Không chỉ cho riêng mình
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/3/2017 | 2:05:18 PM
YBĐT - Đó là những gì tôi hiểu về ông Trần Khánh Toàn ở thôn 15 Đồng Ghềnh, xã Báo Đáp (Trấn Yên). Những gì ông làm, không chỉ vì bản thân mà còn là giúp đỡ những người láng giềng của mình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nhiệt độ nhà lạnh luôn được ông Trần Khánh Toàn duy trì ở mức 18oC.
|
Nắng lên, những giọt mưa còn đọng lại trên cây dâu, cây lúa xanh mượt như những hạt ngọc lấp lánh hòa cùng màu vàng của nắng tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tháng Ba là thời điểm khởi đầu cho những vòng tằm đầu tiên, là tháng bận rộn với những người nuôi tằm nên không khí “làng tằm” cũng nhộn nhịp hẳn. Con đường bê tông trải dài từ cổng làng văn hóa Đồng Gianh vào Đồng Ghềnh thẳng tắp, ríu rít tiếng cười nói của những người dân tranh thủ nắng lên đi hái thêm nhiều lá dâu dự trữ thức ăn cho tằm.
Dừng xe bên đường, tôi hỏi đường vào nhà ông Toàn thì được biết ông đang tuốt kén ở nhà anh Vịnh. Vì chỉ mới trao đổi với nhau qua điện thoại, nên tôi chưa biết mặt ông Toàn nhưng vừa tới nơi, tôi đã nhận ra ngay người đàn ông này bởi dáng vẻ giản dị, chất phác. Ông Toàn đầu đội mũ cối, quần xắn móng lợn, trên người vẫn còn mặc cái áo mưa bằng túi nilon trắng đang cân kén. Ông nheo nheo mắt nhìn vào cái kim bàn cân, tôi nói lớn: “Gần 24 cân chú ạ. Ái chà, kén một vòng tằm đây hả chú?
Sao cháu gọi điện chú không nghe máy”. Mọi người quay lại nhìn. Vừa thấy tôi, ông Toàn cười lớn:
- Nhà báo phải không? Sao biết chú ở đây mà vào?
- Cháu hỏi người dân đường vào nhà chú, họ chỉ cháu sang đây. Mà chú nổi tiếng quá, "hành tung" ở đâu mọi người cũng biết - tôi nói đùa.
- Em không biết đó thôi chứ, anh Toàn ở đây nổi tiếng lắm! Ai mà chả biết! Gần 100 hộ dân ở đây có thêm công việc là nhờ cả vào vợ chồng anh chị Toàn Lưu đấy. Nhà anh đây này, nhờ anh chị ấy cung ứng cho tằm giống, thuốc men mà giờ đang nuôi 2 vòng rưỡi tằm đấy. Bình thường một vòng tằm cho từ 18 - 20 cân kén nhưng nhà anh lúc nào cũng được 22 - 25 kg như em thấy đấy. Anh Vịnh góp chuyện.
- Chú đừng nói quá lên thế. Anh chị có làm được gì đâu - Ông Toàn hơi nghiêm giọng. Thôi, về nhà chú đã. Vừa nói ông vừa chất những kén tằm trắng nõn xếp gọn gàng trong những chiếc khay chuyên dụng lên xe về nhà.
Tiếng xe wave alpha đời đầu kêu phành phạch về gần đến cổng, bà Lê Thị Lưu (vợ ông Toàn) nhanh chóng chạy ra, giữ xe cho chồng để ông tháo dây co rồi nhè nhẹ bê những khay kén đưa vào nhà lạnh bảo quản.
Ông Toàn khoe: “Cái nhà lạnh này do Công ty Dâu tằm tơ Mộc Châu xây dựng vừa mới đây thôi. Ở Yên Bái chắc chưa có cái thứ hai đâu. Có cái này, kén được bảo quản, không bị hỏng nên bất cứ lúc nào bà con thu hoạch kén đều có đầu ra luôn tại chỗ. Vợ chồng chú ký hợp đồng sẽ cung cấp từ 2 - 3 tấn kén chất lượng cho Công ty. Khi nào đủ, gọi điện họ sẽ đánh xe đến lấy”.
Tôi tính nhẩm, 2 - 3 tấn kén tức là 100 - 150 vòng tằm, đây quả thực là con số không nhỏ với quy mô nuôi tằm của người dân. Hiện nay, trung bình một người dân Đồng Ghềnh nuôi khoảng 1 - 3 vòng tằm. Như vậy, điều quan trọng nhất, khó khăn, trăn trở nhất đối với người nông dân là đầu ra của sản phẩm đã được giải quyết rồi. Nhanh thoăn thoắt, gần 100 cân kén đã được ông Toàn xếp gọn gàng trong nhà lạnh.
Xong xuôi, ông mời tôi vào nhà, nhấp ngụm nước chè đã được bà Lưu pha sẵn, lau nhẹ những giọt mồ hôi đang lăn dài trên trán, ông kể: khoảng hơn chục năm trước, cả thôn Đồng Ghềnh chỉ có vài chục hộ dân, đời sống còn nhiều khó khăn. Người dân Đồng Ghềnh quanh năm chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn.
Nông nghiệp ngày ấy chỉ là trồng vài sào lúa, ruộng ngô, chăn vài con lợn, con gà, tất cả chỉ là manh mún, nhỏ lẻ, lợi nhuận không cao. May mắn thay, thiên nhiên ưu ái, Báo Đáp nói chung và Đồng Ghềnh nói riêng có đồng đất phù sa màu mỡ, nước chảy quanh năm, rất thích hợp để phát triển nông nghiệp. Cũng như mọi người, ông Toàn lúc ấy chọn chăn nuôi lợn, gà kết hợp với trồng lúa làm hướng phát triển kinh tế của gia đình.
Từ 3 - 4 con lợn, 15 con gà, vợ chồng ông chắt chiu chăm sóc, vừa nuôi, vừa nhân giống, vừa gom góp tiền để đầu tư mở rộng. Lúc đỉnh điểm, số lợn trong chuồng lên đến gần 100 con và vài trăm con gà. Nhiều lần tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức, ông bà Toàn Lưu được tham quan nhiều mô hình trồng trọt chăn nuôi của các xã khác, trong đó, có trồng dâu nuôi tằm. Nhận thấy số lượng các hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện khá nhiều và đây được coi là một nghề chính, nên vợ chồng ông bàn tính chuyển sang đầu tư xây dựng nhà tằm, nuôi tằm từ khi còn trong trứng đến khi tằm tuổi ba để bán cho người dân.
Quả là một ý tưởng táo bạo khi phá bỏ thành quả của cả chục năm gây dựng để rẽ sang một hướng đi mới hoàn toàn khác. Tôi thắc mắc: “Sao chú không vừa chăn nuôi lợn, gà vừa nuôi tằm mà lại bỏ thì phí quá”.
Ông cười hóm hỉnh: “Tằm nó ưa sạch, mình mà tham làm cả hai thì tằm chết, lợn cũng chết. Nhà neo người mà, có phân thân ra cũng chả chăm nổi cùng lúc hai thượng đế ý”.
Với quyết tâm của mình, ông bà Toàn Lưu chủ động học hỏi kiến thức từ sách, báo, Internet kết hợp với tham dự các lớp tập huấn về trồng dâu nuôi tằm do xã và huyện tổ chức, không có một buổi tập huấn nào mà ông bà bỏ lỡ. Đồng thời, tích cực học hỏi các kiến thức từ những người đi trước bằng cách tham quan, học hỏi các mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2013, ông bà đã bán hết số lợn, gà rồi hùn vốn vào xây nhà tằm, mua trứng, dụng cụ…; đồng thời, chuyển đổi 6 sào lúa sang trồng dâu tằm.
Với gần 50 triệu đồng từ tiền bán lợn, gà, ông đầu tư xây dựng nhà tằm rộng hơn 100 m2, mua máy rửa nong, máy thái lá, xây dựng 4 dãy đũi bằng sắt, mỗi dãy chứa được 50 nong tằm. Ban đầu, ông mua 10 tờ (trứng tằm trên bản giấy), tương đương với 90 - 100 vòng tằm để ươm giống.
Nhờ đầu tư giống tốt và nắm chắc kiến thức nên lứa tằm đầu tiên nuôi thành công, tỷ lệ chết chỉ khoảng 1%. Số tằm tuổi ba nuôi được, ông bà đem bán cho những người trong xã có nhu cầu nuôi tằm. Nhiều hộ có nhu cầu nuôi nhưng chưa có tiền, ông bà còn cung ứng cho con giống, thuốc men và hướng dẫn cẩn thận, kỹ càng những kỹ thuật nuôi, chăm sóc, sử dụng thuốc men… đến khi tằm cho thu hoạch kén mới phải trả gốc.
Hiện nay, số hộ mà ông bà cung ứng cho vật tư để nuôi tằm lên đến gần trăm hộ. Mỗi hộ nuôi từ 1 - 2,5 vòng tằm, 1 tháng nuôi 2 lứa cho thu nhập ổn định từ 3 -8 triệu đồng/tháng. Số tiền dành dụm được từ việc bán con giống, ông bà tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng dâu nuôi tằm.
Cho đến nay, diện tích trồng dâu đã lên đến hơn 1 ha đủ để cung cấp thức ăn nuôi 200 vòng tằm. Năm 2016, gia đình ông Toàn trực tiếp liên hệ với Trung tâm Dâu tằm tơ Trung ương để mua thuốc đạt chuẩn cũng như học hỏi thêm các kiến thức chăm sóc, sử dụng thuốc như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Khi có kiến thức, ông bà cũng không giữ cho riêng mình mà phổ biến lại cho những hộ nuôi tằm trong xã. Lúc này, ông bà nhận thấy, số lượng người trồng dâu nuôi tằm trong xã ngày càng tăng, lượng kén bán ra ngày càng nhiều. Vì thế, ông bà Toàn Lưu đã liên hệ hợp tác với Công ty Dâu tằm tơ Mộc Châu xây dựng nhà lạnh bảo quản tằm nhằm mục đích bao tiêu sản phẩm kén tằm với số lượng lớn, tạo đầu ra ổn định cho các hộ nuôi tằm trong và ngoài xã.
Bà Lê Thị Lưu chăm sóc tằm.
Trở về trụ sở UBND xã, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch xã Báo Đáp cho biết, ở Báo Đáp có 273 hộ trồng dâu nuôi tằm. Có những hộ thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm như hộ ông Nguyễn Văn Côn, Lê Văn Thủy, Nguyễn Văn Nguyên… Nhà ông Toàn đang thu nhập ở mức trung bình khoảng 100 triệu/năm nhưng cái đáng quý là ông ấy gần như tự túc, tự nghĩ, tự làm. Phát huy nội lực là thế đấy. Và rất có thể … vài ba năm nữa ông ấy trở thành tỷ phú.
Rời Báo Đáp khi màu hoàng hôn đã phủ vàng lên cánh đồng dâu xanh bạt ngàn của thôn Đồng Ghềnh.
Câu nói của ông Trần Khánh Toàn khiến lòng tôi ấm lại và tràn đầy niềm tin: “Mới làm được vài năm, vừa làm vừa đầu tư nên thu nhập hiện giờ của gia đình chưa được cao lắm. Nhưng điều tôi vui nhất là giúp được những người dân trong xã có thêm động lực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm, đem lại thu nhập đáng kể, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Nông thôn mới rồi thì phải như thế chứ!”
Hoài Anh
Các tin khác
YBĐT - Yên Thắng (Lục Yên) mùa này lúa xanh thẳm trên những cánh đồng màu mỡ của các ngôi làng cổ như: Làng Già, Nà Khao, Làng Phạ. Thấp thoáng những ngôi nhà xây kiên cố khang trang bên vườn cam tỏa hương thơm dịu mát.
YBĐT - Việc xây dựng trang trại quy mô lớn, nuôi hàng nghìn con lợn ngay đầu nguồn hồ thủy lợi Đồng Chuổm, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên đã và đang gây ô nhiễm môi trường mà trực tiếp là nguồn nước khiến người dân không thể không lo lắng.
YBĐT - Dấn thân tới vùng dịch bệnh, lặn lội phòng chống dịch tận những thôn bản xa xôi, bất kể ngày đêm, mưa nắng - họ chính là những chiến sĩ áo trắng đã và đang chiến đấu không mệt mỏi trong trận chiến phòng chống dịch bệnh đầy vất vả, nhiều rủi ro mà lại rất lặng thầm.
YBĐT - Tháng Ba, rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ, những bông hoa pơ lang rực cháy trên thân già cổ thụ chẳng khác nào ngọn lửa khổng lồ trong bếp lửa nhà rông. Đoàn cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh vừa kết thúc thắng lợi Chuyên án mang bí số 217C, bắt gọn đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Trần Văn Cường, sinh năm 1979, thường trú tại tổ 5, thị trấn Nông trường Liên Sơn (Văn Chấn). Sau khi phạm tội giết người, Cường đã bỏ trốn 10 năm trời.