Nữ doanh nhân "người như tên đặt"

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/9/2019 | 8:00:42 AM

YênBái - Siêng năng trong lao động sản xuất, năng động trong kinh doanh, năng nổ trong công tác xã hội như đúng với tên do bố mẹ đặt cho. Bà là Nguyễn Thị Năng ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

Bà Nguyễn Thị Năng (đứng giữa) cùng lãnh đạo Chi bộ thôn Thâm Pồng thăm mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân.
Bà Nguyễn Thị Năng (đứng giữa) cùng lãnh đạo Chi bộ thôn Thâm Pồng thăm mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân.

Thời tiết Lục Yên mùa này cũng "đỏng đảnh”, lúc nắng, lúc mưa. Đường từ thị trấn Yên Thế vào thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên xe cộ qua lại tấp nập. Nhiều đoạn, nhà dân xây san sát đã mang dáng vẻ của phố thị. Ngôi nhà xây hai tầng của bà Năng vừa là nơi ở cũng là địa điểm kinh doanh, phòng khách treo vài chục bằng khen, giấy khen các loại. 

Dù đã cao tuổi, có con cái giúp đỡ và người làm thuê nhưng bà Năng vẫn tất bật với công việc kinh doanh. Bà bảo: "Bà con mua đến mùa mới trả. Mình trực tiếp giao hàng và hỏi thăm luôn công việc cháu ạ!”. 

Sinh năm 1953, quê quán xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, từng tham gia Tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ thành phố Hải Dương những năm chống Mỹ. "Năm 1987, mình lên đây làm cán bộ của trại chăn nuôi lợn và sau 2 năm trại giải thể. Vậy là, ở lại đây làm ăn không về quê nữa!”. Câu chuyện dở của tôi với bà lại bắt đầu. 

Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn này, tôi không hiểu vì sao thời gian đó bà có sức để một mình cấy tới 2 mẫu ruộng? Rồi lại tần tảo sớm hôm "buôn thúng, bán mẹt” kiếm từng cân gạo. Và nghị lực đâu mà từ những đồng tiền ít ỏi tiết kiệm lại gây dựng sự nghiệp, phát triển thành cửa hàng buôn bán gạo, kinh doanh thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp "có tiếng” ở xã Yên Thắng. 

Không dừng lại, bà còn là chủ trại chăn nuôi, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 5 tấn lợn thịt. Rồi trở thành Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dũng Mai chuyên sản xuất phân nén dúi sâu, mỗi năm cung ứng cho thị trường huyện Lục Yên và tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang từ 450 - 500 tấn phân, giải quyết công ăn việc làm cho 8 lao động thời vụ, mức thu nhập đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lời vài trăm triệu đồng. 

Việc phát triển kinh tế gia đình của bà Năng thật đáng khâm phục, nhưng khâm phục hơn có lẽ do bà Năng đã có những đóng góp cho cộng đồng. "Kinh tế gia đình đã vững, được mọi người động viên, mình tham gia công tác xã hội để đóng góp chút gì đó cho quê hương. Hơn thế, là một cựu chiến binh (CCB) mình luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác với bộ đội. Do đó, trong vai trò của một CCB, mình thấy phải gương mẫu, phải đoàn kết cộng đồng, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu để tăng gia sản xuất xây dựng đời sống văn hóa” - bà Năng chia sẻ. 

Tham gia công tác xã hội, được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Chi hội trưởng Chi hội CCB, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ làm kinh tế giỏi, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của thôn Thâm Pồng, tất cả những công việc được Chi bộ và nhân dân giao phó, bà đều hoàn thành xuất sắc. 

Bà Mông Thị Long Biên - Bí thư Chi bộ thôn Thâm Pồng nhận xét: "Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, bà Năng là quần chúng nhiệt tình, năng nổ trong hoạt động. Trong 12 năm tham gia công tác xã hội, nhiệm vụ nào Chi bộ giao bà cũng hoàn thành tốt. Những tổ chức do bà Năng lãnh đạo đều hoạt động hiệu quả, trở thành điểm sáng của xã, huyện. Bà là tấm gương sáng  để mọi người noi theo!”. 

Có người Chi hội trưởng nhiệt tình, năng nổ, Hội CCB thôn Thâm Pồng đã đoàn kết, gương mẫu, phát huy tốt truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tham gia phong trào của địa phương. Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, hội viên CCB đã gương mẫu tích cực tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất, kinh doanh. 

Do đó, trong Chi hội đã xuất hiện nhiều gia đình hội viên làm kinh tế giỏi như: CCB Tăng Ngọc Thắng với mô hình ươm cây con giống các loại phục vụ cho toàn huyện Lục Yên và các huyện, tỉnh lân cận; CCB Đào Ngọc Hảo thực nghiệm ghép cây thí điểm thành công và được các đồng chí xã bạn, thôn bạn thăm quan học hỏi; CCB Vũ Văn Phòng làm xưởng ván bóc có thu nhập cao… 

Cùng Chi hội CCB, CLB Phụ nữ làm kinh tế giỏi cũng có nhiều thành tích. Được thành lập năm 2007, mục đích là để động viên chị em vượt khó, vươn lên làm giàu, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Về người Chủ nhiệm CLB, bà Dương Thị Lưu - một hội viên cho biết: "Bà Năng đến tận nhà hội viên để vừa tuyên truyền chủ trương của Hội cấp trên vừa thăm hỏi cách làm ăn, cuộc sống của hội viên; đồng thời, nắm bắt kịp thời các nhu cầu về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất của bà con. Việc nào hướng dẫn trực tiếp thì bà làm ngay, việc nào ngoài khả năng thì bà đề xuất với hội cấp trên hoặc địa phương hỗ trợ, giúp đỡ. Chính vì thế, bà luôn nhận được sự tín nhiệm cao từ hội viên”. 



Sân bóng chuyền hơi do bà Nguyễn Thị Năng đầu tư xây dựng là nơi rèn luyện thể thao hàng ngày của nhân dân. 

Với sự giúp đỡ của Chủ nhiệm CLB, 33 hội viên đã được Ngân hàng Chính sách huyện cho vay 1,5 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Có vốn và kinh nghiệm qua học tập lẫn nhau, trong CLB đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế giỏi, bền vững, thu nhập bình quân nhiều năm nay đạt trên 100 triệu đồng như chị Tăng Thị Yên, Dương Thị Lưu, Hoàng Thị Dược… 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, các hội viên còn tích cực học tập, vận động gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Từ thành tích đạt được, CLB được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen; UBND huyện Lục Yên, xã Yên Thắng tặng giấy khen; Ban Chủ nhiệm được Hội LHPN huyện cử đi dự báo cáo điển hình tại các hội nghị của huyện, tỉnh.  

 Làm giàu trên quê hương, đóng góp cho quê hương, ngoài công tác xã hội, mỗi năm doanh nghiệp của bà Năng cung ứng với hình thức trả chậm, giúp đỡ cho các chi hội và hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số 50 tấn phân viên nén dúi sâu, trị giá khoảng 500 triệu đồng. 

Đồng thời, mỗi năm gia đình bà còn ủng hộ cho các tổ chức hội trong thôn cũng như xã Yên Thắng và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo trị giá hàng chục triệu đồng. 

Đặc biệt, để đưa phong trào thể dục, thể thao trong thôn phát triển, trên mảnh đất 700 mét vuông, trị giá 350 triệu đồng của gia đình chưa sử dụng, bà Năng tự nguyện bỏ 50 triệu đồng đầu tư xây dựng 2 sân bóng chuyền hơi cho người dân thôn Thâm Pồng và thôn Ngòi Vạc, xã Minh Xuân tham gia tập thể thao, rèn luyện sức khỏe. 

Vậy là, vào những buổi chiều, ngày lễ, tết, nơi đây diễn ra những hoạt động thể thao bổ ích của người dân trong và ngoài thôn và của các CLB bóng chuyền hơi trong, ngoài huyện. Qua hoạt động thể thao này, mọi người vừa có sức khỏe, lại vun đắp tình nghĩa xóm làng.

12 năm tham gia công tác xã hội, thành tích của bà Năng không chỉ là vài chục bằng khen, giấy khen các loại của Chủ tịch UBND tỉnh, của huyện Lục Yên và các tổ chức chính trị - xã hội trao tặng, mà cao hơn thế chính là sự lan tỏa do được nhiều hội viên, nhân dân học tập, noi theo. 

Được sự nhất trí của Chi bộ thôn, đảng viên Mã Phi Hùng đã lấy bà là nhân vật trong Hội thi Kể chuyện về Bác Hồ theo chủ đề năm 2019 và những mô hình, điển hình tiên tiến học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2019, của Đảng bộ xã Yên Thắng.  

"Ngoài sự nỗ lực của bản thân và gia đình, thành công của tôi là do luôn nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội và sự ủng hộ của bà con lối xóm, của hội viên!”. 

Trước khi chia tay, bà Năng tâm sự như vậy. Tôi thầm nghĩ, mỗi miền quê Yên Bái, trong đó, có thôn Thâm Pồng đang đổi thay từng ngày và sự đổi thay đó, có đóng góp của những người như bà Nguyễn Thị Năng. Họ không làm những gì cao siêu mà chỉ làm việc bằng cái tâm, trách nhiệm của mình với cộng đồng, nhưng ý nghĩa, sức lan tỏa thật lớn. 

Đình Tứ

Tags Nguyễn Thị Năng Thâm Pồng Yên Thắng Lục Yên tấm gương sáng học tập

Các tin khác
Em Chu Văn Minh đã học tập tiến bộ từ khi có cô Thảo quan tâm, kèm cặp, giúp đỡ.

Một ngôi trường có 33 cán bộ, giáo viên thì cả 33 người đều có "con nuôi”. Những người con nuôi dều có hoàn cảnh đặc biệt....

Bí thư Chi bộ thôn Nà Háng, xã Mồ Dề - Sùng A Lử (bên phải) kiểm tra khu vực chuồng trại chăn nuôi gia súc của bà con.

Trách nhiệm, tâm huyết trong công việc, luôn đi đầu trong xây dựng các phong trào thi đua tại địa phương… là những bí thư chi bộ đang từng ngày gắn bó gần nhất với cơ sở, nhiệt tình, khéo léo tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đoàn kết, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM)… ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.

Hội thi bóc bưởi độc đáo, hấp dẫn trong Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà.

Theo số liệu thống kê năm 2010, trong vùng hồ Thác Bà có hơn 330 di sản văn hóa vật thể, trong đó, hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh chiếm phần nhiều. Đây cũng là vùng có số lượng di tích nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với mật độ phân bố khá dày đặc.

Khách du lịch tìm hiểu trang phục của người Thái.

Mường Lò, Nghĩa Lộ - mảnh đất xinh đẹp, trù phú nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái mang đậm dấu ấn và văn hóa dân tộc Thái đen được thể hiện rõ nét ở trang phục dân tộc. Trang phục của nam giới giản dị, khỏe khoắn với áo ngắn, quần dài ống rộng màu chàm; nữ giới nổi bật với váy dài đen thướt tha cùng áo cỏm “thắt đáy lưng ong”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục