Báo động tình trạng học sinh chưa ra lớp, bỏ học - Bài 1: Chán học thì... bỏ

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/5/2018 | 2:07:53 PM

YBĐT - Trước đây, đối tượng học sinh bỏ học hoặc chưa ra lớp sau các kỳ nghỉ lễ dài chỉ tập trung ở vùng cao đặc biệt khó khăn như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn thì nay đã xuất hiện phổ biến ở những nơi có điều kiện tốt hơn về kinh tế - xã hội.Vấn đề không hẳn nằm ở trường lớp, không nằm ở các thầy cô.

Các thầy giáo đến nhà vận động em Đặng Tòn Liều (ngoài cùng bên phải) ra lớp.
Các thầy giáo đến nhà vận động em Đặng Tòn Liều (ngoài cùng bên phải) ra lớp.

Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học, chưa ra lớp trên địa bàn tỉnh luôn có diễn biến phức tạp. Hiện nay, việc học sinh bỏ học, chưa ra lớp không chỉ xảy ra trên địa bàn điều kiện đặc biệt khó khăn mà nó còn xảy ra ở cả những địa bàn thuận lợi hơn về kinh tế - xã hội. Thậm chí có nơi, nhà học sinh chỉ cách trường học chừng 2 km đường quốc lộ. Tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy cả trước mắt lẫn lâu dài, không chỉ đối với cá nhân, gia đình học sinh mà cả với nhà trường và xã hội.

Học sinh bỏ học sau các kỳ nghỉ dài luôn là nỗi lo thường trực của thầy cô giáo, nhất là ở vùng cao. Những lý do hết sức đơn giản, đôi khi chẳng có lý do gì của các học sinh bỏ học khiến cho thầy cô giáo dù không muốn nhưng cũng đành phải chấp nhận vài ba đứa học trò bỏ học sau những kỳ nghỉ dài. 

Vấn đề không hẳn nằm ở trường lớp, không nằm ở các thầy cô, mà nằm ở tư duy, nhận thức về việc học của người dân cứ truyền đi truyền lại cho con, cho cháu. 

Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, đến nay huyện Văn Yên có 43 học sinh chưa ra lớp, giảm khoảng 20 em so với năm học 2016 - 2017. Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Yên, những năm học gần đây, trên địa bàn huyện thường có khoảng 40 - 50 học sinh bỏ học/năm. 

Em Đặng Tòn Liều - học sinh lớp 7A, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Xuân Tầm, huyện Văn Yên đã không trở lại trường sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán vừa qua, đến nay đã quá 45 ngày. 

Theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) thì đã phải liệt kê em vào danh sách bỏ học của nhà trường. Mặc dù được thầy Nguyễn Thành Đông - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ về điều kiện kinh tế của gia đình em Liều và lý do bỏ học không phải do khó khăn nhưng chúng tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ khi tới thăm. 

Gia đình Đặng Tòn Liều có đời sống khá giả nhờ cây quế. Ngôi nhà gỗ lớn nằm trên một sườn đồi, quế được phơi đầy sân, 2 chiếc xe máy dựng ở hiên nhà... "Nhà em Liều thuộc diện khá trong thôn, trong xã nên không phải em bỏ học vì điều kiện gia đình khó khăn” - thầy Đông cho biết. 

Liều nằm một mình trên chiếc chõng tre ngoài sân. Thấy có khách đến em cũng không quay ra, có lẽ em đã quá quen với giọng của thầy Đông trong những lần tới nhà vận động em trở lại lớp. Chúng tôi chủ động lại gần em gợi chuyện nào là:"Sao em không đến lớp?”, "Sao lại không thích đi học?”… Nhưng Liều chỉ im lặng. 

Khi được hỏi "Học có khó không?”, "Có ai bắt nạt em ở trường không?”, hay "Ở nhà có ai không cho em đi học không?”… Em trả lời: "Không”. Không có một lý do cụ thể nào để nghỉ học mà chỉ là: "Cháu không thích đi học”. 

Liều là một trong 5 em học sinh nghỉ học quá 45 ngày sau dịp tết Nguyên đán vừa qua của Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Tầm. 

Chia tay gia đình em Đặng Tòn Liều, chúng tôi tìm đến gia đình em Hoàng Thị Phương - học sinh lớp 7, Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Tầm. Khác với Liều, Phương nghỉ học có lý do rõ ràng: "Em đi Hà Nội làm thuê giúp bố mẹ trả nợ”. Thật đáng tiếc, chỉ vì bố mẹ nợ nần quá nhiều mà Phương - cô bé có học lực khá phải nghỉ học để góp sức lo cho món nợ của bố mẹ. 

Còn Bàn Tòn Nhất, học sinh lớp 8 lại bỏ học vì bố lấy vợ hai ở Văn Chấn, em đi theo bố. Song, khi các thầy cô giáo trong trường có đề nghị gia đình chuyển hồ sơ cho em sang Văn Chấn để em tiếp tục được đi học thì bố em đã khẳng định: "Không cần, vì sang đó em cũng đi làm không đi học nữa”. 

Xuân Tầm là xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, được sự đầu tư của Nhà nước Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Tầm được đầu tư xây dựng khang trang với lớp học kiên cố, nhà ở sạch sẽ, thoáng mát. Trong 668 học sinh của nhà trường có 260 học sinh được ở bán trú, 20 học sinh được hưởng chế độ bán trú ở trọ ngoài. 

Các chế độ cho học sinh được thực hiện đầy đủ. Tuy trường lớp đẹp, thầy cô yêu mến nhưng hàng năm, Trường vẫn có vài em bỏ học, với những lý do không cụ thể. Hoặc kể cả khi có lý do rõ ràng như Phương, như Nhất thì các thầy cô cũng không còn cách nào để kéo các em trở lại trường. 

Theo các thầy cô giáo ở đây, lý do dẫn đến việc học sinh bỏ học là do tập quán của người Dao nơi đây tôn trọng quyền tự do cá nhân, kể cả đối với trẻ nhỏ - đối tượng cần được người lớn điều chỉnh về hành vi. Vì vậy, khi con nói "con không muốn đi học” thì cha mẹ cũng không ép. 

Hai là, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học chưa đầy đủ. 

Thầy Đông tâm sự: "Mỗi em học sinh có dấu hiệu bỏ học đều được nhà trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm, cán bộ xã đến nhà 5-7 lượt vận động, tìm mọi cách khuyên bảo đưa học sinh trở lại lớp. Nhưng cho đến giờ phút này, chúng tôi xác định là sĩ số tụt 5 em”. 

5 em học sinh bỏ học của Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Tầm thì có 2 em có lý do cụ thể đã đi khỏi địa phương, còn lại 3 em lý do "không thích đi học” hiện tại đang ở nhà, thầy cô cũng không có cách nào đưa các em trở lại trường. 

Thầy Đông cho biết: "Trong số 5 em bỏ học sau tết Nguyên đán năm 2018 thì có 4 em học kém, chỉ có em Phương học khá. Tuy vậy, nhà trường, thầy cô không áp lực các em chuyện điểm số. Đối với các em học lực kém, suốt nhiều năm qua, nhà trường đều tổ chức phụ đạo cho các em, chứ hoàn toàn không có việc áp lực điểm số”.



Các em Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Tầm dọn dẹp phòng ở.

Nếu trước đây, đối tượng học sinh bỏ học hoặc chưa ra lớp sau các kỳ nghỉ lễ dài chỉ tập trung ở những địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn thì nay, tình trạng này đã xuất hiện phổ biến ở những nơi có điều kiện tốt hơn về kinh tế - xã hội, có đường giao thông thuận lợi. 

