Yên Bái là tỉnh miền núi có 30 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 56,24% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Tày chiếm 18,3%, Dao 11,5%, Mông 12,2%, Thái 7,18% còn lại là các dân tộc khác như: Mường, Nùng, Sán Chay, Khơ Mú, Hoa, Phù Lá…
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, củng cố niềm tin với Đảng và Nhà nước.
Hệ thống chính sách toàn diện
Do vậy, trong 5 năm từ 2016 - 2020, bằng nguồn lực đầu tư của Nhà nước qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, kinh tế địa bàn vùng DTTS của tỉnh đã có sự tăng trưởng đáng kể. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đã thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng được cải thiện một bước góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống và sự phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc.
Ông Trần Xuân Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Cơ quan công tác dân tộc các cấp thể hiện được vai trò tham mưu thực hiện công tác dân tộc nói chung và chính sách dân tộc nói riêng, góp phần quan trọng đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc vào cuộc sống”.
Từ điều kiện thực tế của tỉnh, hệ thống chính sách được phân chia thành 3 nhóm: nhóm chính sách theo dân tộc và nhóm dân tộc mang tính đặc thù từng dân tộc và nhóm dân tộc; nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo vùng, theo địa bàn; nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo lĩnh vực, theo ngành.
Nhóm chính sách này được Yên Bái phân thành 8 lĩnh vực về: hỗ trợ phát triển sản xuất; giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; nước sạch, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển giáo dục và đào tạo; bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, thông tin tuyên truyền; y tế, dân số, chăm sóc sức khỏe; củng cố hệ thống chính trị vùng DTTS & miền núi và phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý.
Nguồn lực đầu tư và kết quả thực hiện các chính sách về phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: điện, giao thông, thủy lợi, trường, trạm… ở vùng dân tộc và miền núi được huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và toàn xã hội để ưu tiên thực hiện các chính sách phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Bình quân hàng năm, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho vùng cao, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt trên 2.800 tỷ đồng, chưa tính vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn xã hội hóa, chiếm trên 60% so với toàn tỉnh để tập trung đầu tư, hỗ trợ các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, khai hoang ruộng nước; hỗ trợ xuất khẩu lao động; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số...
Ông Lý Đạt Lam - Trưởng phòng Dân tộc huyện Lục Yên cho biết: "Giai đoạn 2015 - 2019, qua các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ... từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, huyện được đầu tư trên 113 tỷ đồng để xây dựng các công trình cầu, ngầm, rãnh thoát nước, kiên cố hóa mặt đường phục vụ đi lại và giao thương hàng hóa cho người dân. Thực hiện hiệu quả các chính sách đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, xây dựng Lục Yên ngày càng giàu đẹp”.
Tỉnh Yên Bái từ chỗ đường liên xã, liên bản chủ yếu là đường mòn, đi lại khó khăn, đến nay, 100% xã có đường ô tô đến được trung tâm; 100% số bản đi được xe máy trong mùa khô; các công trình thuỷ lợi đã đảm bảo tưới ổn định; 100% số xã có điện lưới quốc gia, trên 97% số hộ được dùng điện; trên 90% số xã có hạng mục công trình thủy lợi nhỏ, gần 90% đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa; 100% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 89% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; trên 78% số phòng, lớp học được kiên cố hóa...
Nội dung, hệ thống chính sách được tỉnh thực hiện khá toàn diện đã tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng DTTS, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chính sách phát triển sản xuất, sinh kế, các chính sách về dân số, y tế và chăm sóc sức khỏe, các chính sách về sử dụng cán bộ người DTTS và người có uy tín trong đồng bào vùng DTTS, các chính sách về bảo tồn và phát triển văn hóa, thông tin truyền thông… góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS.
Thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền
Trên bãi đất rộng ven quốc lộ 32, chúng tôi gặp vợ chồng bà Lý Thị Xua ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. Người cắt cỏ, người thì trông đàn trâu của gia đình. Tuy không còn trẻ nhưng hai ông bà vẫn mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải để nuôi trâu sinh sản. Đàn trâu bây giờ giờ trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Đó là một số tiền lớn với một hộ như nhà bà Xua, nhưng quan trọng hơn cả là gia đình bà đã biết sử dụng đồng vốn vay của ngân hàng để xóa nghèo. Vợ chồng bà chỉ là một trong rất nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS được hưởng lợi từ nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay, toàn tỉnh có 36.403 hộ nghèo, 10.723 hộ cận nghèo và 3.231 hộ mới thoát nghèo hiện đang dư nợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Trong đó, từ năm 2016 đến nay đã có 21.845 hộ nghèo, 5.771 hộ cận nghèo, 1.790 hộ mới thoát nghèo được xét duyệt cho vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất với mức vay bình quân đạt 37,3 triệu đồng/hộ.
Các nguồn vốn khác như cho vay chương trình học sinh, sinh viên, hộ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, giải quyết việc làm hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn... được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng quy định và phát huy hiệu quả.
Từ đó, góp phần thay đổi tập quán, phương thức sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực ở vùng cao và từng bước hình thành một số sản phẩm hàng hóa đặc trưng, chủ lực, có giá trị kinh tế cao, như: sơn tra, chè Shan, quế, tre măng Bát độ, cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm...
Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm xây dựng. Nhiều thôn, bản và gia đình người DTTS được công nhận là đơn vị văn hóa và gia đình văn hóa; hệ thống phát thanh, truyền hình từ chỗ còn nhiều vùng chưa phủ sóng đến nay đã phủ sóng phát thanh 100% trên địa bàn; 100% số xã có trường tiểu học, trạm y tế.
Các hoạt động văn hóa - thể thao được duy trì; những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Đến nay, hầu hết đồng bào đã biết đến trạm y tế, bệnh viện để khám, chữa bệnh. Năm 2019, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 98,5%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96,8%, tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 124 đơn vị…
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn thị xã được quan tâm. Vai trò của các nghệ nhân, những người am hiểu, yêu thích văn hóa dân tộc được phát huy. Các lễ hội dân gian, phong tục tập quán của các DTTS được sưu tầm và bảo tồn như: Lễ hội Rằm tháng Riêng, Hội Hạn Khuống, lễ hội Xên Bản, Xên Mường, tết Xíp xí, lễ hội Khai Hạ, lễ hội cúng Thành Hoàng làng... Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu”.
Năm 2019, thị xã Nghĩa Lộ có trên 90% hộ gia đình; 82% tổ dân phố, thôn, bản; 91% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. Hệ thống phát thanh - truyền hình tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. 100% xã, phường có hệ thống truyền thanh cơ sở. Hàng ngày đều có chương trình phát thanh tiếng Thái để phục vụ đông đảo nhân dân vùng DTTS.
Trong thời gian qua, Yên Bái đã xây dựng, thực hiện nhiều chính sách dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, chú trọng sự kết hợp giữa đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, trách nhiệm của chính quyền địa phương, sự tham gia của người dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội; các chính sách đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc, nâng cao niềm tự hào, tin tưởng của đồng bào các DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mặc dù vậy, trong công tác dân tộc, Yên Bái cũng còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Từ 2016 đến nay, tổng vốn hỗ trợ Chương trình 30a có mục tiêu cho hai huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải là 225.982 triệu đồng; Chương trình 135, tổng vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn 608.546 triệu đồng; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, tổng vốn hỗ trợ 2.222 triệu đồng. Tổng nguồn vốn đã bố trí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 3 năm (2016 - 2018) 982.908 triệu đồng; hỗ trợ mua 1.609.667 lượt thẻ bảo hiểm y tế cấp cho người nghèo, người cận nghèo, người DTTS sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... |
Thành Trung
Bài 2: Khó khăn cần vượt qua