, nhân dân còn gieo trồng 25 ha cây có bột, gần 9 ha mía, ý dĩ, cây ăn quả các loại. Phát huy thế mạnh kinh tế rừng, cùng bảo vệ tốt diện tích rừng giao khoán bảo vệ, các hộ dân còn trồng và chăm sóc 20 ha sơn tra, sản lượng từ 30 - 35 tấn/năm; trên 20 ha thảo quả, sản lượng từ 10 - 15 tấn/năm. Với sự hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình, dự án, đến nay, toàn xã có đàn gia súc 1.413 con. Bà con còn nuôi trên 347 tổ ong mật, sản lượng trên 1.400 lít/năm, tạo thêm nguồn thu nhập.
Điều phấn khởi hơn, dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Kim Nọi đã xuất hiện những triệu phú trong phát triển kinh tế như gia đình ông Giàng Lủ Lử ở bản Dào Xa, Giàng A Chỉnh ở bản Háng Chú khi trong tay có hàng chục héc-ta rừng, trồng thảo quả, chăn nuôi, trồng táo… có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đây chính là những mô hình để bà con học tập làm theo!
Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của bà con cũng có đổi thay. Điều này được thể hiện xã đã đạt và giữ vững phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS, sức khỏe người dân vùng cao cũng được chăm sóc tốt hơn khi ốm đau đã được đến các cơ sở y tế chữa bệnh với 100% hộ được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng.
Điện lưới quốc gia về các bản của xã Kim Nọi.
Hiện, 5/6 bản có nhà văn hóa cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức với nhiều môn thể thao dân tộc đã thu hút sự tham gia của bà con, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Qua bình xét hàng năm, có trên 50% hộ gia đình tại Kim Nọi đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; có 2 bản là Háng Chú và La Phu Khơ đạt bản văn hóa. “Những điều này trước đây có mơ chúng tôi cũng không thấy!” - Bí thư Gia tâm sự.
Kết quả đạt được là rất đáng phấn khởi, tuy nhiên, do còn rất nhiều khó khăn, nhất là khi tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Kim Nọi vẫn còn trên 75%. Để vùng cao tiếp tục đổi thay là vấn đề cấp thiết đặt ra! Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Gia đưa ra những mục tiêu cụ thể: “Xã phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người từ 14 - 16 triệu đồng/năm; mỗi năm giảm từ 6 - 7% hộ nghèo đa chiều; 60% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; giữ vững thành tích trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và giáo dục…”.
Mục tiêu này đối với các xã vùng thấp quả là rất bình thường, thậm chí là rất thấp nhưng đối với vùng cao lại là cả một quá trình phấn đấu. Lên Kim Nọi tưởng xa nhưng nhìn xuống thấy phố huyện Mù Cang Chải ngay dưới chân với nhà xây dân cư đông đúc. Rời Kim Nọi khi nắng lấp lánh trên những ruộng lúa, nương ngô xanh biếc.
Dẫu biết rằng, để vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu đó cần quyết tâm lớn, những giải pháp từ lãnh đạo xã trao đổi trước khi chia tay như việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp đến là việc tập trung chỉ đạo nhân dân tăng diện tích vụ đông xuân lên từ 80 đến 85 ha; khai hoang 6 - 8 ha ruộng một vụ; gieo trồng 10 - 15 ha ngô dưới chân ruộng 1 vụ. Quản lý, bảo vệ 2.248 ha rừng, tiến hành trồng xen cây sơn tra dưới tán rừng nơi có điều kiện phù hợp.
Đồng thời, phát triển chăn nuôi, phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, khuyến khích nhân dân phát triển các trang trại vừa và nhỏ chăn nuôi lợn thương phẩm, gà đồi để tăng thu nhập, phát triển mô hình nuôi ong lấy mật... Tất cả, tất cả những điều đó là niềm tin, Kim Nọi tiếp tục đổi thay. Cuộc sống no ấm sẽ về với người dân nơi đây!
Đình Tứ
Các tin khác
YBĐT - "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Trong cuộc đời này vẫn luôn có những tấm lòng không "để gió cuốn đi" mà ở lại những nơi cần nó cho hoa trái thương yêu lan tỏa giữa cuộc đời.
YBĐT - Chỉ một lần thôi đã đủ để người đến đây cảm nhận muôn bề khó khăn, thiếu thốn, mới thấy được sự hy sinh, lòng yêu nghề, mến trẻ của những người gánh vác trên vai trọng trách nặng nề nhưng rất đỗi vinh quang của nghiệp “trồng người” ở bản Háng Tày - nơi xa xôi nhất huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Rau - món ăn không thể thiếu trong bữa ăn mỗi gia đình. Nhưng hiện nay, rau đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi thị trường rau đang “nhập nhằng” giữa rau sạch và rau không sạch.
YBĐT -“Thời buổi này, người ta quan niệm muốn làm ăn buôn bán thì cứ phải ở mặt đường, chả mấy ai nghĩ đến chuyện bỏ đường lên núi như vợ chồng Păn – Anh bao giờ. Ấy thế mà họ đang thành công đấy, nhiều ý tưởng táo bạo và sáng tạo lắm” – anh Vũ Đăng Quỳnh – Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu nói.