Cái có lợi cho gia đình và mọi người mà ông Nguyễn Đăng Khoa, chủ Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên nói đến chính là con đường làm giàu chân chính trên chính mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên này.
Dáng người đậm, lối nói chuyện cởi mở, chất phác của doanh nhân Nguyễn Đăng Khoa khiến tôi như được chìm vào câu chuyện khởi nghiệp đầy khó khăn của ông. Trong câu chuyện, điện thoại của ông liên tục reo, người thì hỏi về đơn hàng, người hỏi mua mùn cưa, người hỏi thủ tục để chuyển máy móc, thiết bị về...
Khởi nguồn từ một xưởng mộc sơ chế nhỏ tại khu phố Hóp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, nhưng nhờ nhanh nhạy nắm bắt thị trường và có những chính sách phát triển phù hợp nên Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa đã trở thành doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản, có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Nhấp ngụm nước chè đặc quánh, ông Khoa chậm rãi kể về quá trình khởi nghiệp của bản thân. Là con trai thứ 5 trong một gia đình thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, nên từ nhỏ ông đã phải cùng gia đình vất vả bươn chải lo cho cuộc sống hàng ngày. Vốn có đam mê kinh doanh từ bé, hồi 11, 12 tuổi, ngoài giờ học, hàng ngày ông đạp xe chở miến đao từ nhà xuống thị xã Yên Bái để bán.
Học hết phổ thông, ông được gia đình cho đi học nghề chế tạo, lắp ráp máy 5 năm tại Bun-ga-ri. Năm 1987, sau khi về nước, ông làm ở Trạm Thủy nông huyện Trấn Yên, vận hành trạm bơm tại xã Báo Đáp. Ngoài việc làm ở trạm bơm, những ngày nghỉ, ông tranh thủ vào xã Mỏ Vàng, Đại Sơn của huyện Văn Yên mua quế về chở xuống thị xã bán.
Đến năm 1991, ông xin nghỉ chế độ 176 để tập trung làm kinh tế gia đình. Ông vay vốn của anh em, bạn bè mua máy xay xát về phục vụ nhu cầu của bà con quanh vùng. Cùng với đó, ông đào ao thả cá, chăn nuôi lợn, gia cầm. Lúc này, mặc dù kinh tế đã ổn định nhưng ông vẫn chưa hài lòng, ông bảo mình còn sức là còn có thể làm được nhiều hơn nữa.
Trầm tư giây lát, ông lại tiếp tục về câu chuyện đời mình. Ông bảo: "Gia đình đã tạo điều kiện, động viên mình đi học tận nước ngoài về thì không thể để phí những kiến thức mình đã học”.
Ông quyết định vận dụng những kiến thức mình đã học, mua máy hàn, sắt, thép về chế tạo bánh xe ba gác, các dụng cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Đến năm 1993, ông mua đồ về lắp ráp thành máy xẻ gỗ để xẻ thuê. Năm 1996, phong trào xẻ gỗ phát triển, ông mua đất mở xưởng xẻ gỗ bán cho khách hàng làm cốp pha, sau đó chuyển sang xẻ gỗ làm đũa cho Đài Loan. Năm 2000, ông thành lập Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa, chuyên sơ chế và sản xuất các mặt hàng gỗ nội, ngoại thất cao cấp phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Trong những năm đầu thành lập, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do sản xuất đồ gỗ đòi hỏi công nhân phải có tay nghề cao, công nghệ máy móc hiện đại. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà máy, với hệ thống dây chuyền hiện đại được nhập từ Nhật Bản và Đài Loan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao đã giúp doanh nghiệp luôn tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thoả mãn nhu cầu khách hàng.
Đến nay, đã trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, doanh nghiệp không ngừng đi lên, sản xuất ổn định và doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu 22 tỷ đồng.
Nói về thành công của doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ: "Trong bối cảnh nhu cầu của thị trường thế giới về sản phẩm gỗ hàng năm đều có xu hướng tăng cao nhưng đồng thời cũng phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm cùng loại khác. Để đứng vững trên thương trường và thu hút được khách hàng là điều không dễ nhưng nhờ có những quyết định đúng đắn khi đầu tư và sản phẩm phù hợp nên doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu của mình”.
Nhờ đó, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến tìm hiểu và ký hợp đồng làm ăn trực tiếp với doanh nghiệp. Các sản phẩm gỗ của doanh nghiệp đã có mặt trên thị trường nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất mặt hàng ván ép. Sản phẩm mới ra đời đã chiếm được lòng tin của khách hàng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan quanh xưởng, tại đây không khí lao động diễn ra khẩn trương của hơn 40 công nhân đang làm việc tại các dây chuyền: xẻ thanh, gia công thanh, cắt ngắn, phay nguồn, tráng keo, ép dọc, phay cạnh gỗ... để chuẩn bị cho những đơn hàng mới.
Chị Trần Thị Loan đang nhanh tay phân loại gỗ cho biết: "Làm việc tại doanh nghiệp rất thoải mái, chế độ đãi ngộ tốt, ông chủ thân thiện như người nhà. Tôi đã làm việc ở đây được hơn chục năm rồi và sẽ gắn bó với doanh nghiệp đến khi nghỉ hưu”.
Hiện nhà máy đang hoạt động hết công suất để kịp đáp ứng các đơn đặt hàng của khách hàng. Ông Khoa vui vẻ cho biết thêm: "Có được thành quả trên là vì ngoài thu nhập ổn định, có chính sách đãi ngộ, động viên công nhân, doanh nghiệp còn tạo ra môi trường làm việc thân thiện, gắn bó với nhau. Giảm bớt mệt mỏi cho công nhân lao động trong những ngày nắng nóng, doanh nghiệp tăng thêm phần ăn trưa, có nước mát phục vụ, đồng thời cũng tạo ra không khí làm việc thật thoải mái như làm việc ở nhà”.
Thu nhập bình quân của lao động đạt từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, tất cả đều đã có hợp đồng lao động và các chế độ khác. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp luôn tạo sự phát triển bền vững, gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Đó không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mà còn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp chế biến gỗ trong tương lai. Trong bối cảnh nhu cầu của thị trường thế giới về sản phẩm đồ gỗ hàng năm đều có xu hướng tăng cao, để đứng vững trên thương trường và thu hút được khách hàng, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vốn nhằm hiện đại hóa công nghệ sản xuất, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại theo dây chuyền nhằm tăng nhanh sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.
Cùng với việc đầu tư hiện đại hóa thiết bị công nghệ, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp, doanh nghiệp còn đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát huy và khai thác tốt nhất thiết bị, công nghệ mới. Với nhiều hình thức đào tạo, hiện nay doanh nghiệp đã xây dựng được đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, bảo đảm tự thiết kế, sản xuất nhiều mẫu mã sản phẩm mới để chào hàng và được khách hàng ở nhiều nước ký hợp đồng tiêu thụ.
Năm 2018, bước sang tuổi 60, nhìn lại chặng đường khởi nghiệp của mình, bản thân ông Khoa đã tạm hài lòng nhưng ông chưa muốn dừng lại ở đây. Ông bảo: "Mình sẽ tiếp tục nghiên cứu để đổi mới công nghệ vì đầu tư vào công nghệ là vấn đề sống còn của ngành chế biến gỗ. Bạn muốn đứng vững trên thị trường này thì sản phẩm của bạn phải đặt mẫu mã, chất lượng lên hàng đầu. Cũng giống như chặng đường khởi nghiệp của mình đây: chậm nhưng chắc với mục tiêu phát triển bền vững mang lại lợi ích kinh tế cao”.
Hồng Duyên