Mãnh liệt một tình yêu sách
- Cập nhật: Thứ hai, 16/4/2018 | 12:04:19 PM
YBĐT - "Em đam mê đọc sách từ nhỏ, ban đầu là những cuốn văn học trong nước, rồi văn học cổ điển nước ngoài đến những cuốn hồi ký, tự sự của các nhân vật trong lịch sử và cả khoa học viễn tưởng... giờ thì niềm đam mê đó đã thực sự ngấm vào máu thịt. Có lẽ vì thế mà em từ bỏ tất cả để theo đuổi niềm đam mê của mình là sưu tập sách, có như thế thì ngày ngày mới được làm bạn với chúng”. Lê Thúy Hằng - bà chủ Hiệu sách FUGA, 945 đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, chủ nhân của hơn 20.000 cuốn sách cũ chia sẻ về đam mê của mình.
Lê Thuý Hằng bên “gia sản” của mình.
|
Hằng sinh năm 1989, dáng người thấp nhỏ, thoạt nhìn em trẻ trung như học sinh trung học, nếu như không có cặp kính cận trên 5 đi-ốp và sự am hiểu là "kẻ” tố giác tuổi của em. Đến hiệu sách của Hằng nhiều lần nhưng chỉ khi nói chuyện với em về thế giới sách, về hành trình đến ngày hôm nay mới thấy em thật đáng nể.
Trở thành bà chủ khi mới 27 tuổi. Qua 2 năm, hiện hiệu sách của cô đã có gần 20.000 cuốn sách ở mọi thể loại, từ sách văn học, nghệ thuật đến sách nghiên cứu, chính trị và sách giáo khoa cũ, sách tham khảo các lĩnh vực; thậm chí trong hiệu sách còn có được những cuốn sách gần như "tuyệt chủng”, đó là những cuốn được xuất bản ở Sài Gòn những năm 1960, một số bộ sách nhiều tập giá trị vài triệu đồng.
Những gian sách được sắp xếp ngay ngắn theo từng thể loại, trình tự thời gian như một thư viện, Hằng đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Riêng tầng 1, cô dành cho đồ thủ công mỹ nghệ, những vật dụng thiết yếu mà các bạn trẻ yêu chuộng. Cả tầng 2 được dành cho sách. Ngoài 3 phòng sách, Hằng bố trí riêng một phòng đọc. Cô cho lắp đặt điều hoà, wifi, trang bị bàn, ghế theo từng ô và đèn cho những ai có nhu cầu đọc tại chỗ.
- Quy mô thế này chắc em có thu nhập tốt từ sách? Tôi hỏi.
- Nếu nói sống bằng sách thì không hoàn toàn, em kinh doanh thêm nhiều kênh chị ạ, kể cả trên mạng xã hội, trực tuyến trên facebook, nhưng nếu để làm ra nhiều tiền thì chắc em vẫn đầu tư vào sách. Hiện em đã có trong tay những quyển sách xuất bản từ những 50, 60 của thế kỷ trước do Nhà xuất bản Sài Gòn in, có những tập truyện giá trị lên tới vài triệu đồng, trong đó có quyển truyện Kiều in từ những năm 1965, những bộ "Chiến tranh hòa bình”, "Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, "Mười ngày”, "Tam quốc diễn nghĩa”, "Hai vạn dặm dưới đáy biển”; một số tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng thực sự được nhiều người cao tuổi đến chọn mượn và đọc, chị ạ!”.
- Hiện nay khi các phương tiện thông tin đại chúng đang nói nhiều về văn hóa đọc của giới trẻ đang rất đáng lo ngại, em thấy sao về ý kiến này?”. Hằng không do dự, trả lời: "Em không phủ nhận rằng đúng là một bộ phận thế hệ trẻ không thích đọc sách, thậm chí còn ghét đọc sách, nhưng thông qua những khách hàng trẻ của mình trên Facebook, em cho rằng dù khoa học, Internet có phát triển đến đâu, có cả máy đọc, e-book đầy đủ trên mạng thì vẫn không thể thay thế sách giấy được, hay thói quen "sách gối đầu giường” của nhiều độc giả. Em vẫn tin tưởng rằng còn rất nhiều bạn trẻ tâm huyết với sách và mãi mãi vậy.
Vừa dẫn tôi xem các giá sách của mình, Hằng vừa chuyện: "Đúng là sách cũ có duyên chị ạ, từ khi có hiệu sách, em có thêm nhiều bạn. Họ là những độc giả yêu đọc sách với nhiều lứa tuổi. Có bác hơn 70 tuổi tuần nào cũng đến đấy 2 chiều, một chiều mượn, một chiều trả sách. Bác ấy dành cả một buổi chiều để lượm lặt rồi ngồi đọc như không biết thời gian là gì. Sau mỗi lần đến trả sách, bác lại kể những tình tiết, chi tiết mà lịch sử nhân loại ghi lại chính xác trong cuốn sách.
- Ngoài kinh doanh sách cũ, em còn tham gia nhiều hoạt động talkshow kết nối các em học sinh với các thầy cô giáo và những người nổi tiếng trong tỉnh am hiểu các lĩnh vực chị ạ. Đó là các hoạt động em muốn dành để tri ân độc giả của mình.
- Nhưng tên FUGA nghe lạ và hiện đại quá?
- Thực ra để "nuôi” tình yêu với hiệu sách cũ, FUGA sẽ là địa chỉ để các bạn trẻ tìm đến để giao lưu, tìm hiểu và em muốn sau này nhiều hoạt động khác sẽ được các bạn biết đến nhờ cái tên FUGA và sách cũ.
Như để minh chứng những gì mình nói, Hằng chìa cho tôi xem những bức ảnh, những hoạt động diễn ra tại các talkshow do em đứng lên tổ chức. Đó thực sự là những buổi gặp mặt đầy ý nghĩa hướng nghiệp, tạo dựng niềm tin mà tuổi trẻ luôn mong muốn. Riêng năm 2017, Hằng đã tổ chức được 3 sự kiện talkshow, mỗi sự kiện thu hút được trên dưới 20 học sinh và bậc phụ huynh. Sự kiện lần thứ nhất với Chủ đề "Sai lầm trong học tiếng Anh mà học sinh hay mắc”, khách mời là thầy Đặng Trần Hà, giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Sự kiện lần 2 với Chủ đề "Viết Văn hay và mục đích viết Văn để làm gì?”, khách mời là thầy Trần Cảnh Huy, giáo viên dạy Văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và sự kiện lần 3 với Chủ đề "Hội hoạ với đời sống” do thầy Trần Văn Sự, thầy giáo dạy Họa nổi tiếng trên địa bàn tỉnh là khách mời.
Lời kết
Thanh Thủy
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, một số công ty lâm nghiệp trong tỉnh Yên Bái đang trong lộ trình chuẩn bị cổ phần hóa. Các cấp, các ngành chức năng của tỉnh và một số địa phương có doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa nên quan tâm đến vấn đề này để giữ tư liệu sản xuất cho người dân địa phương.
YBĐT - Năm 2015, Xòe Thái Mường Lò được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2017, tỉnh Yên Bái xây dựng hồ sơ quốc gia nghệ thuật Xòe Thái đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2019. Để đưa xòe cổ của dân tộc Thái vươn ra thế giới đã có những đóng góp đặc biệt ý nghĩa nhưng thầm lặng của những người con vùng Mường Lò.
YBĐT - Vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở là hàng đầu để đạt được hiệu quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
YBĐT - Chị Trần Thùy Dương ở huyện Văn Yên - một khách hàng đến chụp ảnh cưới cho biết: "Yên Bái mình có rất nhiều cảnh để chụp ảnh nhưng không gian ở phim trường Venus đẹp và nhiều phong cảnh để lựa chọn. Do đó, khi quyết định chụp ảnh cưới tôi chọn đến đây, không phải di chuyển nhiều nơi mất sức, mà lại có bộ ảnh ưng ý". Địa chỉ được nhắc đến chính là phim trường của gia đình chị Nguyễn Minh Hiền và anh Nguyễn Thành Trung tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.