Thầm lặng những bước chân
- Cập nhật: Thứ tư, 7/12/2016 | 7:56:24 AM
YBĐT - Ngày 25 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Đã hơn 6 năm trôi qua nhưng nhận thức của xã hội về nghề công tác xã hội (CTXH) vẫn còn rất hạn chế. Để tìm hiểu rõ cũng như có cách nhìn đúng đắn về nghề CTXH, chúng tôi đã có mặt trong hành trình đi đến các xã thực hiện nhiệm vụ cùng các cán bộ Phòng CTXH (Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh) - những người trực tiếp làm nghề CTXH.
Các cán bộ làm công tác xã hội đến với bà con vùng cao.
|
Nghề của lòng nhân ái
Vào một buổi chiều cuối thu, trời se se lạnh, sau hơn 15 phút đi bộ trên con đường đèo dốc quanh co, trước mặt chúng tôi hiện ra căn nhà tranh vách nứa nằm đơn độc ở lưng đèo. Tôi có cảm giác như chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua cũng có thể khiến căn nhà chao đảo. Đó cũng là nơi che nắng che mưa của hai mẹ con chị Lò Thị Nườn ở bản Cại, xã Hạnh Sơn (Văn Chấn). Trong căn nhà tối om, không có lấy một vật dụng đáng giá. Chủ nhân là một phụ nữ gầy gò ôm đứa con nhỏ đang ngồi ở cuối giường, ánh mắt nhìn vào khoảng không vô tận. Đoàn cán bộ CTXH mỉm cười chào chị và bắt đầu công việc, trước tiên là trò chuyện để tìm hiểu đối tượng. Bằng giọng tiếng Kinh lơ lớ, chị tâm sự về cuộc đời mình.
Chồng chị là Lò Văn Tươi, bị nhiễm HIV/AIDS và đã mất. Căn bệnh đó cũng đã truyền sang chị và cậu con trai duy nhất là Lò Văn Hạnh. Đến nay, bệnh của chị đã chuyển sang giai đoạn AIDS nên sức khỏe rất yếu, không có khả năng lao động. Khuôn mặt chị hiện rõ sự lo lắng, chị Nườn vừa nói vừa khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen, hốc hác: “Tôi sợ lắm chị à! Không phải sợ chết mà tôi sợ sau khi tôi chết con trai tôi sẽ sống với ai và cuộc sống sau này của cháu sẽ ra sao khi mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Liệu người đời có hắt hủi, xa lánh cháu nó không”.
Mọi người cùng an ủi, động viên chị cố giữ gìn sức khỏe, uống thuốc đều đặn. Hỏi về các chế độ trợ cấp, được biết 2 mẹ con chị vẫn chưa được hưởng chế độ cho trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và người nhiễm HIV không còn khả năng lao động. Các nhân viên CTXH đã tư vấn cho chị về các điều kiện thủ tục được hưởng và đề nghị cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội của xã cùng đi trợ đỡ để mẹ con chị Nườn hoàn thiện hồ sơ để được hưởng trợ cấp trong thời gian sớm nhất. Tuy số tiền trợ cấp không nhiều nhưng cũng rất quý giá với mẹ con chị, đó là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp chị có động lực vượt lên khó khăn.
Khác với từ thiện là trao tặng vật chất, CTXH làm việc với phương châm tìm hiểu nguyện vọng của đối tượng, xác định vấn đề họ đang gặp phải để tìm ra hướng giải quyết, đó có thể là trợ giúp thụ hưởng chính sách xã hội, đó cũng có thể là kết nối với các tổ chức từ thiện để đối tượng được trợ giúp vật chất, giảm bớt khó khăn như trường hợp của 2 anh em Đặng Văn Dũng và Đặng Thị Trà có bố là Đặng Văn Lập và mẹ là Lý Thị Khởi ở thôn Ngọn Ngòi, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình.
Khi chúng tôi đến, anh Lập và vợ đang trông 4 đứa nhỏ bên căn nhà sàn tạm bợ, mái lá dột nát chẳng đủ che chắn gió mưa. Do mấy đứa nhỏ tuổi sàn sàn như nhau nên chị Khởi nghỉ hẳn việc ruộng nương để ở nhà trông các con, một mình anh Lập cáng đáng lo kinh tế nhưng công việc không được ổn định. Trung bình anh thu nhập được 100.000 đồng/ngày mà buổi đực, buổi cái nên gia đình anh thường xuyên bị thiếu đói.
Cháu Đặng Thị Trà là con thứ ba, mới 2 tuổi nhưng bị đục thủy tinh thể. Do nhà nghèo quá, không có điều kiện để chữa trị nên Trà đã không nhìn thấy gì hơn một năm nay. Còn con trai cả Đặng Văn Dũng đang học lớp 4, hàng ngày đều phải dậy sớm để đi bộ đến trường. Quãng đường đi học hơn 4 cây số mà em phải đi bộ ngày 4 lượt để về ăn cơm trưa. Trung bình một ngày, Dũng đi bộ 16 cây số. Cả gia đình anh Lập chỉ mong ước cháu Trà được khám chữa bệnh và cháu Dũng có một chiếc xe đạp để đi học đỡ vất vả.
Xác định được nhu cầu, nguyện vọng của gia đình, các cán bộ CTXH tiến hành đánh giá, xác định nguồn lực của đối tượng cả bên trong và bên ngoài. Từ đó, xây dựng phương án, kế hoạch trợ giúp. Các cán bộ CTXH đã kết nối với đồng chí Lê Hoàng Anh - Phó trưởng Phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời cũng là Trưởng nhóm thiện nguyện Kết nối trẻ.
Từ đó, Hoàng Anh đã vận động và kết nối để cháu Trà được mổ mắt miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái và bản thân cháu cũng được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng; cháu Dũng được một nhà hảo tâm tặng cho 1 chiếc xe đạp mới làm phương tiện đến trường. Đã nửa năm trôi qua, cuộc sống của 2 anh em Dũng và Trà đã có những thay đổi đáng kể. Dũng không còn phải dậy từ rất sớm để đi bộ đến trường mà với chiếc xe đạp mới, con đường đến trường đã như gần lại, việc học từ đó cũng có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, cháu Trà trải qua ca phẫu thuật thành công, đến nay mắt đã có thể nhìn thấy bình thường. Cộng với số tiền hỗ trợ hàng tháng nên cuộc sống của gia đình cũng phần nào giảm bớt khó khăn.
Cháu Đặng Văn Dũng bên chiếc xe đạp mới.
Nhân lực thiếu và yếu
Có thể thấy đã có một sự thay đổi kỳ diệu, tích cực nhờ có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Vai trò của nhân viên CTXH đã được khẳng định, họ chính là cầu nối quan trọng để hỗ trợ, kết nối những hoàn cảnh khó khăn với các tổ chức, các nguồn lực trong xã hội, giúp những đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Mang nhiều lợi ích cho cộng đồng nhưng hiện nay, CTXH đang đối mặt với khó khăn thiếu hụt nhân lực trầm trọng.
Theo số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, hiện Yên Bái có trên 21.000 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó có 386 trẻ em, 10.322 người cao tuổi, 7.500 người khuyết tật và trên 3.000 đối tượng khác.
Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có duy nhất 1 cơ sở bảo trợ xã hội là Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 100 đối tượng (gồm trẻ em, người già cô đơn và người khuyết tật). Như vậy, số đối tượng bảo trợ xã hội đang sống tại cộng đồng, xã hội là rất lớn và điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cán bộ làm CTXH ở cơ sở. Tuy vậy, trên thực tế, đội ngũ cán bộ tham gia làm nghề công tác xã hội còn rất mỏng, thiếu chuyên nghiệp, phần lớn đều đang kiêm nhiệm chức danh khác ở địa phương, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm.
Chị Phạm Thị Làn - Trưởng phòng Công tác xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh thừa nhận: “Hiện nay, toàn tỉnh có 4 cán bộ CTXH trực tiếp và 180 nhân viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn. 180 người này không được đào tạo bài bản về chuyên ngành CTXH mà chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm: cán bộ phòng lao động – thương binh và xã hội, cán bộ ở các tổ chức đoàn thể như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, cán bộ phường, xã. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Hơn nữa, ngoài 180 người này thì hiện chưa có địa phương nào xây dựng được mạng lưới cộng tác viên từ xã đến thôn, bản. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững”.
Thực tế, nhận thức của xã hội về nghề CTXH tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa sâu rộng, dẫn đến sự phối hợp thực hiện, đầu tư nguồn lực để phát triển nghề giữa các cấp, ngành còn hạn chế. Mặc dù đã có tổng đài tư vấn miễn phí 18001776 cho người yếu thế nhưng người dân còn e dè, thiếu chủ động tiếp cận dịch vụ. Trong khi số người cần sự trợ giúp lên đến hàng vạn người thì số lượng các cán bộ CTXH trực tiếp chỉ có 184 người bao gồm cả chuyên và không chuyên. Điều đó cho thấy vấn đề về nguồn nhân lực làm nghề CTXH đang thiếu hụt trầm trọng đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
Công tác xã hội là một nghề “đặc biệt”, sứ mạng của những người làm CTXH là xóa bỏ rào cản bất công, mang lại hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh và phát triển bền vững. Do đó, người làm CTXH phải có phẩm chất và nghiệp vụ “đặc biệt” đó là cái tâm, sự đồng cảm sâu sắc nếu không sẽ rất khó hoàn thành tốt công việc. Từ thực tế trên đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự phát triển nghề CTXH, trong đó một yếu tố quan trọng là nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội đối với nghề CTXH. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và mạng lưới cộng tác viên CTXH đạt đủ yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Hoài Anh
Các tin khác
YBĐT - Trước sự chứng kiến của các đại biểu, cán bộ Ban Giám thị, Hội đồng Giáo dục, các quản giáo và các bạn phạm nhân khác, 58 phạm nhân đã vui mừng, xúc động nhận tờ quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn của Chủ tịch nước.
YBĐT - Đến Trấn Yên, hỏi mô hình thanh niên liên kết giúp nhau phát triển kinh tế tốt nhất của huyện hiện nay? Câu trả lời là, Hội Liên kết chăn nuôi, kinh doanh gà đồi Yên Bái! Hội có gần trăm hội viên là những thanh niên trong toàn tỉnh có cùng sở thích, tâm huyết kinh doanh, chăn nuôi gà đồi, do Hoàng Huy Tuấn, sinh năm 1987 ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc làm Hội trưởng.
YBĐT - “Mùa xuân ai đi hái hoa mà em đi nuôi dạy trẻ…”- cô giáo Thanh Hoa cất giọng hát nhè nhẹ rồi quay ra nói với tôi: “Hay không anh, đẹp nữa chứ? Lời ca hay và đẹp nhưng giáo viên mầm non chúng em thiệt thòi và tủi thân lắm!”.
YBĐT - Ba Khe- ngã ba đường mang tên ấy bởi đây là đất của thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) - một xã nổi tiếng thời chống Pháp với đội du kích Cát Thịnh, đây cũng có đỉnh núi Hồng - nơi dân quân dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ năm nào