Đất mới Nà Nọi

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/12/2018 | 8:10:41 AM

YBĐT - Có mặt tại khu tái định cư thôn Nà Nọi, chúng tôi thấy nhiều nhà dân được dựng kiên cố, chắc chắn, ô tô có thể đến tận nơi...

Toàn cảnh khu định cư mới Nà Nọi, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn.
Toàn cảnh khu định cư mới Nà Nọi, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn.

Sùng Đô là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn 5 thôn, bản, 407 hộ, 2.426 khẩu, 99,2% là dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 74%.

Trong tháng 7/2018, hoàn lưu cơn bão số 3 gây mưa lũ lớn đã làm 12 ngôi nhà bị sập trôi hoàn toàn, trong đó có 4 nhà trôi, 8 nhà sập; 6 nhà hư hỏng nặng phải di dời; 22 nhà phải di dời khẩn cấp do có nguy cơ bị sạt lở. Trụ sở UBND xã thiệt hại 1 phần khu nhà làm việc của khối đoàn thể và sập hoàn toàn khu nhà bếp.

Trở lại xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn vào những ngày trung tuần tháng 12, chúng tôi chứng kiến cuộc sống nơi đây đang dần hồi sinh. Con đường từ quốc lộ 37 vào trung tâm xã đã dễ đi hơn trước đây, bùn, rác, đất đá đã được dọn dẹp. 

Có mặt tại khu tái định cư thôn Nà Nọi, chúng tôi thấy nhiều nhà dân được dựng kiên cố, chắc chắn, đường ô tô có thể đến tận nơi trong ngày nắng. Khu tái định cư tọa lạc trên mỏm cao xung quanh bao bọc bởi đồi thông lâu năm. 

Ghé thăm ngôi nhà mới làm ở cuối bản, anh Vàng A Đằng cùng con trai đang hoàn thiện công trình vui vẻ chia sẻ: "Gia đình chuyển đến đây sinh sống đã được gần một tháng nên bước đầu mới tập trung xây dựng nhà cửa, thời gian tới mới làm bếp và nhà vệ sinh. Về nơi ở mới, các thành viên trong gia đình yên tâm hơn vì không còn phải thấp thỏm, lo âu khi phải sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất bất cứ lúc nào”. 

Dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình, anh Đằng cho hay, do mới chuyển về đây nên hầu hết các hộ gia đình đều dành thời gian dựng lại nhà cửa, ổn định chỗ ở trước sau đó mới cải tạo đất để sản xuất. Thời điểm này, có 11 hộ đã hoàn thành việc dựng nhà và chuyển đến ở, riêng về sản xuất nếu không đủ nước cấy lúa thì các hộ sẽ chuyển sang trồng ngô và các cây màu khác. 

Cùng với cải tạo đất để tập trung sản xuất, các hộ cũng đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Ngồi trong ngôi nhà gỗ mới hoàn thành rộng hơn 100 m2 với đủ 3 cứng: "cứng mái, cứng nền, cứng tường” trị giá khoảng 100 triệu đồng, anh Giàng A Lầu trước đây ở thôn Ngã 3 cho biết: "Khi cơn lũ tràn qua, tôi chỉ kịp bế con chạy ra khỏi nhà, còn tất cả đã bị lũ cuốn trôi. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình tôi được cấp đất ở mới, anh em trong gia đình hỗ trợ làm nhà mới khang trang, vững chãi, yên tâm sinh sống”.

Mặc dù bị cơn lũ cuốn đi hết nhà cửa, tài sản nhưng khi chuyển đến khu định cư mới hầu hết các hộ dân đều phấn khởi, yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất. Khu định cư Nà Nọi có thể bố trí cho 23 hộ gia đình, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, huyện, UBND xã đã thực hiện san lấp tạo mặt bằng, tổ chức bốc thăm số lô đất ở khu định cư cho các hộ thuộc diện di dời. 

Đến nay, đã có 11 hộ thuộc diện di dời đã chuyển về khu định cư xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên do lũ quét và sạt lở đất nên diện tích các loại cây nông nghiệp, lâm nghiệp có sự giảm sút, trong đó diện tích cây lúa toàn xã còn 80,9 ha, (thiệt hại 25,08ha); diện tích cây ngô còn 53,4ha (thiệt hại 26,5ha); diện tích cây quế còn 79,4 ha (thiệt hại 19,3ha); diện tích cây chè 74,6ha (thiệt hại 5,3ha)...  



Căn nhà mới của anh Vàng A Đằng đang hoàn thiện.

Đồng chí Giàng A Lứ - Phó Chủ tịch UBND xã Sùng Đô cho biết: So với nơi ở trước đây thì khu định cư Nà Nọi có nhiều điều kiện tốt hơn, nhưng mới được đầu tư xây dựng nên một số công trình dân sinh còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ cho cuộc sống của người dân, trẻ em đi học còn xa vì chưa có phân trường tại khu tái định cư. 

Do đang trong quá trình xây dựng nên công trình nước sạch, điện lưới chưa có nên người dân phải bắc tạm đường nước từ khe núi về dùng. 

Mặt khác, hiện nay người dân địa phương còn phải đối mặt với khó khăn do diện tích đất sản xuất bị đất, đá vùi lấp, hệ thống thủy lợi bị phá hỏng nhiều đoạn nên không sản xuất được, việc cải tạo rất tốn kém và mất nhiều thời gian. 

Vì vậy hầu hết các hộ dân ở đây đều mong muốn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ cây trồng, vật nuôi phù hợp để bà con phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống ở khu định cư mới, hỗ trợ kinh phí làm đường từ quốc lộ 37 đến trung tâm xã để nhân dân thuận tiện đi lại  - đồng chí Giàng A Lứ - Phó Chủ tịch thông tin thêm.

Chia tay Sùng Đô, chúng tôi vui mừng khi thấy những ngôi nhà mới khang trang được dựng lên ở khu vực mới an toàn. Vui hơn là thấy nụ cười đã nở trên môi người dân nơi đây. 

Quang Thiều 

Các tin khác
Lao động Công ty cổ phần Yên Thành trong dây chuyền sản xuất măng xuất khẩu.

YBĐT - Việc thu hút lao động vào làm việc trong các ngành phi nông nghiệp còn khó khăn do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông....

Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình và Công ty cổ phần Yên Thành kiểm tra sản xuất tại xưởng chế biến gỗ.

YBĐT - Với một tỉnh miền núi như Yên Bái có phần lớn dân số là lao động nông nghiệp thì việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp (NN) sang phi nông nghiệp (PNN) là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.

Nguyễn Thành Luân (đứng giữa) nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII - năm 2017.

YBĐT - Nếu chỉ nhìn bề ngoài thật không ai nghĩ Luân đang là ông chủ của trang trại này bởi một dáng vẻ non nớt, trắng trẻo, chả khác "công tử” nhà giàu là mấy.

Một bãi tập kết cát, sỏi tại phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái. (Ảnh minh họa)

YBĐT - Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi ở nhiều địa phương chưa bảo đảm các quy định thủ tục về bảo vệ môi trường, sử dụng đất, chưa có giấy phép bến thủy nội địa, khai thác vượt công suất; khai thác cát lậu... diễn ra khá phức tạp gây thất thoát nguồn thu cho Nhà nước, làm ảnh hưởng đến môi trường, nguy cơ dẫn đến sạt lở bờ sông Hồng và sông Chảy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục