Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cánh mạng việt nam (21/6/1925 - 21/6/2018)

Yêu nghề và dám dấn thân

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/6/2018 | 10:42:57 AM

YBĐT - Gần một năm trôi qua sau hai đợt lũ lịch sử gây ảnh hưởng nặng nề tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Song những ngày căng mình chống lũ của người dân đã trở thành những ký ức không thể quên trong tâm trí của chúng tôi - những phóng viên của Báo Yên Bái tác nghiệp nơi rốn lũ miền Tây.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trao đổi với các phóng viên tác nghiệp trong đợt lũ tháng 10/2017 tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trao đổi với các phóng viên tác nghiệp trong đợt lũ tháng 10/2017 tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh.


6 giờ 30 phút sáng ngày 3/8/2017, tôi và phóng viên Hùng Cường tháp tùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi công tác tại huyện Mù Cang Chải khi có thông tin về đợt lũ quét nghiêm trọng xảy ra tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải. 

Được phân công đi xe của đồng chí Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên những thông tin thiệt hại từ cơ sở báo về qua Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh liên tục được phóng viên chúng tôi cập nhật gửi về tòa soạn.
 
Sau nhiều giờ liên tục di chuyển trong điều kiện thời tiết có mưa to, gần 11 giờ trưa, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác tìm kiếm người chết, mất tích và huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. 

Hiện trường nơi rốn lũ khi ấy, chỉ là bùn đất, nhà cửa sập đổ và những tảng đá ngổn ngang to bằng cả ngôi nhà. Tiếng nước của dòng Nậm Kim hung dữ, gầm thét xen lẫn là tiếng khóc gọi cha, gọi mẹ, gọi con của những người thân trong gia đình không may có người bị lũ cuốn trôi. Khu vực tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải tan hoang sau một giờ bị lũ quét tràn qua. 

Những thông tin, hình ảnh nơi rốn lũ, những chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu tỉnh liên tục được cập nhật.
 
Các bài viết: "Thương lắm Mù Cang”, "Khắc phục thiên tai ở Mù Cang Chải để lại một niềm tin”, "Chủ động, quyết liệt chỉ đạo, điều hành khắc phục hậu quả lũ quét ở Mù Cang Chải”, "Nỗ lực cho ngày tựu trường”… được đăng trên các ấn phẩm của Báo Yên Bái đã làm lay động trái tim của triệu triệu đồng bào trên cả nước.
 
Cơn lũ đi qua, những phóng viên của Báo Yên Bái lại tiếp tục bám sát hiện trường, thực hiện tiếp những loạt tin, bài phóng sự về khắc phục hậu quả thiên tai, bố trí tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, về công tác cứu trợ và những nghĩa cử cao đẹp của người dân trong vùng lũ. 

Từ những thông tin quý báu ấy, những chia sẻ, động viên, giúp đỡ và ủng hộ đồng bào vùng lũ liên tục được chuyển đến đồng bào thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện đã giúp họ vượt qua nỗi đau này.

Chưa nguôi ngoai nỗi đau sau một tuần ở rốn lũ Mù Cang Chải, ngày 11/10/2017, nhóm phóng viên chúng tôi lại là những người đầu tiên có mặt tại miền Tây của tỉnh ghi lại những hình ảnh khủng khiếp của cơn lũ lịch sử càn quét qua các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ. 

Tại miền Tây, dòng suối Thia giận dữ cuốn trôi đi tất cả, chưa bao giờ tôi thấy nước ở đây lên cao và chảy xiết đến vậy. Nhiều ngôi nhà, ruộng vườn, tài sản của nhân dân bị lũ cuốn trôi, số người chết và mất tích của liên tục tăng lên.
 
Những ký ức về đợt lũ Mù Cang Chải lại hiện về càng khiến cho mọi người cảm thấy xót xa hơn. Tác nghiệp ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ, chúng tôi lại nóng lòng muốn lên với Trạm Tấu khi không thể liên lạc với nơi đầu nguồn cơn lũ này để có những thông tin về thiệt hại.
 
11 giờ trưa, sau hàng chục lần bấm máy, tôi liên lạc được với đồng chí Nguyễn Văn Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, anh thông tin nhanh: "Trạm Tấu thiệt hại nặng lắm em ơi, đã có 9 người chết và mất tích rồi, bọn anh đã huy động lực lượng giúp dân nhưng di chuyển vào đó rất khó khăn”.
 
Sóng điện thoại tắt, việc liên lạc và tiếp cận Trạm Tấu để lấy thông tin với chúng tôi thực sự rất khó khăn khi tuyến đường Trạm Tấu - Nghĩa Lộ bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn sau 3 ngày mới được thông. Những ngày lũ ở Miền Tây, chúng tôi liên tục di chuyển cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh để ghi lại những hình ảnh kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà có mặt tại rốn lũ miền Tây ngay chiều ngày 11/10/2017 và kịp thời có mặt động viên, chia sẻ với người dân vùng lũ Trạm Tấu ngay sau khi tuyến tỉnh lộ 174 được thông xe.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy liên tục có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, trong đó ưu tiên tìm kiếm người mất tích. Những ngày đầu tác nghiệp ở vùng lũ thực sự là nơi để chúng tôi thử thách bản lĩnh nghề nghiệp của mình. 

Có những thời điểm, không sóng điện thoại, không internet, phải đi bộ 4 - 5 km để vào nơi tâm lũ rồi lại di chuyển ra ngay để kịp đưa thông tin về tòa soạn.

Với chúng tôi - những người làm báo, đợt lũ tháng 10/2017 đã trở thành ký ức không bao giờ quên khi một người đồng nghiệp đã mãi mãi ra đi khi anh đang tác nghiệp nơi dòng lũ dữ - phóng viên Đinh Hữu Dư - phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Thường trú tại Yên Bái. Anh ra đi ở tuổi 29 khi vẫn còn đó những ước mơ dang dở - mang cuốn sách, mang cái chữ đến với trẻ em vùng cao.
 
Sự ra đi của anh đã làm lay động triệu triệu con tim trên cả nước, là tấm gương sáng về tinh thần quả cảm, quên mình vì nhiệm vụ, đặc biệt là nghị lực và tấm lòng nhân ái của một nhà báo, một người trẻ. Nhắc nhở chúng tôi về trách nhiệm của mình luôn có mặt kịp thời nơi đầu nguồn sự kiện, sẵn sàng dấn thân vì cộng đồng, trách nhiệm với từng thước phim, tấm ảnh, con chữ bằng mồ hôi, nước mắt, bằng máu và cả tính mạng của mình.

Yêu nghề và dám dấn thân - những nhà báo chúng tôi luôn mong muốn mang đến độc giả những thông tin thời sự nóng hổi, những thước phim tư liệu quý và những tấm hình đẹp. 

Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí đầu năm 2018, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thêm một lần nữa khẳng định: "Báo chí đã đi sát cuộc sống, lăn lộn với thực tiễn, có mặt ở mọi vùng miền; ở nơi khó khăn nhất và đặc biệt đó là trong hoàn cảnh thiên tai, bão lũ lịch sử thì những người có mặt đầu tiên nhất lại là các nhà báo. Chúng tôi không thể quên được sự tận tâm, trách nhiệm của các nhà báo không quản gian khổ, khó khăn căng mình, lăn xả nơi đầu sóng, ngọn gió để đưa những thông tin nhanh nhất, nóng hổi nhất tạo nên sức lan tỏa chóng mặt để kêu gọi, thôi thúc tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ những mất mát, giúp các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ".
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các nhà báo cần gắn bó sâu sắc hơn nữa với cơ sở, với các sự kiện, biến cố để có thông tin nhanh nhạy, chính xác, tạo nên sức sống cho các sản phẩm báo chí trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
 
Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), mỗi nhà báo chúng tôi phải luôn đề cao trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp để mỗi tác phẩm báo chí là sự đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của quê hương, đất nước; xây dựng đội ngũ nhà báo có tâm, có tầm, lòng trong, bút sắc trong thời đại mới gắn chặt với truyền thông số, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.       
 
Mạnh Cường

Các tin khác
Trưởng thôn 1 Hoàng Minh Tuấn (bên phải) thăm hộ anh Nông Minh Hạnh vụ đầu thu hoạch khoảng 10 tấn dưa hấu.

YBĐT - Dưa hấu Phúc Ninh theo xe thương lái đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang… được giá 6.000 đồng/kg, người dân bán lẻ ở các xã: Cảm Nhân, Tích Cốc, Xuân Long… giá 7.000 đồng/quả 2 kg cũng nhiều.

Từ khung cửa sổ phóng tầm mắt ra xa cánh đồng Nậm Khắt đang mùa nước đổ đẹp say đắm lòng người.

YBĐT - Mỗi căn nhà ở đây không gọi tên theo số mà được đặt những cái tên rất dân dã như nhà ngô, nhà lúa, nhà chè, nhà sơn tra, nhà thông…, chính đây cũng là những loại hoa quả đặc sản của vùng đất Mù Cang Chải. 

Đồng chí Dương Văn Tiến  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái động viên tinh thần các tình nguyện viên tham gia hiến máu trong hành trình Chủ nhật đỏ.

YBĐT - Phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở Yên Bái được duy trì và ngày càng phát triển mạnh. Là một trong những hoạt động xã hội mang tính nhân văn được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân toàn tỉnh.

Cây tre măng Bát độ trồng năm 2017 tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên sinh trưởng và phát triển tốt.

YBĐT - Với lợi thế về rừng và đất rừng, sau nhiều thử nghiệm có cả thành công và thất bại, Yên Bái đã tìm ra cho mình những loại cây lâm nghiệp chủ lực, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng để trồng rừng và phát triển kinh tế. Đó là cây tre măng Bát Độ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục