Chú trọng phát triển vùng nguyên liệu
Là tỉnh trong nhóm đầu về diện tích, nhưng để thống kê chính xác diện tích chè hiện có của Yên Bái thì cần phải có thời gian, bởi đã có những diện tích chè đang thiếu sự chăm sóc, hoặc có nơi chè bị thu hẹp dành đất cho cây trồng khác.
Tuy vậy, vẫn còn những vùng chè lớn, có năng suất, chất lượng tốt như ở xã Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn; xã Lương Thịnh, Hưng Khánh, huyện Trấn Yên; xã Tân Nguyên, Hán Đà, huyện Yên Bình. Thế nhưng, câu chuyện giữ vững và phát triển nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến luôn đòi hỏi phải có lời giải căn cơ.
Ông Lương Ngọc Chiểu - Giám đốc HTX Chè Hương Lý từng khẳng định, công lao động của người làm chè rất thấp so với công lao động ngành nghề khác, kể cả lao động phổ thông "bốc gạch, phụ hồ”.
Vì vậy, nếu không tâm huyết, gắn bó với cây chè thì chắc chắn họ sẽ lần lượt bỏ đất để có ngay thu nhập cao hơn trong ngày một ngày hai.
Mấy năm trước, tình trạng tranh mua nguyên liệu đã làm cây chè "đau ốm”, vùng nguyên liệu chăm sóc kém nên vẫn thiếu búp tươi. Công ty TNHH Chế biến chè Hữu Hảo đứng chân ngay ở vùng nguyên liệu - xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên đã rơi vào tình trạng đó.
Nguyên nhân do diện tích chè thuộc huyện Trấn Yên, Yên Bình là vùng nguyên liệu Công ty thu mua đã sụt giảm nghiêm trọng vì dân không chăm sóc, chặt bỏ nhiều.
Rõ ràng, nguyên liệu chè là vấn đề sống còn trong sản xuất; trong đó, có chế biến chè, nhất là khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chuỗi giá trị đang đặt ra gay gắt. Tại Đại hội Hội Các nhà sản xuất, kinh doanh chè tỉnh Yên Bái, ông Đinh Xuân Khoát - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh chia sẻ: Công ty cần 150 - 200 ha chè với năng suất 20 tấn/ha để đáp ứng nhu cầu chế biến. Vụ chè vừa rồi, Công ty đã ứng phân bón cho thôn Trực Bình, xã Minh Bảo để nhằm nâng cao chất lượng.
"Chúng tôi rất cần sự kết nối với bà con làm chè để thành lập các tổ nhóm và tập huấn canh tác, hỗ trợ trang thiết bị cho nông dân, làm các mô hình trình diễn, nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển nguồn nguyên liệu” - ông Khoát cho hay.
Điều mà ông Khoát nói là câu chuyện của cả doanh nghiệp và nông dân làm chè đã trăn trở hết vụ này sang vụ khác. Nhưng đó lại chính là những gì mà Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ đã làm nhiều năm nay và tạo ra vùng nguyên liệu rộng gần 350 ha, được coi là đẹp nhất tỉnh hiện nay.
Tìm hướng đi cho sản xuất chè xanh
Sản xuất chè đen có thể coi là thế mạnh của ngành chè Yên Bái trong hàng chục năm qua. Những nhà máy chè: Trần Phú, Liên Sơn, Nghĩa Lộ, Văn Hưng... một thời đã tạo tên tuổi cho chè Yên Bái.
Năm nay, ngành chè chịu những bất lợi do thời tiết, sản lượng và cả chất lượng chè búp, nhưng các công ty, HTX đứng chân trên vùng nguyên liệu, nhất là ở Văn Chấn có trên 4.000 ha chè đã nỗ lực để thu mua nguyên liệu, duy trì giữ vững thị trường với sản phẩm truyền thống chè đen.
Nhưng tình trạng dân bỏ chè, vùng nguyên liệu cứ đà thu hẹp như hiện nay thì liệu những doanh nghiệp, HTX chè sẽ tính sao? Có những ông chủ tâm huyết với chè đã chuyển hướng sang chế biến chè xanh và HTX Chè Hương Lý ở huyện Yên Bình của ông Lương Ngọc Chiểu là một điển hình.
Cũng có nhiều lý do buộc HTX này phải ngừng sản xuất chè đen, song với những gói chè mang nhãn hiệu Hương Lý mà ông cung cấp ra thị trường Yên Bái bao năm nay đã cho thấy chè xanh cũng là một hướng đi tốt. Hết sức bài bản từ cấu kết với vùng nguyên liệu tốt, sản phẩm có những phẩm cấp khác nhau nhưng ông đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền, đăng ký, duy trì mã số mã vạch cho sản phẩm.
Từ chỗ mỗi năm sản xuất tới 5 - 6 trăm tấn chè đen, giờ Hương Lý chỉ làm 10 - 15 tấn chè xanh bán nội tiêu nhắm đến đối tượng bình dân với giá chỉ 150 đến 200 ngàn đồng/kg. Cùng đó, thông qua các mối quan hệ, chè của HTX đã có mặt ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Yên...
Cùng với chè xanh Hương Lý, người sành chè còn biết đến chè của Bảo Hưng, Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, chè ở Hán Đà, huyện Yên Bình; chè của các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ chủ yếu mang bán ở các chợ phiên hay phục vụ "bà con nhà mình”.
Cái thói quen mua chè cân túi nilon dường như vẫn chưa thể phai được trong người uống chè bình dân. Những thứ đóng bao thiếc, hút chân không cứ như thứ xa xỉ nên các "tên tuổi” của chè xanh Yên Bái chẳng để lại được gì sau những "hương thơm, vị đậm ấy”!
Dạo quanh một số cửa hàng tạp hóa, nếu có bán chè thì bên cạnh mấy gói chè Hương Lý, Bảo Hưng vẫn có chè từ Thái Nguyên, Phìn Hồ (Hà Giang), Bảo Yên, Mường Khương (Lào Cai). Trong khi đó, chè của Hương Lý đưa lên mạng xã hội, quảng cáo trên website và trang web badasa của bưu điện đến hai ba năm mà tín hiệu từ khách hàng không tăng đáng kể.
Cùng làm chè, nhưng vì không có vùng nguyên liệu và cơ chế phù hợp nên Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh đã sang tận huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang để sản xuất.
Năm 2018, Công ty sản xuất gần 50 tấn sản phẩm chè xanh. Tuy sản phẩm còn phải thông qua một "cầu nối” ở miền xuôi để xuất khẩu, nhưng rõ ràng chè xanh vẫn có con đường tiêu thụ.
Phó Giám đốc Khoát cho biết, Công ty vẫn dự kiến xin tỉnh vùng nguyên liệu để làm ra những sản phẩm chè xanh bán nội tiêu và đưa vào các siêu thị.
Rõ ràng, cách làm thị trường cho chè xanh cần có sự đầu tư chiến lược, bài bản hơn để đi "vào lòng dân” giống như chè Thái Nguyên.
Giờ thì chè xanh Yên Bái vẫn đang được những người tâm huyết tập trung sản xuất cho dù bán chè cân, chè gói nội tiêu, nhưng đã có phần xuất khẩu. Theo số liệu của Công ty TNHH Chế biến chè Hữu Hảo, sản lượng chè xanh sản xuất năm 2016 là 210 tấn, năm 2018 phấn đấu 300 tấn và trong số này có một phần được xuất khẩu.
Điều quan trọng là nếu làm chè xanh, doanh nghiệp phải mua của người trồng 20.000 - 25.000 đồng/kg, rẻ nhất cũng phải trên 10.000 đồng/kg. Với giá này sẽ đảm bảo giá trị ngày công cho người làm chè. Như thế, người dân mới giữ cây chè, không lo mất vùng chè.
Sản xuất chè đông
Thông thường, cuối vụ chè là vào mùa đông - thời điểm các nương chè đã kết thúc hái, đốn. Nhưng gần đây, một số hộ ở các vùng chè truyền thống đã tăng cường chăm sóc làm cho chè có thể thêm chồi đâm búp giữa những ngày đầu đông.
Mục tiêu mà người làm chè hướng đến là rút ngắn thời gian nghỉ đông của vùng nguyên liệu sản xuất chè xanh, tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn, tạo ra sản phẩm chè phục vụ tết Nguyên đán.
Ở thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên có một diện tích chè được trồng, chăm sóc, thu hái theo quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ở đây, người dân không đốn theo quy trình chính vụ mà chăm sóc để chè phát triển 1 - 2 lứa búp mới để hái tận thu. Những người uống chè thường xuyên thì cho rằng, chè đông cho vị đậm hơn chè chính vụ nên mua với giá cao hơn.
Cũng như các hộ ở Hưng Khánh và một số địa phương khác, anh Trần Văn Trường, thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên cho biết: "Qua thí điểm cho thấy, đã tận dụng được lao động trong những tháng mùa đông, vì thời gian chè nghỉ đông rất dài, sâu bệnh cũng hạn chế. Qua phản hồi của khách thì chất lượng chè rất tốt, thu nhập của người làm chè đông cũng được nâng lên".
Lời kết
Những gì đưa ra trong bài viết, hẳn những người làm chè tâm huyết ở Yên Bái đều biết; các cấp chính quyền, các ngành chức năng cũng hiểu rõ về những gì đang diễn ra ở vùng chè Yên Bái.
Song, những gì đang diễn ra vẫn chỉ là đòi hỏi để có một cơ chế căn cơ, một chính sách đủ mạnh nhằm tạo ra động lực làm chuyển biến cho vùng nguyên liệu và hoạt động sản xuất, kinh doanh chè Yên Bái trong những năm tới.
Quang Tuấn