Để phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục dân tộc, với sự quan tâm chỉ đạo và nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân, năm 2007, Yên Bái đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) THCS và năm 2010, đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi; năm 2015 được công nhận PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Có 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, đạt 100%, trong đó 2/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 22,22%; 180/180 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, đạt 100%...
Tuy nhiên, với đặc điểm về điều kiện tự nhiên và xã hội của tỉnh miền núi khó khăn đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm gần 50% dân số), xác định xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là một giải pháp để phục vụ tốt nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nguồn đào tạo cán bộ và nhân lực có chất lượng cho vùng này, nhiều năm qua, tỉnh và ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm củng cố, phát triển hệ thống các trường PTDTNT, nâng cao chất lượng các trường PTDTBT.
Để xây dựng hệ thống trường PTDTNT, tỉnh đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2009 - 2015; Nghị quyết số 43/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 1669/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 về việc Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các trường PTDTNT THPT trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt chuẩn quốc gia...
Từ các văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngành GD&ĐT Yên Bái, các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, con người cho các trường PTDTNT.
Từ sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 trường PTDTNT gồm: 7 trường THCS, 2 trường THPT. Yên Bái đứng trong top 11 tỉnh, thành toàn quốc về số trường PTDTNT cấp huyện, top 2 về số trường cấp tỉnh.
Qua đầu tư, các trường PTDTNT trên địa bàn có đủ phòng học, đảm bảo 1 phòng học/ lớp cho học 1 ca; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 91,7%. Các trường có 300 phòng ở nội trú với tổng số 448 giường nằm; 46 khu vệ sinh; 10 nhà bếp; 16 phòng ăn; 14 công trình nước sạch.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra tiến độ thi công cơ sở vật chất trường lớp phục vụ giáo dục dân tộc thiểu số.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các trường PTDTNT, đảm bảo đến năm 2020 có 100% trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 43/2011/NQ-HĐND về việc phê duyệt Đề án Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 với tổng mức đầu tư 115 tỷ đồng. So với các tỉnh có trường PTDTNT trên toàn quốc, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất thiết bị năm 2018 cho các trường PTDTNT tỉnh Yên Bái xếp thứ 8.
Về trang thiết bị dạy học, tính đến hết năm học 2017-2018, các trường có 46 bộ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT (24 bộ đầy đủ, 22 bộ chưa đầy đủ). Cùng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường PTDTNT được quan tâm.
Với tổng số là 289 người, qua đào tạo, bồi dưỡng, năm học 2017 - 2018, có 22 cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ thạc sỹ, chiếm 9,64% (tăng 6,8% so với năm 2008); 200 cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ đại học, chiếm 87,7% (tăng 30,7% so với năm 2018). Các chế độ đối với cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên của trường đặc thù được tỉnh và ngành giáo dục đảm bảo đúng quy định.
Với hệ thống trường nội trú hiện có đã thu hút đông đảo con em dân tộc đảm bảo tiêu chuẩn vào học. Cụ thể, năm học 2018 - 2019, có 2.972 học sinh, 12 dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 7,13% học sinh trong tỉnh học tại trường PTDTNT. Trong đó: THCS là 64 lớp, 2.143 học sinh; THPT là 24 lớp, 829 học sinh. Yên Bái xếp thứ 12 toàn quốc về số lượng học sinh cấp THCS; xếp thứ 5 toàn quốc về số lượng học sinh cấp THPT.
Trong môi trường đào tạo nội trú, học sinh người dân tộc thiểu số không phải đóng bất kỳ khoản nào, được nuôi dưỡng 3 bữa/ngày. Đồng thời, các em được chăm sóc sức khỏe y tế, được khám sức khỏe định kỳ. Do các trường thực hiện tốt chương trình và kế hoạch dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT với 100% học sinh học 2 buổi/ngày.
Thời gian dạy học 2 buổi/ngày được bố trí cho lên lớp học chính và các hoạt động phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng thời gian với các nội dung dài, khó dưới sự hướng dẫn của giáo viên; tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, dạy tiếng Việt... nên tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá giỏi của các trường PTDTNT cao hơn so với các trường phổ thông khác.
So sánh hiệu quả giáo dục giữa năm 2008 và 2018, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được học tại trường PTDTNT THPT tăng 17,7% (từ 30,3% lên 47,9%); học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường THPT khác tăng 0,85% (từ 43,4% lên 42,6%); học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề tăng 25,3% (năm 2008 không có học sinh nào đi học nghề); học sinh trở về địa phương giảm 6,68% (từ 9,7% xuống 3,0%). So với một số tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ học sinh cấp THCS xếp loại học lực giỏi cao hơn từ 0,8 đến 5%.
Đối với cấp THPT, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đỗ cao đẳng, đại học giảm 12,7% (từ 57,1% xuống 44,3%); học sinh tốt nghiệp THPT đi học cử tuyển các trường cao đẳng, đại học tăng 0,9% (từ 2,85% lên 3,75%), học sinh đi học nghề tăng 25,2% (từ 0,33% lên 25,5%); học sinh tốt nghiệp THPT trở về địa phương tăng 25,9% (từ 0,37% lên 26,3%).
Đặc biệt, số học sinh đạt giải quốc gia các trường nội trú cũng tăng nhanh. Giai đoạn 1998 - 2008 có 10 giải học sinh giỏi quốc gia, giai đoạn 2008 - 2018 có 27 giải học sinh giỏi THPT quốc gia.
Hơn thế, từ môi trường gia đình mang tính tự do, tại trường, các em được biết các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, được giáo dục để biết giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam; được giáo dục nề nếp kỷ luật, thói quen thường xuyên lao động vệ sinh bảo vệ môi trường sống, được tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp; được phòng chống dịch bệnh và tệ nạn xã hội... Đây chính là yếu tố để định hình nhân cách, giúp các em có thể phát triển toàn diện, trở thành công dân có ích trong tương lai.
Đình Tứ
Bài 2: Bước đột phá giáo dục dân tộc