Khát vọng Làng Ca

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/1/2019 | 10:28:21 AM

YênBái - Làng Ca - bản người Mông xa xôi nhất của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường ô tô lên bản. Ở Làng Ca, được sử dụng sóng điện thoại cũng là điều "xa xỉ” nghĩa là khó khăn, nghĩa là thiếu thốn, nghĩa là cuộc sống còn lạc hậu. Thế nhưng, sự dư giả ở Làng Ca không phải bản làng nào cũng có, ấy chính là khát vọng và nỗ lực vươn tới một cuộc sống ấm no của từng gia đình người Mông ở đây...

Điểm trường mầm non mở tại Làng Ca 1 có gần 40 trẻ.
Điểm trường mầm non mở tại Làng Ca 1 có gần 40 trẻ.

Biết tôi có ý định lên Làng Ca, Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh Phạm Văn Tiến tỏ ý ái ngại: 

- Lên Làng Ca thời tiết này dễ thì cuốc bộ lắm! 

Tôi ngập ngừng: 

- Khó có bằng đi Làng Lao 2? 

Chủ tịch Tiến cười hiền: 

- Hay là đi Khe Kẹn, Khe Căng!... 

Đã định bụng thế nên cứ quyết tâm đi, cũng may là trời không mưa. Đường lên Làng Ca qua thôn Vực Tuần - cái thôn chỉ nghe qua tên thôi đã gợi nhớ một thời tiêu điều vì bão. Bão trời và "bão” AIDS. 

Vực Tuần đang hồi sinh. Con đường bê tông dài cả cây số, mềm như lụa chạy dọc thôn. Được làm bằng nguồn vốn Nhà nước và nhân dân đóng góp, "vẽ” lên Vực Tuần một diện mạo tươi mới. Ở Cát Thịnh vài năm trước, Làng Lao mới là bản người Mông khó khăn nhất. Nhưng Làng Lao 1 đã hạ sơn. Năm 2017, được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông, ô tô lên được tận trung tâm. Bản người Mông khó khăn nhất giờ là Làng Ca. 

Đường lên Làng Ca chỉ có dốc và đá. Ngồi sau xe máy của Câu - cán bộ 8x làm công tác văn phòng của xã, cả tiếng đồng hồ ngược bản Mông, chân tôi chưa hề phải chạm đất, dù có lúc bánh xe "bật ngửa”, trượt trên đá, chỉ cái quẹo tay là rớt xuống vực. 

Trên đường đi, Câu kể: "Tết Nguyên đán 2017, dịch sởi bùng phát ở Cát Thịnh, Làng Ca 2 có 1 cháu nhỏ dưới 9 tháng tuổi tử vong. Làng Ca 1 và một số thôn trong xã nhiều trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị. Thế là chả có tết! Cán bộ xã, huyện, tỉnh, cán bộ dịch tễ Trung ương mùng 2 tết đã có mặt tại Làng Ca 2 để kiểm tra. 

Có lên Làng Ca, mới hiểu công việc của đội ngũ cán bộ xã Cát Thịnh không thể nói là nhàn. Một lần lên - xuống Làng Ca mất chừng 50.000 đồng tiền xăng. Có việc, cán bộ xã đi Làng Ca chả thể tính bằng ngày. 

Còn cô giáo Mai Linh và Phạm Ngân, nhà dưới huyện lên dạy học ở điểm trường mầm non Làng Ca ngày ngày vẫn chăm chỉ đi về như thế, những mong lo cho đàn trẻ nhỏ gần 40 cháu trên bản được học hành và còn lo cho gia đình nhỏ của mình thêm hạnh phúc...

Làng Ca nằm trọn trong lòng thung lũng rộng, bao quanh là những cánh rừng. Diện tích ruộng nước của thôn chừng trên 20 ha. Nhiều nhất là rừng phòng hộ, trên 1.000 ha - được bà con trông coi bảo vệ bằng trách nhiệm cộng đồng gắn với lợi ích của từng hộ: Cả Làng Ca 1 và Làng Ca 2 có 75 hộ, đều là đồng bào Mông, trong đó Làng Ca 2 heo hút chỉ có chừng vài ba hộ sinh sống. Người dân Làng Ca cần cù, có chí phấn đấu học tập. 

Bí thư Chi bộ Làng Ca Sùng A Măng tự hào về điều ấy, anh bảo: "Làng Ca là thôn có nhiều người học chuyên nghiệp ở xã, tính ra cũng có đến gần chục cháu. Như gia đình mình đang có 2 cậu con trai theo học trung cấp pháp lý. Nhà nguyên Bí thư Chi bộ Sùng Giống Pha cũng có 4 người con học đại học, đều làm cán bộ. Làng Ca hiện có 2 người làm cán bộ xã, 1 người là cán bộ công an huyện... Con em của Làng Ca trưởng thành ngày một nhiều hơn!

 "Tiềm năng của Làng Ca được đánh giá là triển vọng, nhất là kinh tế rừng” - Phó Chủ tịch HĐND xã Sa Văn Tá chia sẻ khi đưa tôi thăm vùng chè Shan tuyết của gia đình nguyên Bí thư Chi bộ Sùng Giống Pha. Anh bảo: "Bà con người Mông ở đây mấy năm nay rất tích cực đầu tư cho trồng rừng, chọn quế và các loại măng bản địa làm cây mũi nhọn phát triển kinh tế hộ”. Thực tế thì vài năm trước, chẳng ai nghĩ tới việc trồng măng để bán nhưng Bí thư Chi bộ Sùng A Măng đã làm. Mỗi vụ măng, anh thu tới gần 50 triệu đồng. Măng rừng trở thành cây đặc sản có giá trị kinh tế, giờ thì nhà nào ở Làng Ca cũng trồng măng, lấy trồng rừng, bảo vệ rừng làm nguồn thu lợi chính. 

Làng Ca chưa có hộ kinh tế khá, hộ nghèo hãy còn là phổ biến nhưng nhận thức về việc học của con em và tư duy phát triển kinh tế đã thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc vào tự nhiên. Quả là chuyện vui, là sự đổi thay tiến bộ. 

Cả Bí thư Măng và nguyên Bí thư Pha đều đồng tình như thế. Đã chiến thắng cái đói, việc cần làm là đẩy lùi cái nghèo, mà khát vọng lớn nhất của Làng Ca là con đường ô tô lên bản. Chính sách của Đảng, vì dân, lo cho dân sẽ đưa khát vọng của Làng Ca thành hiện thực!

Minh Thúy 

Tags Minh Thúy Khát vọng Làng Ca Cát Thịnh huyện Văn Chấn Phạm Văn Tiến Làng Lao 2 Khe Kẹn Khe Căng Vực Tuần

Các tin khác
Một buổi tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường Tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Năm 2018, các huyện có nhiều cặp tảo hôn nhất là Mù Cang Chải là 123 cặp, huyện Lục Yên 67, huyện Văn Yên 60,  Văn Chấn 57, Trạm Tấu 50 cặp...

15 hộ dân sinh sống ở chân đồi Cao, tổ 9, thị trấn Nông trường Liên Sơn đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi mùa mưa đến.

YBĐT - Những vệt rạn nứt, sụt lún kéo dài hàng trăm mét, thậm chí có khe nứt rộng trên 1 m, rồi tụt thấp so với vị trí cũ gần 2 m đang khiến cho 15 hộ dân ở chân đồi Cao, thuộc tổ 9, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn sống trong cảnh hoang mang, lo lắng.

Toàn cảnh khu định cư mới Nà Nọi, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Có mặt tại khu tái định cư thôn Nà Nọi, chúng tôi thấy nhiều nhà dân được dựng kiên cố, chắc chắn, ô tô có thể đến tận nơi...

Lao động Công ty cổ phần Yên Thành trong dây chuyền sản xuất măng xuất khẩu.

YBĐT - Việc thu hút lao động vào làm việc trong các ngành phi nông nghiệp còn khó khăn do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông....

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục