Những con số biết nói 507.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 23.500 lượt, doanh thu từ các cơ sở lưu trú đạt 270,5 tỷ đồng trong năm 2017 chính là minh chứng cho sự quan tâm đầu tư đúng hướng của các cấp, các ngành trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển ngành "công nghiệp không khói" này.
Những ngày này, khi đặt chân đến mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải đâu đâu cũng nhuộm một sắc vàng của hoa cải dầu. Màu vàng ấm áp tầng nối tầng trên những thửa ruộng bậc thang nối dài tận chân trời, bừng sáng cả không gian, níu chân du khách thập thương từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng màu hoa bình dị của miền sơn cước như chính vẻ đẹp đôn hậu, chân chất của đồng bào dân tộc nơi đây mà còn được tận hưởng không khí trong lành để rồi "sợi nhớ, sợi thương” những con người mộc mạc, thêm yêu văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt nhìn những thửa ruộng bậc thang được "dát vàng” bởi sắc cải, chị Võ Bích Hạnh đến từ Hà Nội không khỏi xúc động cho biết: "Tôi đã ngắm hoa cải vàng ở nhiều nơi nhưng khi được tận mắt chứng kiến những bông cải nhỏ xinh được trồng bạt ngàn trên những thửa ruộng bậc thang vắt qua sườn núi tôi thấy một vẻ đẹp mới lạ và thấu hiểu sức lao động phi thường của bà con vùng cao".
Cũng như chị Hạnh, nhiều du khách khác cũng phải thốt lên trầm trồ khi được đắm mình trong không gian núi rừng và chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ này.
Cùng với màu vàng của hoa cải, Mù Cang Chải vốn nổi tiếng với sắc vàng của lúa trên những thửa ruộng bậc thang được công nhận là danh thắng quốc gia. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là tinh hoa và sáng tạo của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Những thửa ruộng bậc thang óng ả uốn lượn đẹp như những nấc thang lên trời được điêu khắc bởi bàn tay của đồng bào dân tộc Mông.
Giữa biển vàng hương sắc mùa lúa chín, hương thơm rẻo cao cứ thế ngọt ngào, vương vít trên tấm áo còn đẫm mồ hôi của đồng bảo dân tộc... Rồi theo chân họ về nhà, quấn quýt bên những chiếc cối giã gạo thành từng hạt cốm thơm ngon, dẻo bùi.
Tận dụng những thế mạnh này, cứ vào tháng 9 hàng năm Yên Bái tổ chức Tuần lễ văn hóa Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải kết hợp tổ chức Festival dù lượn tại đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của khu vực Tây Bắc. Đây là sản phẩm du lịch độc đáo, mới mẻ, hấp dẫn của du lịch Yên Bái nói riêng và của cả nước nói chung.
Anh Hoàng Đình Kỳ, đến từ thành phố Hồ Chí Minh, đã nhiều lần tham gia Fetival dù lượn chia sẻ: "Tôi đã tham gia trải nghiệm rất nhiều lễ hội trong nước và quốc tế, nhưng có lẽ với tôi Tuần văn hóa Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với Festival dù lượn là một trong những lễ hội đặc sắc nhất. Mù Cang Chải nhìn từ dù lượn mang một vẻ đẹp thi vị, hùng vĩ và mê đắm rất khác".
Vậy là, đã trở thành thông lệ, khi những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải ăn nắng thu chín vàng xếp chồng nhau cao chất ngất từ thung sâu, khe suối, băng qua mây lên đến đỉnh trời, lẫn vào những chóp non cao quanh năm mây phủ, ấy là lúc du khách bốn phương rộn rã trở về.
Rời bức tranh nhiên nhiên đầy màu sắc của Mù Cang Chải, đến với mảnh đất vùng cao Trạm Tấu, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm chinh phục đỉnh núi quanh năm mây phủ Tà Chì Nhù, khám phá thác Háng Tề Chơ.
Đặc biệt, sau hành trình khám phá ấy, du khách sẽ được tắm suối khoáng nóng với sự kết hợp giữa bản sắc văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mông với xu thế hiện đại đem lại sự mới lạ, hấp dẫn. Suối khoáng nóng Trạm Tấu nổi bật bởi vẻ đẹp nên thơ, trữ tình.
Trải nghiệm nghỉ ngơi khám phá làng bản và tắm suối khoáng nóng tại đây, anh Vũ Văn Thanh ở Bắc Giang vui vẻ cho biết: "Cách đây vài năm tôi có đến Trạm Tấu một lần để chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù, lần này trở lại vì được bạn bè truyền tai nơi đây có khu suối khoáng nóng đẹp như "chốn bồng lai tiên cảnh".
"Ban đầu cứ ngỡ bạn nói quá, nhưng đến đây thấy những từ ngữ ấy quả không quá lời. Giữa không gian thiên nhiên hùng vỹ, khoáng đạt, vừa ngâm mình cảm nhận từng mạch nước thấm vào cơ thể vừa được tự do ngắm nhìn, tận hưởng không khí trong lành, sau đó ăn những món ăn dân tộc độc đáo, ngủ dưới căn nhà gỗ bên ven đồi, lúc ấy, tất cả mọi bộn bề cuộc sống, lo toan thường ngày đều được đẩy xa. Nhất định tôi sẽ thường xuyên quay trở lại đây" - anh Thanh nói.
Có thể nói, từ các chính sách phát triển du lịch của tỉnh, các địa phương vùng cao Yên Bái đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách bốn phương. Riêng đối với các địa phương vùng thấp hơn, vốn mang đặc trưng của một địa phương vùng núi, có đông dân tộc anh em sinh sống, có đặc trưng văn hóa đa dạng, phong phú.
Vì vậy, du lịch tại các địa phương này cơ bản được định hướng gắn với văn hóa các tộc người. Một trong những loại hình du lịch đang được xây dựng, khai thác và trên đà phát triển trên địa bàn toàn tỉnh là du lịch cộng đồng, với nhiều điểm sáng như thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, huyện Yên Bình...
Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú huyện Văn Chấn được phục dựng và tổ chức hàng năm vừa góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống vừa góp phần thu hút, quảng bá du lịch.
Về Suối Giàng cùng người Mông thưởng thức chè Shan tuyết, đọc câu thơ người Dao trong Tết nhảy, ta đi theo cô gái người Thái đến Mường Lò. Đến với du lịch cộng đồng tại đây du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái, sống dưới những mái nhà sàn nguyên sơ, say trong điệu xòe và tham gia các lễ hội truyền thống, cùng làm những công việc đồng áng, rồi ăn những món ăn đặc trưng của người Thái như: xôi ngũ sắc, cá nướng, thịt hun khói, măng sặt, rau rớn...
Văn hóa Mường Lò, văn hóa dân tộc Thái tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng cho thị xã Nghĩa Lộ.
Hộ gia đình bà Lường Thị Hồng Chung - thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi làm dịch vụ du lịch cộng đồng đã nhiều năm, chia sẻ: "Được sự hướng dẫn của chính quyền, người dân chúng tôi học làm du lịch cộng đồng cũng được vài năm rồi. Nhờ làm du lịch cộng đồng mà đời sống được no ấm, bản sắc văn hóa dân tộc cũng được giữ gìn và giới thiệu đến du khách bốn phương. Chúng tôi luôn tâm niệm, khách du lịch đến đây giống như thành viên trong gia đình, cùng tham gia mọi sinh hoạt thường ngày nhằm tạo cảm giác thoải mái, gần gũi nhất".
Đến Yên Bái, du khách còn có thể đến với du lịch cộng đồng tại huyện Yên Bình để được trải nghiệm tìm hiểu văn hóa dân tộc Dao và thưởng ngoạn cảnh sắc của hồ Thác Bà. Sản phẩm của du lịch cộng đồng nơi đây không chỉ gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc mà còn gắn với các tuor du lịch khám phá các động, đảo của hồ Thác và du lịch tâm linh tại các đền, chùa như Thác Ông, Thác Bà, Thác Ô Đồ...
Riêng về loại hình du lịch tâm linh có thể nhắc đến đền Mẫu Đông Cuông (huyện Văn Yên) thờ chính Mẫu Thượng ngàn - Mẫu đứng vị trí thứ hai trong Tam tòa Thánh Mẫu. Mới đây, năm 2017, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn tại đền Đông Cuông lần đầu tiên, thu hút sự tham gia của 54 bản hội đến từ 19 tỉnh, thành phố.
Bản hội Hà Nội trình bày giá hầu ông Hoàng Mười tại Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Ảnh Minh Huyền
Nhiều hoạt động, sự kiện tại Festival đã giúp quảng bá, giới thiệu rộng rãi những nét văn hóa đặc sắc của tục thờ Mẫu Thượng ngàn ở Đông Cuông nói riêng, tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nói chung, nhằm thu hút khách du lịch đến với tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng gồm đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), đền Mẫu Đông Cuông (Yên Bái) và đền Bảo Hà (Lào Cai).
Hiện nay, ngoài các loại hình du lịch nêu trên, Yên Bái còn nhiều loại hình, tour du lịch khác đang thu hút du khách như du lịch làng nghề, du lịch khám phá các danh lam thắng cảnh... Hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng có chiều sâu, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hợp tác, đa số các hoạt động tổ chức tại các tỉnh đều thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Lượng khách du lịch ngày càng tăng nhất là vào thời điểm mùa du lịch, trong đó du khách quốc tế cũng tăng mạnh chủ yếu đến từ các quốc tịch Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Trung Quốc... Du lịch Yên Bái đã thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt với nhiều hạng mục công trình khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng…
Bên cạnh đó, công tác xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh bước đầu được quan tâm đầu tư, đặc biệt đối với hoạt động du lịch cộng đồng đã phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây và đặc biệt, chất lượng dịch vụ cũng đã được nâng lên đáng kể. Hình ảnh du lịch Yên Bái đã được nhiều người biết tới thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến, hệ thống thông tin đại chúng, trang web thông tin du lịch, facebook và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế.
Tất cả các loại hình, sản phẩm du lịch đều đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặc dù vậy, du lịch Yên Bái vẫn chưa thực sự khai thác hết những tiềm năng sẵn có của mình với nhiều "điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển.
Đó là: hệ thống dịch vụ du lịch của tỉnh còn nhiều yếu kém bất cập như: dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch chưa phát triển; dịch vụ lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống còn nhỏ, lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chất lượng chưa cao; các khu vui chơi, giải trí, thông tin du lịch, hướng dẫn du lịch hầu như chưa có. Công tác quảng bá, xúc tiến mặc dù đã được quan tâm, tuy nhiên kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế, hoạt động chưa chuyên nghiệp...
Với việc nghiên cứu và định hướng rõ trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn tạo nên thương hiệu riêng của Yên Bái, hy vọng ngành du lịch tỉnh sẽ có những bước phát triển mới hơn nữa, góp phần đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Yên Bái ngày càng trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Khách quốc tế đến với Yên Bái chủ yếu là khách Pháp, Đức, Thụy Sĩ... Trong đó khách Pháp chiếm khoảng 50%. Lượng khách du lịch đến Yên Bái trong năm 2017 tăng so với cùng kỳ là do ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương tổ chức tốt các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đồng thời duy trì tổ chức tốt các lễ hội thường niên và tổ chức các lễ hội du lịch mới hấp dẫn như: Festival Dù lượn "Bay trên mùa nước đổ”; Festival "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn”; Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà, cùng với đó một số điểm du lịch mới đầu tư đặc biệt là các điểm du lịch cộng đồng.
|
Thành Trung - Lê Thương
(Bài 3: "Điểm nghẽn” trong phát triển ngành "công nghiệp không khói”)