Bất an ở Tồng Táng

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/10/2019 | 1:54:09 PM

YênBái - Hơn một tháng nay, hàng chục hộ dân ở thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên luôn sống trong bất an, sợ hãi và bức xúc khi mỏ đá của Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái nổ mìn ngay cạnh tỉnh lộ 170 làm đất đá văng vào nhà cửa, gây nguy hiểm cho tài sản, tính mạng của họ.

Người dân thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến rất lo lắng về hoạt động nổ mìn, khai thác đá gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày.
Người dân thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến rất lo lắng về hoạt động nổ mìn, khai thác đá gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày.

Có mặt tại thôn Tồng Táng, chúng tôi nhận thấy, ngọn núi đá bên đường nham nhở những vết cắt, một con đường cho xe, cho máy chuyên dụng lên mỏ đá đang được thi công phía trên đỉnh núi. Dưới đó là con đường tỉnh lộ 170 (Yên Thế - Vĩnh Kiên) qua địa phận thôn với những ngôi nhà mà người dân ở đó đang sống trong sợ hãi vì đất đá văng từ trên núi xuống do nổ mìn. 

Bà Nông Thị Quyết - người dân trong thôn cho biết: "Dù mới đi vào hoạt động nhưng Công ty đã khai thác đá và nổ mìn ở ngay gần khu dân cư đông đúc. Hàng ngày, gia đình tôi và các hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi khói bụi, tiếng ồn. Cứ mỗi lần nổ mìn là một nỗi khiếp sợ với người dân, cảm giác nhà cửa, vật dụng trong nhà rung chuyển như có động đất”. 

Theo phản ánh của nhiều người dân khu vực này, hoạt động nổ mìn của mỏ đá không chỉ gây ra tiếng ồn, bụi bặm đối với môi trường sống mà còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân bởi đá rơi văng vào tận nhà.

Ông Triệu Kim Thượng - thôn Tồng Táng bức xúc kể lại: "Vào khoảng 18 giờ ngày 24/8/2019, khi mỏ đá nổ mìn, đất đá bắn như mưa vào nhà tôi. Nhiều viên đá rơi lộp cộp trên nóc. Lúc đó, tôi đang nấu ăn dưới bếp, sợ quá phải chui vào gầm chạn bát không thì đã bị đá rơi vào người”. 

Qua tìm hiểu, được biết, hiện nay có đến hàng chục hộ dân ở thôn Tồng Táng đang ngày đêm bị hoạt động khai thác của mỏ đá gây ảnh hưởng, trong đó có 7 hộ nằm sát với mỏ đá luôn sống trong lo lắng, sợ hãi. Đáng bàn hơn, điểm khai thác đá của Công ty ngay sát tỉnh lộ 170 là tuyến đường có rất nhiều học sinh, người dân và phương tiện giao thông đi lại, càng làm gia tăng sự nguy hiểm đến tính mạng con người. 

Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều hộ dân bức xúc bởi không hề được tham gia góp ý kiến về hoạt động khai thác đá của Công ty. Khi hoạt động, việc nổ mìn diễn ra liên tục nhưng người dân không hề được Công ty thông báo. Để tránh đá rơi, mỗi khi có tiếng nổ mìn, các gia đình ở gần khu vực khai thác đá lại phải sơ tán lánh nạn, đóng kín cửa. 

Trưởng thôn Tồng Táng Phùng Văn Điện cho biết: "Điểm mỏ khai thác đá của Công ty quá gần với khu dân cư trong thôn. Phía thôn không nắm được kế hoạch nổ mìn của Công ty. Trực tiếp, ngày 24/8, tôi chứng kiến, khi Công ty nổ mìn, đất đá bắn lung tung vào đường tỉnh lộ 170 và một số hộ ngay sát đường. Việc nổ mìn khai thác này của Công ty là mất an toàn. Thôn đã đề nghị Công ty phải có biện pháp an toàn cho người dân trong hoạt động khai thác đá”. 

Được biết, trước tình trạng trên, ngày 24/8/2019, chính quyền xã Minh Tiến đã có buổi làm việc với các bên gồm: Công an xã, cán bộ Công an huyện phụ trách xã, Giám đốc mỏ đá, Trưởng thôn Tồng Táng và một số hộ dân bị ảnh hưởng. Tại buổi làm việc, UBND xã đã lập biên bản để làm căn cứ xử lý và xác nhận sự việc hoạt động khai thác của Công ty đã làm nhiều đá nhỏ bay vào nhà của một số hộ dân. 

UBND xã Minh Tiến yêu cầu Công ty phải thông báo kế hoạch nổ mìn cho bà con; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc nổ mìn; Công ty phải tiến hành thỏa thuận, chỉ khi đạt được sự thống nhất với các hộ dân nhằm đảm bảo yêu cầu môi trường, an toàn người, tài sản mới tiếp tục được hoạt động nổ mìn khai thác đá. 

Tuy nhiên, sau buổi làm việc này, mọi hoạt động của Công ty đâu vẫn vào đấy, những yêu cầu của chính quyền xã Minh Tiến chỉ được Công ty cam kết thực hiện trên giấy. Thực tế, hằng ngày người dân vẫn phải chịu nguy hiểm rình rập từ hoạt động khai thác đá của Công ty. 



Điểm khai thác đá của Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái nằm ngay bên tỉnh lộ 170 có nhiều hộ dân sinh sống. 

Quá bức xúc, người dân thôn Tồng Táng đã gửi ý kiến phản ánh, đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị kiểm tra, xem xét, có biện pháp ngăn chặn, giúp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Thế nhưng hiện nay, việc này vẫn chưa được giải quyết, người dân vẫn phải sống chung với nỗi sợ hãi, cuộc sống sinh hoạt như "ngàn cân treo sợi tóc”, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nguy hiểm do hoạt động khai thác đá của Công ty.

Để làm rõ thông tin, chúng tôi tìm đến trụ sở của Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái tại số 882 đường Yên Ninh, tổ 4, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. Tuy nhiên, tại địa chỉ này là một nhà dân bán hàng tạp hóa, chủ nhà cho biết đây là số nhà mới. Tiếp tục tìm đến số nhà 882 cũ thì chỉ là nơi ở của một hộ gia đình, không có biển hiệu Công ty, chủ nhà nói không hề có trụ sở công ty nào ở đây. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2011, Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác mỏ đá hoa (xã Minh Tiến). Ngày 30/1/2018, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản số 178/UBND-TNMT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái vì không đưa mỏ đi vào hoạt động theo đúng quy định và chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tính mạng, tài sản và môi trường của người dân thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến. Do vậy, các cấp chính quyền cần nhanh chóng vào cuộc yêu cầu Công ty có các giải pháp bảo đảm an toàn khi khai thác, sử dụng thuốc nổ và phải có thông báo cụ thể về lịch nổ mìn đến từng hộ dân, chính quyền địa phương. 

Cùng với đó, các ngành chức năng cần vào cuộc  kiểm tra, làm rõ việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái và có biện pháp xử lý quyết liệt để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân nơi đây.

Ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái: "Mỏ đá hoa Minh Tiến 1 thuộc xã Minh Tiến, huyện Lục Yên được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 333/GP-BTNMT ngày 28/02/2011, thời hạn khai thác là 30 năm, công suất khai thác 4.444.400 m3/năm, diện tích 26,63 ha. Điểm mỏ này nằm trong danh mục được UBND tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản vì lý do không đảm bảo tiến độ đầu tư. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có quyết định thu hồi giấy phép; hiện tại, Công ty đang xây dựng cơ bản và đưa mỏ vào khai thác. Trong quá trình hoạt động khai thác mỏ, Công ty có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Với chức năng, nhiệm vụ được phân công, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì (Sở Xây dựng, Sở Công thương) và chính quyền địa phương yêu cầu Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái tuân thủ các quy định về thiết kế mỏ, an toàn lao động và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khai thác mỏ”.

H.C

Tags Tồng Táng mỏ đá Minh Tiến Lục Yên

Các tin khác
Hai mẹ con chị Hoàn Thị Nơi - bản Tun, xã Tú Lệ mỗi ngày làm được khoảng 5 kg cốm.

Mùa này lên Tú Lệ (Văn Chấn), tha hồ mà hít hà khí trời trong lành, mát mẻ của tiết thu Tây Bắc. Ai đã một lần đến mảnh đất này vào mùa cốm, hẳn sẽ nhớ và không thể lẫn vào đâu được mùi hương rất lạ của những cung ruộng bậc thang lúa nếp Tan. Hương cốm mới làm nên nét thu riêng với đủ đầy hương, sắc, thi vị chẳng đâu có như ở Tú Lệ.

Vòng đại xòe trong Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019 tại thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Văn Tuấn).

Năm 2011, thị xã Nghĩa Lộ bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Thời điểm đó, thị xã có 3 xã nằm trong đề án xã xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, như xã Nghĩa Lợi là 60,68%, xã Nghĩa An là 50,6%, xã Nghĩa Phúc là 20%.

Bà Nguyễn Thị Năng (đứng giữa) cùng lãnh đạo Chi bộ thôn Thâm Pồng thăm mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân.

Siêng năng trong lao động sản xuất, năng động trong kinh doanh, năng nổ trong công tác xã hội như đúng với tên do bố mẹ đặt cho. Bà là Nguyễn Thị Năng ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

Em Chu Văn Minh đã học tập tiến bộ từ khi có cô Thảo quan tâm, kèm cặp, giúp đỡ.

Một ngôi trường có 33 cán bộ, giáo viên thì cả 33 người đều có "con nuôi”. Những người con nuôi dều có hoàn cảnh đặc biệt....

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục