“Huyền thoại” quế

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/2/2018 | 9:03:05 AM

YBĐT - Trong tiết se lạnh cuối đông, bỗng nhớ cồn cào vị cay nồng hương quế người Dao. Tâm trạng ấy đã đưa tôi từ phố thị tìm về miền đất nức danh với "huyền thoại quế”. Nơi lưu truyền câu chuyện của các thế hệ tiếp nối sinh sống nơi đây khó lòng thiếu những tháng năm "đưa quế sang sông”, những "Đồi quế Bác Hồ”… để hôm nay một vùng nguyên liệu "vàng xanh” giá trị bạc tỷ của đất Văn Yên anh hùng.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Dọc con đường vào thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn (Văn Yên) trong tiết trời sang xuân, quế đã ươm xanh, chờ vào vụ mới. Đúng là đất quế. Đồi cao, đồi thấp đều là quế. Nhà sàn cao rộng, biệt thự hiện đại cũng lấp ló dưới tán quế cổ thụ đến vài chục năm tuổi.

"Rẽ tay phải là đến nhà ông Bàn Văn Lý rồi. Cội nguồn cây quế đất Viễn Sơn này ông Lý rõ như lòng bàn tay. Phó Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn Doãn Hải Sơn nhắc đường đã kéo tôi trở lại. Ông Lý đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe lắm, da dẻ hồng hào, giọng nói sang sảng, những câu chuyện từ xưa vẫn được ông kể rành rọt.
 
Rằng, cây quế được cụ Bàn Thừa Phú (Phú Sáu) phát hiện, tìm kiếm và mang về Viễn Sơn trồng từ cuối thế kỷ XIX. Ban đầu, cây quế rất quý hiếm, chỉ những gia đình khá giả mới mua về trồng làm hương liệu, nước thơm… trong dịp lễ, tết.
 
Nhấp chén trà, ông Lý khề khà: "Có người từng hỏi về điển cố, điển tích rồi huyền thoại cây quế - xin thưa cây quế không có sự tích mà là huyền thoại của người Dao và chỉ thực sự trở thành huyền thoại khi có ánh sáng soi đường của Đảng, của Bác Hồ vĩ đại mà thôi!”.
 
Để hiểu thêm về những câu chuyện xung quanh cây quế, chúng tôi tìm đến gia đình ông Bàn Kim Vạn trên 70 tuổi, dân tộc Dao ở thôn Khe Dứa - người từng làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã trồng quế những năm 1960 - 1970 của xã Viễn Sơn; rồi sang thôn Làng Vầu, xã Đại Sơn gặp ông Đặng Nguyễn Phúc gần 80 tuổi là người dân tộc Dao và có uy tín trong cộng đồng, đến ông Hoàng Văn Bàn trên 80 tuổi, người dân tộc Tày ở thôn Khe Giang… và câu trả lời chúng tôi nhận được đều như điều ông Bàn Văn Lý trải lòng.

Lưu truyền câu chuyện của các thế hệ tiếp nối sinh sống nơi đây khó lòng thiếu những tháng năm "đưa quế sang sông”, những "Đồi quế Bác Hồ”… để hôm nay một vùng nguyên liệu "vàng xanh” giá trị bạc tỷ của đất Văn Yên anh hùng. Diện tích quế cũng được rộng mở theo năm tháng, đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân tăng lên. Thế rồi nhà nhà trồng quế, người người trồng quế. Không chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc Dao mà trồng quế trở thành phong trào lớn ở hầu hết các xã trong huyện.
 
Nói như đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn Bàn Tiến Hiến: "100% cán bộ, công chức xã đã được "phổ cập” bằng lái xe ô tô rồi và gần một nửa đã sắm ô tô, thấp thì 400 - 500 triệu đồng, hạng sang cũng tiền tỷ đấy. Tất cả đều nhờ vào cây quế!”.

Chẳng thế, Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên nhiều nhiệm kỳ qua luôn xác định quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã có biện pháp duy trì diện tích, sản lượng quế; khai thác phù hợp; bảo tồn nguồn gen quý của giống quế bản địa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở thu mua quế vỏ, chế biến tinh dầu quế hoạt động. Hàng năm, huyện trồng mới từ 1.500 - 1.600 ha quế.
 
Nhờ đó, cây quế đã có mặt ở cả 27 xã, thị trấn với diện tích trên 40.000 ha và trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước. Cây quế ở Văn Yên đã mang lại thu nhập rất lớn cho người dân, bởi cả vỏ, gỗ, lá, gốc, rễ của nó đều có giá trị sử dụng trong một số ngành sản xuất và đời sống. Với giá trị to lớn đó, cây quế ngày càng khẳng định vị thế kinh tế chủ lực của Văn Yên. Mỗi năm, huyện xuất ra thị trường khoảng gần 10.000 tấn vỏ quế khô; 60.000 tấn cành, lá quế; 300 tấn tinh dầu; 65.000 m3 gỗ quế.
 
Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây quế và hàng nghìn hộ đã xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định hay trở nên giàu có cũng nhờ cây quế. Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm khoảng trên 540 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
Đồng chí Vũ Quang Hải - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định, bền vững. Đi đôi với việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen quý”.

Thực hiện Đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện đã lựa chọn được 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, đường kính thân trên 30 cm, chiều cao 15m trở lên ở các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn gen.
 
Ngoài ra, huyện còn bảo tồn 14 ha quế ở các xã: Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu để làm nguồn giống cung ứng cho kế hoạch trồng quế hàng năm và làm tiền đề phục vụ du lịch. Tháng 1/2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên.
 
Như vậy, Văn Yên sở hữu vùng quế lớn nhất nước với giống quế được coi là tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó, huyện đã xây dựng các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ rừng trồng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật; thành lập hiệp hội chế biến quế. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế.
 
Nhờ đó, đến nay Văn Yên đã có trên 10 nhà máy sản xuất, chế biến tinh dầu quế; gần 20 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ, gần 10 hợp tác xã chế biến gỗ quế và hàng nghìn hộ thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế…

Vâng! "Huyền thoại” quế Văn Yên chính là nhờ có Đảng, có Bác soi đường chỉ lối, để từ đó người Dao, người Tày, người Xa Phó… ở Văn Yên đưa huyền thoại ấy thành hiện thực ấm no. Hôm nay, người Dao nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên nói chung vẫn luôn một lòng son sắt "thủy chung” coi cây quế là nguồn "vàng xanh” vô giá, là "người bạn tri ân, tri kỷ” của mình.
 
Chia tay vùng đất quế huyền thoại, đầy tiềm năng tôi trở về thành phố khi nắng chiều còn vương, hương quế ngọt ngào, dư vị cay nồng của một vùng quế huyền thoại. 

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đường về bản vùng cao. (Ảnh Minh Huyền)

YBĐT - Tròn 5 tháng sau trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng xảy ra tại huyện Mù Cang Chải, chúng tôi mới có dịp quay trở lại nơi đây để chứng kiến cuộc sống đổi thay của người dân khi tết cổ truyền của dân tộc cận kề.

Nghề nuôi cá lồng trên hồ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Phạm Văn Định, thôn Đồng Tanh, xã Phúc An.

YBĐT - Trong nắng ấm trước thềm xuân mới, chúng tôi ngược vùng Đông hồ, huyện Yên Bình để về Phúc An. Còn nhớ, những năm trước đây, đời sống người dân vô cùng khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu, ấy vậy mà hôm nay trở lại, Phúc An đã bừng sáng.

Khu nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng của Vũ Mạnh Cường do chính tay anh thiết kế, xây dựng, thu hút đông đảo du khách.

YBĐT -   Từ một thầy giáo dạy Ngữ văn của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở anh thành người "bỗng dưng nổi tiếng” khi trở thành ông chủ của khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng tư nhân đầu tiên tại bản Lừu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. 

Đại tá Nguyễn Đức Vỹ trao phần thưởng cho các cá nhân có thành tích trong huấn luyện.

YBĐT - Hơn 30 năm gắn bó trong ngành công an, phần lớn công việc gắn với nhiệm vụ của cảnh sát cơ động (CSCĐ), dù ở vị trí nào, Đại tá Nguyễn Đức Vỹ - Trưởng phòng Cảnh sát cơ động (PK20), Công an tỉnh Yên Bái cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục