Trở về để tròn vẹn ước mơ
- Cập nhật: Thứ tư, 14/6/2017 | 10:55:32 AM
YBĐT - Không những là giảng viên trẻ, năng động, nhiệt huyết mà cô giáo Hoàng Thị Vân Mai - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch (VHNT&DL), Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng VHNT&DL còn được Ban Giám hiệu, đồng nghiệp và sinh viên luôn yêu quý, trân trọng bởi đức tính khiêm nhường, trách nhiệm với nghề và tấm lòng luôn chia sẻ, động viên, quan tâm đến đời sống của đồng nghiệp cũng như sinh viên nhà trường.
Cô giáo Hoàng Thị Vân Mai trao đổi nghiệp vụ với các thầy, cô giáo Trung tâm Dạy nghề Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch tỉnh.
|
Sinh năm 1981 ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, từ nhỏ, chị Mai đã được gia đình quan tâm, tạo điều kiện trong cuộc sống và học tập. Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông chị là học sinh giỏi toàn diện và thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành với số điểm cao. “Bấy giờ, tôi khá phân vân không biết nên chọn khối tự nhiên hay xã hội, nhưng nhờ có thầy Nguyễn Thiện Thuật - giáo viên dạy môn Lịch sử đã truyền cảm hứng để tôi có sự lựa chọn môn học thực sự mình yêu thích” - cô Mai chia sẻ.
Năm đó, khi thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, gia đình mong muốn cô sẽ lựa chọn các môn khoa học tự nhiên để khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm. Song, thầy Thuật đã phát hiện ra năng khiếu của cô học trò trong lĩnh vực xã hội, đặc biệt là môn Lịch sử nên đã chủ động đến trao đổi, động viên, cũng như phân tích để gia đình hiểu và đồng ý cho Mai theo đuổi, phát huy năng khiếu của bản thân.
Được sự động viên tạo điều kiện của gia đình, sự cổ vũ, truyền cảm hứng của thầy Thuật, cô Mai đã quyết định chọn khối xã hội và đặc biệt là nghiên cứu sâu bộ môn Lịch sử.
Năm lớp 12, với nỗ lực học tập của bản thân và sự kỳ vọng của thầy cô, gia đình, Mai đã đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia bộ môn Lịch sử. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Mai không phải tham gia kỳ thi đại học mà được tuyển thẳng theo nguyện vọng của bản thân.
Xác định được hướng đi cho tương lai, Mai đã đăng ký Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội. Môi trường đại học đã giúp cô có điều kiện được lĩnh hội, tiếp xúc với các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đầu ngành và các tài liệu nghiên cứu quý báu của bộ môn Lịch sử.
Một lần nữa, sự lựa chọn môn học chuyên ngành Lịch sử Văn hóa Việt Nam đã phát huy được hết năng khiếu, sở trường của Mai khi tham gia lĩnh vực này. Cũng từ đó, cái tên Hoàng Thị Vân Mai đã không còn xa lạ đối với các bạn sinh viên, đặc biệt là các giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, mặc dù có khá nhiều cơ hội làm việc ở Hà Nội nhưng cô Mai quyết định trở về quê hương.
- Có cơ hội ở lại Thủ đô - môi trường tốt để phát huy năng lực, sở trường của mình, sao cô không lựa chọn? Tôi tò mò hỏi.
- Câu chuyện nói ra khá dài bởi ban đầu tôi cũng có ý định như vậy. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tri Nguyên - Viện phó Viện Văn học Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa lúc bấy giờ hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp đã khuyên nên trở về quê hương phát triển sự nghiệp. Những lời động viên, phân tích của thầy đã giúp tôi đưa ra quyết định sáng suốt.
- Có bao giờ cô thấy tiếc với quyết định trở về của mình không?
- Nếu câu hỏi này ở những năm đầu mới ra trường thì tôi sẽ trả lời là khá tiếc. Còn bây giờ thì tuyệt đối là không vì có quyết định trở về mới giúp tôi hoàn thành được ước mơ của mình!
Cuối năm 2003, qua lời giới thiệu của thầy Nguyên, ngay khi về Yên Bái, cô Mai đã được thầy giáo Hà Lâm Kỳ - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT&DL lúc bấy giờ nhận vào giảng dạy tại Trường. Ban đầu, cô Mai làm giáo viên hợp đồng giảng dạy bộ môn Lịch sử Văn hóa Việt Nam.
Là giáo viên hợp đồng thời vụ chỉ giảng 1 tiết/ 1 tuần và đồng lương chưa đầy 100.000 đồng/ tháng, song sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân đã giúp cô gái trẻ sớm vượt qua khó khăn, thử thách. Thấy cô giảng viên trẻ nhiệt huyết, yêu nghề và đặc biệt là chuyên môn, nghiệp vụ chắc, Ban Giám hiệu nhà trường đã ký hợp đồng dài hạn và tạo điều kiện để cô Mai tham gia thi thạc sỹ chuyên ngành Lịch sử Văn hóa Việt Nam.
