Những đổi thay diệu kỳ

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/3/2019 | 8:04:28 AM

YênBái - Cuộc sống của Hảng A Gầu, Ngọc Văn Sâm đã có những thay đổi diệu kỳ. Đó là những đổi thay mà họ không dám nghĩ đến hay hy vọng. Họ đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai gần của nhóm người yếu thế khi nhận được sự trợ giúp từ cộng đồng để thay đổi cuộc sống, thay đổi số phận.

Nhân viên công tác xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh thu thập thông tin, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng.
Nhân viên công tác xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh thu thập thông tin, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng.

Hơn 100 trường hợp được cung cấp dịch vụ khẩn cấp, hơn 500 trường hợp tại cộng đồng được quản lý, trợ giúp, hàng trăm cuộc gọi tư vấn miễn phí qua đường dây nóng 18001776, gần 100 đối tượng được tiếp nhận, nuôi dưỡng dài hạn... - đó là những con số nói lên kết quả hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh trong 5 năm qua. Những trợ giúp tích cực ấy đã mang lại những thay đổi diệu kỳ, như một phép màu đến với cuộc sống của nhóm người yếu thế trong cộng đồng.

Cậu bé Hảng A Gầu ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải giờ đã trở thành nhân viên pha chế đồ uống tại một quán cafe nơi thủ đô đắt đỏ. Gầu có chứng chỉ nghề, có một mức lương dù nhỏ để nuôi sống bản thân và gửi một chút ít cho bố ở quê nhà. 

Cuộc sống ấy có thể chưa hoàn mỹ nhưng Gầu hạnh phúc. Hạnh phúc vì có thể tự làm chủ cuộc sống, không dựa dẫm, phụ thuộc và có thể tự mình đứng vững trước dòng đẩy cuộc đời. Giờ đây, ít ai có thể nhận ra Gầu hiện tại với cậu bé Gầu đen nhẻm, gầy nhẳng vào Trung tâm khi mới 7 tuổi ngày nào. Từ bé, Gầu đã mồ côi mẹ. 

Kinh tế gia đình khó khăn, người bố là chỗ dựa duy nhất song không có khả năng nuôi dưỡng, Gầu được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh. Sau khi tốt nghiệp THCS, Gầu nguyện vọng được học nghề. 

Nắm được tâm tư, nguyện vọng ấy, Trung tâm đã kết nối, giới thiệu cho Gầu học nghề pha chế tại Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa (Hà Nội). Sau hơn 1 năm chăm chỉ, Gầu có trong tay tấm chứng chỉ nghề và được Trung tâm bàn giao về gia đình, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. 

Gầu bộc bạch: "Em yêu cuộc sống hiện tại. Lúc còn bé, em nghĩ rằng tuổi thơ của mình sẽ lớn lên với đồi núi, nương ngô, với bữa cơm độn sắn, độn ngô, với căn nhà gỗ tối mịt mờ. Nhưng may mắn, em được đưa đến Trung tâm, được mọi người bao bọc, nuôi dưỡng, được ăn no, được học hành. Và giờ thì được đi làm nghề mà mình thích, phù hợp với trình độ và quan trọng là có thu nhập để nuôi mình và trở thành người có ích với xã hội".



Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh dạy học ngoài giờ cho trẻ tại Trung tâm.

Khác với Hảng A Gầu, sự thay đổi của gia đình anh Ngọc Văn Sâm ở xã Hạnh Sơn, Văn Chấn lại là căn nhà vững chãi thay thế cho căn nhà vách nứa đổ nát, xập xệ, tưởng chừng có thể sập bất cứ lúc nào khi xưa cùng với số tiền bảo trợ đều đặn 1,5 triệu đồng/tháng thêm thắt cho 3 đứa nhỏ ăn uống và học hành. Đó là niềm mơ ước nhỏ nhoi bấy lâu nay của vợ chồng anh Sâm.

Hai vợ chồng anh Sâm vốn là người chậm chạp, tính toán làm ăn lại càng không biết. Bởi vậy, mọi nguồn sống trong gia đình 6 khẩu gồm 3 đứa trẻ, 1 cụ già  và 2 vợ chồng chỉ trông chờ vào số tiền phụ hồ ít ỏi từ anh Sâm. Đã vậy tháng được, tháng không. Lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của gia đình, nhân viên công tác xã hội xác định rõ những khó khăn, nhu cầu và nguồn lực từ chính gia đình. Được biết, anh Sâm đã từng làm đơn bày tỏ mong muốn được vay vốn làm nhà với UBND xã. 

Anh cũng đã tích cóp một số tiền nhỏ nhưng vì nguồn lực để trả nợ không có nên mọi kế hoạch bị bỏ dở. Nhân viên công tác xã hội đã làm việc với UBND xã Hạnh Sơn để huy động nguồn lực từ nhân dân, các tổ chức đoàn thể trong xã giúp đỡ một phần nhân vật lực; kết nối với các tổ chức từ thiện hỗ trợ tiền mặt hơn 40 triệu đồng; kết nối bảo trợ hàng tháng số tiền 1,5 triệu đồng cho 3 đứa nhỏ. 

Anh Sâm nghẹn giọng: "Mong ước cả đời của vợ chồng nay đã thành hiện thực mà nhiều lúc tôi vẫn chưa dám tin. Chẳng biết nói gì hơn ngoài câu cảm ơn. Cảm ơn chính quyền, các nhà hảo tâm và cán bộ công tác xã hội rất nhiều!”.

Cuộc sống của Hảng A Gầu, Ngọc Văn Sâm đã có những thay đổi diệu kỳ. Đó là những đổi thay mà họ không dám nghĩ đến hay hy vọng. Họ đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai gần của nhóm người yếu thế khi nhận được sự trợ giúp từ cộng đồng để thay đổi cuộc sống và số phận. Trước những nghiệt ngã tưởng chừng như không có ai dang tay ra đỡ lấy, họ được nhân viên công tác xã hội lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, xác định khó khăn, nhu cầu để cùng nhau xây dựng kế hoạch giải quyết từng khó khăn, vướng mắc. Ở đây, họ là thân chủ còn nhân viên công tác xã hội là người kết nối dịch vụ hỗ trợ, là người phục vụ, không phải là người chủ, người từ thiện hay người đi cho. Điểm khác biệt của công tác xã hội chính là như thế.

Đã 5 năm triển khai dịch vụ công tác xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh dần khẳng định vai trò, sứ mệnh cao cả của nghề trong hoạt động trợ giúp người yếu thế trong cộng đồng. Với bối cảnh công tác xã hội là nghề mới được công nhận, còn lạ lẫm với chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh song Trung tâm đã lựa chọn hướng hoạt động phù hợp với nguồn lực, bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận. 

Trong 5 năm, hơn 100 trường hợp được cung cấp dịch vụ khẩn cấp, hơn 500 trường hợp tại cộng đồng được quản lý, trợ giúp, hàng trăm cuộc gọi tư vấn miễn phí mỗi năm qua đường dây nóng 18001776, gần 100 đối tượng được tiếp nhận, nuôi dưỡng dài hạn... 100% các đối tượng được nhân viên công tác xã hội tư vấn trực tiếp về chế độ chính sách, tư vấn hỗ trợ tâm lý, chia sẻ, động viên để họ vượt qua khó khăn trước mắt. 

Đối với các trường hợp khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội nhanh chóng hỗ trợ ổn định tâm lý, khám chữa bệnh, cung cấp đồ dùng sinh hoạt và nơi ở an toàn. Trung tâm còn kết nối tốt với các cơ quan, ban, ngành liên quan cùng vào cuộc, đặc biệt trong việc can thiệp khẩn cấp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. 

Với các đối tượng yếu thế ở cộng đồng, nhân viên công tác xã hội đến từng hộ gia đình thu thập thông tin, đánh giá khó khăn rồi cùng gia đình xây dựng kế hoạch trợ giúp dựa trên nguồn lực sẵn có của gia đình và sự kết nối với cộng đồng. Họ có thể được trợ giúp thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, được nhận bảo trợ hàng tháng tại cộng đồng, được kết nối làm nhà ở... 

Nhiều trường hợp còn được kết nối tới các đơn vị cung cấp dịch vụ khác để được trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ sinh kế, cải thiện điều kiện sống, học nghề, tạo việc làm... Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ trực tiếp, Trung tâm còn hỗ trợ cộng đồng thông qua các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ cấp xã, cộng tác viên làm công tác xã hội; truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của nghề công tác xã hội, về dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm với các chủ đề: bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em... 

Từ đó, hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần tích cực cải thiện điều kiện sống của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Có lẽ, bất cứ ai sinh ra đều mong muốn và hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp. Song cuộc sống không cho họ được như ý. Trước những sóng gió, họ trở thành nhóm người yếu thế của xã hội. Công tác xã hội đến với họ với một sứ mệnh cao cả, đó là giảm thiểu những rào cản, những bất công và sự bất bình đẳng giữa con người, trao quyền cho họ để tiến đến công bằng xã hội. Những nhân viên công tác xã hội dù với lực lượng mỏng song những dấu chân thầm lặng của họ đã in dấu, khắc sâu ở khắp nơi trong cộng đồng, mang đến hạnh phúc cho nhóm người yếu thế. Sự thay đổi diệu kỳ của nhóm người yếu thế chính là niềm vui của họ...

Hoài Anh

Các tin khác
Hai anh Nguyễn Khắc Đông (trái) và Nguyễn Thạc Sơn (phải) chụp ảnh chung tại Lữ đoàn Vùng 4 Cam Ranh trước ngày ra nhận nhiệm vụ Đảo trưởng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Giữa những ngày tháng Ba lịch sử này, tôi đã được hiểu thêm cuộc sống, sinh hoạt ngày biển lặng cũng như khi biển động, về tinh thần bám đảo, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc của các anh - những người con ưu tú quê tôi…

Cơ sở thờ tự không phép của bà Đỗ Thị Huệ ở thôn Đát Quang, xã Hưng Khánh.

Trên địa bàn xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, mấy năm trở lại đây nổi lên một nhân vật hành nghề mê tín dị đoan, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của mọi người để chữa bệnh bằng những phương pháp phản khoa học... Nhân vật có nhiều hành vi vi phạm pháp luật ấy là bà Đỗ Thị Huệ, thường trú tại thôn 10, người tự xưng là "bác sỹ nhà trời”.

Nhân dân thôn Bản Chang kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

Nhìn những ngôi nhà khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, cuộc sống sinh hoạt nhộn nhịp khiến nhiều người không thể nghĩ rằng chỉ mới chưa đầy 2 năm trước, thôn Bản Chang vẫn còn là thôn nghèo. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Yên - thôn Bồ xã Chấn Thịnh chăm sóc lứa tằm mới.

Cùng với loại cây trồng truyền thống là lúa, ngô, chè, cây ăn quả có múi, nay Văn Chấn có thêm loại cây trồng mới để nâng lên thành một nghề.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục