Vượt khó vì ngày mai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/10/2018 | 8:00:30 AM

YBĐT - Tròn một tháng bước vào năm học mới, 155 em học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) ở hai thôn Vàng Ngần và Thẩm Có - thôn vùng sâu bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua đã ổn định nơi ăn chốn ở tại điểm trường chính của Trường TH&THCS xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn.

Các em nhỏ đã quen dần và vui vẻ trong môi trường nội trú.
Các em nhỏ đã quen dần và vui vẻ trong môi trường nội trú.

Vượt qua những khó khăn, đau thương và mất mát, các em đã được thầy cô, cán bộ, người dân địa phương, những tấm lòng hảo tâm từ khắp nơi trên cả nước chăm lo, bao bọc, dành những điều kiện tốt nhất để có thể tiếp tục sự học nơi vùng cao khó khăn.

Trận lũ lịch sử hồi tháng 7/2018 không chỉ khiến cho 25 hộ dân của hai thôn mất nhà mà còn làm sập hoàn toàn 4 phòng học tại điểm trường thôn Vàng Ngần. Bằng sự nỗ lực, chung tay của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, các em học sinh đã được đưa về ở nội trú và học tập tại điểm trường chính.
 
Đúng ngày khai giảng, 100% học sinh tại điểm trường Thẩm Có và Vàng Ngần đã tề tựu đông đủ để bước vào năm học mới. Trong thời gian ngắn để ổn định được chỗ ăn ở bán trú cho 155 em, trong đó có nhiều em mới học lớp 1, lớp 2 chưa tự chăm sóc được bản thân là cả một sự cố gắng, nỗ lực và tình yêu thương vô bờ của các thầy cô Trường TH&THCS xã Suối Quyền. Do không phải là trường bán trú nên nhà trường đã gặp rất nhiều khó khăn khi bố trí chỗ ăn ở cho các em.
 
Thầy Nguyễn Xuân Hương - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: "Khu nội trú của nhà trường chỉ có 3 phòng đôi và 1 phòng đơn bố trí được cho 84 em, còn lại 71 em buộc phải ở ghép trong điều kiện chật chội. Để giúp các em sớm ổn định chỗ ở, nhà trường phải bố trí ghép 2 em ngủ một giường đơn, do vậy chỗ ngủ bước đầu đã tạm ổn”.
 
Sự lan tỏa yêu thương, đùm bọc trong lúc khó khăn của cán bộ, thầy cô nhà trường đã làm cảm động không chỉ các hộ dân trên địa bàn mà còn lan tỏa đến những tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước. Theo đó, hai hộ dân thôn Suối Bắc ở gần trường là ông Lý Hữu Minh và ông Lý Tiến Phúc đã hiến hơn 500m2 đất để làm mặt bằng xây dựng phòng ở cho các em học sinh.
 
Cùng với sự hỗ trợ của huyện, sự ủng hộ của những nhà hảo tâm, nhà trường đang xây dựng thêm 2 phòng ở bán trú, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến đến cuối tháng 10/2018 hoàn thành sẽ bảo đảm được chỗ ở cho các em.

Bớt được nỗi lo về chỗ ở cho học sinh, các thầy cô nhà trường lại phải đối mặt với nỗi lo lớn hơn đó là đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt hàng ngày cho các em. Trong số 155 em ở nội trú thì có 24 em mới học lớp 1 và 21 em học lớp 2, nhiều em chưa biết xúc ăn hoặc tự mình làm vệ sinh cá nhân. Lần đầu tiên xa nhà, khó khăn lớn nhất của các em là nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ.
 
Để chăm sóc tốt cho các em, các thầy cô nhà trường đã phải làm thay cả công việc của cha, mẹ, chăm sóc các em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Thầy Hương cho biết: "Ngoài giờ lên lớp, các thầy, cô phải thay nhau trực đêm để chăm lo giấc ngủ cho các em. Tuần đầu tiên không đêm nào thiếu tiếng khóc, tuần thứ 2 bớt một chút, đến nay tuy vẫn còn nhưng cơ bản các em đã quen với môi trường mới, ít khóc hơn”. 

Cũng vì thức đêm chăm lo cho các em nên có nhiều chuyện xảy ra lúc nửa đêm mà mỗi lần kể lại cho nhau nghe các thầy, cô giáo cũng chỉ biết lắc đầu thương cảm. Cô giáo Trần Thị Huyền Trang tâm sự: "Có em nửa đêm khóc nói bị đau ở tai, các thầy cô vội vàng đưa đến trạm y tế khám nhưng không ra bệnh. Đến lúc báo cho bố, mẹ ra được đến nơi thì em ngừng khóc và bảo: con nhớ bố mẹ!”.

Cơn lũ đi qua đã lâu nhưng đến nay đường về nhà của các em ở thôn Vàng Ngần và Thẩm Có hiện vẫn đang trong giai đoạn khắc phục, nhiều đoạn sạt lở chưa biết khi nào mới có thể thông. Do vậy, muốn về nhà các em buộc phải đi vòng qua thị xã Nghĩa Lộ xa tới 45 km.
 
Đây cũng là lý do ngày cuối tuần các em không thể về nhà mà ở luôn tại trường, còn phụ huynh đang phải tập trung dựng nhà mới, khắc phục hậu quả bão lũ, không có thời gian thăm con nên phó mặc chuyện ăn ở, sinh hoạt cho các thầy cô. Chẳng những thế, các thầy cô kể, có phụ huynh còn mang con 3 tuổi đến xin các thầy cô cho gửi ở cùng với anh chị cháu trong trường. Câu chuyện thật như đùa ấy càng thấy những khó khăn nơi vùng cao này.
 
Còn bà Triệu Thị Lai ở thôn Vàng Ngần, cũng vì thương cháu mà bà xin vào làm cấp dưỡng ở Trường để tiện chăm sóc cho các cháu. Theo bà, bọn trẻ xa nhà mà có người thân, người quen bên cạnh chúng sẽ ngoan hơn.

17h30 chiều là thời gian bắt đầu bữa ăn tối của các em. Đúng giờ, các em tự giác xếp hàng, điểm danh sĩ số, hôm ấy lại thiếu mất 3 em trung học cơ sở, hỏi các bạn mới biết các em trốn về vì nhớ nhà, cũng may nhà các em đó chỉ cách trường hơn 4km.
 
Chứng kiến các em tự giác kê bàn, lần lượt nhận phần ăn của mình, đặc biệt là các em nhỏ mới học lớp một, lớp hai rất tự giác và ngăn nắp, mới hiểu đó là thành quả cũng là niềm động viên rất lớn với các thầy cô giáo nhà trường. Bữa ăn có trứng, có thịt, có rau xanh đầy đủ.
 
"Mỗi tháng một em được trợ cấp 15kg gạo và 560.000 đồng. Do 2 ngày cuối tuần các em không về được nên nhà trường vẫn phải tính toán để nấu ăn cho các em, cũng vì vậy mà số tiền ăn đó phải chia ra cho đủ. Ngoài chuyện bữa ăn thì vấn đề sức khỏe cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Mặc dù trường có 155/342 em học bán trú nhưng chưa được công nhận là trường bán trú, do vậy nguồn kinh phí để xây dựng tủ thuốc y tế, dụng cụ thể thao đều do sự đóng góp của các thầy cô trong trường. Nhiều cháu nhỏ nên ốm đau là chuyện không thể tránh khỏi, dù thiếu thốn, khó khăn, nhưng xây dựng tủ thuốc y tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của trường” - thầy Hương cho biết thêm.
 
Khó khăn trong sinh hoạt, nhưng nhờ sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của các thầy, cô mà chất lượng học tập của các em được nâng lên rõ rệt. Trước đây, các em phải học lớp ghép, chất lượng không bảo đảm nay đã có môi trường học tập tốt hơn, với những em không phải học 2 buổi, thời gian còn lại có giáo viên hướng dẫn tự học. Ngoài ra, các em được bạn bè, anh chị lớp lớn hơn kèm cặp và bảo ban học tập.

Mùa đông đang đến gần, bao nỗi lo vẫn còn ngổn ngang với thầy trò vùng cao, nhưng với sự quan tâm, yêu thương, sự chăm lo của cán bộ, giáo viên nhà trường cùng tấm lòng hảo tâm của các tổ chức xã hội, đoàn thể, chắc chắn các em học sinh Trường TH&THCS xã Suối Quyền sẽ có điều kiện tốt hơn để học tập vì một ngày mai tươi sáng.
 

Cô giáo Trần Thị Huyền Trang
: "Mùa đông sắp đến, ở đây lạnh hơn nhiều so với các xã vùng thấp. Việc tắm, giặt, sinh hoạt của các em sẽ rất khó khăn, nhất là với những em nhỏ không thể tự nấu nước tắm. Bởi vậy mà chúng tôi cứ ước giá như được đầu tư hệ thống nước nóng cho các em!”.


Thầy Nguyễn Xuân Hương
: "Việc nhà trường chưa được công nhận là trường bán trú là một thiệt thòi không nhỏ với các em học sinh, do nhiều chế độ các em không được hưởng. Đối với vùng cao, giao thông khó khăn thì quy định các em ở xa trường 7km mới được xét học bán trú là chưa phù hợp”.


 Anh Dũng

Các tin khác
Anh Nguyễn Trường Giang chăm sóc vườn ươm giống cây ăn quả.

YBĐT - Về đất bưởi tiến vua – xã Đại Minh, (Yên Bình) khi những vườn quả đã lúc lỉu trái, nông dân phấn khởi về một năm được mùa. 

Cô Mai (thứ hai, trái sang) được các sinh viên Lào thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay nhân dịp tết cổ truyền Bunpimay của các bộ tộc Lào.

YBĐT - Đó là nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Mai - Thạc sĩ, giảng viên chính, Trưởng bộ môn Văn, Khoa Xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Yên Bái - người đã ba lần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ, sinh viên trên chính nước bạn Lào.

Một buổi sinh hoạt truyền thống của Ban Liên lạc truyền thống Chiến sỹ Điện Biên với các cháu học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng tại Khu tưởng niệm.

YBĐT - Hơn 35 năm qua, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ luôn là địa chỉ đỏ, điểm đến không thể thiếu của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc nơi đây nói riêng và du khách trong, ngoài nước khi có dịp đến Nghĩa Lộ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Bí thư Chi bộ thôn Yên Bình thăm một gia đình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao

YBĐT - Là một mô hình có sức lan tỏa hết sức thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thôn Yên Bình của xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên trở thành điển hình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Điều đáng nói và đáng trân trọng hơn, bởi Yên Bình là một thôn đặc biệt khó khăn. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục