Về nơi làng xanh, đường sạch

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/3/2020 | 1:50:57 PM

YênBái - Ngày 14 hàng tháng trở thành ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phát quang cỏ dại, bụi rậm và trồng hoa 2 bên đường để làm đẹp thôn xóm - điều mà chỉ vài năm trước, có nằm mơ người dân cũng không thể cảm nhận được.

Người dân xã Đào Thịnh huyện Trấn Yên chăm sóc cảnh quan khu vực trung tâm xã.
Người dân xã Đào Thịnh huyện Trấn Yên chăm sóc cảnh quan khu vực trung tâm xã.

Từ khi bắt tay vào xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, làng quê huyện Trấn Yên đã có nhiều đổi thay. Nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân mà bức tranh miền quê núi từng ngày bừng sáng với diện mạo khang trang và môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp.

Kỳ tích về môi trường

Cách đây khoảng 7 năm, chỉ cần dạo quanh các vùng nông thôn trên địa bàn huyện Trấn Yên chúng ta dễ dàng bắt gặp những bãi rác thải sinh hoạt ven đường làng, trên những con đường dẫn ra cánh đồng với cơ man nào là bao nilon, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng. Ngay cả trên đường quốc lộ, đường liên huyện cũng dễ dàng bắt gặp những bãi rác "bất đắc dĩ", rác không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, gây ô nhiễm môi trường. 

Còn nhớ một lần từng phỏng vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, chị Nguyễn Thị Thắm, xã Đào Thịnh chia sẻ: "Vì thôn không có bãi rác nên rác nhà nào nhà nấy tự xử lý theo cách riêng của mình. Người thì đốt, người đào hố chôn nhưng cũng có không ít nhà vẫn vứt rác ra đồng, mương máng hoặc ven đường. Ai cũng chỉ biết sạch trong nhà còn ngoài ngõ thì ít người quan tâm. Mà có quan tâm thì cũng không được vì biết vứt rác ở đâu? Chẳng lẽ lại đổ vào vườn nhà mình! Lâu thành quen, nhà nọ thấy nhà kia vứt được thì mình cũng tham gia và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp thôn, xóm. Biết như vậy ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống của chính mình nhưng vì chưa có cách xử lý nào phù hợp nên nhiều người vẫn đành "nhắm mắt làm ngơ”, đến khi môi trường bị ô nhiễm thì cũng chẳng dám kêu phiền”. 

Không chỉ là tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường từ nước thải cũng đeo bám người dân nông thôn do lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Rất nhiều người dân chưa ý thức được sự nguy hại từ vỏ chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật, họ xem đây là một loại rác thải thông thường, không có hại nên thường "tiện đâu vứt đó”, bởi vậy mà loại rác thải này ngày càng xuất hiện nhiều trên các cánh đồng, mương máng, gây ô nhiễm nguồn nước. 

Với tổng diện tích trên 2.500 ha lúa, 900 ha chè, 1.000 ha cây ăn quả... nên lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động nông nghiệp là rất lớn. Trước tình hình đó, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời xây dựng các bể thu gom rác trên các cánh đồng. 

Từ khi xây dựng các bể thu gom rác thải, người dân đã bỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật vào nơi quy định, những nơi chưa có điều kiện xây các bể gom rác thải, nhân dân tận dụng những vỏ bao cũ, miệng bao được đính với vành thép đặt cố định trên bờ ruộng để chứa rác. Đối với rác thải sinh hoạt, huyện giao cho Đội Giao thông và Dịch vụ huyện xử lý. 

Ông Nguyễn Quốc Đoàn - Đội trưởng Đội Giao thông và Dịch vụ huyện Trấn Yên chia sẻ: "Đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ làm công tác vệ sinh môi trường trên các tuyến đường thị trấn Cổ Phúc, Nga Quán, Việt Thành, Báo Đáp, Đào Thịnh... Đội chúng tôi thực hiện thu gom thủ công bằng xe đẩy rác, tập kết rác thải tại các vị trí cố định sau đó vận chuyển bằng ô tô đến bãi rác chính tại thôn Nhân Nghĩa I xã Báo Đáp để xử lý theo phương pháp phun thuốc phòng dịch, khử trùng chôn lấp và lợi dụng sự phân hủy của môi trường tự nhiên”. 

Ý thức người dân  nâng cao

Trước là vậy nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Thành quả hôm nay là những con đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, dân cư sinh sống ngăn nắp, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. 

Chị Nguyễn Thị Hưng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đào Thịnh nhớ lại dăm mười năm về trước quê chị chỉ toàn đường đất hay đá cấp phối, môi trường ô nhiễm, ra khỏi nhà, đâu đâu cũng thấy rác. Từ khi có chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới tất cả đã đổi thay không ngờ. Nói một cách thẳng thắn thì những cuộc họp đầu tiên tuyên truyền về nông thôn mới không hề suôn sẻ khi trên thì cán bộ giải thích còn dưới người dân đã nhao nhao: "Ảo tưởng, chỉ nằm mơ”. 

Thế nhưng "mưa dầm thấm lâu”, lấy chính những quyền lợi của dân ra mà thuyết phục thì họ lại trở thành lực lượng hăng hái nhất, tin vào chính quyền nhất. Đến nay, 90% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, 100% hộ sử dụng nước sạch, 98% hộ gia đình bỏ rác đúng điểm tập kết, đúng giờ vào 2 buổi cố định trong tuần; 95% rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý triệt để; ngày 14 hàng tháng trở thành ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phát quang cỏ dại, bụi rậm và trồng hoa 2 bên đường để làm đẹp thôn xóm - điều mà chỉ vài năm trước, có nằm mơ người dân cũng không thể cảm nhận được.

Về huyện nông thôn mới những ngày này, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông rộng, thoáng mát, sạch, đẹp, điện thắp sáng từng ngõ xóm, người dân hăng say lao động sản xuất và đặc biệt không còn thấy hình ảnh của rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi ra các khu đất trống, ven đường như trước. Đây được coi là một "kỳ tích” trong việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường. 



Rất nhiều đường hoa đã được tạo dựng, chăm sóc, góp phần làm nên những diện mạo mới xanh - sạch - đẹp. 

Chị Định Thị Như Lệ, thôn Phúc Đình, xã Việt Thành cho biết: "Nhu cầu và đời sống nhân dân được nâng cao, dẫn đến những phát sinh bất lợi. Theo số lượng tính toán trung bình mỗi khu dân cư của xã Việt Thành thải ra khoảng 925 kg chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, tương đương 337 tấn rác thải mỗi năm. Tập quán và thói quen xả rác sinh hoạt ra đường, vườn, ao, hồ, sông, suối... đã khiến cho rác thải sinh hoạt trở thành bài toán khó đối với một xã thuần nông chưa có quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải như Việt Thành. 

Tuy nhiên sớm nhận thấy sự nguy hại của tình trạng trên, lãnh đạo xã đã đưa ra những phương án xử lý. Sau khi được thực hiện mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến nay toàn bộ 8 thôn trên địa bàn thực hiện đồng thời 2 phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với từng khu vực. Thu gom tập kết vào các bãi rác tập trung từ các tuyến đường liên thôn, xã và trục Yên Bái - Khe Sang trước khi được Đội Giao thông và Dịch vụ thu gom. 

Và phương án tự xử lý, phân loại tại hộ gia đình, trong đó chất thải hữu cơ được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân bón hữu cơ; chất thải tái chế được thu gom, bán cho người thu mua phế liệu; chất thải còn lại được xử lý chôn hoặc đốt tại hộ gia đình.

Làng quê đáng sống

Những con đường đất nay đã hóa bê tông, không khí trong lành, an ninh bảo đảm, tình làng nghĩa xóm đậm đà đã biến nông thôn trở thành một nơi đáng sống nhất giữa bối cảnh thành thị đang mỗi lúc một chật chội, ô nhiễm. 

Công tác quy hoạch đất đai hoàn thành, chỗ thì làm khu dân cư, chỗ làm nơi sản xuất, chăn nuôi tập trung đã hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nước thải. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn Trấn Yên từ một thôn nghèo, đường sá chật hẹp, vườn tạp, không có giá trị kinh tế, nay đường làng đã được rải bê tông phẳng lỳ, rộng rãi, hai bên đều có hàng rào cây xanh hay các đường hoa rực rỡ sắc màu… 

Trên các cánh đồng, hệ thống kênh mương cơ bản đã được cứng hóa, bờ vùng, bờ thửa, máy móc xuống tận ruộng. Sống trong những làng quê không khí trong lành, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, già thì mừng, trẻ thì háo hức. 

