Gặp người mổ cứu thương binh Hoàng Đức Vượng: “Thương binh không đợi!”
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/7/2017 | 8:06:20 AM
YBĐT - Mùng một tết năm 1985, trạm thu dung thương binh vẫn cứ dồn dập. Hoàng Đức Vượng vào ca mổ cho chiến sỹ Toàn, một bên chân Toàn đã hoại tử, phải cắt bỏ từ đùi. Toàn thản nhiên nói: “Anh ơi, hôm nay mùng một tết, em tròn mười tám tuổi!”. Vượng nén lòng làm nhiệm vụ. Ca mổ kết thúc, Toàn được cứu sống.
Bác sỹ quân y Hoàng Đức Vượng.
|
Quân y viện 93 trực thuộc Quân khu II đặt tại Hà Giang có nhiệm vụ thu nhận, phân loại thương binh và phẫu thuật bước 1 những thương binh nặng. Gọi là Viện nhưng chỉ có một số bác sỹ; trong đó, Hoàng Văn Công gây mê hồi sức và Hoàng Đức Vượng trực tiếp mổ.
Đêm 12/7/1984, ta đồng loạt tấn công cả mười mấy điểm mà quân Trung Quốc đã lấn giữ trái phép. Sự phối hợp của các đơn vị khá chặt chẽ: đặc công, bộ binh, pháo binh, dân công... Nhưng pháo tầm xa của địch quá mạnh, các điểm giao chiến lại là vách đá tai mèo rất hiểm trở, khiến bộ đội thương vong nhiều.
Quân y viện dã chiến có cơ số 200 giường, đột ngột tăng lên 2.400 giường chỉ trong hai ngày. Cơ sở vật chất của tất cả các cơ quan hành chính, trường học, lâm trường... đều dày đặc lán thương binh.
Bác sỹ chủ nhiệm phòng khám kiêm phẫu thuật viên Hoàng Đức Vượng cùng các chuyên môn y khoa phải phân loại thương binh một cách nhanh nhất, chính xác nhất để mổ, cấp cứu, sơ cứu hoặc chuyển tuyến. Quân y viện 93 do Trung tá Nguyễn Đức Nam làm Viện trưởng được tăng thêm hai bác sỹ, các anh vừa phẫu thuật vừa hội chẩn và theo dõi tiên lượng sát sao đối với thương binh nặng.
Không có điện, máy nổ chạy suốt ngày đêm; có lúc phải dùng cả các loại đèn mới đủ ánh sáng. Y dụng cụ, thuốc men, băng gạc... cho các ca mổ dã chiến tuy đáp ứng nhưng phải điều chuyển, bổ sung liên tục. Các bác sỹ phẫu thuật cứ xong một thương binh, ra thay găng, uống cốc sữa lại vào mổ ngay. Trời tháng 7, nắng nóng hầm hập, tâm niệm của anh em quân y lúc này chỉ có một câu: “Thương binh không đợi!”.
Bác sỹ Vượng lặng sau câu nói chậm. Tôi nhẹ nhàng:
- Chiến sự biên giới đi qua gần 40 năm rồi, những ký ức...
- Ký ức hay kỷ niệm buồn vui trong chuyên môn của những năm tháng Hà Giang với tôi vẫn nguyên vẹn.
Rồi ông chậm rãi:
- Hai cô sinh viên Trường Sư phạm Hà Giang cùng khiêng cáng thương binh, quả pháo giặc cày vào bờ đá gây sát thương, một cô phải hai lần mổ, cắt chân; một cô, mảnh pháo lia gần hết khuôn ngực, em không bao giờ được nuôi con bằng sữa mẹ. Rồi, một sinh viên trường y đang băng bó cho thương binh trên trận địa, mảnh đạn sượt qua đầu làm em bất tỉnh, mổ sọ não cho cô nữ sinh đồng nghiệp, bác sỹ, y tá ứa nước mắt.
Mùng một tết năm 1985, trạm thu dung thương binh vẫn cứ dồn dập. Hoàng Đức Vượng vào ca mổ cho chiến sỹ Toàn, một bên chân Toàn đã hoại tử, phải cắt bỏ từ đùi. Toàn thản nhiên nói: “Anh ơi, hôm nay mùng một tết, em tròn mười tám tuổi!”. Tôi nén lòng làm nhiệm vụ. Ca mổ kết thúc, Toàn được cứu sống.
- Có trường hợp nào anh gặp lại và...?
- Cũng có. Ấn tượng! - bác sỹ Vượng tủm tỉm cười.
Ngày ấy (tháng 2/1985), bác sỹ Vượng lên trạm dã chiến tiền tiêu tiếp nhận, phân loại thương binh thì gặp một chiến sỹ trẻ bị hoại tử (sau hoại thư sinh hơi) toàn bộ cánh tay, có nguy cơ phát triển vào cơ thể. Vượng quyết định mổ ngay theo cách riêng, ấy là mổ rạch sâu nhiều đường rãnh trên cánh tay, rửa dung dịch thuốc tím, rồi nhỏ thuốc liên tục, không khâu mà để theo dõi.
Sáng hôm sau, vết thương hoại tử được khống chế. Các bác sỹ hội chẩn rồi chỉ định điều trị “bảo tồn”. Ca mổ thành công hơn cả mong đợi. Khi Hoàng Đức Vượng được chỉ định báo cáo sáng kiến này tại Hội thảo Chẩn đoán và điều trị sớm hoại thư sinh hơi do chấn thương, lúc đó cũng mới biết chiến sỹ đấy tên là Nông Văn Chiến, người xã Mường Lai, cùng quê Lục Yên.
Ngày Hoàng Đức Vượng làm Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, nghe báo cáo, ở xã Mường Lai, có một thương binh không chịu nhận tiền đền bù di chuyển nhà cửa để lấy đất làm công trình thủy lợi, Chủ tịch Vượng về gặp, chuyện trò qua lại, thương binh nặng và bác sỹ phẫu thuật bất ngờ nhận ra nhau. Thế là chỉ mấy hôm sau, Nông Văn Chiến chuyển nhà, làm cho mấy hộ trong xóm chuyển theo.
Còn Nông Văn Khơi quê ở xã Khánh Hòa, Khơi chính là đặc công. Anh từng bám vách đá bò lên tận chốt giặc để đánh. Bác sỹ Vượng lên tuyến nghe tin có thương binh bị nát ruột, anh tìm đến, rồi cho lên xe Chủ nhiệm Quân y đưa gấp về viện. Vượng trực tiếp chuẩn đoán rồi mổ. Mổ và rửa huyết thanh đến đâu, dùng panh kẹp đến đấy.
Ổn định, Nông Văn Khơi đã trở lại đơn vị. Nhưng vì ruột bị dính, anh phải mổ lần hai. Bác sỹ Vượng lại cầm dao, kéo phẫu thuật nhưng lần này bất khả kháng, thương binh Khơi buộc phải chấp nhận cắt bỏ hai mét ruột. Ngày làm lãnh đạo huyện, anh đã đến thăm thương binh Khơi. Sau này, Nông Văn Khơi động viên con gái vào đại học y với tâm niệm “môi trường có tâm làm việc thiện cứu người”.
Trong thời gian từ năm 1984 đến 1986, bác sỹ Hoàng Đức Vượng cùng đồng nghiệp trực tiếp mổ cứu trên 500 người (bộ đội, dân công hỏa tuyến), đó là chưa kể anh còn có nhiệm vụ lên tuyến 1 phân loại thương binh, chuyển các tuyến sau. Bác sỹ quân y Hoàng Đức Vượng hai lần được đi báo cáo điển hình ở Quân khu, ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Đồng đội Quân y viện 93 trong ngày gặp mặt.
Rời nghề, không rời nghiệp
Mấy chục năm qua, bác sỹ quân y Hoàng Đức Vượng gặp đồng đội ngày nào ở “mặt trận Hà Giang”, ông đều để tâm dò hỏi các thương binh nặng mà ông đã “ghi dấu” khi phẫu thuật. Hỏi để biết, để mừng cho họ được trở về hoặc chia sẻ với thân nhân thương binh. Ông băn khoăn, đến hôm nay, vẫn chưa tìm được một thương binh người dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ. Anh bị thương ổ bụng rất nặng, đã cứu sống nhưng lại chưa kịp hỏi rõ tên, rõ quê.
Ngày làm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ông đề xuất với lãnh đạo tỉnh tôn tạo lại toàn bộ các nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh và khu liệt sỹ Yên Bái ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn cho khang trang thoáng đẹp như các tỉnh bạn. Ông chỉ đạo rồi cùng nhân chứng tìm bằng được hài cốt các liệt sỹ trong trận đánh đồn Ca Vịnh năm 1951, đưa các anh về nơi yên nghỉ vĩnh hằng.
Ông cùng cơ sở tháo gỡ thủ tục hành chính để gia đình cựu chiến binh Lương Văn Xuân (thuộc diện nghèo) được đưa hai con bị nhiễm chất độc da cam, mất trí hoàn toàn về Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh và hỗ trợ chăm sóc một người con tại nhà. Rồi ông trình tỉnh lập dự án xin các bộ nguồn hỗ trợ xây dựng cơ ngơi “Trung tâm Điều dưỡng người có công” tọa lạc bên bờ sông Hồng.
Những năm tháng đó, Giám đốc Sở - Hoàng Đức Vượng còn lăn lộn để ra đời Trường Cao đẳng Nghề và cả loạt trung tâm dạy nghề ở các huyện, bởi theo ông, đây là nơi con em thương binh, bệnh binh, con em lao động nghèo có cơ hội tìm được việc làm ổn định cuộc sống.
Và tôi không thể không nhắc đến “cuốn từ điển” “Yên Bái, những người con sống mãi cùng non sông đất nước” dày 613 trang, khổ 20,5 x 29,5; bìa cứng, rất trang trọng, “đứng tên” UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Một bộ tư liệu đầy đủ nhất về liệt sỹ và Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh nhà.
Rời nghề, không rời nghiệp, bác sỹ quân y Hoàng Đức Vượng là con người như thế. Nhà nước đã ghi nhận ông - một cựu chiến binh, một nhà quản lý ngành thời kỳ đổi mới bằng hai tấm Huân chương Lao động (hạng Nhì, hạng Ba) và nhiều danh hiệu tôn vinh khác.
Hà Lâm Kỳ
Các tin khác
YBĐT - Hầu hết các đối tượng buôn lậu đều không tiếc tiền đầu tư thuê người và trang bị những phương tiện thông tin liên lạc hiện đại để theo dõi lực lượng chống buôn lậu.
YBĐT- Với mong muốn đổi đời, nhiều người dân ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải đã rời nhà, bỏ bản vượt biên trái phép sang Trung Quốc “lao động chui”. Và dưới đây là sự thật!
YBĐT - Không hiểu sao, tôi cứ thấy như mình còn mắc nợ không chỉ với ông mà cả với những người làm báo, nếu không viết được đôi điều về cuộc đời làm báo của ông.
YBĐT - Đó là anh Nghiêm Đắc Huỳnh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Mù Cang Chải, người đã gần 7 năm làm Chủ tịch CĐCS.