Sau 3 năm miệt mài học tập, năm 2006, với tấm bằng thạc sỹ, cô đã được nhà trường chính thức tuyển vào biên chế. Năm 2008, khi Trường Trung cấp VHNT&DL được công nhận là Trường Cao đẳng VHNT&DL, cô Mai đã được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Khoa Văn hóa - Du Lịch. Cũng từ đó bộ môn về du lịch được đưa vào giảng dạy tại Trường đã khiến Ban Giám hiệu, nhất là các thầy cô thuộc Khoa này lo lắng vì thiếu giáo viên và khó khăn trong khâu tuyển sinh.
Ngay lập tức, cô Mai đã chủ động tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với các trường chuyên nghiệp về lĩnh vực đào tạo du lịch để cho giảng viên được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên ngành; tổ chức các buổi thăm quan, học hỏi ở các địa phương làm du lịch để các giáo viên có cái nhìn thực tế khi truyền tải nội dung thông qua các bài giảng. Trước khó khăn trong khâu tuyển sinh chuyên ngành du lịch, cô Mai cùng các giáo viên bộ môn đã trực tiếp đến các trường THPT trên địa bàn tỉnh phối hợp với nhà trường tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho các học sinh có nhu cầu học chuyên ngành du lịch.
“Ban đầu khá khó khăn, với sự nỗ lực của nhà trường trong công tác đào tạo chuyên sâu chuyên ngành du lịch cho giảng viên và công tác tuyển chọn, chính sách thu hút sinh viên tham gia học bộ môn này đã góp phần đưa bộ môn chuyên ngành nghiên cứu về du lịch trở thành một trong những môn học thu hút đông đảo học sinh, sinh viên đăng ký tham gia” - cô Mai cho biết.
Là giảng viên trẻ, năng động, tâm huyết với nghề, năm 2011, cô Mai đã được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Văn hóa - Du Lịch và năm 2014 được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng VHNT&DL.
Với vai trò giảng viên, cô Mai đã không ngừng trau dồi phương pháp sư phạm, kỹ năng làm việc và còn là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Hơn thế, khi cô chủ động tham gia đề tài khoa học cấp tỉnh năm 2016 - 2017 về “Nghiên cứu xây dựng loại hình du lịch nghỉ nhà dân homestay trên địa bàn tỉnh Yên Bái” đã giúp cho nhà trường, học sinh, sinh viên có tư liệu khi nghiên cứu về du lịch Yên Bái.
Trong năm học 2016, cô Mai cùng với các giáo viên Trung tâm đã mở được 5 lớp đào tạo nghề cho 150 lao động nông thôn; 2 lớp xã hội hóa tại thành phố Yên Bái; hoàn thành việc mở mã nghề mới về pha chế đồ uống - đây cũng là điểm nhấn trong việc tuyển sinh năm 2017.
Với vai trò Phó Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô Mai đã tích cực tham mưu tổ chức tốt các buổi học tập, tìm hiểu về nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những văn bản có liên quan đến người lao động; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày lễ, tết như: Quốc tế Phụ nữ 8/3, Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tháng Hành động Vì trẻ em; giao lưu, gặp gỡ con em cán bộ, đoàn viên công đoàn vào dịp Trung thu; tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho đoàn viên công đoàn nhà trường, học sinh, sinh viên tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, tăng cường mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh; nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo do công đoàn cấp trên và MTTQ tỉnh phát động.
Cùng với đó, cô Mai còn chủ động phối hợp các hoạt động công đoàn gắn với công tác chuyên môn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao như: Phong trào thi đua “Hai tốt”, Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, Cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… đã góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động trong nhà trường.
Với những nỗ lực trong công tác giảng dạy và vai trò của người lãnh đạo công đoàn, nhiều năm liền cô giáo Hoàng Thị Vân Mai đã vinh dự được UBND tỉnh, công đoàn cấp trên, Ban Giám hiệu nhà trường trao tặng bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.
Song, có lẽ niềm vui và phần thưởng lớn nhất với cô lại chính là sự tin yêu, quý trọng của các đồng nghiệp, của học sinh, sinh viên và cán bộ, đoàn viên công đoàn nhà trường. Đó chính là động lực mạnh mẽ khích lệ, động viên cô đạt được nhiều thành tích cao hơn trong công tác quản lý, giảng dạy và chăm lo cho đời sống đoàn viên công đoàn nhà trường yên tâm, tin tưởng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp trồng người ở vùng cao Yên Bái.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Là công ty may Hàn Quốc đặt tại huyện Trấn Yên, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF có cả hệ thống dây chuyền may hiện đại, tổng mức đầu tư lên đến gần 10 triệu USD với nhiều chế độ bảo đảm cho công nhân song đang rất khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người lao động. Vậy, đâu là nguyên nhân?
YBĐT - Đó là chàng kỹ sư công nghệ thông tin người dân tộc Dao - Bàn Tiến Nhị, sinh năm 1992 ở thôn 1 Khe Giang, xã Đại Sơn, Văn Yên đã chọn làm giàu bằng mô hình nuôi ếch thương phẩm.
YBĐT - Khu tái định cư Táng Khờ 1 nằm giữa lưng chừng núi, phía đầu nguồn của Nhà máy Thủy điện Vực Tuần. Bản nhỏ này là nơi định cư của 73 hộ dân Làng Lao của xã Cát Thịnh. Gần 6 năm "xuống núi", giờ đây, khu tái định cư Táng Khờ 1 đã nhiều đổi khác.
YBĐT - Từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng tăng giá viện phí theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế cho 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).