Không chỉ giúp đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn (Văn Chấn) thoát khỏi cuộc sống du canh du cư, xóa đói nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng bản làng no ấm mà Nghệ nhân Vì Văn Sang còn có công sưu tầm, bảo tồn các loại nhạc cụ, các điệu múa dân gian như: lễ hội Cầu mùa, Cầu mưa, lễ mừng cơm mới… tạo dựng lại 10/13 loại nhạc cụ truyền thống, nhiều câu châm ngôn, ca dao tục ngữ của dân tộc Khơ Mú…
30 năm làm "đầy tớ” của dân
Chúng tôi đến thôn Nậm Tộc xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn) đúng dịp Nghệ nhân Vì Văn Sang đang tất bật chuẩn bị tổ chức lễ Cầu mùa (một lễ tục nông nghiệp quan trọng trong hệ thống các lễ tục của đồng bào Khơ Mú vào đầu năm mới; là tư liệu quý giá để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sưu tầm tài liệu nghiên cứu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Khơ Mú vùng Tây Bắc).
Ở tuổi 74 nhưng Nghệ nhân Vì Văn Sang vẫn còn khỏe khoắn, da dẻ hồng hào, đôi mắt sáng tinh nhanh luôn tràn đầy nhiệt huyết khi nhắc tới văn hóa dân tộc mình. Tâm sự về cuộc sống của đồng bào Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, Nghệ nhân Vì Văn Sang hóm hỉnh: "Cuộc sống của tôi cũng là quá trình xây dựng xã Nghĩa Sơn từ đói nghèo cho đến phát triển như ngày hôm nay đấy!”.
Năm 1974, ông Sang xuất ngũ trở về địa phương, khi ấy, đồng bào Khơ Mú chủ yếu cư trú và sinh sống rải rác trên các bìa rừng. Là người Khơ Mú duy nhất được đi bộ đội, được học chữ Bác Hồ, ông Sang luôn trăn trở làm sao giúp đồng bào ổn định cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo, con em được đến trường…
Đúng thời gian này, huyện Văn Chấn triển khai chương trình xây dựng đời sống mới, thấy đây là cơ hội tốt, ông Sang liền "xắn tay” giúp đồng bào định canh định cư, giữ rừng, khai hoang trồng lúa nương, lúa nước… Không ngại khó, ngại khổ, ông Sang cùng cán bộ xã vượt qua biết bao ngọn núi, con khe vận động bà con xuống vùng thấp xây dựng bản làng. "Những ngày đêm ăn cơm nắm, uống nước suối, ngủ lán rừng… là kỷ niệm không bao giờ quên được trong cuộc đời của tôi” - ông Sang chia sẻ.
Ngoài giúp dân tháo dỡ nhà cửa xuống nơi định cư mới, ông còn trổ tài "bắt ma trừ tà” - nghệ thuật "dân vận” giúp đồng bào yên tâm "cái bụng” và nghe theo ông. Cứ thế, một hộ, hai hộ, ba hộ… rồi cả làng di dời xuống khu định cư mới thì ông cùng đoàn công tác của xã mới về. Nhờ có cán bộ Sang mà chương trình xây dựng đời sống mới ở Nghĩa Sơn đã được tỉnh Hoàng Liên Sơn lúc đó đánh giá về đích trước thời hạn.
Ngay sau "kỳ tích” này, ông được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã và 5 năm sau được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn. 30 năm làm Bí thư xã, ông chính là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng cơ sở hạ tầng của xã. Từ xây dựng hệ thống mương nước sạch dẫn về bể nước ở các làng, bản giúp đồng bào sinh hoạt, tránh bệnh tật đến khơi thông kênh mương thủy lợi để người dân canh tác gieo cấy lúa, trồng ngô, khoai…
Song song với đó, ông cùng Ban Chấp hành Đảng ủy xã xác định hệ thống đường giao thông nông thôn giúp người dân đi lại thuận tiện phải được đặc biệt quan tâm. Đảng ủy xã đã chỉ đạo các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành trực tiếp đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Thấy đây là việc làm ý nghĩa, ngoài hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, gạch, đá… người dân các thôn, bản đã chủ động hiến đất, nhiệt tình ủng hộ ngày công lao động làm đường giao thông. Sau khi các tuyến đường liên thôn, liên xã hoàn thành, ông Sang lại tiếp tục xuống huyện xin các cấp, ngành giúp đỡ, hỗ trợ để xây dựng đường điện, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND và các đoàn thể xã….
Khi cơ sở hạ tầng đã cơ bản nhưng xã vẫn gặp không ít khó khăn, mà cái khó nhất chính là làm sao cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Với quyết tâm cao, ông Sang cùng Ban Chấp hành Đảng ủy xã họp và đưa nhiều biện pháp tuyên truyền vận động như: đưa nội dung xây dựng cơ sở chính trị vào các buổi sinh hoạt chi bộ, Đảng ủy xã; phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tinh thần đoàn kết, vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể; chú trọng công tác kết nạp đảng viên mới… từ đó nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
"Khi bộ máy chính quyền được củng cố, việc điều hành của UBND xã, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên được đổi mới thì triển khai việc gì cũng thành công” - ông Sang chia sẻ.
Điểm nhấn đặc biệt cơ bản, chính là xã đã phát huy được sức mạnh của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đơn cử, việc HĐND xã xây dựng nghị quyết về chuyển đổi cây sắn kém hiệu quả sang trồng cây ngô đồi phù hợp với thực tế của địa phương nên tư duy sản xuất của nhân dân đã có nhiều thay đổi như: nhân dân thôn Noong Khoang, Bản Bẻ trồng ngô tăng từ 2 vụ lên 3 vụ. Song song với việc chuyển đổi trồng cây ngô đông, xã Nghĩa Sơn còn tập trung vào thâm canh tăng năng suất cây lúa, gieo cấy đúng mùa vụ… nên sản lượng lương thực hàng năm đều tăng cao. Nếu như năm 2010 sản lượng lương thực của xã chỉ đạt 470,5 tấn thì năm 2016 đã tăng lên gần 5.530 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 395 kg/năm.
Trong năm 2017, xã Nghĩa Sơn đã giảm 39 hộ nghèo và mục tiêu đề ra năm 2018 sẽ giảm trên 60 hộ nghèo. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền xã trực tiếp phối hợp với các ban, ngành của huyện tiếp tục hỗ trợ về cây, con, giống; chuyển giao khoa học kỹ thuật; cầm tay chỉ việc để giúp người dân nơi đây nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo.
Tròn 30 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn, tháng 6/2014, ông Sang về nghỉ chế độ. Mặc dù đã về nghỉ, song cuộc sống đời thường của ông vẫn không khác khi còn đang công tác là mấy. Ông vẫn luôn quan tâm đến các bản, làng gặp người dân nói về cách trồng lúa, trồng ngô, khoai; cách khai thác rừng để rừng tái sinh; đến tận nhà dân để xem con em học hành ra sao… Còn với đồng bào Khơ Mú nơi đây, ông Sang mãi mãi là "ông Bí thư” đáng kính, đáng trân trọng "hết lòng vì dân, thương yêu dân”.
"Hồn cốt” dân tộc
"Tôi may mắn có "cái duyên” với văn hóa dân tộc nên được thần linh lựa chọn” - Nghệ nhân Vì Văn Sang chia sẻ. Từ tham gia quân ngũ, tham gia công tác chính quyền đến giữ chức Bí thư Đảng ủy xã song dù ở đâu, cương vị nào, Nghệ nhân Vì Văn Sang luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao để lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Trong câu chuyện của mình, ông luôn tự hào được lớn lên trong "bầu sữa” văn hóa của đồng bào dân tộc Khơ Mú, nhưng trên hết, trong ông luôn có niềm đam mê, khả năng thẩm thấu những nét văn hóa đặc sắc ấy. Ngôi nhà 3 gian 2 trái của Nghệ nhân Vì Văn Sang là một minh chứng và được đồng bào Khơ Mú coi là nhà văn hóa, bởi cánh cửa ngôi nhà ấy luôn rộng mở đón du khách đến thăm quan, tìm hiểu văn hóa của đồng bào Khơ Mú vùng Tây Bắc.
Làm sao để lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc mình; làm sao để thế hệ trẻ, lớp kế cận thực sự đam mê, tâm huyết với truyền thống dân tộc; làm sao để lưu truyền những nét văn hóa dân tộc cho phù hợp với đời sống văn hóa mới… khi tuổi ngày càng cao… Từ trăn trở đó, Nghệ nhân Vì Văn Sang càng miệt mài tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông từ những nhân chứng còn lại. Một trong những lễ hội mà ông đã phục dựng thành công là lễ "Cầu mưa”.
Theo đó, những làn điệu dân ca cũng được Nghệ nhân Vì Văn Sang khôi phục cả phần lời và phần điệu cho đúng với nguyên bản xưa cha ông để lại. "Nhắc đến dân ca Khơ Mú là nhắc đến những điệu hát Tơm. Đó hoàn toàn là những bài hát được người Khơ Mú xưa sáng tác và lưu truyền bao đời nay với hình thức duy nhất bằng truyền miệng” - Nghệ nhân Vì Văn Sang khẳng định.
Dù còn nhiều trăn trở, song điều luôn khiến Nghệ nhân Vì Văn Sang vui nhất từ trước đến nay, chính là thế hệ trẻ Khơ Mú đã hiểu về nét đẹp văn hóa dân tộc mình và nhiệt tình đón nhận kiến thức mà ông truyền đạt. Các phong tục như: "Tục lấy nước mới”, "Thờ cúng tổ tiên”, "Tục cưới xin” dần dần được thế hệ con cháu trong và ngoài dòng họ thực hiện và ngày càng phổ biến hơn.
Tranh thủ mọi thời gian, Nghệ nhân Vì Văn Sang lại truyền dạy cho con cháu tình yêu văn hóa, giải thích ý nghĩa của các loại nhạc cụ hay các lễ tục quan trọng của dân tộc. Ông cũng đang ấp ủ tâm nguyện làm sao xuất bản cuốn sách ghi lại một cách đầy đủ, sinh động nhất về những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, vật chất tinh thần của cộng đồng người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn.
Chia tay Nghĩa Sơn, đọng lại trong tôi là hình ảnh của "ông Bí thư” xã không bao giờ ngồi bàn giấy mà luôn cùng dân bám rừng, bám rẫy; hình ảnh người nghệ nhân văn hóa cặm cụi ghi chép những giá trị truyền thống của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ mai sau… và hơn hết là hình ảnh tươi đẹp, nhiều đổi mới của đất và người Khơ Mú nơi vùng cao Văn Chấn.
Ngọc Sơn