Vị thế sơn tra Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ hai, 23/1/2017 | 1:58:39 PM
YBĐT - Băng qua lớp sương mù dày đặc như quấn lấy đèo Khau Phạ, tôi vào Nậm Khắt, nơi được ví là “thủ phủ” của sơn tra. Người ta bảo rằng, ở Nậm Khắt có 5 cái nhất thì phải kể đến nhiều sơn tra nhất.
Mùa sơn tra ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.
(Ảnh: Đức Hồng)
|
Hiện, những người già trong các bản cũng không ai biết sơn tra có tự bao giờ. Nhưng chỉ biết rằng, cây sơn tra già nhất cũng có hơn 300 năm tuổi. Trước khi vào UBND xã Nậm Khắt, tôi có ghé qua nhà già làng Thào Bủa Sử ở bản Hua Khắt. Già Sử bảo mình cũng không biết sơn tra có từ bao giờ nhưng nghe các cụ có kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có một đôi vợ chồng trẻ yêu nhau tha thiết. Họ dắt nhau đi hết nơi này đến nơi khác tìm kế sinh nhai nhưng đi mãi, đi mãi mà không tìm thấy cái gì, rồi họ ngủ thiếp đi trong khu rừng Nậm Khắt.
Trời thương cảm tình yêu của đôi trai gái người Mông nọ nên đã bí mật ban cho quả sơn tra - táo mèo. Từ gốc sơn tra tự nhiên ấy, trải qua bao đời đã thành những rừng táo trên khắp những bản người Mông. Cũng theo già Sử, giờ cũng không biết Nậm Khắt có bao nhiêu gốc sơn tra nhưng chỉ biết rằng ở đâu có người Mông mình sinh sống thì ở đấy có sơn tra. Xã vùng cao Nậm Khắt có 931 nóc nhà với 5.022 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống.
Những năm qua, nhờ thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt - Thào A Sinh bảo rằng, Nậm Khắt còn nhiều cái lo lắm, lo cho cái bụng được ấm, cái đầu có thêm con chữ, bệnh tật đừng đến nhà. Trên cả những lo lắng đó là sự trông đợi vào những gốc sơn tra. Điều Bí thư Thào A Sinh nói có lý lắm chứ! Hiện toàn xã có hơn 666,2 ha sơn tra, trong đó diện tích cho thu hoạch là 200 ha, tính riêng năm 2016 toàn xã thu về trên 4,5 tỷ đồng.
Bản Páo Khắt, cách trung tâm xã Nậm Khắt chừng 20 phút đi bộ. Trưởng bản Giàng A Khua phóng xe ngược dốc đưa tôi lên đỉnh Tà Sua - nơi bà con trồng sơn tra. Sơn tra ở đây bạt ngàn trải dài hàng cây số, cứ tháng Hai, tháng Ba, sơn tra nở trắng rừng. Rồi đến tháng 9, tháng 10 lúc lỉu quả thơm lừng. Trưởng bản A Khua cho biết: “Bản mình có 98 hộ với 456 khẩu. Ở đây, nhà nào cũng có sơn tra, trung bình mỗi hộ có 100 gốc. Trước đây, chủ yếu sơn tra mọc tự nhiên. Những năm gần đây, bà con tích cực trồng sơn tra, diện tích trồng do Nhà nước hỗ trợ được 13,3 ha, còn lại người dân tự trồng thì không tính hết được”.
Trước kia, sơn tra thu từ tháng 7 quả còn non, nay sơn tra chín dân bản mới thu hái vì giá trị kinh tế cao hơn. Nhà ông Lảo Gà Cha có 2 ha sơn tra trồng trên đỉnh Tà Sua vụ vừa rồi thu gần 100 triệu đồng. Ông Lảo Gà Cha cho biết: "Nhờ sơn tra mà nhiều hộ trong bản, trong xã vơi được đói, bớt được nghèo”. Tôi hỏi Trưởng bản Giàng A Khua trong bản có nhiều hộ nhiều sơn tra như nhà Lảo Gà Cha không, A Khua bảo rằng, nhiều lắm, chưa thống kê được như nhà Giàng A Sang, Lảo A Sang, Giàng Thảo Chư đều cho thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên.
Rời Nậm Khắt, tôi lên La Pán Tẩn. Trên đường vào xã, tôi gặp Mùa Thị Xú xuống chợ mua sắm. Chị cho biết: “Những năm trước, thời điểm này, gia đình phải đi lo ăn từng bữa. Nhưng năm nay thì vui lắm, tôi và nhiều hộ dân trong bản đã có nguồn thu từ táo nên hộ nào cũng có gạo để ăn và có tiền sắm tết”.
Hiện La Pán Tẩn có hơn 100 ha cây sơn tra. Trước đây, người dân có quan niệm sơn tra là “của núi, của rừng”, ai thấy trước thì lấy được. Vì không phải của ai nên quả sơn tra được hái vô tội vạ, ai thích hái ở đâu thì hái và hái vào thời điểm nào tùy thích. Mà cách hái của họ cũng rất lãng phí hoặc là họ trèo lên cây rung cho quả rụng xuống, thậm chí họ lấy sào tre để đập táo rụng xuống trong khi đó địa hình đồi núi dốc nên nhiều quả rơi xuống vực không nhặt được. Mạnh ai người ấy hái nên sơn tra đã không được thu hoạch đúng thời vụ, vì vậy không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2012, xã La Pán Tẩn đã khảo sát diện tích táo trên địa bàn, sau đó, họp dân, bàn giải pháp chia đều cho các hộ dân trong xã quản lý, bảo vệ. Với quy ước nếu ai thu hoạch không đúng thời vụ sẽ bị xử phạt và cứ thấy hái táo non là quy vào tội đi ăn trộm. Lúc đầu thì người dân phản đối lắm, vì nhiều nhà ở gần khu rừng nhiều táo lại muốn lấy nhiều. Nhưng sau khi được vận động, giải thích thì vấn đề này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Đấy chỉ là tính riêng Nậm Khắt, La Pán Tẩn còn nếu tính các bản người Mông ở Mù Cang Chải thì có khoảng trên 1.325 ha sơn tra cho thu hoạch với sản lượng hơn 1.800 tấn, cộng cả táo của vùng người Mông Trạm Tấu nữa ước gần 3.000 tấn. Với giá bán trung bình 15.000 - 20.000 đồng/kg thì mỗi năm sơn tra đem về cho bà con vài chục tỷ đồng, nếu đổi ra thóc thì cũng vài chục nghìn tấn. Quả thật, sơn tra không chỉ có công dụng là vị thuốc trong y học cổ truyền mà còn là bài thuốc đặc trị căn bệnh đói kinh niên cho nhiều hộ gia đình vùng cao.
Tết này, gia đình Hảng A Cớ ở bản Chống Tông, xã La Pán Tẩn đón cái tết chung với đồng bào Kinh sẽ vui hơn vì được một vụ lúa bội thu và vụ sơn tra thắng lớn. Hảng A Cớ cho biết: “Mấy năm nay, táo mèo được giá nên bà con rất mừng. Vụ táo vừa rồi, gia đình tôi thu nhập khoảng trên 20 triệu đồng. Không những có tiền mua gạo để ăn lúc giáp hạt mà còn mua sắm được quần áo, sách vở cho các con đi học”.
Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà sơn tra còn có tác dụng phòng hộ. Lại nhớ, trận rét lịch sử cuối tháng 1/2016, khi tôi cùng cán bộ kiểm lâm huyện Mù Cang Chải leo lên các cánh rừng ở các xã Mồ Dề, Lao Chải, cây rừng chết rạc còn các rừng sơn tra vẫn cứ xanh ngằn ngặt.
Anh cán bộ kiểm lâm huyện Mù Cang Chải bảo rằng: “Chỉ có trồng sơn tra là tốt nhất vì chịu được lạnh, chịu được khí hậu nóng như chảo lửa giữa mùa khô mà lại cho giá trị kinh tế cao”. Nhận thấy giá trị to lớn của cây sơn tra, nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đã chú trọng phát triển loại cây này.
Ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng Đề án Phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải trong giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu trồng mới 6.200 ha sơn tra để đến năm 2020, diện tích cây sơn tra toàn tỉnh đạt 10.000 ha, sản lượng đạt 7.500 tấn. Đặc biệt, để xây dựng sản phẩm sơn tra Mù Cang Chải trở thành một thương hiệu có uy tín, huyện Mù Cang Chải đã đứng ra đăng ký nhãn hiệu sơn tra Mù Cang Chải. Sau nhiều nỗ lực, tháng 10/2016, sơn tra Mù Cang Chải đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” với tên gọi “Sơn tra Mù Cang Chải” do UBND huyện Mù Cang Chải là chủ sở hữu nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng Quy chế Quản lý và Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, trong đó quy định cụ thể tổ chức, cá nhân và điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu, trách nhiệm của người sử dụng nhãn hiệu, phí sử dụng. Cũng vừa mới đây thôi, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại MCC đã bỏ ra 1.250 tỷ đồng để xây dựng Tổ hợp Kinh tế Miền núi Yên Bái. Dự án được xây dựng tại xã Nậm Khắt trên diện tích 150 ha, bao gồm: Nhà máy Sản xuất trà sơn tra, trà xanh; Nhà máy Sản xuất than sinh học; Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Dự kiến, tháng 7/2017, Nhà máy Sản xuất trà sơn tra, trà xanh công suất 700 tấn/năm đi vào hoạt động.
Khi Dự án đi vào hoạt động, các sản phẩm từ cây sơn tra sẽ được chế biến đa dạng, nâng cao giá trị hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Tất cả những thứ ấy đã nâng tầm sơn tra lên vị thế mới. Và tôi hiểu rằng, chỉ trong nay mai thôi, các bản làng của các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu sẽ có cuộc sống ấm no hơn nhờ sơn tra.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Có một Trường Sa hiện hữu nơi non cao Nà Hẩu - xã vùng sâu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống thuộc huyện Văn Yên. Đó là công trình của tuổi trẻ Báo Yên Bái tặng xã phụ trách đầu năm học 2014- 2015. Đó cũng là ý tưởng đẹp và nhân văn của những người làm Báo Yên Bái trong những ngày biển Đông “dậy sóng”.
YBĐT - Về Kiên Thành (Trấn Yên) dịp này, tôi ngỡ ngàng bởi vùng quê miền núi đổi thay nhanh quá, làng trên, bản dưới đã có rất nhiều nhà xây to, đường làng có nhiều xe máy đẹp, xuất hiện cả những chiếc xe hơi đời mới bóng loáng.
YBĐT - Cứ đến những ngày giáp tết, tôi lại bồi hồi đem lá cờ Tổ quốc ra treo ở nơi trang trọng nhất, trước cửa nhà mình. Khi tôi vắng nhà thì người thân trong gia đình làm thay tôi việc ấy.
YBĐT - Ngày 25 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Đã hơn 6 năm trôi qua nhưng nhận thức của xã hội về nghề công tác xã hội (CTXH) vẫn còn rất hạn chế. Để tìm hiểu rõ cũng như có cách nhìn đúng đắn về nghề CTXH, chúng tôi đã có mặt trong hành trình đi đến các xã thực hiện nhiệm vụ cùng các cán bộ Phòng CTXH (Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh) - những người trực tiếp làm nghề CTXH.