Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường
- Cập nhật: Thứ hai, 22/1/2018 | 11:40:25 AM
YBĐT - Chân lý ấy, soi vào quãng đời khởi nghiệp, lập thân, thành công đến giờ của người phụ nữ này chẳng sai một ly. Không có ý chí, không có bản lĩnh, không có một Nguyễn Thị Huyền Huế, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên - doanh nhân thành công ở tuổi 30 ngày hôm nay.
Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền Huế (bên trái) đã thành công với mô hình sản xuất que kem.
|
Giữa những ngày đông buốt giá, tiếng động cơ của dây chuyền sản xuất que kem ở thôn 4, Yên Hưng này vẫn rộn rạo mỗi ngày, đều đặn cho ra những que kem thành phẩm, đủ thấy sức tiêu thụ của cơ sở sản xuất dù không phải đang ở mùa sản xuất chính. Một dây chuyền sản xuất khép kín từ máy bóc ván, máy dập que, máy đánh bóng, lò sấy hơi được bố trí khoa học trên diện tích hơn 1.000m2 nhà xưởng, "biến" những miếng gỗ to thô thành những que kem nhỏ nhắn, bóng sạch.
Cuộc gặp không hẹn trước khiến chúng tôi ngỡ cô chủ này là một trong số những nhân công ở đây khi bắt gặp hình ảnh chị lụi cụi trực tiếp bên máy móc với gang tay, khẩu trang, bảo hộ lao động. Còn với những lao động ở xưởng, hình ảnh ấy đã là quá quen thuộc. Những lúc máy móc có vấn đề, cô chủ này cũng chính là thợ sửa máy, đảm đương phần việc nặng tính kỹ thuật vốn thường thuộc về phái mạnh.
Ý tưởng - điều quan trọng nhất với bất kỳ ai lúc bắt đầu khởi nghiệp. Vốn theo học chuyên ngành kế toán song Huyền Huế đã không nghĩ mình sẽ làm công việc kế toán ngay từ lúc đi thực tập. Bởi chính lúc bấy giờ, một ý tưởng khởi nghiệp, lập thân đã hiện hữu trong đầu Huyền Huế. Thực tập ở một cơ sở sản xuất que kem ở Hà Nội, trong suy nghĩ của Huyền Huế đã tự dâng lên câu hỏi: "Nơi này, người ta phải nhập gỗ từ rừng về để làm ra sản phẩm. Đất quê mình sẵn gỗ, tại sao không thể sản xuất sản phẩm này".
- Tuổi ấy, có non trẻ để khởi sự kinh doanh? Huyền Huế bảo: "Nghĩ là làm thôi. Quả thực, lúc ấy, mình chẳng có gì ngoài tuổi trẻ".
Tuổi trẻ, có sự mạnh dạn, đôi lúc là cả sự liều lĩnh của nó. Đúng là có cả sự liều lĩnh khi lúc ấy như Huyền Huế đã nói, ngoài tuổi trẻ với ý tưởng và sự mạnh dạn, liều lĩnh, còn lại cô chẳng có gì: không vốn, không kinh nghiệm, không người cùng chí hướng, không người giúp đỡ. Song, cô vẫn bắt đầu con đường đi của mình từ những que kem nhỏ bé.
Không có bất kỳ tài sản thế chấp nào để có thể vay ngân hàng, cô phải vay nguồn vốn không nhỏ với lãi suất không thấp, mượn đất dựng xưởng, sắm máy móc... và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với muôn vàn gian khó. Vóc dáng nhỏ bé, nét mặt non hơn tuổi khi ấy của Huyền Huế khiến ngay cả người bán gỗ cho cô còn ngại ngần, dè dặt khi giao hàng cho cô. Tất cả những kỹ thuật máy móc đều một tay cô tự mày mò từ chút ít kinh nghiệm học được ở xưởng sản xuất que kem mà mình thực tập trước đó.
"Vấp ở đâu thì đứng lên ở đó” - Huyền Huế nghĩ thế để rồi bắt đầu lại từ việc học nghề. Huế xin đi làm không công với công việc của một công nhân trực tiếp làm sản phẩm ở cơ sở sản xuất que kem tại làng nghề ở Bắc Ninh với quyết tâm học cho được kỹ thuật sản xuất. Trời không phụ công người, có thêm kiến thức, kinh nghiệm, trở về, cô chủ xưởng sản xuất đã điều chỉnh kỹ thuật tốt hơn. Sản phẩm làm ra bắt đầu tiêu thụ được. "Mừng quá khi sản phẩm đã bắt đầu được chấp nhận tuy vẫn phải chịu giá thành thấp hơn giá thị trường vì vẫn còn lỗi như bị cong, vênh do những yếu tố như nhiệt độ lò sấy, cách chọn gỗ chẳng hạn. Song, vậy là con đường đã hé mở, mình có thêm động lực để làm tốt hơn”.
Có vốn, Huyền Huế tiếp tục đầu tư máy móc mới. Niềm mơ ước được sở hữu máy móc mới, hiện đại của cô chủ này ngày nào đã không chỉ còn là mơ ước. Huyền Huế không những đủ sức thay giàn máy mới mà đến giờ còn sở hữu đến hai giàn máy.
Thu Hạnh - Hoài Anh
Các tin khác
YBĐT - Trong những chuyến công tác ở Lục Yên, tôi thường được nghe kể về các mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi gà, lợn, cá, trồng rừng, trồng cây ăn quả. Nhưng lần này, Bí thư Huyện đoàn Hoàng Trung Chinh lại kể về một thanh niên "gác phấn hồng” về quê đầu tư trang trại thỏ và bước đầu cho thu nhập khá đã làm tôi tò mò muốn gặp. Anh chính là Phạm Hải Chiều ở bản Tông Cại, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên.
YBĐT - Về Bảo Hưng hôm nay, 100% tuyến đường liên thôn, liên xã và trên 60% đường làng, ngõ xóm đều được kiên cố hóa; 98% số hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%
YBĐT - Đợt gió mùa chóng vánh qua đi và những ngày nắng lại đến. Chúng tôi lên với huyện Trạm Tấu - nơi mà chỉ cách đây vài tháng thôi còn ngả nghiêng trong trận lũ lịch sử. Trong cái nắng đón xuân, mùi khói lam chiều tỏa bay trên những ngôi nhà còn thơm mùi gỗ, mùi xi măng cùng những hân hoan hiện rõ trong ánh mắt của bà con nơi này.
YBĐT - Thiên tai thử thách lòng người và bằng ý chí, nghị lực, niềm tin vững vàng trong gian khó, chúng ta đã vượt lên để bắt đầu một sự khởi đầu mới trên mỗi ngôi nhà, mảnh đất hồi sinh.