Với huyện Lục Yên, số học sinh bỏ học trong 3 năm học gần đây là: năm học 2015 - 2016, có 54 học sinh bậc THCS bỏ học (trong đó, bỏ học sau tết là 28 em); năm học 2016 - 2017, có 1 học sinh tiểu học và 51 học sinh THCS bỏ học (trong đó bỏ học sau tết là 14 em); năm học 2017 - 2018 đến nay có 55 học sinh cấp THCS bỏ học (trong đó bỏ học sau tết là 23 em). 

Điểm "nóng” của tình trạng này là các xã: Tân Lập, Động Quan, Trung Tâm, Phúc Lợi, Tô Mậu, Tân Lĩnh - là các xã tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 

Sau mấy phút e dè như không muốn đề cập tới tình trạng bỏ học của học sinh nhà trường, thầy giáo Trương Quốc Chiến - Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Trung Tâm, huyện Lục Yên mở lòng: "Năm học 2015 - 2016, nhà trường có 6 em bỏ học. Năm 2016 - 2017 còn 4 em và đến thời điểm này, Trường còn 2 em bỏ học. Nếu chỉ nhìn vào những con số thì thật đáng mừng nhưng thực tế nếu nhà trường, địa phương và gia đình không sâu sát thì thời gian tới số học sinh bỏ học sẽ tăng rất cao…”. 

Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, danh sách học sinh có nguy cơ bỏ học của nhà trường đã tới con số 15, tập trung ở các thôn như: Khe Lạnh, Sài Trên, Sài Dưới, Khe Hùm… chủ yếu là học sinh lớp 8, lớp 9. 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn mà trong đó chẳng có thứ vật dụng sinh hoạt gì được gọi là tài sản, ông Lý Văn Quy ở thôn Sài Dưới rơm rớm nước mắt khi nói về việc học của 4 đứa con mình. 

Chỉ cách trường học chừng 2 km đường quốc lộ nhưng cả 4 đứa con trong gia đình này đều đã bỏ học. Đứa con lớn và đứa thứ 2 đều bỏ học năm lớp 9, đứa thứ 3 học hết lớp 5 và đứa út là Lý Thị Tình năm nay đang học lớp 8 cũng vừa mới bỏ học sau dịp tết vừa qua. 

Hỏi câu nào, trả lời câu ấy, ông Quy già hơn rất nhiều với tuổi 44 của mình vừa nhìn xuống đường quốc lộ vừa nói: "Biết Tình có ý định bỏ học, gia đình và cô giáo chủ nhiệm luôn theo sát động viên nhưng nó vẫn quyết bỏ học. Hôm đó, nó vẫn chuẩn bị sách vở và đến trường nhưng nó không đi học mà cùng đứa chị họ bắt xe khách về xuôi đi làm”. 

"Mất mấy ngày đầu tôi gọi điện nó cũng không nghe. Mấy hôm nay, gia đình có việc nên nó về nhưng vẫn không chịu đến trường. Sáng sớm nay nó cùng mẹ và chị gái đi làm nương rồi. Tôi cũng không biết mấy hôm nữa nó có về xuôi làm thuê không nữa…” - ông Quy nói. 

Bà ngoại của Tình năm nay ngoài 70 tuổi cũng chỉ biết thở dài khi đứa cháu gái của mình mới học đến lớp 8 đã quyết bỏ học để đi làm kiếm tiền. 

Cô giáo Hoàng Thị Bích - giáo viên chủ nhiệm lớp 8B, Trường TH&THCS xã Trung Tâm cho biết thêm: "Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2018, lớp 8B có 4 em có nguy cơ bỏ học. Nắm bắt được tình hình, chúng tôi cùng cán bộ địa phương đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với gia đình, động viên các em nên đến nay lớp tôi chủ nhiệm chỉ còn có em Tình chưa ra lớp. Với Tình, chúng tôi hiểu nguyên nhân em bỏ học đơn giản chỉ là muốn đi làm kiếm tiền giống như các anh, chị trong gia đình”. 

10 giờ 30 phút sáng, trên đường từ nhà em Lý Thị Tình trở về Trường, thầy Chiến và cô Bích nhận ra từng tốp học sinh của trường mình trốn học lang thang trên đường mà bất lực. Báo hiệu tình trạng học sinh bỏ học nơi đây vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa xác định được đến khi nào kết thúc.

Chia tay gia đình có học sinh bỏ học với nhiều trăn trở. Chẳng nhẽ chúng ta phải chấp nhận lý do "chán học thì... bỏ”? Tương lai của các em sẽ ra sao khi phải sớm đối mặt với bao cạm bẫy cuộc đời. 

Liệu các em có giúp kinh tế gia đình bớt khó khăn? Liệu các em có điều kiện làm giàu hay sa vào tệ nạn xã hội để rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn thất học - đói nghèo - lạc hậu? 

Học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh là một thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể xã hội, ngành GD&ĐT và mọi gia đình cần có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, để hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng học sinh bỏ học để ngoài có thành tựu về phát triển kinh tế, Yên Bái còn có những con người có trình độ học vấn, có chuyên môn nhằm tạo ra nguồn lao động có chất lượng trong tương lai.

Vì nhiều lý do khách quan như: điều kiện kinh tế hộ gia đình, sự quan tâm của gia đình học sinh, ý thức học tập của học sinh dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn tiếp tục xảy ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Để hạn chế dần dẫn đến việc không có học sinh bỏ học ở các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số cần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho người dân, cho cộng đồng về việc cần thiết phải học, phải nâng cao trình độ học vấn. 

Thành Trung - Thanh Vy

Các tin khác

YBĐT - Với ruộng bậc thang tuyệt đẹp, người Mông ở Mù Cang Chải cũng được xem như là nghệ sĩ cảnh quan. Họ đang cùng với cùng các nghệ sĩ cảnh quan thế giới thực hiện giấc mơ mây trên tác phẩm nghệ thuật bậc nhất thế giới, tạo nên một tác phẩm có một không hai không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.

Du khách thuê trang phục đồng bào Mông để chụp ảnh bên cánh đồng hoa cải dầu.

YBĐT - Vào mùa xuân, bên những bờ suối, sườn đồi, vạt núi ở Mù Cang Chải cũng là lúc hoa ban, hoa sơn tra nở trắng rừng. Bây giờ, mỗi độ xuân về, những loài hoa ấy vẫn đua nhau khoe sắc nhưng thêm vào đó là mênh mang những cánh đồng bậc thang hoa cải dầu bung sắc vàng tươi. Mùa hè và mùa thu, đây mới là mùa hoa của trăm nghìn loài thảo mộc.

Lãnh đạo xã Lương Thịnh (Trấn Yên) cùng với người dân đánh giá tỷ lệ cây sống của rừng tre măng Bát độ mới trồng.

YBĐT - Sự kỳ vọng đó đang đặt vào cây tre măng Bát độ bởi giá trị, lợi ích đã được chứng minh tại nhiều vùng quê ở Trấn Yên.

Những người dân ở tổ 20, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết, họ đã cảnh giác, không nghe theo lời truyền bá của nhóm người thuộc

YBĐT - Ông Đào Văn Kỳ và bà Trịnh Thị Loan đều tỏ ra bơ phờ, sầu não: "Tôi buồn và giận con lắm các anh ạ! Nó theo cái thứ đạo chết tiệt ấy mà bỏ bê công việc làm ăn. Biết nó đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tôi đã mang sách Kinh Thánh ấy đem nộp cho chính quyền và cơ quan Công an, rồi làm đơn đề nghị giúp đỡ. Vợ chồng nó không tu tỉnh lại thì chỉ khốn khổ mà thôi, còn hai cháu nhỏ nữa”,

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục