Một ngày ở nông thôn mới Cường Thịnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/10/2019 | 8:10:09 AM

YênBái - "Ở một đoạn đường khó, sẽ làm ở đoạn đầu đường và cuối đường, đoạn giữa sẽ để lại. Khi người dân thấy rõ sự khác biệt khi đi trên các đoạn đường thì người dân sẽ tự khắc thấy mình được hưởng lợi trong đó". Đó chính là "bí quyết” của Cường Thịnh- địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Một tuyến đường bê tông rực rỡ sắc hoa ở nông thôn Cường Thịnh.
Một tuyến đường bê tông rực rỡ sắc hoa ở nông thôn Cường Thịnh.

Tháng 10, trong cái nắng ngọt dịu với cơn gió heo may se lạnh, tôi về xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên - địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ tháng 11/2018, hiện đang tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được trong thực hiện mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao.

Đi trên những con đường nhựa hóa, bê tông êm thuận trải dài, ngắm nhìn cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, tôi phần nào cảm nhận được sự vươn mình, trỗi dậy sức sống của một vùng quê từng ngày đổi mới... 

Nhấp chén trà nóng, Chủ tịch UBND xã Lương Văn Hùng kể lại cho tôi nghe những ngày gian khó khi bắt tay vào xây dựng NTM. Với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 6/19 tiêu chí, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng kém đồng bộ và chưa hoàn chỉnh. Sau 5 năm, xã mới đạt được 9 tiêu chí, mọi thứ còn vô cùng khó khăn. 

Từ sự "ì ạch” đó mà Đại hội Đảng bộ xã cũng chỉ Nghị quyết đến năm 2020, Cường Thịnh đạt 14 tiêu chí. Song, xác định xây dựng NTM là chương trình lớn làm cho cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao cả về vật chất và tinh thần, cùng nhìn nhận lại tiềm năng thế mạnh của địa phương, năm 2016 đội ngũ lãnh đạo xã đã cùng thống nhất quyết tâm, thực hiện mục tiêu Cường Thịnh sẽ cán đích NTM vào năm 2018. 

Quyết tâm được cụ thể hóa bằng hành động, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để truyền quyết tâm ấy tới từng người dân trong xã, trong đó, trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, các đảng viên, những hạt nhân tiêu biểu đều trở thành tuyên truyền viên tích cực, giúp người dân hiểu rõ vai trò của mình trong xây dựng NTM để tự nguyện ủng hộ xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. 

Người dân được trực tiếp tham gia góp ý vào quá trình xây dựng NTM từ xây dựng đồ án quy hoạch, lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế đến việc lựa chọn các tiêu chí cần làm trước, phù hợp với điều kiện của địa phương để thực hiện. 

Nói cho tôi nghe "bí quyết” để khơi dậy sức dân trong xây dựng NTM, đồng chí Chủ tịch UBND xã nêu ví dụ: "Ở một đoạn đường khó, chúng tôi sẽ làm ở đoạn đầu đường và cuối đường, đoạn giữa sẽ để lại. Khi người dân thấy rõ sự khác biệt khi đi trên các đoạn đường thì người dân sẽ tự khắc thấy mình được hưởng lợi trong đó". 

Khi đã hiểu lợi ích NTM mang lại, người dân sẽ tích cực tham gia thực hiện các phần việc như: đóng góp công mở đường, làm đường bê tông nông thôn, tu sửa đường nội đồng, xây dựng các công trình dân sinh; chủ động sắp xếp lại nhà cửa, quét dọn đường làng, ngõ xóm; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định; xây dựng và thực hiện các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổng kinh phí xây dựng NTM toàn xã đến nay trên 38,4 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng, chiếm 26,3%. 

Toàn xã có đường được bê tông hóa hoặc nhựa hóa đạt 100%; hệ thống trục đường thôn và đường liên thôn bê tông hóa đạt 93%. Giao thông nông thôn được nối liền đã tạo thêm nhiều việc làm mới, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Toàn xã hiện có trên 30 mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô lớn; thành lập mới 9 tổ hợp tác sản xuất tại 6 thôn. 

Năm 2019, phấn đấu xây dựng 2 mô hình nuôi gà theo hướng hàng hóa thực phẩm an toàn từ 10.000 con/lứa trở lên. Xã cũng dần chuyển đổi diện tích trồng cây lấy gỗ thông thường sang trồng quế và trồng xen cây dược liệu; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 dự kiến đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu đạt trên 60%, phấn đấu hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 5,65%. 

Cuốn theo câu chuyện của đồng chí Chủ tịch xã, tôi hiểu được sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền xã với cách làm đúng đã cho hiệu quả như mong đợi. Người dân không chỉ đóng góp của cải vật chất, ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông… mà còn loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, từng bước phát triển kinh tế gia đình; ý thức trong việc bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng để tạo sự đổi thay rõ nét của vùng quê nông thôn mới Cường Thịnh hôm nay.  

Dứt câu chuyện, tôi được "mục sở thị” để có cái nhìn toàn cảnh hơn về một vùng quê đang vận động, chuyển mình. Dọc xóm làng rộng dài là hình ảnh của những con đường hoa rực rỡ ôm trọn lấy thôn quê đã mang đến cho tôi sự ngỡ ngàng. 

Như đọc được suy nghĩ của tôi, chị Nguyễn Thị Mơ - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã hào hứng: "Đây là thành quả của chị em phụ nữ đấy ạ! Qua những con đường hoa này, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM. Cứ vào ngày 15 hàng tháng là bà con ở các thôn lại cùng nhau tập trung để dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, góp phần làm đẹp làng quê và thắt chặt tình làng xóm”. 

Rồi chúng tôi dừng lại ở thôn Hiển Dương - thôn được xã lựa chọn xây dựng NTM nâng cao năm 2019. Bí thư Chi bộ thôn Hiển Dương - bà Vũ Thị Ngô như "khoe”: Từ khi có phong trào xây dựng NTM, người dân trong thôn tích cực học hỏi, áp dụng khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế nên đến nay thôn chúng tôi có trên 70% nhà xây kiên cố, hộ khá đạt trên 70%. Ở đây, có 1/3 số dân theo Thiên Chúa giáo, song người dân trong thôn luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế. 

Rồi bà Ngô giới thiệu cho tôi nhà văn hóa khang trang - nơi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao của bà con trong thôn được xây dựng thành công nhờ sức mạnh tinh thần đoàn kết toàn dân. Tôi thấy niềm tự hào hiện rõ trên nét mặt của người Bí thư Chi bộ năm nay đã ngoài 70 tuổi khi cho biết thành quả đạt được là nhờ NTM khơi dậy lòng dân. Từ giờ đến cuối năm, thôn sẽ phấn đấu hoàn thành tuyến đường "Thắp sáng đường quê” với chiều dài 1,5 km và đây sẽ là công trình thôn chào mừng đại hội Đảng các cấp - bà Ngô phấn khởi.



Mô hình trồng bưởi cho thu nhập cao của gia đình chị Trần Thị Kim Thúy, thôn Hiển Dương.  

Có thể thấy, công cuộc xây dựng NTM đã mang đến luồng sinh khí mới cho xã Cường Thịnh và niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần; từ đó, mỗi người dân đều hăng hái thi đua lao động, sản xuất nâng cao đời sống. 

Với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, dù đã ở tuổi 75, song ông Nguyễn Văn Kim, thôn Đồng Lần vẫn tích cực học hỏi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp trong xây dựng NTM của địa phương. Hiện, ông đang có 500 đôi dúi, 150 đôi chim bồ câu, trên 300 vịt đẻ trứng, 4 sào ao nuôi các loại cá. 

Nghe tôi hỏi về thu nhập, ông Kim cười nói: "Tôi ít khi tính toán lắm, nhưng nhẩm tính thì chắc khoảng vài trăm triệu. Xây dựng NTM, nông dân phải dám mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương để tiến lên sản xuất làm ăn khấm khá. Từ hồi chuyển đổi đến giờ, tôi thấy cuộc sống thoải mái hơn” - ông Kim bộc bạch. 

Còn chị Trần Thị Kim Thúy, thôn Hiển Dương cho biết: "Từ khi có NTM, đường sá đi lại thuận lợi, sản phẩm bưởi của gia đình được tư thương đến tận nơi thu mua, giá bán cao hơn nên gia đình rất phấn khởi và tích cực ủng hộ các chương trình xây dựng NTM của địa phương”. 

Đi trên những con đường nông thôn phẳng lì rực rỡ sắc hoa, nghe người dân kể chuyện quê hương đổi mới, tôi hiểu hơn rằng, Cường Thịnh đang ngày càng khởi sắc bởi nhiều nguyên nhân, nhưng sự chung sức, chung lòng khi ý Đảng có được lòng dân, chính là khâu then chốt. 

Tôi tin tưởng rằng, Cường Thịnh với nội lực của mình sẽ không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng thành công xã NTM nâng cao, góp sức để đưa Trấn Yên trở thành huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh.

Thanh Chi

Tags Cường Thịnh nông thôn mới đường bê tông kiên cố hóa làm giàu nâng cao đời sống

Các tin khác
Lảo A Củ kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đỗ Đại học Công nghiệp Hà Nội, hoàn cảnh gia đình khó khăn phải lỡ dở việc học nay đã trở thành Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) HMong 4S Việt Nam với dây chuyền sản xuất trang phục dân tộc vô cùng mới mẻ và thú vị. Đó là chàng trai Mông Lảo A Củ, người con quê hương Mù Cang Chải.

Người dân thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến rất lo lắng về hoạt động nổ mìn, khai thác đá gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày.

Hơn một tháng nay, hàng chục hộ dân ở thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên luôn sống trong bất an, sợ hãi và bức xúc khi mỏ đá của Công ty cổ phần Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái nổ mìn ngay cạnh tỉnh lộ 170 làm đất đá văng vào nhà cửa, gây nguy hiểm cho tài sản, tính mạng của họ.

Hai mẹ con chị Hoàn Thị Nơi - bản Tun, xã Tú Lệ mỗi ngày làm được khoảng 5 kg cốm.

Mùa này lên Tú Lệ (Văn Chấn), tha hồ mà hít hà khí trời trong lành, mát mẻ của tiết thu Tây Bắc. Ai đã một lần đến mảnh đất này vào mùa cốm, hẳn sẽ nhớ và không thể lẫn vào đâu được mùi hương rất lạ của những cung ruộng bậc thang lúa nếp Tan. Hương cốm mới làm nên nét thu riêng với đủ đầy hương, sắc, thi vị chẳng đâu có như ở Tú Lệ.

Vòng đại xòe trong Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019 tại thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Văn Tuấn).

Năm 2011, thị xã Nghĩa Lộ bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Thời điểm đó, thị xã có 3 xã nằm trong đề án xã xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, như xã Nghĩa Lợi là 60,68%, xã Nghĩa An là 50,6%, xã Nghĩa Phúc là 20%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục