Lúc mới vào nghề, chuyến công tác đầu tiên lên Mù Cang Chải, tôi phải đằng đẵng từ sáng sớm đến 9 giờ đêm đi xe khách trên những cung đường đầy "ổ trâu” mới đến được trung tâm huyện. Khi ấy, Mù Cang Chải còn nghèo lắm. Thế nhưng, khi về các xã: Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình… ấn tượng thật mạnh mẽ, mới mẻ với tôi, đó là trong nét không gian còn đầy vẻ hoang sơ, nghèo khó ấy, là hình ảnh sự kỳ vĩ của ruộng bậc thang.
Chợt nghĩ, ở quê mình ruộng đồng bằng phẳng, mênh mang là thế, mà bà con canh tác còn thấy khó. Vậy mà, ở đây ruộng bé tí, vòng vèo bám lấy sườn núi dốc tồng tộc cứ vời vợi mãi lên những đỉnh núi cao… Chắc hẳn, người Mông phải có một tư duy, nghị lực thật phi thường mới làm được điều đó?
Trong dòng cảm xúc miên man, lạ lẫm ấy, thật may, tôi gặp ông Giàng Xáy Sinh - nguyên Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải. Lúc ấy, ông đã nghỉ hưu, nhưng tỉnh vẫn giao trọng trách làm phái viên đặc biệt để theo dõi, tham mưu cho công tác lãnh đạo của tỉnh với các địa phương vùng cao có đông đồng bào Mông sinh sống. Hôm ấy, ông lên huyện dự hội nghị sơ kết việc phát triển cây chè Shan ở Mù Cang Chải. Nhà khách của huyện chỉ có hai bác cháu. Thế nên, tôi tha hồ mà hỏi bác bao điều chưa biết về ruộng bậc thang.
Từ những câu chuyện ấy, tôi dần hiểu về cách bà con mở ruộng bậc thang; cách làm thủy lợi… và biết ruộng bậc thang trước kia cũng không nhiều lắm; trồng ngô là chính để làm mèn mén, nấu rượu, chăn nuôi, trồng khoai, rau màu; còn lúa nương thì canh tác chủ yếu trên triền núi, lúa nước thì cấy ở chân ruộng thấp.
Sau này, "say” với tìm hiểu về ruộng bậc thang, tôi lại được biết đến ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn có một cán bộ xã là người Mông được phong Anh hùng Lao động, vì có nhiều công lao phát triển ruộng bậc thang cấy lúa nước ở Khu tự trị Tây Bắc.
Ông là Giàng A Thào - cán bộ xã Sùng Đô. Câu chuyện về người anh hùng ngày ấy cho biết, việc canh tác ruộng bậc thang của đồng bào Mông phía Tây tỉnh Yên Bái mới chỉ phát triển mạnh vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Việc vận động người Mông cấy lúa nước ở ruộng bậc thang lúc ấy vô cùng khó khăn, vì hệ thống thủy lợi không có, khí hậu khắc nghiệt, thiếu kinh nghiệm sản xuất… nên ít ai tin rằng, cấy lúa sẽ được ăn.
Tuy nhiên, Giàng A Thào luôn vững tin vào sự chỉ đạo của huyện làm lúa nước ở ruộng bậc thang chắc chắn sẽ được nhiều lúa ăn như ở vùng thấp. Vậy là, ông cùng cán bộ huyện ngày đêm vận động nhân dân đi tìm nguồn nước, làm thủy lợi khai phá ruộng bậc thang cấy lúa nước. Gia đình ông và mấy nhà họ hàng làm trước. Cán bộ huyện lên cấp giống, tận tình giúp đỡ kỹ thuật. Để rồi, lúa nước cấy thành công trên ruộng bậc thang. Giàng A Thào được Khu tự trị Tây Bắc mời đi làm chuyên gia kỹ thuật mở ruộng bậc thang cấy lúa nước ở khắp các vùng người Mông sinh sống.
Điểm bứt phá từ những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, có thể coi như dấu mốc để ruộng bậc thang phát triển mạnh khắp vùng Tây Bắc; trong đó, ruộng nhiều và đẹp nhất là ở Mù Cang Chải. Tuy nhiên, qua nhiều năm tìm hiểu về ruộng bậc thang nói chung ở Mù Cang Chải đã cho thấy, các nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, quảng bá, phát triển kinh tế; trong đó, có kinh tế du lịch ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải mới chỉ tiếp cận ở những khía cạnh đơn lẻ về cảnh quan, văn hóa tộc người, kỹ thuật canh tác, kinh tế du lịch…
Cho đến cuối năm 2019, sau nhiều nỗ lực, tỉnh Yên Bái đã tổ chức một hội thảo khoa học làm cơ sở đi đến xét công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Một trong những mục tiêu quan trọng cần đạt được tại hội thảo như ý kiến của đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong đề dẫn là, các nhà khoa học cần giúp đỡ tỉnh làm rõ những giá trị lịch sử và khoa học đúng với tầm vóc của di tích. Đồng thời, tư vấn giúp tỉnh về công tác quản lý và khai thác để mang lại lợi ích thiết thực với người dân gắn với bảo vệ và phát triển di tích…
Với tinh thần đó, Hội thảo đã tạo được sự đồng thuận cao về nhận thức và tập hợp được nhiều ý kiến tâm huyết của đoàn công tác với 17 giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đầu ngành là thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về hệ giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Tựu chung, các ý đều thống nhất nhận định, hệ giá trị của ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải được nhìn theo phổ không gian từ trên xuống dưới theo một thể thống nhất tương hỗ nhau với gạch nối: "Hệ sinh thái rừng - sự tác động của con người vào thiên nhiên tạo nên giá trị kinh tế và văn hóa từ ruộng bậc thang - những giá trị tăng thêm”.
Trước hết, đối với hệ sinh thái rừng, theo ý kiến của các chuyên gia, đây là yếu tố quyết định trước tiên để làm nên ruộng bậc thang; nghĩa là, phải có nguồn nước từ rừng. Tiếp đến, hệ sinh thái rừng với đa dạng sinh học vừa tạo sự hài hòa của khí hậu, vừa có nhiều nguồn lợi từ rừng như: mật ong, củi, gỗ làm nhà, thịt thú rừng, rau, củ, quả… để con người duy trì cuộc sống và canh tác.
Đồng thời, hệ sinh thái rừng mới có độ nghiêng địa chất phù hợp để tạo ra ruộng bậc thang. Cùng đó, nhìn ở góc độ tổng thể, cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải sẽ không thể hấp dẫn, nếu không được lồng vào khung cảnh hệ sinh thái rừng tự nhiên…
Về sự tác động của con người vào thiên nhiên, theo các chuyên gia, đây là vấn đề nhân lõi của di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang. Bởi lẽ, từ xa xưa, chủ nhân văn hóa ruộng bậc thang (người Mông) đã vận dụng sức lực, tư duy sáng tạo từ đời này qua đời khác để cải biến một môi trường sinh thái, địa chất tự nhiên phức tạp, khắc nghiệt về khí hậu trở thành môi trường canh tác lương thực, thực phẩm phù hợp và hiệu quả nhất. Sự tác động của con người vào thiên nhiên, còn là yếu tố hạt nhân sản sinh ra các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể.
Cụ thể là, sản sinh tình cảm, sự cấu kết cộng đồng trong mở ruộng, xua đuổi muông thú bảo vệ mùa màng, giữ làng, giữ đất, chia sẻ lợi ích từ thiên nhiên và thành quả lao động. Lao động là môi trường hình thành nên phẩm chất lao động cần cù, nghị lực vượt khó, tư duy sáng tạo để tạo ra các công cụ lao động, kỹ thuật điển hình nhất trong canh tác ruộng bậc thang; là nơi sản sinh ra các làn điệu dân ca dân vũ về tình yêu con người trong lao động; là những tập quán rất đặc thù riêng có của người Mông trong lao động và sinh hoạt thường nhật; là những nét tâm linh trong tục thờ cúng thần linh bảo trợ sản xuất như thờ thần núi, thần nước, ma nhà qua nghi lễ cúng cơm mới và tục cúng cầu mùa…
Thậm chí, có cả những nét văn hóa đặc thù huyền bí không biết được tạo nên tự khi nào qua những hình họa ở bãi khắc đá cổ tại xã Lao Chải, khiến các nhà khoa học luôn dày công, tâm huyết mà vẫn chưa có sự giải mã thỏa đáng về ý nghĩa trong từng nét khắc…
Về giá trị tăng thêm, đó chính là những lợi ích được phát sinh từ hoạt động du lịch. Bản chất của hệ sinh thái rừng hay việc canh tác ruộng bậc thang thuở ban đầu chỉ là để giúp cư dân bản địa thỏa mãn nhu cầu về vật chất.
Tuy nhiên, vì ruộng bậc thang và hệ sinh thái rừng ở Mù Cang Chải với vẻ đẹp kỳ vĩ, riêng có của nó, gần đây lại trở thành nhu cầu, khát khao được thưởng ngoạn của những con người ở nơi khác kể cả trong và ngoài nước.
Vì thế, cư bản địa bỗng dưng được hưởng lợi từ các hoạt động như du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch mạo hiểm… thông qua việc cung ứng cho du khách các loại hình dịch vụ: ăn nghỉ, vận tải, tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương, dịch vụ nghỉ dưỡng và chữa bệnh bằng y học cổ truyền, bán hàng lưu niệm; được hưởng những ưu tiên từ sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chính sách đặc thù để bảo tồn, phát triển giá trị của di tích ruộng bậc thang gắn với nâng cao đời sống vật, chất tinh thần của nhân dân…
Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, có tác động trực tiếp đến tinh thần, trách nhiệm của người dân địa phương hợp sức cùng Nhà nước trong bảo tồn, phát triển Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Hoàng Nhâm