Bà “mế” nổi danh trị rắn cắn
- Cập nhật: Thứ ba, 24/7/2018 | 1:59:37 PM
YBĐT - Ở vùng đất thiêng Đông Cuông, huyện Văn Yên hỏi thăm ai cũng biết lương y Hà Thị Thoa nổi danh với bài thuốc gia truyền trị rắn cắn cứu người. Người dân trong vùng yêu mến, nể phục gọi bà là "mế” là "thần y”. Năm nay đã 67 tuổi, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y tỉnh và Hội Đông y huyện Văn Yên.
Lương y Hà Thị Thoa bốc thuốc cho người bệnh.
|
Là người Mường, quê gốc ở Phú Thọ nhưng bà Thoa sinh ra và lớn lên trong một gia đình 5 chị em gái tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên. Gia đình bà Thoa cả bố và mẹ đều làm nghề bốc thuốc cứu người nên ngay từ khi còn bé, bà đã theo bố mẹ vào rừng tìm những cây thuốc chữa bệnh. Cầm mẩu giấy nhỏ nhuốm màu thời gian, áng chừng khoảng trăm năm với nét chữ khó đọc, bà bảo đó là "dấu tích” còn lại duy nhất, là bằng chứng về nghề bốc thuốc của gia đình mình.
- Bà có còn nhớ bệnh nhân đầu tiên mà bà chữa bệnh không ạ? Tôi tò mò hỏi.
- Người bệnh đầu tiên chính là chồng tôi! Ngày đó tôi không bao giờ quên. Hôm ấy là ngày 3/3/1977, chồng tôi đi rừng lấy củi, bị rắn độc cắn nhưng không biết loại gì. Tôi liền tìm lá thuốc về giã và sao lên đắp vào vết thương, thấy có hiệu nghiệm tức thì, chân không bị tím tái, đau buốt nữa và tháng sau thì lành hẳn. Rồi năm 1994, ông nhà tôi lại bị rắn cắn, lần này nặng và nguy hiểm hơn lần trước, toàn thân tê buốt nhưng chỉ sau vài lần đắp thuốc đã khỏi hẳn”.
- Đó là lá thuốc gì mà tốt thế ạ? Bà Thoa cười hiền hậu:
- Bản thân tôi cũng không biết loại cây gì? Chỉ biết ông bà truyền lại và gọi đó là cây cô tiên, lá gần giống với cây râm bụt, chỉ cần giã nhỏ và sao lên đắp vào vết thương sẽ khỏi. Quan trọng là biết kết hợp giữa thuốc và tâm của mình.
Sau này, còn rất nhiều người bệnh đến nhờ bà Thoa cứu chữa, nhiều trường hợp được chẩn đoán bị hoại tử nặng và sẽ phải tháo bỏ khớp như: ông Hoàng Văn Na ở thôn Gốc Quân, anh Trần Văn Phúc ở xã Tân Hợp cùng huyện… Có những trường hợp người bệnh được chuyển đến lúc 11, 12 giờ đêm, vợ chồng bà không quản ngại đốt đuốc lên rừng tìm bằng được cây thuốc để cứu chữa kịp thời.
Được biết, bà Thoa chữa bệnh rắn cắn miễn phí, tiền công tùy vào thành tâm của người bệnh để lại chứ không có mức giá cụ thể, hoặc người bệnh mua lễ để bà dâng tổ tiên.
Trước khi chia tay, bà Thoa cho tôi biết hiện giờ bà rất khó khăn để trèo lên núi đá tìm kiếm cây thuốc. Bà đang tìm người để truyền nghề, thay bà tiếp nối công việc hành thiện cứu người. Nhưng để được chân truyền bài thuốc kỳ diệu cũng phải tùy vào người có cơ duyên. Với bà, 67 năm tuổi đời và 42 năm gắn bó với nghề bốc thuốc cứu người, bà đã cống hiến tận tâm, tận lực với nghề cao quý này, bởi bà luôn tâm niệm: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Những ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi có dịp trở lại Khe Thùng - thôn 7, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên gặp lại những người lính hiện giờ là những ông chủ trang trại.
YBĐT - Tuyến xã là "xương sống” của hệ thống y tế, những năm qua, tỉnh, huyện đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để giúp người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay, để phát huy tối đa vai trò của trạm y tế xã (TYTX) thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
YBĐT - Hệ thống y tế cơ sở (YTCS), trong đó có trạm y tế xã (TYTX), phường, thị trấn là đơn vị y tế đóng vai trò quan trọng, là tuyến đầu, hay nói cách khác là "người gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
YBĐT - Đã có thời kỳ nghề dệt thổ cẩm bị mai một, nhưng bằng tình yêu, nhiệt huyết của nhiều chủ nhân văn hóa thổ cẩm đã làm cho nét đặc trưng giàu truyền thống ấy hồi sinh.