Thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới”, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ), Yên Bái đã lựa chọn triển khai tại 3 trạm y tế cấp xã điểm ở huyện Trấn Yên là Việt Hồng, Báo Đáp và thị trấn Cổ Phúc. Đến nay, sau gần 2 năm hoạt động đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Mô hình điểm
Từ khi trở thành một trong 3 trạm y tế đầu tiên thực hiện theo mô hình nguyên lý YHGĐ, Trạm Y tế xã Việt Hồng thuộc xã vùng 3 của huyện Trấn Yên đã có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các phòng chức năng cùng các trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Năm 2018, Trạm được khảo sát, cán bộ y tế được đào tạo chuyên môn theo từng lĩnh vực. Quan sát của phóng viên, cơ sở vật chất được sửa chữa, nâng cấp, thiết bị văn phòng được trang bị bàn ghế, máy vi tính; trang thiết bị y tế hiện đại đã có máy đo huyết áp tự động, máy điện tim 6 kênh...
Hiện, Trạm có 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, 1 y sĩ đa khoa, 1 kỹ thuật viên xét nghiệm, 2 nữ hộ sinh và 6/6 bản có nhân viên y tế thôn, bản. Tuy còn khó khăn nhưng trước đó, Trạm đã có sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết nên khi vận hành mô hình rất thuận lợi.
Đưa chúng tôi đi tham quan, giới thiệu một số trang thiết bị y tế được đầu tư, bác sĩ Vương Thị Hải Anh - Trạm trưởng Trạm Y tế xã phấn khởi cho biết: "Trạm luôn xác định làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở là quan trọng, góp phần giảm tải bệnh nhân lên tuyến trên. Hàng năm, Trạm đều làm tốt công tác tham mưu cho địa phương và phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe". Bác sĩ Anh nói.
"Từ năm 2019 đến nay, Trạm hoạt động theo nguyên lý YHGĐ, công tác khám, chữa bệnh (KCB) có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Điều này được thể hiện rõ ở năng lực của cán bộ y tế nâng lên, người dân được tiếp cận nhiều với các dịch vụ y tế. Hơn thế, giờ đây, phần lớn người dân được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ điện tử nên rất thuận lợi cho công tác khám, điều trị. Nhiều khi người bệnh quên không đến lấy thuốc, chúng tôi kiểm tra hồ sơ điện tử nhắc họ đến lấy thuốc và khám đầy đủ”.
Rời Việt Hồng, chúng tôi đến Trạm Y tế xã Báo Đáp thuộc xã vùng 2 của huyện, chứng kiến người dân ngồi xếp hàng chờ đến lượt khám, cán bộ y tế làm việc hăng say. Thấy chúng tôi đến, Trạm trưởng Phạm Văn Ánh dứt việc, chia sẻ: "Xã có 12 thôn, với trên 5.000 dân, khi Trạm hoạt động theo nguyên lý YHGĐ là cơ sở KCB ban đầu cho nhân dân, tại đây, người dân được tư vấn điều trị và chăm sóc sức khỏe, cũng như được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, mỗi người dân đều được lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe. Do đó, các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm được quản lý và điều trị tốt hơn ngay tại Trạm mà không phải lên tuyến trên khi chưa cần thiết như: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý tim mạch”.
Song song với công tác KCB cho nhân dân, các chương trình mục tiêu được triển khai có hiệu quả, nhất là công tác giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Cũng như Trạm Y tế xã Việt Hồng, Báo Đáp thì Trạm Y tế thị trấn Cổ Phúc thuộc vùng 1 cũng được đầu tư các điều kiện cần thiết để hoạt động theo nguyên lý YHGĐ phù hợp với điều kiện thực tế. Nhờ đó, người bệnh đến trạm y tế KCB ngày càng tăng, giảm tải cho cơ sở y tế tuyến trên, người dân được tiếp cận nhiều các dịch vụ y tế, rút ngắn được quãng đường đi lại.
Hiệu quả mang lại
Mô hình chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý YHGĐ đã giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế mới ngay tại trạm mà không phải đi đâu xa. Với mô hình này, mọi người dân đều được khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe.
Bà Đỗ Thị Hằng ở thôn Ngòi Hóp, xã Báo Đáp đi khám bệnh huyết áp có mặt tại Trạm Y tế xã từ rất sớm. Bà Hằng cho biết: "Trước đây, mỗi khi ốm đau, gia đình tôi đắn đo việc vào Trạm điều trị vì không yên tâm và thường xuống Trung tâm Y tế huyện để khám. Nhưng nay, Trạm được đầu tư nhiều trang thiết bị, cơ số thuốc nên tôi khám tại đây cho thuận tiện. Đặc biệt, thái độ, tinh thần của cán bộ y tế tận tình, chu đáo nên tôi yên tâm, tin tưởng và hài lòng với sự phục vụ ở đây”.
Đối với xã Việt Hồng, cách xa Trung tâm Y tế huyện nên người dân muốn được tiếp cận dịch vụ y tế mới còn khó khăn.
Ông Hoàng Văn Cương ở thôn Bản Xạ, xã Việt Hồng chia sẻ: "Mỗi lần ra Trung tâm Y tế huyện khám là một trở ngại vì đường xa, di chuyển khó khăn, tốn kém… Khi Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý YHGĐ, tôi đã đến đây khám, điều trị bởi các dịch vụ y tế mới, trình độ, thái độ phục vụ cán bộ y tế không ngừng nâng lên. Việc triển khai này rất thuận lợi với người dân ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa như chúng tôi”.
Tìm hiểu được biết, người dân bắt đầu có thói quen đến trạm y tế để kiểm tra sức khỏe, hỏi về cách phòng bệnh, việc ăn uống, sinh hoạt... Cũng từ đó, người dân ngày càng yên tâm, tin tưởng, số lượt đến khám, điều trị tăng, trung bình mỗi ngày khám từ 20 - 30 lượt người bệnh/ trạm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Thanh Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên cho biết: "Trước đây, với mô hình cung ứng dịch vụ truyền thống thì chủ yếu tập trung phát hiện bệnh lý và điều trị. Còn với mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ sẽ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, hướng tới dự phòng cho cộng đồng. Qua đây, người dân không phải vượt tuyến, được khám và điều trị gần nhà, giảm chi phí đi lại và chăm sóc. Ngoài các xã, thị trấn được triển khai thí điểm, Trấn Yên đã và đang nhân rộng ra 18 xã còn lại". Ông Quyết cho biết thêm.
"Theo đó, triển khai các kỹ thuật chuyên môn thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản tại các trạm có bác sĩ trên 70% và cơ số thuốc tăng có 241 loại. Bên cạnh đó, các trạm đã triển khai khởi tạo hồ sơ trên phần mềm quản lý y tế cơ sở đạt trên 70%, riêng 3 xã thực hiện nông thôn mới nâng cao là Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành đều đạt trên 90%. Do đó, từ 1/6/2019 đến nay, toàn huyện đã khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm 15.782 lượt, cập nhật quản lý 4.680 người mắc bệnh”.
Được biết, qua các đợt kiểm tra tại các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ cho thấy, cơ sở vật chất của các trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng công tác KCB cho người dân. Các mô hình này đã và đang hoạt động hiệu quả, số bệnh nhân tăng hơn trước.
Nhìn lại quá trình hoạt động của các trạm y tế được triển khai thí điểm, bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: "Yên Bái đang thực hiện nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Trước mắt, tiếp tục tiến hành rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để các trạm có đủ các phòng chức năng. Cùng với đó, bổ sung thêm các trang thiết bị, máy móc, bảo đảm cho trạm y tế tuân thủ đúng nguyên lý YHGĐ".
"Tới đây, Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện mô hình; nâng cao năng lực về công tác KCB, đảm bảo nhân lực cho các trạm y tế; bố trí bác sĩ công tác tại trạm, tăng cường hỗ trợ bác sĩ từ bệnh viện tuyến trên cho các trạm y tế. Đặc biệt, quan tâm đến công tác điều trị bệnh mãn tính. Cùng với đó, Sở bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc theo quy định, nâng cao công tác quản lý, tư vấn sức khỏe cho nhân dân... Với mục tiêu và tầm quan trọng của mô hình trạm y tế xã là nơi đầu tiên đón tiếp và chăm sóc sức khỏe cho người dân, Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý YHGĐ”. Bà Vân nói.
Qua thời gian hoạt động, hiệu quả các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ là rõ nét, điều này được thể hiện ở sự hài lòng của người bệnh. Thiết nghĩ, tới đây, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế xã hơn nữa để thực hiện vai trò là cơ sở y tế tuyến đầu. Không chỉ vậy, cán bộ y tế phát huy tinh thần trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể làm những việc theo "Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở” bắt buộc phải thực hiện; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời… Có như vậy, trạm y tế xã sẽ đáp ứng tốt nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.
Y học gia đình là một chuyên ngành cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng cá nhân và gia đình. YHGĐ phát triển theo sự phát triển của kinh tế - xã hội và nguồn lực đầu tư cho y tế. YHGĐ có nhiều nguyên lý nhưng trong đó có 6 nguyên lý cơ bản quan trọng nhất, gồm: đa khoa tổng quát (chăm sóc phối hợp); chăm sóc liên tục; chăm sóc toàn diện; hướng cộng đồng; hướng gia đình; hướng dự phòng.
|
Trần Minh