"Điều hành thực chất, gần dân thực chất"
- Cập nhật: Thứ tư, 24/1/2018 | 8:04:49 AM
YBĐT - Lên xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải vừa vực dậy sau những thiệt hại nặng nề trong cơn lũ quét hồi đầu tháng Tám năm 2017, thấy vui lây niềm vui trước cuộc sống đã mười phần đủ đầy của người dân ở các bản định cư sau lũ.
Bí thư Sùng A Sàng nắm tình hình đời sống của nhân dân tại bản Dào Xa.
|
Bí thư Đảng ủy xã Kim Nọi Sùng A Sàng nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải nhiều năm. Ông là cán bộ của huyện được tăng cường luân chuyển về cơ sở từ giữa năm 2016. Gần 2 năm đảm trách cương vị này, việc ông Sàng cùng đội ngũ cán bộ địa phương và cả hệ thống chính trị ở đây dốc toàn tâm toàn sức để làm, đó là vận động, thuyết phục người dân ăn ở vệ sinh, nuôi nhốt gia súc, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Là người Mông nên ông Sàng hiểu hơn ai hết phong tục, tập quán, văn hóa và tâm lý của đồng bào. Nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy xã được ban hành. 5 mô hình dân vận khéo: mô hình "5 không 3 sạch" tại bản Dào Xa do Hội Phụ nữ đảm trách; vận động nhân dân vệ sinh môi trường, sạch nhà sạch bản gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại bản Kháo Giống của Đoàn Thanh niên, bản Háng Đang Dê của Hội Nông dân xã; Hội Cựu chiến binh và Mặt trận Tổ quốc có mô hình vận động nhân dân không kết hôn cận huyết thống, không tảo hôn, không sinh con thứ 3 tại bản La Phu Khơ và bản Háng Chú. Xã đã xây dựng 2 điển hình cá nhân phát triển kinh tế hộ tiêu biểu là mô hình nuôi dê của ông Giàng Pàng Nù, bản Dào Xa và ông Chang A Sử, bản La Phu Khơ.
Có quyết tâm, có giải pháp, có cách làm cụ thể, cán bộ xã kiên trì đi từng nhà vận động, giải thích, thuyết phục, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân đồng lòng thực hiện thắng lợi chủ trương của địa phương. Nhiều cách làm linh hoạt đã được vận dụng để vận động nhân dân, trong đó xã ứng trước tiền mua bệ xí cho gần 50 hộ điều kiện khó khăn; không hiếm trường hợp cán bộ xã bỏ tiền túi mua bệ xí cho dân làm.
Đưa chúng tôi đến thăm một số hộ dân ở bản Dào Xa, Bí thư Sùng A Sàng kể: Trước kia, đến khu này không có chỗ mà đặt chân, bởi chỗ nào cũng là phân gia súc, thậm chí là cả phân người, nhưng giờ thì khác hoàn toàn rồi. Nhà nào ở khu này cũng có nhà vệ sinh, nhà tắm gần nhà. Gia súc được làm chuồng trại nuôi nhốt, có hố để xử lý phân và rác thải, sạch sẽ chẳng kém gì các khu dân cư nông thôn ở vùng thấp.
Thành công từ các mô hình dân vận khéo: làm nhà vệ sinh, "5 không 3 sạch", sạch bản sạch nhà... ở Kim Nọi, đang phát huy hiệu quả, đã tạo chuyển biến tích cực, đặt nền móng tư tưởng vững chắc, khởi đầu thành công cho những chủ trương đúng, nhiều việc làm thiết thực cho dân của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đến nay, trên địa bàn xã Kim Nọi không còn tình trạng thả rông gia súc bừa bãi. Ở các bản, nhiều hộ đã tự làm hố rác cá nhân; nhiều khu dân cư ở gần nhau đã có hố rác sử dụng chung. Bà con đã có ý thức dọn dẹp vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm ở sạch sẽ.
Vui với niềm vui của Bí thư Sùng A Sàng, tôi nhớ câu nói của ông: "Chính phủ Việt Nam đang hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo thì cấp xã, phường không thể là một cơ quan hành chính thông thường mà phải là một cơ quan hành động. Cán bộ xã càng phải làm nghiêm túc, điều hành thực chất, gần dân thực chất. Đội ngũ cán bộ công chức ở Kim Nọi đang hành động theo phương châm ấy để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, mang lại cuộc sống ngày một tốt đẹp cho người dân; còn là để thực hiện việc đào tạo, rèn rũa đội ngũ cán bộ, trong bối cảnh chúng ta cần hơn những người làm được việc cho dân”.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Tây Bắc - với nhiều người, chỉ cần một lần "chạm” là bị "mê hoặc”. Sự "mê hoặc” ấy không đến từ những tiện nghi sang trọng hay đẳng cấp vượt trội của công nghệ. Cái tạo nên sức hút ấy là bởi chính nếp sinh hoạt đậm đà bản sắc của cộng đồng dân tộc nơi đây, nó làm khơi gợi trí tò mò và khát khao chinh phục trong mỗi người một cách mạnh mẽ.
YBĐT - Chân lý ấy, soi vào quãng đời khởi nghiệp, lập thân, thành công đến giờ của người phụ nữ này chẳng sai một ly. Không có ý chí, không có bản lĩnh, không có một Nguyễn Thị Huyền Huế, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên - doanh nhân thành công ở tuổi 30 ngày hôm nay.
YBĐT - Trong những chuyến công tác ở Lục Yên, tôi thường được nghe kể về các mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi gà, lợn, cá, trồng rừng, trồng cây ăn quả. Nhưng lần này, Bí thư Huyện đoàn Hoàng Trung Chinh lại kể về một thanh niên "gác phấn hồng” về quê đầu tư trang trại thỏ và bước đầu cho thu nhập khá đã làm tôi tò mò muốn gặp. Anh chính là Phạm Hải Chiều ở bản Tông Cại, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên.
YBĐT - Về Bảo Hưng hôm nay, 100% tuyến đường liên thôn, liên xã và trên 60% đường làng, ngõ xóm đều được kiên cố hóa; 98% số hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%