Về nơi đất lành

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/2/2018 | 9:15:32 AM

YBĐT - Đắm mình với suy luận, giữa huyền thoại và thực tại, cái lạnh của mưa bụi khiến tôi choàng tỉnh. Vườn nhà ai đó đào đã hé nụ, chanh, quất, cam... đã vàng óng. Nàng xuân như đang gõ cửa từng nhà, từng ngõ, xóm nơi mảnh đất này với niềm vui no ấm và hạnh phúc. 

Vân Hội từ trên cao.
Vân Hội từ trên cao.

Trong lúc "trà dư tửu hậu”, ông Mã Đình Hoàn - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái cắt nghĩa cho tôi: "Vân Hội” nghĩa Hán là vùng đất hội tụ mây lành. 

Khi nghiên cứu mình nhận thấy Vân Hội  là vùng đất "địa linh”, nơi hội tụ linh khí thiêng liêng của đất trời, với lịch sử văn hóa vô cùng đặc sắc, nếu biết khai thác hết tiềm năng, thế mạnh chắc chắn sẽ phát triển trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch. Tâm sự của nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm của Yên Bái đã thôi thúc tôi đến với Vân Hội xuân này.

Vào một sớm mai khi mưa bụi mịt mờ giăng một màn trắng huyền ảo, tà tà xe máy tôi vào Vân Hội. Khác mọi khi, tôi không đi theo đường Hợp Minh - Mỵ quen thuộc mà chọn theo đường mới, từ đường Âu Cơ ra IC12 cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

Bận bịu với cuộc sống thường nhật, đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp thong dong, để rồi thoáng ngỡ ngàng bởi sự đổi thay ghê gớm của thành phố nơi mình đang sống. Đường Âu Cơ nối ra cao tốc Nội Bài - Lào Cai rộng thênh thang bốn làn xe, liên tiếp những ngả rẽ, người bản địa không cẩn thận cũng có khi nhầm đường. 

Hai bên tuyến đường, hàng cây bóng mát đã bắt đầu bén rễ đâm chồi. Hơn thế, nhiều công trình được xây dựng tạo sức sống mới của thành phố trẻ. Dù chưa được hoàn thành nhưng đoạn đường từ IC 12 nối đến Vân Hội được đầu tư xây dựng rộng rãi, tốc độ xe đến 80km/h, vì vậy chỉ vài chục phút đồng hồ tôi đã đến Vân Hội. 

Đúng như lời ông Mã Đình Hoàn, dù kiến thức về phong thủy của bản thân rất khiêm tốn, nhưng người "ngoại đạo” như tôi khi ngắm Vân Hội cũng thấy được vẻ đẹp của vùng đất này, nôm na là "sơn thủy hữu tình”. 

Bởi có lẽ do tài tình của tạo hóa cũng như thiên phú cho đất này, phía Bắc, phía Tây Vân Hội được núi Muỗi, núi Chuối, núi Bụt, núi Kìm bao bọc, còn phía Đông, phía Nam thông ra cánh đồng với hợp lưu của ngòi Vần, ngòi Mon, ngòi Lĩnh từ đó tạo ra đầm Vân Hội rộng lớn tới 400 ha - là khu nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái lý tưởng. 

Trung tâm xã Vân Hội giờ là công trường với tiếng máy lu, máy múc và xe tải hối hả ngược xuôi. Trên các cánh đồng, nơi thì xanh mướt ngô đông, rau màu, chỗ dân hối hả với tiếng máy cày nổ ròn rã làm đất chuẩn bị vào vụ mới. 

Tại trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã vừa mới xây dựng khang trang, không khí phấn khởi của xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới khiến Chủ tịch UBND xã Trần Đình Kiên phấn chấn: "Sau 7 năm nỗ lực thực hiện, với sự đầu tư của nhà nước, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chúng tôi đã cán đích nông thôn mới! Phấn khởi tự hào, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm lắm!”.

Vâng, quả là những thông tin thật vui. Từ sự đầu tư của Nhà nước, đường Hợp Minh - Mỵ và đường Vân Hội - Quân Khê chạy qua địa bàn với tổng chiều dài 11,6km đã được trải nhựa, trong đó đoạn qua trung tâm xã có chiều dài 0,75km được nâng cấp, mở rộng. Cùng trục đường chính, với sự đóng góp của nhân dân có đến 65,3% đường trục thôn và đường liên thôn trong xã đã được kiên cố hóa; 100% công trình thủy lợi đều là đập dâng, đầu mối kiên cố. 

Xây dựng nông thôn mới, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng, nhất là trong nhân dân đã xuất hiện những mô hình mới như: nuôi cá lồng, nuôi ong lấy mật, trồng cây ăn quả, làm du lịch… 

Đó là những thành quả để đến nay thu nhập bình quân đầu người của 690 hộ dân trong xã đạt 26,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,74%. Vui hơn, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát... 
 
Với trên 1.800 ha đất tự nhiên, làng Vân Hội xưa thuộc tổng Đại Lịch, huyện Văn Chấn. Năm 1900, xã có tên là Minh Phú, thuộc tổng Lương Ca, huyện Trấn Yên. 

Như bao vùng đất của miền quê Yên Bái giàu truyền thống, mãi đến tháng 10/2015, một phần bí mật về vùng đất "mây lành hội tụ” mới được "phát lộ” khi Bảo tàng tỉnh Yên Bái được nhân dân cung cấp thông tin phát hiện nhiều hiện vật bằng gốm nằm rải rác trên quả đồi Cấm. 

Kết quả khai quật thám sát đã phát hiện nhiều gạch cổ, đồ thờ bằng gốm có niên đại khoảng 500 năm (thời Lê). Thông qua hiện vật các nhà nghiên cứu xác định nơi đây có sự hiện diện của kiến trúc cổ đền, đình, chùa. 

Kết quả thám sát của Bảo tàng tỉnh càng được củng cố khi những nghiên cứu văn hóa dân gian của Trung tâm Quản lý và Phát triển du lịch cho thấy những địa danh (tên núi, đồi, ngòi, suối, khe, đồng ruộng) đều lưu dấu của khu di tích ngàn xưa. Nó gắn với truyền thuyết về mẹ Âu Cơ của thời đại Hùng Vương dựng nước rực rỡ. 

Ngược theo dòng lịch sử, theo suy luận của các nhà nghiên cứu, có lẽ, trong dòng chảy của văn hóa Việt có văn hóa của sắc tộc thiểu số đặc biệt là người Tàu cùng với người Việt (người Kinh) gây dựng thành công nước Văn Lang, Âu Lạc. 

Trước đây, việc lập các đền thờ để thờ các đấng vô cùng, trong đó có đền thờ Mẫu là phổ biến, các địa điểm thường từ đầu nguồn các dòng sông, ngọn suối do liên quan đến săn bắt, hái lượm. Do nhu cầu canh tác, trồng lúa nước phải chọn đất bằng, rộng hơn, quần cư các vùng đền thời được di theo đến các vùng đất mới. 

Đền Âu Cơ chỉ cách Vân Hội khoảng 5 ki-lô-mét, cuối nguồn ngòi Vần, điều này cho ta thông tin về một ngôi đền cổ thờ Mẫu ngàn xưa có thể địa điểm tại thôn 6, Vân Hội ngày nay. 

Theo cách tích niên đại trong tiến trình lịch sử Việt Nam thì thời Hồng Bàng; Hùng Vương với nhà nước Văn Lang (đóng đô ở Phong Châu); Thục Phán với nhà nước Âu Lạc (đóng đô ở Cổ Loa) ứng với văn hóa Đông Sơn và tiền Đồng Sơn (khoảng năm 2000 TCN - 100) với các giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. 

Trong giai đoạn này, vùng đất Yên Bái phát hiện khá nhiều các loại hình di tích, di vật có giá trị dọc theo đôi bờ sông Hồng như: thạp đồng Đào Thịnh và Hợp Minh; các di chỉ ở Tuần Quán, xóm Soi, Hợp Minh… 

Và thú vị là những di tích, di vật này được tìm thấy chỉ cách Vân Hội khoảng 10 ki-lô-mét. Qua các hiện vật đặc sắc thu được và vô vàn những câu chuyện truyền miệng ở vùng Vân Hội có thể giả định: giai đoạn này có sự phát triển mạnh mẽ của cư dân cổ trên vùng đất này và ở Yên Bái đã tồn tại một "thế lực” hùng mạnh!  

Có lẽ bởi là vùng đất "địa linh” nên mỗi dòng suối, ngọn núi ở Vân Hội đều ẩn chứa những huyền tích, huyền thoại. Đó là truyền thuyết về công chúa Liễu Hoa, gắn với địa danh núi Nả, núi bà Chúa Nả. Hay truyền thuyết Mẫu Âu Cơ vẫn còn lưu truyền gắn với Ao Xanh, đồi Long Ẩn, đền thờ núi Kìm (núi thiêng); truyền thuyết nàng tiên giáng trần vãn cảnh Thác Quẽ và tắm Ao Xanh... 

Huyền tích, truyền tích là để người ta suy luận, thỏa mãn nhu cầu tâm linh và chờ các giải đáp từ các nhà nghiên cứu, nhưng điều chắc chắn khẳng định, với vị trí trọng yếu, Vân Hội là mảnh đất lịch sử khi nó gắn với lịch sử cách mạng chiến khu Vần, căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp của Yên Bái hay các địa danh Đồng Yếng, đèo Giang…

Đắm mình với suy luận, giữa huyền thoại và thực tại, cái lạnh của mưa bụi khiến tôi choàng tỉnh. Vườn nhà ai đó đào đã hé nụ, chanh, quất, cam... đã vàng óng. Nàng xuân như đang gõ cửa từng nhà, từng ngõ, xóm nơi mảnh đất này với niềm vui no ấm và hạnh phúc. 

Tạm biệt nơi "mây lành hội tụ” tôi thầm nghĩ, với thế và lực đang có, nếu biết phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nội lực của nhân dân, đặc biệt là những giá trị lịch sử vô giá qua phục hồi, tu bổ, tôn tạo những giá trị văn hóa có ý nghĩa tâm linh như đền, đình, chùa Minh Phú, gắn với các di tích lịch sử cách mạng như: Đồng Yếng, Đèo Giang...

Cùng đó là khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch được thiên nhiên ưu đãi như: Thác Quẽ, Ao Xanh, đầm Vân Hội... chắc chắn Vân Hội sẽ cất cánh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế cho cả vùng trong tương lai. 

Đình Tứ

Các tin khác
Hộ ông Nguyễn Văn Đông, thôn Quyết Tiến 11 đã thu về 450 triệu đồng từ 100 cây bưởi đang trong thời kỳ kinh doanh.

YBĐT - Đại Minh đượm mướt bóng bưởi óng xanh sau bức mành mưa mỏng mảnh, trắng trong, mềm buông tựa sương tựa khói. Đón cơn mưa "vàng” đúng thời điểm thích hợp nhất, nhận tình cảm "vàng” từ người trồng cây...

Trung tâm thành phố Yên Bái. Ảnh: Hoàng Đô

YBĐT - Làn sương mỏng dần, ban mai của ngày mồng một tết đang hiển hiện, khoảng tĩnh lặng tinh sương chỉ còn trong mơ. Mùi hương trầm nhẹ nhàng phảng phất, đã có những lời chúc tết trong ngôi nhà trong ngõ vang lên hòa trong bản nhạc xuân.

Một góc thành phố trẻ bên sông. (Ảnh: Hoàng Đô)

YBĐT - Sông Hồng - nơi một thuở có bến đò ngang đưa khách đi về, ấy là bến đò bên này - thị thành đông vui, bên kia - làng quê xa ngái. Tôi đi xe máy trên con đường dạo có hàng lan can màu xanh để nhìn ngắm cầu Bách Lẫm, rồi không xa là cầu Tuần Quán - những công trình của lòng dân, ý Đảng và tôi thấy ráng đỏ từ sông Hồng bay lên. Ôi, thành phố của ta, Yên Bái của ta đẹp đến nao lòng!

Ảnh minh hoạ.

YBĐT - Trong tiết se lạnh cuối đông, bỗng nhớ cồn cào vị cay nồng hương quế người Dao. Tâm trạng ấy đã đưa tôi từ phố thị tìm về miền đất nức danh với "huyền thoại quế”. Nơi lưu truyền câu chuyện của các thế hệ tiếp nối sinh sống nơi đây khó lòng thiếu những tháng năm "đưa quế sang sông”, những "Đồi quế Bác Hồ”… để hôm nay một vùng nguyên liệu "vàng xanh” giá trị bạc tỷ của đất Văn Yên anh hùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục