Yên Bái phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bài 1: Miền đất của danh thắng và bản sắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/3/2018 | 1:53:58 PM

YênBái - YBĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi được thiên nhiên ban tặng vô vàn danh lam, thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ, nơi có nền văn minh sông Hồng, sông Chảy...

Di tích Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Di tích Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.


Yên Bái được biết đến với các địa danh như: hồ Thác Bà, hồ Đầm Hậu, đầm Vân Hội, vùng văn hóa Mường Lò đặc trưng dân tộc Thái, Danh thắng cấp quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đèo Tây Bắc, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải), núi Tà Xùa, Tà Chì Nhù (huyện Trạm Tấu), Khu sinh thái Suối Giàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, vùng đất ngọc Lục Yên...

Yên Bái là một tỉnh miền núi được thiên nhiên ban tặng cho vô vàn danh lam, thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ, nơi có nền văn minh sông Hồng, sông Chảy, nơi hội tụ của những sắc màu văn hóa hết sức đặc sắc, đa dạng và phong phú và là địa bàn có rất nhiều các di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hóa nổi tiếng.

Yên Bái còn là trung điểm giao lưu giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc, là đầu mối giao thông của khu vực Tây Bắc với cả đường sắt, đường bộ, đường không, đường thuỷ và gần đây lại có thêm một lợi thế lớn là có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua... 

Có thể khẳng định, đó là những tiềm năng và lợi thế vô cùng quan trọng mà không phải tỉnh nào cũng có được để phát triển du lịch. 

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, cùng với truyền thống văn hóa lâu đời, tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. 

Có thể kể đến danh thắng hồ Thác Bà nằm ở phía Đông Nam, nơi đây được ví như một "Hạ Long trên núi". Phía Tây Bắc có vùng lòng chảo Mường Lò với suối nước nóng bản Cò Cọi, bản Hốc và những điệu xòe làm say đắm lòng người. 

Lên cao hơn nữa là Mù Cang Chải với núi non hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại bám theo sườn núi. 

Nắm bắt được những lợi thế, tiềm năng của mình, những năm qua, Yên Bái đã quan tâm và đầu tư đáng kể để du lịch phát triển.
 
Ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết, với những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, các giá trị văn hóa đặc sắc, sản vật địa phương phong phú, Yên Bái là địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch. 

"So với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, sản phẩm du lịch của Yên Bái khá đa dạng, giàu sức hấp dẫn; công tác quản lý nhà nước, xây dựng kế hoạch, quy hoạch du lịch được quan tâm chú trọng. Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư vào du lịch tăng trưởng khá, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch đã tạo sự quan tâm chú ý của du khách...” - ông Thắng cho biết.

Khẳng định rằng, du lịch Yên Bái còn rất non trẻ và mới được tập trung chỉ đạo, đầu tư, phát triển nhưng đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng. Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết vùng, liên kết tour, tuyến, đặc biệt là sự liên kết giữa 3 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai và hơn nữa là liên kết với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng ngày càng chặt chẽ.
 
Các sản phẩm du lịch được tạo ra ngày càng nhiều, các hình thức du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng được đẩy mạnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, hệ thống các nhà hàng khách sạn ngày càng được đầu tư xây dựng nhiều hơn, phong phú hơn..., tài nguyên về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và văn hóa - lễ hội của tỉnh bước đầu đã được du lịch Yên Bái khai thác, đem về lợi ích kinh tế”.

Khai thác tiềm năng, đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, Yên Bái đã đặc biệt quan tâm tới công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa vật thể, tạo điểm nhấn trong hoạt động du lịch, nhất là du lịch tâm linh, ngày càng thu hút du khách thập phương tới chiêm bái. 

Vùng văn hóa sông Hồng là nơi hội tụ những lễ hội đền, chùa được tổ chức thường niên nhằm phục vụ tín ngưỡng của người dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển loại hình văn hóa du lịch tâm linh.
 

Tà Chì Nhù thực sự là điểm đến hấp dẫn với du khách mê "săn mây, cưỡi gió".
 
Dọc sông Hồng là một "dòng chảy” văn hóa với nhiều danh thắng và di tích và là nơi tập trung các lễ hội tâm linh tín ngưỡng như: lễ hội đền Đông Cuông, đền Nam Cường, đền Tuần Quán, đền Nhược Sơn, chùa Am... hàng năm được duy trì tổ chức, trở thành những điểm du lịch tâm linh phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân địa phương.
 
Với vùng văn hóa sông  Chảy là nơi hội tụ các di tích văn hóa - lịch sử của tỉnh Yên Bái, nổi bật là quần thể Di tích khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại (Lục Yên). Đây là nơi còn lưu giữ những giá trị văn hóa thời Trần và giá trị khảo cổ học quý giá. Đến chiêm bái đền Đại Cại, khách hành hương sẽ được ngắm cảnh sơn lâm hùng vĩ, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán bản địa. Nhiều điều vừa bí ẩn, vừa mới mẻ của quần thể di tích Hắc Y - Đại Cại khiến nhiều du khách quan tâm khám phá. 

Xuôi về phía Nam, đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
 
Bên cạnh khai thác tốt các giá trị của di tích văn hóa vật thể, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và phát triển du lịch đã thu được kết quả rất quan trọng.
 
Việc sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc đã được quan tâm, đầu tư nghiên cứu phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển tiềm năng du lịch. 

Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 di sản văn hóa phi vật thể được điều tra, sưu tầm. Đặc biệt, lễ Cấp sắc của người Dao và nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 
Một số lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống đã được khôi phục. Đáng chú ý là công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, phục dựng, bảo tồn các lễ hội dân gian truyền thống, các phong tục tập quán, bảo tồn các làng cổ dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch… Do đó, loại hình du lịch cộng đồng của Yên Bái đã có những bước phát triển đáng kể.
 
 
Du khách nước ngoài nghỉ tại cơ sở du lịch cộng đồng của gia đình bà Hoàng Thị Loan, thôn Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.
 
Ông Phạm Hồng Phương - tổ 2, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai mấy ngày liền mê mẩn với những sắc màu văn hóa vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ được phô diễn trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái khi ông lựa chọn nghỉ ngơi tại nhà nghỉ của gia đình bà Hoàng Thị Loan, bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.
 
Ông Phương hào hứng: "Tôi được nghỉ trong nhà sàn người Thái, được nằm đệm bông lau của người Thái, được ăn những món ăn của người Thái, được thưởng thức những làn điệu xòe, điệu khắp của người Thái, được trải nghiệm cùng họ khi chăm ngô ngoài đồng, khi đánh cá dưới ngòi Thia. Tôi cảm nhận được rằng, nơi đây họ đã biết gìn giữ văn hóa truyền thống, biết kết hợp giữa bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế du lịch một cách khéo léo để khách du lịch như chúng tôi có được kỳ nghỉ theo đúng nghĩa sau những ngày lao động, bươn trải với cuộc sống”.
 
Nhiều năm nay, các hoạt động trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động phát triển du lịch khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái, là điều kiện để mời gọi quảng bá và thu hút các nhà đầu tư xúc tiến hoạt động liên kết, liên doanh vào các hoạt động du lịch dịch vụ.
 
Đồng thời là dịp để củng cố thêm khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, tăng cường giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm kết hợp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
 
Trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Mường Lò du khách có điều kiện trải nghiệm nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào Thái Mường Lò. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội cùng với người dân bản địa tham gia dệt vải, làm chăn, gối, đệm, chế biến món ăn dân tộc hay tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao, tham gia các trò chơi dân gian cũng như trải nghiệm một số điểm văn hóa - du lịch trong khu vực lân cận như Suối Giàng (Văn Chấn), suối nước nóng Bản Bon, Bản Hốc, Tú Lệ (Văn Chấn), suối nước nóng Trạm Tấu...
 
Theo bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ, năm 2017, thị xã đã đón và phục vụ 65.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 3.200 lượt, tăng 12% so với năm 2016; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 165 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Kết quả này là "đòn bẩy” để thị xã Nghĩa Lộ xây dựng thị xã Văn hóa - Du lịch vào năm 2020.
 
Thời gian tới, Nghĩa Lộ sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển thương mại dịch vụ và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch hình thành các tour, tuyến, các sản phẩm dịch vụ, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia phát triển các loại hình du lịch, nhân rộng mô hình các hộ, nhóm hộ khai thác tiềm năng thế mạnh văn hóa đặc thù để phát triển du lịch. 

"Riêng năm 2018, thị xã phấn đấu đón và phục vụ 75.000 lượt khách du lịch, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 184 tỷ đồng" - bà Vân nói.

Du lịch Yên Bái bước đầu đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình, dần đưa di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và văn hóa - lễ hội vào phát triển ngành "công nghiệp không khói” và đã xuất hiện những điểm sáng từ sản phẩm du lịch đặc thù. 

Năm 2017 vừa qua, du lịch Yên Bái đã đón khoảng 507.000 lượt khách, tăng 3,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 23.500 lượt; doanh thu từ các cơ sở lưu trú ước đạt 270,5 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này sẽ là tiền đề quan trọng để du lịch Yên Bái cất cánh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Thành Trung - Lê Thương
(Bài 2: Điểm sáng từ sản phẩm du lịch đặc thù)

Các tin khác
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Kế (mặc quân phục) chia sẻ khó khăn, động viên đồng đội.

YBĐT - Lặng lẽ tỏa sáng cuộc sống, trong lòng đồng đội, như nhiều tấm gương cựu chiến binh, ông Nguyễn Đức Kế ở thôn Tự Do, xã Y Can, huyện Trấn Yên đã viết tiếp truyền thống Bộ độ Cụ Hồ.

Nghĩa Lợi  - điểm đến hấp dẫn du lịch cộng đồng.

YBĐT - Nhiều người nghĩ xây dựng xã Nghĩa Lợi đạt nông thôn mới đã là chuyện "cổ tích giữa đời thường rồi” chứ ai dám nghĩ đến Nghĩa Lợi phát triển thành đô thị được. 

Xã Yên Thành, huyện Yên Bình đã khôi phục được các làng bản nhà sàn truyền thống.

YBĐT - Ẩn chứa trong không gian nhà sàn là cả một kho tàng khoa học nhân văn các dân tộc và không gian văn hóa này còn là tiền đề phát triển kinh tế gắn với loại hình du lịch cộng đồng.

Một ngôi nhà sàn cách tân kết hợp với những vật liệu mới khá đẹp.

YBĐT - Những năm 1990 trở về trước, hình ảnh nhà sàn thưa dần, khiến bao người lo lắng về một không gian văn hóa nhà sàn đang biến mất. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục