Xà Hồ (Trạm Tấu) những ngày cuối tháng 11, hương thơm nồng nàn của mùa lúa chín lan tỏa khắp con đường về bản. Đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân gặt, tuốt lúa, thu gom rơm rạ về làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông.
Chớ A Dê ở thôn Sáng Pao, 23 tuổi đang cùng mẹ đi gặt lúa nếp cẩm ở cánh đồng Tà Ghênh - Xà Hồ. Chàng trai có nước da ngăm đen vác những bó lúa khoảng 30 kg trên vai đi phăm phăm về bờ, miệng cười tươi rói: "Nếp cẩm của người Mông có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, mấy năm gần đây, khi công nghệ 4.0 đã về đến bản, em cùng các bạn trẻ quảng cáo trên facebook, zalo nên nhiều người biết và tìm đến thu mua”.
Cứ mua năm trước, hẹn vụ năm sau nên vụ lúa mùa này, nhà Dê gieo trồng 7 mảnh ruộng là lúa nếp cẩm với sản lượng khoảng 3.000 kg. Thời điểm hiện tại, nếp cẩm có giá 21.000 đồng/kg và chưa thu hoạch xong đã có khách buôn lên đặt.
Chớ A Dê xởi lởi: "Đất nước, quê hương đổi mới, tuổi trẻ phải có chí hướng, đã có chí thì làm giàu ngay tại quê nhà chứ không cần phải đi đâu xa”.
Mẹ của Dê - bà Giàng Thị Mỷ rất ủng hộ quyết định của con trai, cho con đi học tử tế: "Nó cứ làm giàu đến lúc nào thích lấy vợ cho nó lấy, ép bọn trẻ lấy nhau sớm kinh tế khó khăn, khổ chúng nó”. Bà bảo, lấy vợ, lấy chồng sớm là thời xưa rồi. Nụ cười của bà Mỷ, niềm tin của chàng trai người Mông Chớ A Dê như khơi dậy câu chuyện nếp sống mới của thế hệ trẻ vùng cao Xà Hồ - Trạm Tấu.
Từ tràn ruộng bên trên, Giàng Thị Vế - cô gái 17 tuổi ở Tà Ghênh với đôi má đỏ hây hây nói: Chúng em thích những chàng trai có chí lớn như anh Dê lắm, đợi 2 vụ lúa được mùa, em tròn 18 tuổi cho em theo anh về nhé. Ngày ý nhớ mời các anh chị chung vui”. Bà Mỷ - mẹ của Dê cười: Cháu nó trêu thế thôi, chứ nó vẫn nói phải học đại học về rồi mới lấy chồng. Đảng, Nhà nước quan tâm học hành đầy đủ, chúng nó tiến bộ hơn chúng tôi rất nhiều”.
Câu chuyện của các bạn trẻ ở Xà Hồ như vén được màn sương mù bao phủ. Khi trên đỉnh Tà Ghênh hôm nay tỷ lệ tảo hôn đang từng ngày được khống chế. Nhiều cặp vợ chồng trẻ quyết tâm dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt như vợ chồng Mùa A Chu.
Hai vợ chồng Chu đã có 2 đứa con trai. Chu nói: "Vợ em đã mạnh dạn thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình rồi, chỉ dừng lại ở 2 con thôi. Sau vụ mùa này, chúng em sẽ lên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay vốn về chăn nuôi thêm lợn bản địa. Em thấy thịt lợn trên quê em rất được giá vì chăn nuôi sạch và chúng em thường tận dụng được nông sản mình trồng ra để nuôi”.
Còn vợ chồng Mùa A Tâu đã sinh 2 con gái, song quyết không sinh thêm con để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc con cái được tốt hơn. Anh Tâu chia sẻ: "Con nào chẳng là con! Nghĩ lại ngày trước, ông bà, cha mẹ sinh nhiều con nên mới khổ. Mình là thế hệ trẻ phải đổi mới chứ”.
Nhờ đổi mới cách nghĩ của mình mà vợ anh đã biết may quần áo phục vụ nhu cầu của người dân nơi đây, còn anh Tâu được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội về phát triển đàn đại gia súc gần chục con và gieo trồng lúa nếp cẩm…
Cha mẹ anh Tâu buổi tối được ngồi xem tin tức thời sự trên chiếc ti vi màn hình phẳng hiện đại; các con anh Tâu được đến trường học cái chữ… Quả thật, những thay đổi trong tư duy, nhận thức và ước mơ làm giàu chính đáng của các bạn trẻ hôm nay đang góp sức cho vùng cao Xà Hồ đổi mới từng ngày.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xà Hồ - anh Hờ A Su cũng là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, được chứng kiến sự thay đổi từng ngày trong nếp nghĩ, cách làm của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để Xà Hồ từ một mảnh đất nhiều ruộng đồng bỏ hoang, nặng nề hủ tục, đói nghèo, mù chữ… giờ đã có thêm nhiều người con ưu tú trở về phục vụ quê hương.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo công chức xã cơ bản đã có trình độ đạt chuẩn cả về chuyên môn, chính trị. Đội ngũ đảng viên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã đã phát huy tinh thần, trách nhiệm đi đầu trong mọi phong trào vận động nhân dân xóa bỏ phong tục cũ, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Phó Bí thư Hờ A Su cho biết: "Xã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo thế hệ trẻ, vì đây là những chủ nhân tương lai của xã nhà”. Theo đó, Đảng ủy xã đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường, chỉ đạo các chi bộ thôn, bản vận động học sinh ra lớp.
Hiện nay, toàn xã có 2 trường học với tổng số 1.228 học sinh và 42 lớp học. Trong đó, Trường Mầm non Hoa Hồng có 340 học sinh với 12 lớp học; Trường PTDTBT TH&THCS Xà Hồ có 888 học sinh với 30 lớp; tỷ lệ học sinh ra lớp và tỷ lệ chuyên cần được nâng lên rõ rệt...
"Tôi tin đây chính là những chủ nhân ưu tú để đưa xã Xà Hồ phát triển hơn trong tương lai” - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã khẳng định.
Những ngày này ở Xà Hồ, người dân còn trao đổi với nhau cách làm du lịch. Công nghệ phát triển, đồng bào biết rằng đỉnh núi Tà Chì Nhù là 1 trong 6 đỉnh núi cao nhất Việt Nam đang được du khách trong nước, quốc tế biết đến và chinh phục. Vì vậy, người dân bàn nhau nuôi gà đen, lợn bản địa, canh tác ruộng bậc thang để phục vụ du khách - điều trước đây rất đỗi xa lạ với đồng bào Mông Trạm Tấu.
Nhà Bí thư Chi bộ thôn Trống Khua Giàng A Lử có cả trang trại gà các loại như: gà đen đặc sản, gà lông vàng và ngan, vịt... tất cả đều được nuôi thả đồi. Từ tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy, trên cơ sở nền móng sẵn có của gia đình, anh Lử quyết định đầu tư nuôi gà và gia cầm sạch. Đến nay, hiệu quả kinh tế đã được khẳng định khi đem về nguồn thu vài chục triệu đồng.
Anh Lử chia sẻ: "Du khách và người dân trong huyện đều rất thích sản vật của địa phương nuôi trồng vì họ biết chúng tôi nuôi trồng thủ công, không lạm dụng thuốc bảo vệ hay tăng trưởng... nên giá thành cao lại rất dễ bán”.
Còn nhiều khó khăn với một xã vùng cao khi xây dựng nông thôn mới, nhưng những kết quả ở Xà Hồ hôm nay đã minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, cách làm của đồng bào. Tin tưởng, Xà Hồ sẽ tiếp tục phát triển cán đích nông thôn mới.
Ngọc Sơn