Yên Bái phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bài 4: Đánh thức tiềm năng để du lịch cất cánh

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/3/2018 | 7:06:59 AM

YBĐT - Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: "Ngành văn hóa - thể thao và du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần làm tốt hơn nữa vai trò kiến tạo, quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch để góp phần đưa du lịch tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển trong thời gian tới và những năm tiếp theo".

Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn tại đền Đông Cuông được tổ chức góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi những nét văn hóa đặc sắc của tục thờ Mẫu Thượng ngàn ở Đông Cuông cũng như hình ảnh Yên Bái đến đông đảo du khách thập phương.
Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn tại đền Đông Cuông được tổ chức góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi những nét văn hóa đặc sắc của tục thờ Mẫu Thượng ngàn ở Đông Cuông cũng như hình ảnh Yên Bái đến đông đảo du khách thập phương.

 
Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ quan điểm: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch...

Đã đến lúc Yên Bái không thể để tiềm năng du lịch của mình "ngủ yên”, cần khai thác hiệu quả những thắng cảnh mà thiên nhiên ưu đãi, cần phô diễn những nét đẹp trong bản sắc của các tộc người Yên Bái trước du khách thập phương. Đây là một vấn đề lớn cần các cấp, các ngành của tỉnh phải cùng nhau sớm đưa ra lời giải.
 
Thực tế không phải Yên Bái chưa có sản phẩm du lịch mà qua nhiều năm những sản phẩm này hầu như không thay đổi, không có "cái mới” để thu hút du khách cũng như có những điều đặc biệt để họ phải quay lại không chỉ một lần. Phải thấy rằng, khách du lịch đến Yên Bái vẫn chỉ thuộc lĩnh vực du lịch tâm linh, còn về thắng cảnh, du khách vẫn chủ yếu lên với Mù Cang Chải thưởng thức, tìm hiểu vẻ đẹp, sự kỳ vĩ của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang.
 
Hồ Thác Bà được ví như Hạ Long trên núi, bản sắc vùng "đất Ngọc” Lục Yên hay về vùng quế người Dao Văn Yên, vùng chè cổ thụ Suối Giàng (Văn Chấn)… vẫn dừng lại địa danh có tiếng đối với người dân trong tỉnh.

Yên Bái là tỉnh miền núi còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, giao thông đến Yên Bái còn nhiều khó khăn nên để du lịch Yên Bái phát triển tương xứng với tiềm năng và là ngành kinh tế mũi nhọn là điều vô cùng khó khăn. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm được.
 
Trên cơ sở những gì đã và đang làm để phát triển du lịch, trên tinh thần của Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáng mừng vì Yên Bái đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết 35 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, hướng đến mục tiêu: phát triển du lịch tỉnh Yên Bái phù hợp với Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030.
 
Vì vậy, phát triển du lịch được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển con người. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.
 
Qua đó, Yên Bái cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm, trong đó chú trọng phát triển và nâng quy mô các tổ chức lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa - du lịch của tỉnh, nhằm tạo sức hấp dẫn thu hút du khách.
 
Chú trọng, ưu tiên khai thác phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch khám phá mạo hiểm tại Mù Cang Chải, vùng Đông hồ Thác Bà và Trạm Tấu; phát triển một số làng nghề truyền thống vùng Đông hồ Thác Bà và khu vực phía Nam thành phố Yên Bái. Chủ động trong công tác xúc tiến thu hút mời gọi đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đầu tư phát triển các dịch vụ tại Khu du lịch hồ Thác Bà, khu vực ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đầm Vân Hội, Suối Giàng.

Phát triển du lịch địa phương phải gắn với du lịch nội địa và quốc tế, hình thành các tour, tuyến du lịch, liên kết với các vùng du lịch trọng điểm trong và ngoài nước. Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh trong nước, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là phát triển hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
 
Đặc biệt, cần phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, nghiên cứu, bổ sung các lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, ưu tiên bố trí từ ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các vùng du lịch trọng điểm. 

Từ nay đến năm 2025, Yên Bái cần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình du lịch - dịch vụ phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch, gắn với các địa bàn trọng điểm du lịch, tạo thành cụm liên kết phục vụ phát triển du lịch; tập trung xây dựng các tour, tuyến; liên kết các khu, điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, làng nghề truyền thống.
 
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh tạo sức hút cho du khách; đào tạo và hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nhân du lịch đáp ứng được nhu cầu. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch thiết yếu, từng bước đưa vào khai thác các dự án của 4 vùng du lịch trọng điểm là: vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận (phía Nam huyện Trấn Yên); vùng du lịch miền Tây của tỉnh; vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên.

Để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Yên Bái cũng cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh như: hỗ trợ về tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư thu gom rác thải; hỗ trợ cho các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú; xây dựng Quy chế quản lý các hoạt động du lịch tỉnh Yên Bái. Bên cạnh nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch, cần khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch, làm giàu các tài nguyên du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Yên Bái.
 
Quy hoạch bố trí quỹ đất hợp lý để phát triển các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và của tỉnh Yên Bái với các doanh nghiệp, nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào phát triển và tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tỉnh, tạo lợi thế so sánh với các tỉnh trong khu vực…
 
Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh Yên Bái trong tạo điều kiện cho du lịch phát triển như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đến phát triển sản phẩm du lịch, thị trường du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên; tích cực tham gia các chương trình sự kiện của ngành, của địa phương như: hội chợ du lịch, hội thảo; tạo dựng mối liên kết với các hiệp hội du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, hạn chế các hoạt động phi pháp ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Yên Bái.

Thực hiện đồng bộ các chính sách như: chính sách thuế - đầu tư, phát triển và xúc tiến thị trường, tổ chức quản lý, khuyến khích phát triển và xã hội hóa du lịch. Đồng thời thực hiện tốt các giải pháp như: liên kết khu vực trong phát triển du lịch, cơ cấu lại thị trường cầu - cung, sản phẩm du lịch, nguồn lực, hệ thống quản lý và hỗ trợ phát triển…; nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, thiếu đồng bộ, sản phẩm du lịch đơn sơ, rời rạc, chưa hấp dẫn, chưa có thương hiệu, chưa thu hút được thị trường khách cao cấp lưu trú dài ngày... sẽ giúp du lịch phát triển và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Yên Bái, từng bước đưa du lịch Yên Bái phát triển tương xứng với tiềm năng và khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác đúng theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị.
 
Yên Bái phấn đấu trong giai đoạn 2016 - 2025 huy động được trên 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào phát triển du lịch. Trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cho hạ tầng du lịch và các thiết chế văn hóa, du lịch; thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp và xã hội hóa là 10.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở lưu trú với trên 5.000 phòng; phấn đấu đón 650 ngàn lượt đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 900 - 1.000 tỷ đồng trở lên. 

Thành Trung - Lê Thương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục