Bởi sự nhân hậu là tố chất tự nhiên, vốn có của những người phụ nữ Việt Nam, còn những người "đàn bà thép” ấy hội tụ cả tấm lòng nhân hậu và sự can trường, hy sinh cho những nỗi đau chiến tranh còn ở lại. Họ đã và đang ngày đêm gồng mình chăm sóc chồng, con chống chọi lại sự đau đớn đến tột cùng của di chứng chất độc da cam (CĐDC)/dioxin.
Theo giới thiệu của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Yên Bái, chúng tôi gặp bà Phạm Thị Niệt ở tổ 7, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ - hội viên Chi hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Pú Trạng. Dáng người nhanh nhẹn hiếm có của người phụ nữ đã ở tuổi 70 khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Hoàn cảnh của bà có lẽ trái ngược lại vẻ bề ngoài nhanh nhẹn, hoạt bát, lạc quan ấy.
Bà Niệt bảo: "Chẳng nhẽ cứ ôm lấy hoàn cảnh của mình để ủ rũ, để cuộc sống thêm phần buồn đau, bế tắc ư?”.
Đây có lẽ là sự can trường của người cựu nữ thanh niên xung phong ấy. Trong câu chuyện bà kể về cuộc hôn nhân mấy chục năm với người bộ đội, thương binh Đỗ Thế Chuyên là những lo toan gánh vác gia đình, nuôi dạy con cái, cố gắng phấn đấu hoàn thành công việc của một nhà giáo để tiếp thêm nghị lực cho chồng điều trị bệnh tật do di chứng chất độc hóa học. Ông khỏe được ngày nào bà lại động viên ông tham gia các đoàn thể ở địa phương.
Bà bảo: "Có thế ông mới quên được bệnh tật”. Vất vả hơn khi hai trong bốn "trái ngọt” của cuộc hôn nhân giữa ông và bà không được lành lặn. Người con trai sinh năm 1977 từ khi sinh ra đã bị ảnh hưởng não, không ý thức, không tự phục vụ sinh hoạt bản thân. Nên hơn 40 năm qua một tay bà phải phục vụ từ ăn uống vệ sinh, tắm rửa, trông coi cả đêm lẫn ngày.
Bà kể: "Có lúc cháu khùng lên đánh mẹ, đánh em. Nhiều đêm không ngủ, quậy phá rồi bỏ nhà đi. Lúc đó tôi lại phải lao đi trong đêm tìm con, sợ ngộ nhỡ có điều gì”.
Nghe đến đó thôi mà chúng tôi ai cũng xót xa, chỉ chực trào nước mắt, nhưng bà Niệt dường như đã chai sạn với những nỗi đau đó, nước mắt đã cạn cho hơn 40 năm qua hay sự can trường của người phụ nữ ấy khiến bà không thể gục ngã dù chỉ là những giọt nước mắt.
Cô con gái của bà sinh năm 1981 dù không bị ảnh hưởng não nhưng di chứng CĐDC/dioxin từ người cha tham gia kháng chiến chống Mỹ cũng đã khiến chị không tự sinh hoạt được, cũng do một tay bà chăm sóc.
Rồi tuổi cao cùng với di chứng chiến tranh, ông Đỗ Thế Chuyên cũng ra đi để mình bà ở lại chăm sóc hai con dại mất trí. Không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, bất lực song bà bảo không để những giây phút đó lâu mà vượt lên tất cả lấy lại tinh thần để còn là chỗ dựa cho các con. Rồi tích cực tham gia các phong trào của địa phương như xây dựng nông thôn mới, nghĩa tình đồng đội, văn hóa, văn nghệ thể thao, nâng cao sức khỏe và sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội…
Những chia sẻ ấy của bà Niệt truyền cho chúng tôi cả sự lạc quan, yêu đời hiếm có trước nỗi đau da cam dai dẳng.
Giống như bà Niệt, bà Nguyễn Thị Nga ở tổ 3, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái cũng rất hãnh diện và tự hào vì chồng bà ông Ngô Văn Thuấn tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã đóng góp một phần công sức cho độc lập tự do của dân tộc. Ông bà sống hạnh phúc bên nhau và lần lượt đón 5 "trái ngọt” nhưng thật không may ông phát hiện mình bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm 81% khả năng lao động, cả 5 người con của ông bà đều đau ốm bệnh tật.
Nặng nhất là chị Ngô Thị Mây, sinh năm 1984 bị ảnh hưởng trí não, không làm chủ được hành vi, không có khả năng lao động. Một tay bà phải chăm sóc cả chồng và con bị di chứng CĐDC/dioxin, lại không có việc làm ổn định.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi ông Thuấn phải mổ, cấy máy trợ tim. Bà chạy vạy khắp nơi lo tiền thuốc hỗ trợ tim mạch thường xuyên lại lo tiền điều trị bệnh cho con. Những tưởng khó khăn đó có thể khiến người phụ nữ gục ngã. Nhưng không, sự can trường đã giúp bà Nga giữ lửa, vững niềm tin cho gia đình, chỗ dựa cho chồng con.
Bà chia sẻ: "Tôi cố gắng sắp xếp một cách khoa học, vừa chăm chồng con, vừa đi làm tăng thu nhập cho gia đình, có thêm kinh phí điều trị bệnh cho ông ấy. Mọi người trong phố cứ bảo mấy ai làm được như tôi, nhưng tôi nghĩ bất kể người phụ nữ Việt Nam nào trong hoàn cảnh như chúng tôi - có chồng con bị nhiễm chất độc hóa học, đều có thể làm được, vì sức chịu đựng, nỗ lực vượt khó vươn lên có sẵn trong mỗi người rồi”. Đây chính là lý do để mấy chục năm qua, bà Nga luôn là chỗ dựa vững chắc, trụ cột cho gia đình.
Chia tay bà Niệt, bà Nga, chúng tôi mang về niềm lạc quan, yêu đời, sự hy sinh can trường của các bà. Những người "đàn bà thép” ấy mãi là những người phụ nữ truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam.
T.B