Vang mãi ký ức hào hùng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/5/2018 | 8:19:20 AM

YBĐT - Cùng nhau đi qua tháng Tư lịch sử, những người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam trên quê hương Yên Bái đã có cuộc hội ngộ và cùng nhau sống lại thời khắc ý nghĩa của ngày 30/4/1975.

Các thế hệ cựu chiến binh tỉnh Yên Bái cùng nhau ôn lại thời khắc lịch sử 30/4/1975.
Các thế hệ cựu chiến binh tỉnh Yên Bái cùng nhau ôn lại thời khắc lịch sử 30/4/1975.

Khi ấy - họ là những thanh niên chỉ vừa mười chín đôi mươi, hành trang là nhiệt huyết tuổi trẻ đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Giờ đây, gặp nhau khi mái đầu đã điểm bạc họ trao cho nhau cái ôm, cái siết tay thật chặt, nụ cười ấm và tình đồng đội thiêng liêng, để cho những thế hệ trẻ như chúng tôi thêm thấu hiểu ý nghĩa hai từ "Độc lập”, để những ký ức hào hùng ấy mãi còn vọng vang.

Tôi chủ động đến sớm để mong có nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện với các bác, các chú - những người lính đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trường khói lửa mà thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng khâm phục. Từ xa, tôi đã thấy ông Hán Văn Tính - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tất bật cho công tác chuẩn bị. 

Ông Tính tâm sự: "Không còn là hoạt động thường niên đơn thuần, lễ gặp mặt các thế hệ CCB trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh dường như đã trở thành hoạt động nhằm ghi nhớ, tự hào về những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ; đồng thời, giáo dục tuổi trẻ hôm nay về truyền thống cách mạng với khí phách, trí tuệ và bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản để vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 
Mỗi người đến dự buổi họp mặt với những cảm xúc khác nhau, nếu như những người chiến sĩ năm xưa muốn sống lại thời khắc lịch sử lúc bấy giờ thì thế hệ trẻ hôm nay lại háo hức để được gặp gỡ nhân chứng lịch sử, để được hiểu hơn và tự hào hơn về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước.

Nói đến đó, ông Tính phải vội trở về với công việc và trước lúc đi không quên chỉ tay về phía người đàn ông ở phía xa đang ngồi trò chuyện tươi cười nói với tôi: "Đấy nhé! Nhà báo ra gặp chú kia, thích nghe gì chú ấy sẽ kể cho. Nhiều chuyện hay lắm đấy!”.
 
Người đàn ông chú Tính nhắc tới chính là Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỳ - Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu II. Năm xưa, chàng thanh niên Nguyễn Văn Kỳ nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Huấn luyện ngoài Bắc 6 tháng đến đầu năm 1974, ông tham gia Đại đội 20 - Đại đội Trinh sát Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.
 
Khi ấy, đơn vị ông có nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng khi Hiệp định Paris đã được ký kết. Tháng 10/1974, hơn 20 ngày ông cùng đơn vị tham gia những trận đánh ác liệt như: trận Đức Lộc, Buôn Mê Thuật, đánh Lữ đoàn dù 3 của quân ngụy ở đèo Phượng Hoàng (trên đường đi Nha Trang) rồi về đến Nha Trang thì đơn vị nhận được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
 
Sư đoàn 10 cùng với đội hình của Quân đoàn 3 tiến công vào Sài Gòn với nhiệm vụ đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Suốt đêm ngày 29 đến ngày 30, liên tiếp các trận đánh ác liệt đã diễn ra. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, cả đơn vị có mặt ở Sân bay Tân Sơn Nhất, chính thức hoàn thành nhiệm vụ. Nhắc đến thời khắc lịch sử, giây phút chiến thắng, những ký ức lúc đó như ùa về.
 
Ông Kỳ xúc động nhớ lại: "Vừa nghe tin báo quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn, người dân nào cũng bỏ dở cả việc đang làm để chờ đợi. Đến khi thấy bóng quân giải phóng thì như vỡ oà. Ngồi trên xe hòa vào dòng người, người dân ném lên xe từ điếu thuốc lá đến mẩu bánh mỳ. Nước mắt tôi ướt nhòa, một cảm giấc lâng lâng khó tả vô cùng. Đang chiến đấu ác liệt là thế, giây phút hòa bình khiến tất cả quên đi mọi mất mát, cuốn theo dòng người như thác lũ. Chúng tôi đang sống trong một giấc mơ - giấc mơ có thật”!
 
Sau niềm vui chiến thắng, đơn vị của ông lại tiếp tục với nhiệm vụ xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở, vận động tàn binh ra trình diện, tuyên truyền đến bà con nhân dân chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng… Sau đó, cả đơn vị  chuyển về Lâm Đồng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Cam - pu - chia.

Kết thúc câu chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỳ cũng là lúc tiếng nhạc vang lên - chương trình văn nghệ chào mừng lễ gặp mặt bắt đầu. Các tiết mục đều do chính các cô, các chú dàn dựng công phu, kỹ lưỡng. Sau màn văn nghệ mở đầu buổi họp mặt, các cô chú đã cùng nhau ôn lại khí thế hào hùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Yên Bái.
 
Trong cuộc chiến ấy, đã có 2,5 vạn thanh niên Yên Bái lên đường vào Nam chiến đấu, cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào có nhiều đóng góp xương máu, trí tuệ, công sức, của cải vật chất cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.
 
Khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đời thường, những người lính trực tiếp từng tham gia chiến đấu đã phát huy được truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; làm tốt công tác lãnh đạo, thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa nhân văn, vận động các đơn vị, các tấm lòng hảo tâm trợ cấp cho học sinh, sinh viên con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn và tích cực thực hiện tham gia các phong trào tại địa phương...

Chiến tranh đã lùi xa, thật không dễ để phác họa lại một hành trình đầy gian khó và những hy sinh to lớn, song vô cùng vẻ vang, chói lọi của Bộ đội Cụ Hồ. Nghĩ về quá khứ hào hùng và những công lao của lớp người đi trước để soi rọi chính mình ở hiện tại, để thấy rõ hơn giá trị của độc lập - tự do, cùng đoàn kết và tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
 
Mai Linh

Các tin khác
Các bé ở điểm trường mầm non Vàng Ngần phải học tập trong điều kiện ánh sáng tự nhiên.

YBĐT - Cơn mưa rào đầu hạ chợt đến, chợt đi khiến con đường hơn 30 km ngoằn nghèo với những đoạn leo rồi đổ dốc từ trung tâm huyện Văn Chấn đến hai thôn Vàng Ngần và Thẳm Có đi càng trở nên khó khăn, vất vả. Đây là 2 thôn chưa từng có ánh sáng của điện lưới quốc gia dù ở ngay cạnh

Nhà máy Thủy điện Văn Chấn.

Một giờ học của cô và trò Trường TH&THCS Xuân Tầm, huyện Văn Yên.

YBĐT - Nguyên nhân chủ yếu khiến các em bỏ học là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học tập của con em; một số học sinh không chịu học dẫn đến học tập yếu, kém không theo kịp chương trình rồi bỏ học và theo bố mẹ, anh chị em đi làm ăn xa.

Các thầy giáo đến nhà vận động em Đặng Tòn Liều (ngoài cùng bên phải) ra lớp.

YBĐT - Trước đây, đối tượng học sinh bỏ học hoặc chưa ra lớp sau các kỳ nghỉ lễ dài chỉ tập trung ở vùng cao đặc biệt khó khăn như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn thì nay đã xuất hiện phổ biến ở những nơi có điều kiện tốt hơn về kinh tế - xã hội.Vấn đề không hẳn nằm ở trường lớp, không nằm ở các thầy cô.

YBĐT - Với ruộng bậc thang tuyệt đẹp, người Mông ở Mù Cang Chải cũng được xem như là nghệ sĩ cảnh quan. Họ đang cùng với cùng các nghệ sĩ cảnh quan thế giới thực hiện giấc mơ mây trên tác phẩm nghệ thuật bậc nhất thế giới, tạo nên một tác phẩm có một không hai không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục