Dọc con đường vào thôn 5 Khe Sấu, có đoạn là những máy xúc đang nằm nghỉ ngơi dưới trời mưa, có đoạn là vài người đàn ông đang che chắn tuyến đường mới đổ bê tông.
Bà Trần Thị Thịnh - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 5 Khe Sấu rảo bước từ căn bếp lên đón khách: "Nếu mưa ngớt tí nữa thì cũng không gặp tôi đâu đấy, đang định ra kiểm tra nốt mấy chỗ chuẩn bị đổ bê tông vào các xóm”.
Đảng viên tốt, Chi bộ vững mạnh
38 năm công tác tại địa phương, hơn 3 năm làm việc trong quân ngũ, tác phong, cử chỉ của bà Thịnh cho tới cả cách nói chuyện cũng nhanh gọn, rõ ràng, dứt khoát. Năm 2009 chính thức nghỉ hưu thì đầu năm 2010, bà được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn 5 Khe Sấu. Việc chung còn bộn bề, bản thân còn được lãnh đạo địa phương, được đảng viên thôn xóm tin tưởng, trao gửi nên bà gắng sức gánh vác. Có người nói bà "ham hố”, nghe đấy, biết đấy song bà cho rằng, điều quan trọng nhất là mình sẽ làm gì, mình làm được gì… chứ không phải giãi bày hay tranh luận. Chi bộ thôn 5 khi đó có 18 đảng viên, trong đó tới 8 đảng viên là bố mẹ, con cháu cùng một dòng họ. Thật ra đây cũng không là trở ngại nếu hướng mọi người cùng quan tâm đến lợi ích chung, bà xác định vậy.
Với suy nghĩ một mình thì không thể sát sao mọi vấn đề, bà cùng Ban Chi ủy họp bàn và thống nhất trong Chi bộ giao nhiệm vụ cho mỗi đảng viên phụ trách 4 hộ dân. Việc này được gắn với trách nhiệm của mỗi đảng viên hết sức cụ thể khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các hộ dân hoàn thành các nghĩa vụ với địa phương đồng thời là cơ sở để đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm. Chi bộ đã tính toán để công việc phù hợp với năng lực, điều kiện của từng đồng chí.
Đối với đảng viên trẻ hơn, Chi bộ phân công phụ trách những hộ ở xa, khó khăn hơn và ngược lại, đảng viên cao tuổi hơn sẽ phụ trách những hộ ở gần, đi lại dễ dàng hơn. Sinh hoạt định kỳ hàng tháng, các đảng viên sẽ trực tiếp báo cáo với Chi bộ tiến độ thực hiện nhiệm vụ, kết quả công việc, những khó khăn nảy sinh… để cùng trao đổi, thảo luận, tìm cách giải quyết. Duy trì từ năm 2010 đến nay, hiệu quả công tác phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình thể hiện rõ nét.
Cũng nhờ vậy, Chi bộ thôn 5 Khe Sấu liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bà Thịnh cũng liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thôn 5 luôn dẫn đầu xã về mọi mặt, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế. Bà Thịnh khẳng định: "Nếu như các đảng viên không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì Chi bộ cũng không thể trong sạch, vững mạnh. Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình đã giúp Chi bộ sâu sát hơn trong quá trình thực hiện mọi nhiệm vụ, đặc biệt đã khơi dậy và phát huy được sức mạnh của các đảng viên”.
"Đã làm thì phải làm thật tốt!”
Bà Thịnh chia sẻ quan điểm: "Tôi là một người có tính hiếu thắng cũng cao đấy! Đơn giản tôi chỉ nghĩ thế này, đã làm thì phải cố công cố sức nên không thể làm chơi chơi mà phải làm cho thật tốt. Mình quyết tâm như vậy thì phải tìm cách thực hiện hiệu quả vì mọi người cùng được hưởng lợi”.
Thôn 5 đặc thù mạnh về trồng quế, năm 2010 đã có 120 ha quế. Trước đó, bà Thịnh là một trong những người đầu tiên tham gia phát triển trang trại trồng quế của 23 cựu chiến binh thôn.
Đó chính là cơ sở quan trọng gây dựng phong trào trồng quế rộng khắp hiện nay ở thôn với 131/131 hộ trồng quế, diện tích 200 ha. Khó hơn từ năm ngoái bắt đầu vận động, tuyên truyền nhân dân trồng quế hữu cơ. Đó là thay đổi trong cách trồng quế của mọi người so với thói quen lâu nay như: không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, phải có sổ nông hộ theo dõi của từng hộ…
Vấn đề liền vùng, liền khoảnh lúc này đặt ra thách thức và càng cần hơn bao giờ hết sự thống nhất, đồng bộ trong sản xuất sản phẩm quế an toàn. Có nhà thẳng tưng: "Tôi bán cho tư thương, cần gì trồng quế sạch”.
Giải quyết khoảng xen kẹt này trong tư duy, nhận thức vẫn là kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục để họ thấy được lợi ích chung của địa phương mà lâu dài cũng chính là lợi ích của bản thân mình, mỗi gia đình. Họp, tập huấn, thông tin… thường xuyên, liên tục cho người dân. Thuyết phục hơn, nhà Bí thư Chi bộ làm trước cùng các hộ đảng viên, thế là tạm ổn về mặt tư tưởng.
Có một điều may mắn rất lớn là nhờ chênh lệch giá bán, so sánh lợi nhuận thực tế giữa sản phẩm quế sản xuất theo phương pháp hữu cơ với truyền thống nên người trồng quế có được một "cú huých” mạnh mẽ hơn để thay đổi nhanh hơn.
Vệ sinh đồi gò trồng quế, bà Thịnh, các đảng viên, thành viên Ban Công tác Mặt trận thôn đích thân lên đồi, lên gò thu gom rác thải, chai lọ… đưa về tập kết tại khu vực đất trống của nhà văn hóa. Liên tục một tuần, cả thôn quyết liệt vào cuộc. Xong vệ sinh đồi gò, đến việc kiểm tra suối.
Ráo riết tạo thói quen rồi đưa vào hương ước thôn để thực hiện nề nếp. Trong 9 tháng của năm 2019 này, thu 7,113 tỷ đồng từ quế đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của thôn 5 ước đạt 37 triệu đồng - cao nhất xã Đào Thịnh hiện nay.
Gần dân, dân chủ và minh bạch
Tự nhận xét có sự hạn chế nhất định so với nam giới, bà Thịnh cho rằng: "Bù lại thì tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn, bền bỉ hơn với công việc”. Ngày xưa công tác ở xã đã sát cơ sở, sát dân nhưng làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn thì còn gần dân hơn nhiều nữa.
Có gần dân mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của dân để kịp thời giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc. Gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, của thôn những năm qua cũng là những tháng ngày bà cần mẫn như con ong làm mật.
Gương mẫu chưa hẳn đã đủ mà còn phải minh bạch và dân chủ vấn đề, nhất là việc xây dựng nông thôn mới với nhiều công trình kết cấu hạ tầng. Tháng 2 năm nay, khi xây xong cây cầu bắc qua suối trị giá 49 triệu đồng do nhân dân đóng góp 100% kinh phí, bà cho phô tô 40 bộ ghi chép, theo dõi, thanh toán kinh phí gửi đến các hộ dân trong buổi họp thôn để mọi người cùng xem chung.
Tại cuộc họp tiếp sau đó, thôn xin ý kiến trực tiếp của dân về việc quyết toán xây dựng cầu. Tương tự lúc làm đường giao thông năm 2017, Chi bộ và thôn công khai, minh bạch tài chính việc bê tông hóa 500 m tuyến đường đầm Sen. Hay sau khi xây hố rác tập trung, thôn vận động nhân dân đóng góp 10.000 đồng mỗi tháng để chi trả tiền công thu gom rác thải vệ sinh môi trường…
Thời điểm này, thôn đang tiếp tục cứng hóa các tuyến đường còn lại để chuẩn bị mọi điều kiện cho quá trình phấn đấu đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm sau. Thôn nông thôn mới kiểu mẫu vừa là đích đến vừa là động lực.
Những tuyến đường sẽ nối gần mọi khoảng cách, thúc đẩy mạnh giao thương nên các hộ đều rất tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức để hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Bởi vậy, dù tính ra mức đóng góp của mỗi hộ tương đối lớn nhưng người dân đều đồng lòng.
Bà tính rằng, riêng năm 2019, thôn 5 xây cầu 49 triệu đồng, làm nhà văn hóa thôn 387 triệu đồng, làm sân chơi 39 triệu đồng, cứng hóa 2,3 km đường trị giá gần 400 triệu đồng đều hoàn toàn do dân đóng góp. "Tất cả đều nhờ cây quế tạo đà phát triển mạnh mẽ, nếu không thì làm sao 131 hộ, 502 nhân khẩu có thể tập trung dồn sức, quyết liệt, quyết tâm đến vậy. Đáng mừng nữa là hết năm nay, thôn chỉ còn 1 hộ nghèo” - bà Thịnh phấn khởi.
Hơn 2 tỷ đồng để cứng hóa 4 km đường trục thôn và ngõ xóm, lắp đặt đèn chiếu sáng 3 km đường, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng… là nỗ lực rất lớn của nhân dân thôn 5 đóng góp xây dựng nông thôn mới những năm qua, chung sức đưa Đào Thịnh đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2016. Điều đó cho thấy sức mạnh đồng thuận lớn thế nào khi dân được tôn trọng, được trao gửi niềm tin và khi dân đã tin bởi mọi vấn đề đều minh bạch và dân chủ.
Phục vụ nhân dân bằng tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, gương mẫu, Bí thư Chi bộ Trần Thị Thịnh vui thêm vui với diện mạo tươi đẹp của nông thôn mới, chất lượng cuộc sống người dân nâng cao. Như con ong cần mẫn, có mật ngọt dâng đời…
Nguyễn Thơm