Cổ phần hóa các doanh nghiệp thủy lợi, thủy nông: Nhận diện những khó khăn
- Cập nhật: Thứ tư, 12/7/2017 | 8:01:42 AM
YBĐT - Hiện, tỉnh Yên Bái còn 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Theo lộ trình giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung ứng dịch vụ thủy nông sẽ thực hiện cổ phần hóa.Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp này, việc cổ phần hoá gặp những khó khăn nhất định.
Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Một thành viên Tân Phú bơm nước chống hạn.
|
Căn cứ Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo Quyết định số 58/2016/ QĐ - TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái dự kiến sẽ triển khai cổ phần hoá các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi, thủy nông thuộc tỉnh quản lý. Tuy nhiên, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp những khó khăn.
Toàn cảnh
Hiện, tỉnh Yên Bái còn 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi gồm: Công ty TNHH Một thành viên Nghĩa Văn; Công ty TNHH Một thành viên Tân Phú và Công ty TNHH Một thành viên Đại Lợi. Cả 3 doanh nghiệp này tiền thân là các trạm quản lý thủy nông được chuyển đổi thành DNNN, được cấp giấy phép hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Đến hết năm 2016, các doanh nghiệp quản lý trên 3.000 công trình, phục vụ tưới tiêu cho 55.603 ha đất nông nghiệp. Theo đánh giá, các DNNN hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi đã làm tốt công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; cung cấp nước kịp thời, đầy đủ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp, ổn định về an ninh lương thực và phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.
Đặc biệt, Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ về chính sách cấp bù thủy lợi phí cho dân đã giải quyết kịp thời kinh phí cho các doanh nghiệp để chi cho hoạt động quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đồng thời, giảm bớt gánh nặng về khoản đóng góp của các hộ dân sản xuất nông nghiệp có dùng nước từ công trình thủy lợi, đồng thời là nguồn lực để duy tu sửa chữa, nâng cao tuổi thọ và hiệu quả hoạt động của các công trình thuỷ lợi trên địa bàn.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, trong 3 năm (từ 2014 - 2016), doanh thu các doanh nghiệp đạt 90,2 tỷ đồng, trong đó nguồn thu thủy lợi phí được Nhà nước cấp bù trên 63,8 tỷ đồng; trung bình mỗi năm các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách khoảng 1,2 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho 221 lao động với mức thu nhập bình quân là từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, do địa hình miền núi, các công trình thủy lợi nằm không tập trung mà rải rác, thường xuyên bị ảnh hưởng tàn phá bởi thiên tai, hỏng hóc nhiều, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ công trình.
Mặt khác, các công trình đã xây dựng từ lâu nên nhiều hạng mục đã xuống cấp. Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí được hỗ trợ 100% chỉ đảm bảo được công tác sửa chữa nhỏ.
Đơn cử như Công ty TNHH Một thành viên Nghĩa Văn được giao quản lý 1.750 công trình thuỷ lợi với tổng diện tích tưới tiêu 20.931 ha đất nông nghiệp và 2.523 km kênh mương trải dài trên địa bàn các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ. Việc khai thác, vận hành các công trình này đang gặp phải nhiều khó khăn bởi nhiều công trình đã trên 20 năm sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đó, địa bàn rộng, địa hình phức tạp với 60% kênh xây và 40% kênh đất; đa phần các tuyến kênh này chạy theo sườn đồi nên hệ số thấm nước lớn. Vào mùa mưa, đặc biệt ở các xã vùng cao, lượng đất, đá trên đồi sạt lở, bồi lấp và vỡ nhiều tuyến kênh nên việc sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn do địa hình núi cao hiểm trở.
Riêng cơn bão số 3 năm 2016 đã làm hư hỏng các công trình thủy lợi của các huyện, thị phía Tây và gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi hàng năm thấp. Nhiều công trình đầu tư chắp vá, chất lượng không cao, nên sau khi đưa vào sử dụng vài năm đã xuống cấp, phải sửa chữa, dẫn tới việc khai thác nguồn nước kém hiệu quả.
Khó khăn khi cổ phần hoá
Theo lộ trình giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung ứng dịch vụ thủy nông sẽ thực hiện cổ phần hóa nhằm nâng cao nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy nông, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng thủy nông. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp này, việc cổ phần hoá gặp những khó khăn nhất định.
Thứ nhất, với đặc thù là các doanh nghiệp hoạt động công ích trong lĩnh vực thủy nông nên tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là các công trình thuỷ lợi như: kênh mương, cống, trạm bơm... đều được đầu tư bằng vốn Nhà nước và nhân dân đóng góp nằm rải rác trên địa bàn rộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu cổ phần hóa thì việc tính toán, định giá tài sản sẽ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do giá trị rất lớn.
Ông Trần Như Hoàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tân Phú khẳng định: “Việc xác định giá trị còn lại của tài sản là công trình thủy lợi rất khó khăn, bởi các công trình thủy lợi đã được đầu tư từ trước những năm 60 đến nay hồ sơ không còn, nhiều công trình thủy lợi được liên kết đầu tư với người dân bằng công và bằng tiền”.
Thứ hai, hiện nay tỉnh Yên Bái vẫn đang được Nhà nước thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí. Nguồn kinh phí thực hiện chi trả cho các hoạt động dịch vụ cung ứng thủy lợi trên địa bàn vẫn đang được Nhà nước hỗ trợ 100%, do đó khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp này sẽ không trực tiếp được nhận khoản kinh phí của Nhà nước cấp nữa thì việc thu khoản phí này từ người dân là rất khó.
Ông Phạm Trung Thiện - nông dân ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cho biết: “Nếu hạt gạo của nông dân chúng tôi làm ra phải cõng thêm thủy lợi phí thì sẽ gặp nhiều khó khăn và người ta sẽ chán đồng ruộng bởi thu nhập từ làm ruộng thấp, chi phí làm ra hạt thóc đã đắt đỏ vì mọi công đoạn đều thuê hết”.
Thứ ba, mục tiêu của việc cổ phần hóa là yếu tố lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp, cho các cổ đông. Trong khi đó, đặc điểm của ngành thủy lợi, thủy nông chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên nhiên, yếu tố rủi ro cao, nên hiệu quả kinh tế mang lại cho các doanh nghiệp rất ít, nếu cổ phần hóa sẽ khó khăn, không thu hút được nhà đầu tư, nhất là khi doanh thu của các công ty chủ yếu từ nguồn thủy lợi phí do Nhà nước cấp bù (chiếm 71% tổng thu thuỷ lợi phí); doanh thu từ các hoạt động khác chiếm tỷ trọng nhỏ.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Tân Phú, năm 2016 doanh thu Công ty này đạt 7,6 tỷ đồng, trong đó nguồn thu thủy lợi phí cấp bù là 7,4 tỷ đồng, các nguồn thu khác chỉ đạt 194 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế là 24,5 triệu đồng.
Với lợi nhuận hàng năm như vậy, không đủ để tái đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đầu tư cho các công trình thủy lợi đòi hỏi kinh phí lớn. Trước những khó khăn kể trên, các doanh nghiệp đều đề nghị Nhà nước giữ nguyên mô hình hoạt động là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Nhà nước như hiện nay.
Hiện, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy lợi, thủy nông thuộc tỉnh quản lý, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, rất cần có sự điều tiết của Nhà nước, hỗ trợ đối với các khoản phí cho các dịch vụ cung cấp nước tưới tiêu.
Mặt khác, cũng cần có quy định đặc thù để xác định giá trị các công trình thủy lợi để làm cơ sở xác định giá trị và tính đúng, tính đủ khi cổ phần hóa doanh nghiệp.
Trước khi Chính phủ có chủ trương chung về chuyển đổi hình thức hoặc sắp xếp, hoặc tái cơ cấu doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy lợi, thủy nông, UBND tỉnh Yên Bái đề nghị các doanh nghiệp: Công ty TNHH Một thành viên Nghĩa Văn, Công ty TNHH Một thành viên Tân Phú và Công ty TNHH Một thành viên Đại Lợi tự nghiên cứu tái cơ cấu doanh nghiệp mình, trong đó tập trung vào 6 lĩnh vực: tái cơ cấu tổ chức bộ máy; tái cơ cấu về ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tái cơ cấu về tài chính; tái cơ cấu về đầu tư, mua sắm trang thiết bị phù hợp ngành nghề lĩnh vực của mình; tái cơ cấu về khoa học, công nghệ; tái cơ cấu về công nghệ thông tin, công nghệ quản trị doanh nghiệp.
Ông Khuất Duy Tuệ - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đại Lợi cho biết: “Thời gian tới, Công ty đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó sẽ tăng cường công tác quản trị tài chính, đi sâu vào tổ chức tài chính cũng như sẽ tăng cường tìm kiếm việc làm để thật sự có điều kiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống người dân được tốt hơn”.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Đến từ các phòng, đội nghiệp vụ của Công an tỉnh và công an huyện, với các chiến sĩ, đi tăng cường cơ sở là một dịp trải nghiệm; được ôn lại và thực hiện những biện pháp nghiệp vụ đã được đào tạo; rèn luyện kỹ năng viết lách, nhất là kỹ năng diễn thuyết trước đám đông.
YBĐT - Mùng một tết năm 1985, trạm thu dung thương binh vẫn cứ dồn dập. Hoàng Đức Vượng vào ca mổ cho chiến sỹ Toàn, một bên chân Toàn đã hoại tử, phải cắt bỏ từ đùi. Toàn thản nhiên nói: “Anh ơi, hôm nay mùng một tết, em tròn mười tám tuổi!”. Vượng nén lòng làm nhiệm vụ. Ca mổ kết thúc, Toàn được cứu sống.
YBĐT - Hầu hết các đối tượng buôn lậu đều không tiếc tiền đầu tư thuê người và trang bị những phương tiện thông tin liên lạc hiện đại để theo dõi lực lượng chống buôn lậu.
YBĐT- Với mong muốn đổi đời, nhiều người dân ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải đã rời nhà, bỏ bản vượt biên trái phép sang Trung Quốc “lao động chui”. Và dưới đây là sự thật!