Bà Nguyễn Thị Nhã, thôn 2, xã Đào Thịnh năm nay đã 81 tuổi, phấn khởi: "Người già chúng tôi giờ chỉ mong sống lâu để chứng kiến sự đổi mới của quê hương. Xóm làng đẹp như tranh, đời sống người dân ngày càng có "của ăn của để”, nằm ngoài những mong ước của thế hệ chúng tôi". 

Được gặp gỡ và trò chuyện với người dân ở đây, mới thấy được thành quả của nông thôn mới, không chỉ có nhà cửa, đường sá, công trình mới, đẹp mà điều quan trọng nhất là con người mới, suy nghĩ mới, cách thức sản xuất, cách ứng xử và lối sống mới. Truyền thống đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư trong hành trình xây dựng huyện nông thôn mới lại càng được phát huy và trở thành nền tảng và động lực để cán bộ và nhân dân phấn đấu làm nên những giá trị to lớn hơn. 

"Để có được như ngày hôm nay, cán bộ và bà con nhân dân đã phải vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy chúng tôi phải quyết giữ gìn và phát huy thành quả chung, không được thỏa mãn, dừng lại… đây là suy nghĩ và định hướng chung của cán bộ và nhân dân Trấn Yên trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới" - ông Nguyễn Thế Phước - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên trong niềm vui ngày huyện được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và vùng Tây Bắc đã chia sẻ. 

Diện mạo nông thôn Trấn Yên đang đổi thay từng ngày theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất dần đồng bộ, đời sống tinh thần và vật chất của người dân tăng cao. Tuy còn nhiều việc phải tiếp tục làm để không chỉ duy trì bền vững thành quả đã đạt được mà còn vươn tới những mục tiêu cao hơn, nhưng thực sự nhiều miền quê ở nơi này đã và đang khẳng định là nơi đáng sống, đáng yêu!

Trấn Yên ngày  27/2/2020
 Quang Thiều

Tags Trấn Yên Đào Thịnh làng xanh đường sạch

Các tin khác
Anh Nguyễn Ngọc Khuyến giác hơi cho khách.

Số phận không may lấy đi đôi mắt, nhưng đã cho anh Nguyễn Ngọc Khuyến đôi bàn tay khéo léo, tinh tế với nghề tẩm quất. Bằng nghị lực sống, anh đã chứng minh cho mọi người thấy người mù có thể vượt lên bóng tối, tìm thấy ánh dương và làm chủ cuộc sống bằng chính sức lao động của mình.

Phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã góp phần nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trạm Tấu đa phần là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trước kia tưởng như khó có thể thay đổi trong nếp sống, hủ tục lạc hậu nhưng giờ thì những việc vui như đám cưới đã tiết kiệm hơn, không còn thách cưới cao, thủ tục đơn giản mà ấm áp, trang trọng; việc tang không còn cảnh cỗ bàn linh đình. Đó là kết quả từ một phong trào của toàn dân.

Lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái (thứ 2 bên phải sang) trao số tiền 6 tỷ đồng để xây dựng Trường Mầm non Bình Minh.

Tháng Giêng, đào mận đã bung sắc, cây rừng đã bật lộc non, nhưng cái rét vẫn còn vương vấn núi đồi Làng Nhì - Trạm Tấu. Đoàn cán bộ lãnh đạo của tỉnh do đồng chí Đặng Trần Chiêu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh dẫn đầu, cùng các cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Yên Bái, ngược dốc cao Phình Hồ, đi xuyên qua màn sương trắng đục để lên tới xã vùng cao Làng Nhì.

Bí thư Đoàn phường Cầu Thia Hoàng Văn Hòa (thứ 3, trái sang) trong lễ khởi công xây nhà nhân ái.

Đến Nghĩa Lộ những ngày đầu xuân, mưa giăng bụi trắng, tôi tìm gặp Hoàng Văn Hòa - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, một trong những tấm gương dân vận khéo của Thị ủy Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục