Năm 2001, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có tính đột phá để nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn nên ngay từ khi triển khai Chương trình Đảng ủy, UBND xã đã giao cho tổ khảo sát của xã tiến hành điều tra, rà soát đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí; hợp đồng với đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn 2011 - 2020.
Đồng thời cũng xây dựng và ban hành các nghị quyết, kế hoạch giai đoạn, kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện. Cùng với đó, tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân để mọi người nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, lợi ích thiết thực của Chương trình.
Trước mỗi nhiệm vụ, khó khăn, vướng mắc, cấp ủy, chính quyền xã đều chủ động bàn bạc, thống nhất với nhân dân trên tinh thần phát huy dân chủ, đề cao trí tuệ tập thể.
Thường xuyên tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến các văn bản triển khai thực hiện Chương trình tới cán bộ, đảng viên trong toàn xã; phát động Phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" trong toàn Đảng bộ, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là chỉ tiêu thi đua của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể.
Với phương châm "cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước và vận động nhân dân làm theo", Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể cũng đã vào cuộc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia. Từ đó nhân dân đã hiến đất để làm đường, hiến kế, góp công của để xây dựng các công trình phúc lợi.
Ông Lự Kim Vy - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: "Ngay từ khi thực hiện xã đã xác định mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với hình thức liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng các mô hình kinh tế có thế mạnh của địa phương".
Cái khó của Vĩnh Lạc là xây dựng nông thôn mới trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đời sống nhân dân còn ở mức thu nhập thấp. Nhất là sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, giá vật tư nông nghiệp luôn biến động, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên đe dọa.
Các mô hình phát triển kinh tế quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa có vùng sản xuất hàng hóa lớn để kết nối với thị trường tiêu thụ.
Do vậy trong quá trình chỉ đạo đã xác định trồng trọt và chăn nuôi là hai ngành cần được đầu tư và phát triển, tạo tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; đặc biệt quan tâm đến cây lúa nước, cây ngô trên đất lúa, đất đồi cùng cây lạc trên đất soi bãi.
Bên cạnh đó, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh trồng rừng với các loại cây quế, keo, bồ đề; khuyến khích trồng cây ăn quả có múi như cam vinh, bưởi bên cạnh cây hồng không hạt đặc sản địa phương để dần hình thành vùng chuyên canh trong những năm tiếp theo. Là địa phương vùng 2, song diện tích nhóm đất nông nghiệp chỉ có 452,18 ha, chiếm 20,18% tổng diện tích tự nhiên.
Tuy vậy, Vĩnh Lạc thường xuyên bảo đảm canh tác hết diện tích với 454ha lúa 2 vụ; 150ha lạc xuân cùng 165ha ngô bãi. Tính đến hết 10 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng có hạt đạt 2.960 tấn bảo đảm an ninh lương thực và cung ứng cho thị trường.
Về chăn nuôi, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng nỗ lực của người dân đến nay trên địa bàn xã đã hình thành được nhiều mô hình chăn nuôi hàng hóa với quy mô lớn như: chăn nuôi trâu bò theo hình thức bán công nghiệp; mô hình chăn nuôi gà 1.000 con/ lứa của hộ gia đình ông Hoàng Văn Tuyển ở thôn Làng Mường; mô hình nuôi lợn thịt 100 con/ lứa của hộ ông Hoàng Văn Khoa ở thôn Bến Muỗm.
Đặc biệt mô hình nuôi lợn và chế biến thịt lợn an toàn thực phẩm của Hợp tác xã Đại Sơn đang mở ra hướng mới trong kết hợp sản xuất và chế biến ở địa bàn nông thôn. Đến nay, chăn nuôi hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, tổng đàn trâu 1.152 con, đàn lợn 5.550 con và gia cầm là 56.000 con. Từ lâu người dân một vài thôn bản đã có kinh nghiệm nuôi cá bỗng đặc sản sông Chảy tại ao hồ.
Gần đây được hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước với nguồn lực sẵn có của người dân, xã đã hình thành nhiều mô hình nuôi cá với quy mô vừa và nhỏ. Một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi trồng thủy sản đem lại thu nhập cao hơn trên một đơn vị diện tích canh tác. Với diện tích 28ha, sản lượng hàng năm ước đạt 100 tấn.
Qua 8 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ cấu kinh tế của địa phương có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất nông, lâm nghiệp sang phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Toàn xã hiện có 5 cơ sở của các doanh nghiệp đến đầu tư khai thác và chế biến đá, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động; 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; 51 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể… đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển, làm giàu cho quê hương.
Cũng từ thực hiện Chương trình, kết cấu hạ tầng nông thôn ở Vĩnh Lạc ngày càng được đầu tư cơ bản. Đường giao thông liên xã, liên thôn bản, đường ngõ xóm với tổng chiều dài ngót 30km đã trải nhựa và bê tông hóa, đạt 84,1%. Trường học, trạm y tế xây dựng khang trang và địa phương đạt chuẩn quốc gia về giáo dục và y tế. Việc xây dựng thiết chế đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân luôn được chú ý.
Cùng với hội trường đa năng ở trung tâm xã bảo đảm tối thiểu 150 chỗ ngồi thì 11 thôn bản đều có nhà văn hóa phục vụ hội họp và các sinh hoạt cộng đồng. Ngoài sân vận động 10.000 m2 đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, xã còn là địa phương duy nhất trong vùng có sân bóng đá trồng cỏ nhân tạo và thường xuyên thi đấu giao hữu với đội bóng đá xã bạn. Hàng năm số hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" bằng 89,1%.
Niềm vui đã hiện hữu khi 19/19 tiêu chí nông thôn mới Vĩnh Lạc cơ bản hoàn thành. Sức mạnh đoàn kết cộng đồng kết hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền đã đạt hiệu quả cao. Thắng lợi này sẽ là kinh nghiệm để địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đưa Vĩnh Lạc trở thành vùng quê đổi mới, mạnh giàu.
Từ một xã thuần nông cho đến thời điểm này sản xuất nông, lâm nghiệp của Vĩnh Lạc còn 62,4%, công nghiệp 27,6% và thương mại, dịch vụ là 10%. Đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo bền vững, số hộ vươn lên thoát nghèo có đời sống khá ngày càng tăng. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay ước đạt hơn 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều là 7,35%.
|
Thế Quynh