Bừng sáng Phúc An

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/2/2018 | 3:35:51 PM

YBĐT - Trong nắng ấm trước thềm xuân mới, chúng tôi ngược vùng Đông hồ, huyện Yên Bình để về Phúc An. Còn nhớ, những năm trước đây, đời sống người dân vô cùng khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu, ấy vậy mà hôm nay trở lại, Phúc An đã bừng sáng.

Nghề nuôi cá lồng trên hồ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Phạm Văn Định, thôn Đồng Tanh, xã Phúc An.
Nghề nuôi cá lồng trên hồ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Phạm Văn Định, thôn Đồng Tanh, xã Phúc An.

Biến khó thu lợi

Là xã nằm ven sông Chảy, khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà khởi công xây dựng thì xã Phúc An di chuyển lên lưng chừng núi. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn bởi thiếu đất sản xuất, những cánh đồng màu mỡ thì đã chìm dưới lòng hồ. Tuy nhiên, diện tích mặt nước hồ Thác Bà rộng hơn 19.000 ha với nguồn thủy sản dồi dào và phong phú đã mang lại no ấm cho người dân nơi đây, nhất là từ khi chủ trương tận dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản được triển khai.
 
Đồng chí Nguyễn Minh Việt - Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: "Xã có 9 thôn, trong đó có 5 thôn tiếp giáp với hồ Thác Bà, với 4 dân tộc anh em cùng chung sống là Tày, Nùng, Kinh, Cao Lan. Trước đây, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu phát triển đồi rừng, trồng lúa nước nhưng diện tích nhỏ hẹp nên khó lại càng thêm khó. Giờ đây, được Đảng và Nhà nước hỗ trợ nhiều trong phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển nuôi trồng thủy sản tận dụng tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà và vừa qua, làng nghề rọ tôm đã chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống đã mở ra hướng đi mới cho Phúc An, đời sống bà con ngày càng được cải thiện”.
 
Điều này càng được thể hiện rõ và được nghị quyết thông qua tại Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2016 - 2020, xác định nuôi trồng thủy sản trở thành mũi nhọn kinh tế. Và hôm nay, Phúc An đã quy hoạch 5 thôn tiếp giáp với lòng hồ là Đồng Tha, Đồng Tâm, Đồng Tý, Cầu Trắng, Đồng Tanh phát triển mô hình nuôi cá trên hồ với diện tích 14,9 ha.

Anh Trần Duy Luân ở thôn Đồng Tâm - một trong những người đầu tiên của thôn nuôi cá eo ngách trên hồ. Với diện tích đăng ký 1,5 ha mặt nước eo ngách, anh đầu tư hơn 150 triệu đồng mua con giống, lưới quây, vật tư khác để nuôi cá. Năm 2015, anh bắt tay vào làm thí điểm với quy mô nhỏ, thu về gần 40 triệu đồng. Còn ở lứa cá hiện tại khi đã mở rộng diện tích, đến tháng 4/2018 cho thu hoạch, ước chừng con số đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Từ nuôi cá, kết hợp với trồng rừng, anh Luân đã có cuộc sống khá giả.
 
Ngồi trên chòi trông cá, khoát một vòng tay, anh Luân phấn khởi chia sẻ: "Trước khi triển khai mô hình nuôi cá eo ngách, tôi chả nghề gì không qua, từ làm thuê, lấy củi, trồng cây ngắn ngày mà vẫn nghèo, vẫn khó. Rồi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ, tôi mạnh dạn đăng ký, huy động nguồn vốn từ anh em, bạn bè đầu tư nuôi cá eo ngách và thành công đã đến”.

Khác với anh Luân, gia đình anh Phạm Văn Định ở thôn Đồng Tanh phát triển mô hình nuôi cá lồng. Ngày nào anh cũng ra thăm cá ít nhất ba lần, cầm con cá nheo nặng chừng 2 kg, anh Định cho hay: "Nuôi cá lồng hiệu quả rất cao, trừ chi phí thì mỗi lứa thu hoạch 300 triệu đồng/năm. Riêng nuôi cá nheo, cá ngạnh, nếu chăm tốt sản lượng cũng đạt gần 1 tấn/lồng, giá thị trường trên dưới 70.000 đồng/kg như hiện nay thì cũng thu về trên 50 triệu đồng/lồng. Tuy nhiên, nuôi cá lồng cũng có những rủi ro nhất định, nhất là về con giống. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình này, dự kiến sang năm mở rộng quy mô đóng thêm 20 lồng nữa nuôi cá chiên - loại này còn giá trị hơn nhiều”.
 
Thực tế cho thấy, tận dụng tiềm năng mặt nước hồ, ngoài hộ gia đình anh Luân, anh Định, còn nhiều lắm những hộ dân trên địa bàn xã đã và đang phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Nghề phụ cho thu nhập chính

Ở Phúc An ngoài câu chuyện nuôi cá trên hồ thì từ lâu đã nổi tiếng với làng nghề đan rọ tôm. Ngày 9/9/2017, người dân thôn Đồng Tâm đã vinh dự đón nhận Quyết định công nhận làng nghề đan rọ tôm của UBND tỉnh Yên Bái. Nghề đan rọ tôm ở đây ban đầu chỉ có vài chục hộ làm tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, nay cả thôn Đồng Tâm đã có gần 100 hộ đan rọ tôm quanh năm, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo và tăng thêm thu nhập. Năm 2015, số lượng rọ tôm đạt 1.368.000 chiếc, doanh thu đạt trên 5,1 tỷ đồng, chiếm 61% tổng doanh thu của thôn, thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/hộ/tháng.
 
Năm 2016, số lượng rọ tôm cả năm đạt 1.400.000 chiếc cho doanh thu trên 5,3 tỷ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu của thôn, thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/hộ/tháng. Về làng nghề đan rọ tôm là ai cũng biết ông Dương Xuân Hiệp - một trong những hộ có truyền thống đan rọ tôm đến mấy đời. Vào nhà ông chỗ nào cũng thấy rọ tôm được sắp xếp ngăn nắp, đẹp mắt.
 
Vừa giới thiệu các công đoạn để cho ra được một sản phẩm, ông Hiệp vừa chia sẻ: "Tôi là người dưới xuôi, ông bà lên mảnh đất này khai hoang từ rất lâu rồi. Để mưu sinh, gia đình tôi đã gắn bó với nghề đan rọ tôm này gần 40 năm. Đến nay, các con, các cháu đều đã có thâm niên trong nghề. Trung bình mỗi ngày, mỗi người đan được 25 chiếc rọ, mỗi tháng thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng/người. Rọ tôm được xuất bán đi các xã trong tỉnh và các tỉnh bạn như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh...

Tôi chia tay Phúc An trong lưu luyến mà lòng ấm áp lạ thường. Trên các nẻo đường phía Đông hồ Thác Bà xuân đã gõ cửa, người người, nhà nhà đã chộn rộn không khí đón tết. Một Phúc An bừng sáng ngày xuân sang!

Trần Minh

Các tin khác
Khu nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng của Vũ Mạnh Cường do chính tay anh thiết kế, xây dựng, thu hút đông đảo du khách.

YBĐT -   Từ một thầy giáo dạy Ngữ văn của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở anh thành người "bỗng dưng nổi tiếng” khi trở thành ông chủ của khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng tư nhân đầu tiên tại bản Lừu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. 

Đại tá Nguyễn Đức Vỹ trao phần thưởng cho các cá nhân có thành tích trong huấn luyện.

YBĐT - Hơn 30 năm gắn bó trong ngành công an, phần lớn công việc gắn với nhiệm vụ của cảnh sát cơ động (CSCĐ), dù ở vị trí nào, Đại tá Nguyễn Đức Vỹ - Trưởng phòng Cảnh sát cơ động (PK20), Công an tỉnh Yên Bái cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bác sỹ Bệnh viện Việt - Đức thực hiện chuyển giao kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng Laser cho bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái.

YBĐT - Khi có bệnh, tâm lý muốn được bác sỹ giỏi thăm khám và được dùng thuốc tốt nhất khá phổ biến, nhưng không có nghĩa là cứ có bệnh lại "chạy” về bệnh viện tuyến Trung ương điều trị. Làm vậy, sẽ gây quá tải cho tuyến trên, tốn kém chi phí khám, chữa bệnh cho cả bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế...

Sự khác biệt về địa chất và khí hậu đã tạo nên những hạt gạo Tú Lệ dẻo thơm.

YBĐT - "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, câu ca ấy đã vượt ra khỏi ranh giới vùng đất Yên Bái để đến với người dân các vùng miền trong cả nước và gợi lên sự háo hức trong tâm hồn những lữ khách mỗi khi có dịp đặt chân đến mảnh đất Tú Lệ, huyện Văn Chấn những ngày đầu xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục