Rất nhiều ngày qua, bước chân của họ in trên những con đường lên núi, tới thôn bản ở những xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một tuần 5 ngày thì 3 ngày họ tới tận thôn bản, gõ cửa từng nhà, gặp gỡ từng học sinh để chăm lo, duy trì việc học tập của các em.
Vẫn những tập sách vở, giáo án, ba lô cùng … cá khô, rau xanh, không quên bánh kẹo để động viên học trò như hành trang gắn liền tuổi thanh xuân bám trường, bám lớp nơi đất núi, hành trang của họ hôm nay có thêm những tài liệu tuyên truyền phòng chống dịch.
Thầy giáo Sầm Đức Hiển ở Trường PTDTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng tâm sự: "Chúng tôi dạy học ở những xã vùng cao vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn, vất vả hơn nhiều. Một tuần 3 lần, không kể nắng mưa, chúng tôi mang bài tập đến tận nhà, thực hiện kiểm tra bài, hướng dẫn làm bài, giao bài, thu bài tập tại nhà cho học sinh để các em không bị hổng kiến thức. Vừa dạy học, vừa tuyên truyền, hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh”.
Bài học của các em những ngày này cũng rất khác. Những cái chữ, những con số không viết trên bảng đen nơi bục giảng, kiến thức không còn học trên lớp mà học ngay tại nhà. Không chỉ vậy, trong bài học còn có thêm những kiến thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid - 19, về các bước phòng chống dịch bệnh, về những việc cần làm trong thời điểm dịch bệnh có nguy cơ lây lan…
Em Đặng Thị Mủi - học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng nói: "Trong thời gian nghỉ học, ở nhà để phòng chống dịch bệnh, thầy cô thường xuyên mang bài tập đến tận nhà giao cho chúng em. Bài khó, các thầy cô đã hướng dẫn em kỹ càng. Các thầy cô còn hướng dẫn em chống dịch bệnh Covid - 19 bằng việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, không đến nơi đông người… như hướng dẫn 10 điều người dân Yên Bái cần làm của tỉnh, huyện”.
Với sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của thầy cô, các em đã nâng cao ý thức học tập, hàng ngày đã bố trí thời gian hợp lý để học bài, viết chữ, làm toán, lại thường xuyên rửa tay, sát khuẩn và các em cũng là "chiến sĩ” khi tuyên truyền tới bạn bè, gia đình, người dân trong làng, trong bản thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thầy giáo Lương Văn Thu - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng cho biết: "Các thôn bản ở rất xa nên quá trình thực hiện giao bài, thu bài tập tại nhà cho các em học sinh của các thầy cô giáo rất vất vả. Đầu tuần, nhà trường phân công các nhóm để giao bài, hướng dẫn các em làm bài tại nhà. Qua các tuần giao bài tập tại nhà cho các em, chúng tôi thấy các em đã rất chú tâm học tập, sắp xếp thời gian hợp lý để học bài, làm bài tập tại nhà và rất có ý thức trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid - 19”.
Khi chúng tôi đến Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu, cô giáo Lương Thị Tuyết tâm sự rằng sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý 2020, một ngày làm việc của cô và các thầy cô giáo ở trường đã trở nên vô cùng đặc biệt khi cả nước, cả tỉnh và huyện dồn sức, chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Với thầy cô ở vùng cao Nà Hẩu này, công việc giảng dạy vốn đã khó khăn, vất vả, nay sự khó khăn, vất vả ấy lại tăng lên gấp nhiều lần.
Các thầy giáo Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng kiểm tra, hướng dẫn học sinh làm bài tập tại nhà.
Khâm phục và trân quý thay, không vì thế mà lòng yêu nghề, tình thương yêu và lo toan, chăm sóc học sinh bị giảm sút. Thay vì hằng ngày đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh, thì hôm nay trong căn phòng công vụ chật hẹp, cô giáo Tuyết chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, chương trình công tác của mình và soạn đề cương ôn tập, làm đề bài tập giao cho các em học sinh ôn luyện kiến thức tại nhà.
Để giúp các em nâng cao ý thức trong việc học tập và có thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh Covid - 19. Cô cũng như bao thầy cô giáo khác của các trường phổ thông ở Nà Hẩu đã bấm chân qua những chặng đường trơn trượt, dốc đá, lần qua từng con suối, bất kể nắng mưa để tới tận từng thôn bản, gia đình mà giao bài, giảng dạy, thu bài tập tại nhà của học sinh và tuyên truyền, hướng dẫn các em, gia đình, dân bản phòng chống dịch bệnh. Học sinh có kiến thức, người dân có thông tin, kỹ năng phòng chống dịch bệnh - đó là niềm động viên lớn để cô giáo Tuyết cùng các đồng nghiệp tiếp tục kiên trì trong cuộc chiến chống dịch.
Văn Yên hiện có 64 đơn vị trường học ở 25 xã, thị trấn, trong đó có trên 20 đơn vị trường thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Trong những ngày cao điểm tháng Tư phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, chúng tôi đã gặp và chia sẻ những điều "tai nghe, mắt thấy” với thầy giáo Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thầy giáo xúc động: "Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các chỉ thị, chỉ đạo của tỉnh, ngành giáo dục đào tạo và huyện Văn Yên, gần 1.000 thầy cô giáo công tác tại địa bàn vùng cao như Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Nà Hẩu, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Đại Sơn đã miệt mài "gánh chữ”, xuyên rừng đến từng bản, làng xa xôi để duy trì việc học tập cho học trò của mình. Giảng dạy, giao bài, kiểm tra, các giáo viên còn là những tuyên truyền viên thực sự trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh ở mỗi bản, làng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Từ đó, trên 20.000 học sinh đã không bị gián đoạn việc học tập, hình thành được ý thức học tập trong bất cứ hoàn cảnh nào”. "Gieo chữ” ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã khó, vừa "gieo chữ” vừa tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho học trò, cho người dân nơi này sao cho hiệu quả còn khó khăn hơn rất nhiều, không chỉ là thời tiết, là đường sá… còn vì các thầy cô phải nghe hiểu và nói thuần thục "tiếng đồng bào” và phong tục, tập quán của đồng bào, nhưng những "người giáo viên nhân dân” ấy ở vùng cao Văn Yên đã chọn và đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp và dốc lòng, dốc sức cùng toàn dân ta"chống giặc”.
Trên 20.000 học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Văn Yên đang học ở nhà với 1.000 thầy cô giáo ở Văn Yên đã và đang vượt bao khó khăn làm nhiệm vụ "nhà giáo - chiến sĩ”. Những ngày "dịch giã”, lại nhắc nhớ về lời hát trong ca khúc "Một rừng cây, một đời người” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? Ai cũng một thời thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình…”. Vâng, những "nhà giáo - chiến sĩ” ấy đã chọn và họ đang dốc lòng, dốc sức cho sự nghiệp "trồng người”. Trong gian khó, họ lặng thầm "tỏa sáng”!
Thu Nhài - Mỹ Vân (Trung tâm TT&VH huyện Văn Yên)