Khi lão nông khởi nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/8/2018 | 7:58:43 AM

YBĐT - Trước đây, đồng bào dân tộc Thái Mường Lò chỉ canh tác lúa nước, hết vụ thì trồng rau màu. Vì thế, chuyện ông Lường Trung Lập ở thôn Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ trồng thanh long ruột tím - giống cây ăn quả trước đây chỉ trồng ở miền Nam đã khiến nhiều người bàn tán, nghi ngờ bởi loại cây này họ chỉ mới nghe và xem trên ti vi.

Ông Lập bên vườn thanh long ruột tím.
Ông Lập bên vườn thanh long ruột tím.

Đến thăm gia đình ông Lường Trung Lập, chúng tôi khá bất ngờ bởi giữa một bản làng người Thái với những nếp nhà sàn truyền thống bên đồng ruộng, con trâu... lại có ngôi nhà mang dáng dấp miệt vườn Nam Bộ với những ao cá hàng ngàn mét vuông bao quanh. Con đường nhỏ vào nhà trải đầy hoa, phía sau là "rừng” thanh long ruột tím hơn 3 năm tuổi xanh tươi mơn mởn...
 
Thấy chúng tôi, mấy đứa trẻ gần đấy bảo rằng: "Đến nhà ông Lập buổi tối, các chú mới thấy được vườn thanh long đẹp rực rỡ. Hàng trăm bóng đèn điện được thắp sáng nên chúng cháu thường đến đây chơi và giúp ông chăm sóc thanh long. Giờ này, ông Lập đang ở trong vườn đấy!”.
 
Vào thăm "rừng” thanh long, trong vườn là người đàn ông ngoài 60 tuổi tập trung tỷ mỉ từng động tác uốn ngọn thanh long vào trụ bê tông. Thấy chúng tôi, ông Lập dừng tay: "Các anh lên nhà chơi, uống nước, tôi sẽ về ngay!”.

- "Bác cứ làm tiếp đi, chúng cháu tranh thủ tham quan chút ạ! Bác trồng giống thanh long ruột tím này lâu chưa?”.
- Tôi trồng cũng được hơn 3 năm nay rồi. Các anh thấy ấn tượng chứ?

- Rất ấn tượng! Cơ duyên nào bác lại trồng thanh long ruột tím?

- Trước đây, mảnh ruộng 3.000 m2 này tôi chủ yếu gieo cấy lúa, sau đó chuyển sang đào ao thả cá, rồi tiếp tục trồng các loại rau mầu nhưng năng suất, hiệu quả không cao. Thật may, tôi xem ti vi có chương trình những nông dân làm giàu từ trồng cây thanh long ruột tím rồi tiếp tục tìm hiểu thêm qua báo chí, tài liệu và nhận thấy trồng thanh long ruột tím không khó lắm.
 
Nếu canh tác đúng kỹ thuật và thời tiết ổn định như ở Mường Lò, thanh long sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi bàn bạc và được sự ủng hộ của gia đình, tôi và con trai về Hà Nội học tập kinh nghiệm ở các mô hình trồng thanh long ruột tím cho hiệu quả kinh tế cao và quyết định mua giống về trồng thử nghiệm.

Hướng về cây thanh long trĩu quả đang chờ thu hoạch, ông Lập bứt vài trái rồi dùng dao cắt lát mời chúng tôi thưởng thức. Thật đẹp, bắt mắt, miếng thanh long vỏ mỏng, ruột tím ăm ẵm nước và ăn vào thấy vị ngọt nhẹ, mát rất dễ chịu.

- Ngon, đúng không? - ông Lập hỏi.

- Rất ngon, mát và hương vị khá hấp dẫn! Giống thanh long này có vẻ hợp với vùng đất Mường Lò, thưa bác?

- Đúng đấy! Chính cảm giác thú vị khi thưởng thức mà gia đình tôi quyết đưa giống thanh long ruột tím về trồng tại đây! - ông Lập phấn khởi.

Dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và ông Lập mạnh dạn khởi nghiệp bằng cách đầu tư 350 triệu đồng đổ 600 trụ bê tông và đưa 24.000 hom thanh long ruột tím vào trồng. Đây được coi là "cuộc cách mạng lớn” với gia đình ông. Còn người dân trong thôn đều cảm thấy nghi ngờ, lo lắng bởi đây là lần đầu tiên họ thấy giống cây trồng từ thân và leo lên cột bê tông để phát triển. Nhờ tuân thủ đầy đủ kỹ thuật hướng dẫn trồng, chăm sóc, cộng thêm yếu tố thời tiết thuận lợi nên diện tích thanh long ruột tím cứ thế sinh trưởng, phát triển tốt, lại không bị sâu bệnh.
 
Qua vụ đầu trồng thử nghiệm, thấy thanh long có thể trồng và phát triển được ở cánh đồng Mường Lò, sản lượng tương đương với những vùng trồng thanh long ở miền Nam nên ông Lập rất yên tâm. Trồng cây thanh long chỉ cần đầu tư 1 lần cho thu hái từ 20 đến 25 năm; trung bình mỗi năm thu hoạch từ 17 đến 23 lượt.
 
Sau một năm trồng thử nghiệm, gia đình ông đã thu 200 kg quả. Năm thứ 2, cây thanh long tiếp tục cho thu hoạch tới 5 tạ quả và cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Sang năm thứ 3, vườn thanh long của gia đình ông cho thu hoạch nhiều lứa hơn, sản lượng cũng cao hơn đạt 3 tạ đến 4 tạ/lứa, thu nhập gần 200 triệu đồng...
 
"Hiện nay, nhiều người dân trong thôn cũng tìm đến gia đình ông tìm hiểu về thanh long ruột tím, song chưa ai mạnh dạn trồng thử. Nếu họ thực sự tâm huyết và muốn trồng giống thanh long này, tôi sẵn sàng ủng hộ” - ông Lập chia sẻ.
 
Không chỉ dừng lại từ việc trồng thanh long ruột tím, ông Lập còn chủ động chuyển một phần diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang đào ao thả cá. Với hơn 1.500 m2 đào 2 ao nuôi cá giống, cá thịt như: cá trắm, chép, rô phi đơn tính…  cho gia đình ông nguồn thu nhập không kém gì trồng thanh long.
 
Ngoài ra, với diện tích vườn tạp trên 2.400 m2, ông Lập tiếp tục chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu theo hướng dẫn của Trung tâm Giống công nghệ và Giống cây trồng Trung ương hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Đồng thời, ông còn kết hợp với nuôi ong mật do Phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ chuyển giao kỹ thuật và gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đã tạo thành một mô hình kinh tế khép kín.
 
Hiện nay, mô hình sản xuất khép kín của gia đình ông Lập đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình ao nuôi cá hàng hóa, trừ chi phí cho thu về 30 - 40 triệu đồng/năm; trồng thanh long ruột tím cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ năm; nuôi ong mật và gia cầm cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm...
 
Với những nỗ lực của bản thân và các thành viên trong gia đình, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Lập không những nâng cao đời sống cho bản thân mà còn tạo việc làm, thu nhập thêm cho một số lao động địa phương.

Là người có uy tín trong cộng đồng lại được học tập, tiếp thu đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình về phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương do cấp trên phát động, nhất là thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Lường Trung Lập ra sức thi đua và cùng với gia đình gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của các tổ chức hội, đoàn thể và quy định của thôn, bản đề ra.
 
Ông Lò Văn Hải - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Lợi cho biết: với những kinh nghiệm trong tổ chức cuộc sống và sản xuất của gia đình, bản thân ông Lập đã cùng với Hội Nông dân xã, các đoàn thể tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện tốt phong trào thi đua phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập...
 
Ông Lập còn là người đi đầu đóng góp vào các phong trào của thôn như: làm đường bê tông, làm nhà văn hóa, ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo, thiên tai bão lũ, thăm hỏi các gia đình chính sách, hộ có người cao tuổi… góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Với những thành tích trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, ông Lường Trung Lập đã được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2015; Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ tặng giấy khen tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
Song, niềm vui, ý nghĩa lớn nhất với ông Lập chính là người đầu tiên đưa giống thanh long ruột tím trồng thành công cho năng suất cao trên cánh đồng Mường Lò. Từ đây, người dân sẽ không còn nghi ngờ, không chỉ xem qua ti vi, sách báo mà giống cây trước đây chỉ trồng ở miền Nam nay đã hiện hữu và phát triển tốt trên mảnh đất quê hương mình.
 
"Thanh long ruột tím đã, đang và sẽ là một hướng phát triển kinh tế mới của đồng bào dân tộc ở Mường Lò tới đây” - ông Lập khẳng định.

Ngọc Sơn

 

Các tin khác
Giống hồng Nhật trồng ở huyện Mù Cang Chải cho quả to, giòn, ngọt, được khách hàng ưa chuộng.

YBĐT - Từ lâu, lúa, ngô, thảo quả… được coi là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao. Nhưng để làm giàu thì đây chưa phải cây trồng phù hợp. Nhưng bây giờ đã có những cây trồng thành lời mở đầu trong đáp án "làm giàu”.

Trang trại chăn nuôi gà Minh Dư của anh Phạm Văn San, thôn 11, quy mô 12 nghìn con.

YBĐT - Chúng tôi về lại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên khi đợt lũ hồi đầu tháng 7 quét qua những tràn ruộng còn để lại lớp bồi sa đặc quánh phủ lấp lúa, ngô trải dọc triền sông, khoác nhọc nhằn lên vùng quê vốn còn lam lũ.

Công ty TNHH Một thành viên Chiến Thắng Nghĩa Lộ hiện duy trì hoạt động của 3 tổ máy.

YBĐT - Khó khăn do sự cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp; nhận thức của người lao động về trách nhiệm và quyền lợi khi làm việc trong doanh nghiệp và tác phong làm việc; điều kiện về ăn ở cho lao động ở vùng sâu, vùng xa.

Ông Nông Phương Nam tại Đại hội Chi bộ Khu dân cư Trung Tâm, nhiệm kỳ 2015 – 2017.

YBĐT - Tấm gương "người lính Cụ Hồ” của Đại tá, cựu Bí thư Chi bộ Nông Phương Nam thực sự đáng quý và rất đáng trân trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục