Chuyển lên tuyến trên điều trị bệnh: Cần có nhận thức đúng

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/1/2018 | 8:16:00 AM

YBĐT - Khi có bệnh, tâm lý muốn được bác sỹ giỏi thăm khám và được dùng thuốc tốt nhất khá phổ biến, nhưng không có nghĩa là cứ có bệnh lại "chạy” về bệnh viện tuyến Trung ương điều trị. Làm vậy, sẽ gây quá tải cho tuyến trên, tốn kém chi phí khám, chữa bệnh cho cả bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế...

Bác sỹ Bệnh viện Việt - Đức thực hiện chuyển giao kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng Laser cho bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái.
Bác sỹ Bệnh viện Việt - Đức thực hiện chuyển giao kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng Laser cho bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái.


Bệnh viện Đa khoa Yên Bái là bệnh viện hạng I, hiện bệnh viện đã thực hiện được hơn 13 nghìn danh mục kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, y bác sỹ đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, trong đó có 2 bác sỹ đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ, 8 bác sỹ chuyên khoa II, 48 bác sỹ có trình độ thạc sỹ và chuyên khoa cấp I.
 
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bệnh viện được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như dàn phẫu thuật soi ổ bụng, phẫu thuật nội soi tai, mũi, họng, phẫu thuật Phaco, máy lọc máu, máy định danh vi khuẩn, máy CT Scanner 64 dẫy, máy chụp cộng hưởng từ...
 
Nhiều kỹ thuật được tuyến trên chuyển giao thành công, kỹ thuật cao được các khoa thực hiện một cách có tự chủ, nhiều kỹ thuật khó trở thành thường quy như phẫu thuật thay chỏm xương đùi, thay khớp háng, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối, lệnh đĩa đệm cột sống, phẫu thuật nội soi ổ bụng (cắt ruột thừa, cắt túi mật, cắt u nang buồng trứng, khâu lỗ thủng dạ dày), kỹ thuật lọc máu liên tục, điều trị tiêu sợi huyết trong cấp cứu... các khoa lâm sàng như Cấp cứu, Hồi sức chống độc, Nội AB, Ngoại, Chấn thương... đã điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, hiểm nghèo và thực hiện được nhiều thủ thuật cấp cứu đem lại sự sống cho nhiều người bệnh như shock điện cấp cứu người bệnh nhịp nhanh thất vô mạch, cứu sống bệnh nhân bị uốn ván nặng...
 
Bên cạnh đó, Bệnh viện còn là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hàng đầu Việt Nam như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi... và sự hỗ trợ của các bệnh viện trong dự án NORRED (Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên).
 
Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thực hiện Chương trình hợp tác toàn diện về y tế giữa tỉnh Yên Bái và Bệnh viện Bạch Mai, trong quá trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, những ca khó đều được các thầy thuốc giỏi của các bệnh viện lớn tham gia hội chẩn từ xa hoặc trực tiếp có mặt tại Yên Bái để khám và điều trị cho người bệnh.
 
Có thể nói, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Yên Bái và sự giúp đỡ rất có hiệu quả của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã có sự tiến bộ vượt bậc về mặt chuyên môn; chất lượng phục vụ, đặc biệt là tinh thần, thái độ của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ đã có nhiều tiến bộ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày cao của nhân dân.

Tiếc rằng, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vẫn xuất hiện tình trạng xung đột giữa bác sỹ với người bệnh mà nguyên nhân xuất phát từ quyền lợi bảo hiểm y tế. Bác sỹ Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Đội ngũ cán bộ y tế vốn đã phải làm việc với cường độ cao, áp lực rất lớn, nay chịu thêm những phản ứng đôi khi rất gay gắt của người bệnh. Chuyện rất đơn giản là nhiều bệnh nhân muốn chuyển lên tuyến trên nhưng không được đáp ứng đã dẫn tới xung đột”.
 
 
Giáo sư, bác sỹ hàng đầu của Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên có mặt để hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện chỉ với mong muốn được chuyển lên tuyến trên điều trị dù bệnh của mình khá đơn giản, các bác sỹ hoàn toàn có thể chữa khỏi như viêm họng, gãy xương cẳng chân, tiểu đường, huyết áp...
 
Ngay khi chúng tôi thực hiện phóng sự này thì tại Bệnh viện đã xảy ra câu chuyện một nữ bệnh nhân ở xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (chúng tôi không nêu tên) chỉ bị viêm tấy bàn chân, vậy mà chị ta cương quyết đòi các bác sỹ cho phép mình được chuyển lên tuyến Trung ương điều trị. Mặc dù các bác sỹ đã giải thích rất rõ về chuyên môn cũng như chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng nữ bệnh nhân này vẫn rất lớn tiếng, chị ta còn tuyên bố sẽ đưa vụ việc này lên công luận.

Bà Trần Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Bái chia sẻ: "Trường hợp đáng phải chuyển lên tuyến trên, chúng tôi sẽ chuyển, trường hợp trong phạm vi chuyên môn của mình, Bệnh viện sẽ giữ lại để điều trị. Chúng tôi đã chứng minh được năng lực của mình và  sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho bệnh nhân hiểu và yên tâm ở lại điều trị. Trường hợp cương quyết xin chuyển thì chỉ có thể đi bằng con đường tự nguyện vì nếu Bệnh viện giải quyết cho đi sẽ trái với Thông tư 14/2014 và Thông tư số 37/2016 của Bộ Y tế. Theo đó, cơ quan BHXH sẽ không thanh toán cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên trong khi chuyên môn của Bệnh viện hoàn toàn có thể điều trị được. Cũng chỉ vì giải quyết cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên mà hết quý III năm 2017 BHXH tỉnh Yên Bái chưa thanh toán cho Bệnh viện Đa khoa Yên Bái hơn 72 tỷ đồng”.

Có thể nói, tâm lý mỗi khi có bệnh luôn muốn được bác sỹ giỏi thăm khám và được dùng những loại thuốc tốt nhất để mình nhanh khỏi bệnh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bệnh tình không quá nặng, các bác sỹ tại địa phương hoàn toàn có thể điều trị được thì cũng nên yên tâm ở lại vì lên tuyến trên không thật sự quá cần thiết, khiến bệnh viện Trung ương quá tải, gây tốn kém cho bản thân bệnh nhân và trực tiếp làm vỡ quỹ BHYT.
 
Vấn đề càng trở nên phức tạp khi các bác sỹ tuyến Trung ương thường kê đơn với quá nhiều loại thuốc, trong đó có những loại không thật sự cần thiết và rất đắt tiền, vượt quá cao so với trần bảo hiểm y tế/lượt khám và điều trị ở tuyến dưới, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bác sỹ tuyến trên kê đơn, cấp thuốc nhưng lại do quỹ khám chữa bệnh của tuyến dưới chi trả.

"Bệnh nhẹ mà lên tuyến trên dùng kháng sinh liều cao cho nhanh khỏi đúng là lợi bất cập hại; lần sau lỡ viêm nhiễm gì thì chỉ còn cách tiếp tục dùng kháng sinh liều cao trong quá trình điều trị. Nhiều ca chấn thương rất nặng, nằm lại viện để tiếp tục hồi sức cấp cứu, khả năng thành công rất cao nhưng người nhà bệnh nhân cứ cương quyết đòi chuyển lên tuyến trên rồi điều xấu nhất đã diễn ra ngay trên đường chuyển tuyến. Trong trường hợp ngoài khả năng chuyên môn, hoặc khả năng của mình còn hạn chế thì các bệnh viện cũng nên cho chuyển, giúp người bệnh được điều trị một các hiệu quả nhất trong điều kiện của họ” - đó là ý kiến chung của những người có chuyên môn hoặc hiểu biết về lĩnh vực khám chữa bệnh khi bàn về câu chuyện chuyển tuyến.
 
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện: bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị… (trích Điều 5, Thông tư 14/2014).

Lê Phiên

Các tin khác
Sự khác biệt về địa chất và khí hậu đã tạo nên những hạt gạo Tú Lệ dẻo thơm.

YBĐT - "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, câu ca ấy đã vượt ra khỏi ranh giới vùng đất Yên Bái để đến với người dân các vùng miền trong cả nước và gợi lên sự háo hức trong tâm hồn những lữ khách mỗi khi có dịp đặt chân đến mảnh đất Tú Lệ, huyện Văn Chấn những ngày đầu xuân.

Bí thư Sùng A Sàng nắm tình hình đời sống của nhân dân tại bản Dào Xa.

YBĐT - Lên xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải vừa vực dậy sau những thiệt hại nặng nề trong cơn lũ quét hồi đầu tháng Tám năm 2017, thấy vui lây niềm vui trước cuộc sống đã mười phần đủ đầy của người dân ở các bản định cư sau lũ. 

Con người Mường Lò thân thiện, mến khách luôn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.

YBĐT - Tây Bắc - với nhiều người, chỉ cần một lần "chạm” là bị "mê hoặc”. Sự "mê hoặc” ấy không đến từ những tiện nghi sang trọng hay đẳng cấp vượt trội của công nghệ. Cái tạo nên sức hút ấy là bởi chính nếp sinh hoạt đậm đà bản sắc của cộng đồng dân tộc nơi đây, nó làm khơi gợi trí tò mò và khát khao chinh phục trong mỗi người một cách mạnh mẽ.

Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền Huế (bên trái) đã thành công với mô hình sản xuất que kem.

YBĐT - Chân lý ấy, soi vào quãng đời khởi nghiệp, lập thân, thành công đến giờ của người phụ nữ này chẳng sai một ly. Không có ý chí, không có bản lĩnh, không có một Nguyễn Thị Huyền Huế, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên - doanh nhân thành công ở tuổi 30 ngày hôm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục