Hoa của núi Bài 1: Ký ức người anh hùng
- Cập nhật: Thứ ba, 9/5/2017 | 10:48:22 AM
YBĐT - Hơn 40 năm qua, chúng tôi (3 anh em còn lại của đoàn 6 cán bộ hôm đó - 3 đồng chí đã hy sinh trên chiến trường Trường Sơn) vẫn mong muốn có một ngày được gặp lại anh, người ân nhân đã cứu mình để nói lời cảm ơn chân thành nhất nhưng do hoàn cảnh chiến đấu và công tác vẫn chưa thực hiện được ước nguyện.
Các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam nhận bằng khen của Hội. (Ảnh: Tô Anh Hải)
|
Vừa về đến Hà Nội, Đại tá Đoàn Danh Bình đã điện ngay cho tôi với một giọng như ra lệnh: “Đến ngay quán bia hơi “Dũng khàn”, không được chậm đâu đấy!”.
Nghe cái giọng ấy, tôi biết ngay chuyến đi Yên Bái dự Đại hội Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái có nhiều tin tức đáng quan tâm nên vội dắt xe ra cửa cũng chẳng kịp thông báo với bà xã đang hí húi nấu cơm trong bếp.
Đến nơi, tôi thấy Đoàn Danh Bình đã ngất ngư với ca bia hơi và 3 chiếc cốc to tướng nhưng bia chưa rót, còn “Dũng khàn” (chủ quán) cũng ngồi bên sốt sắng hóng chuyện như chính mình cũng là một khách sộp. Tôi chưa kịp ngồi, Đoàn Danh Bình đã bô bô:
- Được, Yên Bái làm được. Dọc đường về Thiếu tướng Võ Sở (hiện là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam) khen mãi, hoành tráng, khoa học, nghiêm túc, điểm 10 là cái chắc. Nơi nào cũng tổ chức đại hội như Yên Bái thì lính Trường Sơn chúng mình chắc chắn lên nhiều chân kính.
- Thôi cái đó để sáng mai giao ban Trung ương Hội. Ông nói chúng tôi nghe có tìm được tin tức gì không? Anh ấy hiện nay vợ con thế nào? Có đủ ăn đủ mặc không? - nóng ruột, tôi ngắt lời.
Đoàn Danh Bình từ từ rót bia vào đầy 3 cốc như muốn kéo dài sự nóng ruột của hai chúng tôi. Khi bia đã đầy, anh cầm cốc và thả một câu thật gọn:
- Có, nào nâng cốc chúc mừng.
Theo lời kể của Đoàn Danh Bình, tôi và Dũng đã lập lịch ngay Chủ nhật lên đường đi Yên Bái để gặp lại ân nhân, người đã cứu chúng tôi thoát chết trên trọng điểm A Lưới ngày nào mà hơn 40 năm nay chưa gặp lại và cũng chưa được một lời cảm ơn.
Ngày ấy, sau Chiến dịch Tổng tấn công năm Mậu Thân 1968 của ta vào các sào huyệt của địch trên khắp miền Nam, bị thua đau, Mỹ, Ngụy điên cuồng tung hết binh hỏa lực mạnh nhất phản công lại. Trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, chúng cho nhiều sư đoàn nống ra các vùng Trị Thiên, ngã ba biên giới hòng cắt đứt đường chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường miền Nam.
Không quân Mỹ từ đảo Guam (Thái Bình Dương), từ các tuần dương hạm, khu trục hạm ngoài khơi và các sân bay liên tục đánh phá tuyến đường Trường Sơn. Cụm trọng điểm ATP (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) không lúc nào ngớt tiếng bom, đèo Tha Mé khói bom như cô lại khét lẹt, đèo Bù Lạch đất đá đổ ầm ầm, đặc biệt đoạn đường trống từ sân bay A Lưới, sân bay A Sầu đến sân bay A So hun hút, trơ trụi, chốc chốc lại bùng lên những cột lửa của bom na pan và bom lân tinh. Máy bay OV10 lượn lờ, nghiêng ngó bắn đạn khói chỉ điểm khắp nơi.
Để tăng cường cán bộ cho các binh trạm khu Trị Thiên Huế, Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều 6 anh em cán bộ chúng tôi vừa được đi học lớp bổ túc tại Trường Sỹ quan Công binh về vào bổ sung cho Binh trạm 42. Chiếc xe Gát 66 do đồng chí Lê Quang Mạnh chở chúng tôi vừa qua động Cô Tiên, đổ dốc con mèo chớm vào khoảng đất trống đầu sân bay A Sầu thì bị máy bay C130 phát hiện.
Lợi dụng lúc chúng mở rộng vòng để quay lại, lái xe tạt vào ta luy bên đường và quát chúng tôi nhảy nhanh khỏi xe tìm chỗ ẩn nấp (C130 có bộ phận thu nhiệt và tia hồng ngoại phát hiện xe của ta đang chạy ban đêm, lính Trường Sơn gọi là thằng “xin thùng” vì nó bắn đạn 40 ly nát hết thùng xe đang chạy).
Vừa lúc đó, có 2 bóng người từ một hầm trú ẩn bên đường chạy đến hướng dẫn chúng tôi tản ra vào trú tại hầm chữ A của công binh trực chiến. C130 quay lại không thấy mục tiêu, nó liền bắn hai loạt 40 ly đạn lửa, đất mặt đường bị cày lên cháy sèo sèo, mảnh đạn văng chát chúa. Không phát hiện được xe, nó liền gọi lũ F4 đến quây và ném bom dữ dội.
Loạt bom đầu cách xa xe chúng tôi khoảng 20m nhưng lại trúng hầm của lái xe Mạnh làm anh bị thương nặng, 4 đồng chí công binh trong tổ chực chiến phải đưa anh về ngay trạm phẫu cấp cứu. Hầm của 6 anh em chúng tôi xa xe hơn và cùng với 2 công binh còn lại trong tổ trực chiến, loạt bom thứ hai gần hầm chúng tôi nên đất đá đổ xuống nóc hầm rào rào, căn hầm chữ A của công binh làm chắc chắn như vậy cũng chao đảo như muốn sập. Đồng chí công binh ngồi ngoài cùng bỗng nên tiếng: “Không để thế này được, loạt sau nó đánh trúng hầm và xe chết cả mất. Cậu Trung ở lại dẫn các đồng chí chạy về phía tuyến 2”.
Nói xong, anh vọt ra mở cửa xe và rồ ga, chiếc xe tăng tốc chạy thẳng về hướng sân bay A Sầu. Chỉ chờ có vậy, C130 và F4 như đàn ruồi lao theo xe bắn những loạt đạn 40 ly chát chúa và từng đụn khói bom lóe lửa. Chớp thời cơ đó, đồng chí công binh tên là Trung đã đưa chúng tôi chạy về tuyến 2 an toàn...
Sáng hôm sau, chúng tôi được đơn vị công binh cho biết, xe đã bị bom phá nát ở giữa đường băng của sân bay A Sầu. Đồng chí Tiểu đội trưởng Công binh sau khi cho xe chạy được gần 1 km đã bị nhiều mảnh bom găm vào người, mất máu, kiệt sức nhưng anh vẫn cố lấy tay quay cửa xe chèn vào chân ga cho xe chạy thẳng về phía trước còn mình nhoài ra khỏi xe và ngất lịm dưới một hố bom.
Bộ đội công binh đã tìm thấy anh và đưa về trạm phẫu tiền phương cấp cứu nhưng vết thương quá nặng không biết có qua khỏi không. Ngay trong đêm, anh em lại đưa gấp anh về bệnh viện tiền phương của Bộ Tư lệnh, anh tên là Hoàng Văn Viết, dân tộc Tày, quê ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Rời đơn vị công binh - nơi có người ân nhân đã cứu chúng tôi thoát chết trong gang tấc, chúng tôi đi vào nhận nhiệm vụ tại Binh trạm 42. Sau này, khi đi họp quân chính Sư đoàn 470, tôi được biết, anh đã được đưa ra Bắc điều trị mặc dù vậy các vết thương đã làm anh kiệt sức nên không trở vào chiến trường được nữa.
Hơn 40 năm qua, chúng tôi (3 anh em còn lại của đoàn 6 cán bộ hôm đó - 3 đồng chí đã hy sinh trên chiến trường Trường Sơn) vẫn mong muốn có một ngày được gặp lại anh, người ân nhân đã cứu mình để nói lời cảm ơn chân thành nhất nhưng do hoàn cảnh chiến đấu và công tác vẫn chưa thực hiện được ước nguyện.
Hòa Bình
(Bài 2:Trận chiến giữa thời bình)
Các tin khác
YBĐT - Nước sinh hoạt do Công ty Cấp nước Yên Bái mà người dân thành phố Yên Bái và thị trấn Yên Bình sử dụng là nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định, không gây bệnh như dư luận lan truyền trên mạng xã hội.
YBĐT - Cách thành phố Điện Biên khoảng bốn chục cây số là Mường Phăng - Sở Chỉ huy của quân ta - nơi Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên đã nghiên cứu và đưa ra những chỉ thị đặc biệt quan trọng để đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ của quân Pháp.
YBĐT - Cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là những người trực tiếp làm công tác dân số ở cơ sở, đã có những đóng góp không nhỏ cho thành quả đạt được trong công tác dân số của tỉnh trong những năm qua. Tuy nhiên, thù lao, phụ cấp hay chuyện tuyển dụng biên chế đang là những nỗi niềm mong được thấu hiểu của họ.
YBĐT - Kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tôi ngược thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên để gặp, nghe và ghi lại những câu chuyện chiến đấu anh dũng, kiên cường của các cô, các chú, những con người bình dị, thân thuộc nơi xóm phố.