Như thế mới thấy được sức bền trong con người ông với một tấm lòng cộng sản, luôn sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho Đảng. Người cán bộ, đảng viên mẫu mực đó là ông Hoàng Văn Tính - Bí thư Chi bộ Khu dân cư Trần Phú (nay là Chi bộ 12), phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Một ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông, để được nghe ông kể những câu chuyện vui, buồn trong suốt 17 năm làm Bí thư Chi bộ Khu dân cư Trần Phú.
Rót trà nóng mời khách, ông Tính nhìn về phía xa xa trước nhà trầm tư kể: "Tôi công tác trong ngành nông nghiệp tỉnh Hoàng Liên Sơn, rồi tỉnh Yên Bái được hơn 39 năm và nghỉ hưu năm 2001 tại Công ty Chè đặc sản Nghĩa Lộ. Sau khi nghỉ hưu, tôi chuyển về sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Khu dân cư Trần Phú, tổ 54, phường Đồng Tâm (nay là tổ 12). Năm 2002, tôi được bầu làm Bí thư Chi bộ Khu dân cư Trần Phú, đến tháng 1/2019, sau khi sáp nhập các tổ dân phố, tách chi bộ, tôi được bầu làm Bí thư Chi bộ 12, phường Đồng Tâm. Nói thật với các anh, trước đây công tác trong ngành nông nghiệp, tôi còn được đi một số tỉnh, từ khi nghỉ hưu tới nay làm công tác tại cơ sở bận quá, không có thời gian để đi chơi nữa...”.
Công việc tại cơ sở trực tiếp với dân, vận động dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, giải phóng mặt bằng lấy đất xây dựng các công trình công cộng là đụng chạm đến đồng tiền, bát gạo của dân. Quan hệ xã hội nói chung đã phức tạp thì ở đô thị mọi người tứ xứ về chung sống trên một địa bàn lại càng phức tạp hơn.
Mỗi người một tính, không ít người có những thói quen khó bỏ trưng ra mặt phố những đồ dùng, thậm chí phơi cả quần áo làm mất mỹ quan, rồi những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đòi hỏi phải kiên trì hòa giải, thuyết phục, không chỉ bằng lời nói có lý, có tình mà còn bằng tấm gương của chính bản thân và gia đình mình.
Cùng với đó, chữ "nhẫn” phải được đặt lên hàng đầu. Người không có bản lĩnh, thiếu kiên trì sẽ khó bền lòng với công việc "đi vác tù và hàng tổng” này.
Ấy vậy mà ông Tính đã 17 năm làm Bí thư Chi bộ. Ở nơi trực tiếp với dân không có việc "chạy chức chạy quyền” mà có nhiều người tìm cách "chạy đi”, viện đủ lý do để được tránh không muốn nhận công tác khi về hưu.
Vậy mà được giao công việc ông vẫn gánh vác việc này trong gần hai thập niên đủ thấy phẩm chất cao quý và tấm lòng thiết tha với Đảng của ông. Ông làm Bí thư Chi bộ từ lúc chưa có đồng trợ cấp nào, cho đến khi trợ cấp ban đầu là 180.000 đồng/tháng và đến tận bây giờ.
Bất kể nắng mưa, sớm tối, giá rét đêm đông hay ngày hè nắng đổ lửa ở đâu trong phố có việc là ông lại dắt xe ra đường. Không nề hà, từ mọi việc vui, buồn của bất cứ hộ dân nào, nơi nào có công việc ông đều có mặt. Có người hỏi: ông đi như thế làm sao đủ tiền xăng xe lại còn tiền phong bì nữa? Ông chỉ cười...
Được biết, vợ ông không có lương, ông là cán bộ về nghỉ hưu đã lâu, lương hưu không cao nhưng ông vẫn âm thầm cống hiến vô tư suốt mười mấy năm qua. Có lần chi hội phụ nữ tổ chức đại hội, thấy kinh phí quá hạn hẹp ông đã ủng hộ cả tháng lương trợ cấp cho chi hội; hay khi tổ chức tết Trung thu cho các cháu, mừng thọ các cụ cao tuổi, năm nào, ông cũng trích một phần trợ cấp bí thư chi bộ ít ỏi để tặng các cháu và mừng thọ các cụ vào dịp đầu xuân mỗi cụ 100.000 đồng.
Đặc biệt, trong đợt mưa lũ năm 2018 làm ảnh hưởng đến nhà ở, cuộc sống của nhiều hộ dân tại một số địa phương trong tỉnh, ông đã vận động con cháu trong gia đình ủng hộ tiền mặt, lương thực, thực phẩm, gỗ công nghiệp... trị giá trên 100 triệu đồng để ủng hộ các hộ dân làm lại nhà ở, ổn định đời sống.
Tuy ông không có bằng đại học hay cao cấp chính trị, nhưng ông nói có sức thuyết phục không phải bởi những bài diễn văn hay mà bằng sự giản dị, chân thành, rút ruột dốc lòng cởi dạ và bằng cả tấm gương giản dị, khiêm tốn nên mọi người tin ông.
Bà Đào Thị Yến ở tổ 55 (cũ), phường Đồng Tâm bày tỏ: "Gia đình tôi có trên 700 m2 đất ở, khi tỉnh, thành phố có chủ trương mở đường Âu Cơ, giá đền bù thấp so với thị trường, nhiều hộ ít đất hơn tôi không đi, tôi cũng định chờ xem có được thay đổi giá không. Nhưng hàng ngày, ông Tính đến vận động gia đình chúng tôi và các hộ ở đây, ông giải thích, thuyết phục rất nhiều lần, thế rồi gia đình tôi và nhiều hộ ở tổ 55 đã đồng ý nhận tiền đền bù mua đất chuyển sang phường Yên Thịnh ở, giao đất cho thành phố giải phóng mặt bằng làm đường... ”.
Một trong những công việc khó nhất ở cơ sở là giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông và xây dựng những công trình công cộng. Nhưng ông Tính đã bền bỉ tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân ở các tổ 51B, 52, 53 và 56 trả lại hành lang đường đúng quy định, vận động nhân dân đóng góp tiền của 40%, Nhà nước đầu tư 60% để bê tông hóa những tuyến đường ở các tổ này, trị giá hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, thành phố đang giải phóng mặt bằng để xây dựng Công viên Đồng Tâm xanh, có 40 hộ ảnh hưởng, trong đó có 10 hộ ở tổ 12 thuộc diện phải di dời nhà ở.
Ông Tính đã cùng với các ngành, đoàn thể của phường, của tổ xuống tuyên truyền, vận động các hộ dân phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố, của tỉnh kê khai tài sản, hoa màu trên đất để giải phóng mặt bằng. Sau mấy tháng trời kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục, các hộ đã nhất trí hợp tác kê khai để làm thủ tục chuẩn bị đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng Công viên bảo đảm tiến độ.
Khi được tôi hỏi kỷ niệm nhớ nhất trong 17 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Tính nhìn về phía con đường Âu Cơ rồi chậm rãi nói: "Tôi có rất nhiều kỷ niệm, vui cũng có, buồn cũng có. Nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là tôi cùng các đồng chí trong Ban Chi ủy, các ngành, đoàn thể của phường và khu dân cư đi vận động giải phóng mặt bằng để làm đường Âu Cơ. Có một anh là cán bộ, đảng viên có chức sắc ở một cơ quan của thành phố là hộ thuộc diện bị ảnh hưởng, tôi đến vận động nhiều lần quá, khi ra đường nhìn thấy nhau, tôi chủ động chào anh trước nhưng anh ấy lại ngoảnh mặt đi, nhưng vì việc công tôi vẫn phải làm”.
Có người nói vui ở trong ông có cả "búa”, có cả "liềm”, bởi xuất thân là nông dân ở xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái nên ông sống rất gần gũi mọi người, trọng tình làng nghĩa xóm, sống dân dã, bình dị, ít khi thấy ông mặc com lê thắt carvát mà chỉ khoác trên mình những chiếc áo vải thông thường, khi thì áo bộ đội, mùa rét thì áo phao, mũ bộ đội biên phòng.
Vậy mà hình ảnh của ông vẫn in đậm trong tâm trí mọi người. Nhưng trong công việc lãnh đạo chi bộ, với bản chất công nhân ông không bao giờ ủng hộ những ý kiến không xây dựng, bất mãn tiêu cực, nhất là khi đụng chạm đến lợi ích của một số gia đình đảng viên khi giải phóng mặt bằng.
Ở tuổi 76, không phải ông không có bệnh hay đau yếu mà đã không ít lần ông phải về nằm điều trị một thời gian ở Hà Nội bởi bệnh tim. Tuổi cao lại bệnh tật, ông có thể xin nghỉ nhưng Đảng cần ông vẫn tận tụy cống hiến. Một đảng viên kiên trung, một tấm lòng suốt đời vì Đảng cống hiến, không bao giờ tính toán thiệt hơn, hay xả hơi, dưỡng già mua vui bên bàn cờ hoặc đi du lịch cho biết đó đây... Mà 17 năm làm Bí thư Chi bộ tận tụy với công việc nơi đường phố như ông có lẽ không nhiều, bởi bây giờ không ít người sống thực dụng, cốt "vinh thân phì gia” rồi về với gia đình để tận hưởng thì tấm gương của ông Tính mãi sáng chói để mọi người học tập và soi lại chính mình, sống sao cho trọn lời thề khi vào Đảng.
Quá trình công tác, đóng góp trong suốt hơn 39 năm trong ngành chè tỉnh Hoàng Liên Sơn, rồi Yên Bái, ông Tính đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái.
Đặc biệt, trong dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018), ông là một trong những bí thư chi bộ tiêu biểu được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm và được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen. Chi bộ Khu dân cư Trần Phú do ông làm bí thư, 9 năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Minh Hằng