Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi về các xã: Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp… huyện Trấn Yên để tìm hiểu về những khó khăn, vất vả của những người làm nghề "ăn cơm đứng” trong dịch bệnh Covid-19.
Đối với những người làm nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên cũng không ngoại lệ, sản phẩm kén tằm của họ làm ra các công ty, doanh nghiệp, tư thương thu mua không xuất khẩu được, giá kén giảm gần 50%, dẫn đến thu nhập của hàng nghìn lao động ở đây cũng bị giảm rất nhiều, song những hộ làm nghề "ăn cơm đứng” ở Trấn Yên vẫn bám sát đồng ruộng chăm sóc cây dâu, nuôi tằm vừa để giữ nghề truyền thống vừa có thu nhập đảm bảo cuộc sống chờ dịch bệnh qua đi.
Khác với những nghề may, kinh doanh, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch… phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch bệnh, thì những nông dân ở đây vẫn có việc làm. Họ cần mẫn chăm sóc, hái lá dâu bên những cánh đồng xanh mướt trải dài dọc ven bờ sông Hồng hàng chục ki-lô-mét từ xã Việt Thành, Đào Thịnh đến Báo Đáp.
Anh bạn cùng đi cho xe đỗ vào lề đường, rồi chúng tôi cùng ra đồng hái lá dâu với bà con nông dân. Đứng bên ruộng dâu xanh tốt qua đầu người, chị Phạm Thị Huyền ở thôn 1, xã Đào Thịnh giãi bày: "Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên những người nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm chúng em cũng giảm thu nhập rất nhiều. Đầu vụ thì bán được 1 lứa giá 80.000 đồng/kg kén, những lứa sau giảm dần xuống còn 65.000 đồng/kg (giá Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc thu mua), còn giá tư thương thu mua chỉ từ 50.000 – 60.000/kg.
"So với năm trước thu nhập của gia đình cũng bị giảm mất gần một nửa, nhưng gia đình em và các hộ trong xã vẫn quyết tâm giữ nghề để có thu nhập đảm bảo cuộc sống, chứ đi làm thuê bây giờ cũng chẳng có ai thuê nữa…” - chi Huyền nói.
- Gia đình chị có mấy sào dâu - tôi hỏi?
- Gia đình em có 2 mẫu, diện tích của gia đình có 8 sào, còn 1,2 mẫu là thầu của các hộ khác. Năm 2019, phải trả mất 12 triệu đồng tiền thầu, năm nay giá kén giảm gần một nửa, em đang xin giảm giá, chứ không lãi chẳng được bao nhiêu. Vào đợt tằm ăn rộ những vụ trước, em phải thuê từ 2 – 3 lao động hái lá, năm nay không dám thuê người nữa - chị Huyền đáp lời.
- Năm 2019, chị thu được bao nhiêu kén?
- Tổng thu hai vụ được trên 1 tấn kén, bán giá lúc cao được 120.000 đồng/kg, lúc thấp cũng được 100.000 đồng/kg, thu được khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí công hái lá, vật tư, phân bón đi còn lãi trên 90 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, em đã nuôi 4 lứa, mới bán 2 lứa được 110 kg, giá lứa đầu bán cho Công ty được 80.000 đồng/kg, lứa thứ 2 Công ty giảm xuống còn 65.000 đồng/kg, nhưng so với tư thương thu mua vẫn cao hơn từ 5 – 10 giá.
- Chị và các hộ dân trong xã hay bán kén tằm cho Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc hay bán cho các cơ sở tư thương?
- Cũng tùy từng đợt nuôi, có lứa bán cho Công ty, có lứa thì bán cho tư thương, mình ứng giống của ai thì phải bán cho người đó. Vì trong huyện rất nhiều hộ nuôi, Công ty không thể cung ứng đủ giống và thu mua hết kén cho dân được…
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến xã Báo Đáp - một địa phương có diện tích dâu tằm lớn của huyện Trấn Yên. Mặc dù bận họp giao ban đầu tuần nhưng khi thấy nhà báo đến tìm hiểu về chuyện cây dâu, con tằm trong dịch Covid–19, anh Trần Đức Tiến – Quyền Chủ tịch UBND xã Báo Đáp vẫn dành thời gian tiếp và cử cán bộ đưa đi gặp một số hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm.
Anh Tiến nhanh nhẹn mở quyển sổ công tác ra trao đổi: Xã hiện có khoảng 350 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích trên 132 ha dâu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá kén giảm mạnh, những hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm mất gần một nửa thu nhập rất xót ruột.
Năm 2019, sản lượng kén tằm của xã đạt gần 200 tấn, giá bán bình quân 100.000 đồng/kg kén mang về nguồn thu cho bà con nông dân khoảng gần 20 tỷ đồng; năm nay tuy giá xuống thấp nhưng xã cử cán bộ các ngành, đoàn thể vận động bà con nông dân vẫn duy trì nghề truyền thống để có thu nhập ổn định đời sống.
Trên địa bàn xã vẫn có những hộ có người đi làm may cho một số doanh nghiệp, làm nghề xe ôm, kinh doanh, dịch vụ làm đẹp… đã phải nghỉ không có việc làm hoặc tạm dừng kinh doanh không có thu nhập.
Vì vậy, đa số các hộ vẫn duy trì nghề nuôi tằm, chỉ có một vài hộ có đất rộng, tạm dừng không nuôi tằm nữa, chuyển sang ươm quế, nhưng họ cũng không bỏ nghề mà cho các hộ khác thuê diện tích dâu để nuôi tằm, khi giá kén tăng trở lại họ sẽ quay về với nghề truyền thống của mình.
"Theo kế hoạch, năm nay, xã sẽ trồng mới 20 ha dâu tại cánh đồng Đồng Trạng nhưng đến nay mới trồng được 4,5 ha, nguyên nhân là do giá kén giảm mạnh nên các hộ dân chưa muốn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm…” - Chủ tịch Tiến thông tin.
Sau khi nghe anh Tiến trao đổi, chúng tôi đến thôn Đồng Sâm, xã Báo Đáp tìm gặp ông Tăng Xuân Bình (người Trung Quốc) – một cổ đông của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc để tìm hiểu về nguyên nhân giá kén tằm giảm mạnh.
Ông Bình sang Việt Nam làm nghề tơ tằm đã lâu nên nói tiếng Việt khá tốt. Vừa rót trà mời khách, ông vừa thông tin nhanh: "Công ty chúng tôi về địa bàn huyện Trấn Yên hoạt động từ năm 2018 và được huyện cho đặt trụ sở tại xã Tân Đồng nhưng để tiện cho việc thu mua kén ở các xã trong huyện, chúng tôi nhờ các anh lãnh đạo xã Báo Đáp cho mượn điểm trường mầm non tại thôn Đồng Sâm, khi sáp nhập không dạy học nữa, làm điểm giao dịch với các hộ trồng dâu nuôi tằm thuận tiện hơn".
"Đầu vụ năm nay, Công ty thu mua giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg kén cho các hộ dân, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu của Công ty chủ yếu sang Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngừng giao dịch không bán được hàng, kén tằm thu mua phải bảo quản trong kho lạnh, để lâu trọng lượng giảm, chi phí tăng lên nhưng Công ty vẫn cố gắng thu mua cho nhân dân giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg…” - ông Bình cho hay.
Hộ ông Nguyễn Văn Thân ở thôn Đồng Sâm gần điểm thu mua kén tằm của Công ty, gia đình ông làm nghề trồng dâu nuôi tằm đã hơn 7 năm cũng nằm trong tình cảnh giảm gần 50% thu nhập như hàng trăm hộ khác làm nghề này ở Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Tân Đồng....
Ông Thân cầm né ô vuông đầy kén tằm lên buồn rầu: "Năm ngoái, tôi đầu tư toàn bộ né ô vuông để nuôi tằm, kén phát triển đều, sản lượng tăng hơn so với dùng né hình tam giác, khi thu hoạch kén một đầu to, một đầu nhỏ. Năm nay, tôi thầu thêm 5 sào dâu phải trả 5 triệu đồng/năm, dự kiến thu được 1,2 tấn kén nếu giá ổn định như những năm trước từ 90.000 - 110.000 đồng/kg thì thắng to. Nhưng thật không may do dịch bệnh giá kén xuống thấp, hiện nay, công ty chỉ mua 60.000 - 65.000 đồng/kg, hơn tư thương khoảng 5 - 10 giá tùy loại kén, thu nhập giảm đi, nhưng so với trồng lúa thì vẫn hơn nhiều, gia đình tôi vẫn giữ nghề để đảm bảo cuộc sống”.
Rời xã Báo Đáp, chúng tôi đến xã Việt Thành, hàng trăm hộ dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây vẫn cần cù bên những thửa ruộng, nong tằm. Tuy giá kén giảm mạnh, thu nhập giảm nhưng hộ nào cũng quyết tâm gắn bó với nghề nuôi tằm để có thu nhập, chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Anh Phan Văn Lợi ở thôn Phú Lan có hơn 4 sào dâu, năm nay, anh thầu thêm 4 sào nữa, mở rộng nhà nuôi tằm tăng thêm thu nhập. Khi giá xuống thấp, gia đình anh vẫn duy trì nuôi tằm, chăm sóc diện tích dâu hiện có.
Anh Lợi tâm sự: "Tôi mới làm nghề này được gần 2 năm, bảo là nghề "ăn cơm đứng” vất vả nhưng so với đi làm thợ nề, thợ thổ, cửu vạn thì nhàn hơn nhiều, sáng sớm đi hái dâu, trời nắng to về nghỉ, khi tằm ăn rộ thì vất vả hơn khoảng 5 – 6 ngày thôi. Vụ này, tôi đã nuôi được 2 lứa, thu được trên 70 kg kén, bán lứa đầu giá 85.000 đồng/kg kén, lứa sau được giá 65.000 đồng/kg, cũng thu nhập được khoảng 7 triệu đồng. Hiện tôi đang nuôi lứa thứ 3 và chuẩn bị nuôi lứa thứ 4…”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, dẫn đến giá kén tằm giảm mạnh nên các hộ nuôi tằm ở Trấn Yên vẫn đang bám sát đồng ruộng chăm sóc cây dâu nuôi tằm ổn định cuộc sống. Hiện nay, huyện Trấn Yên có gần 700 ha dâu, với khoảng 1.500 hộ nuôi tằm, tăng 300 hộ so với năm 2019.
Sản lượng kén tằm năm 2019 của huyện đạt gần 700 tấn; trong đó, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc thu mua gần 70 tấn, các cơ sở tư thương thu mua trên 600 tấn.
Sản lượng kén tằm 4 tháng đầu năm 2020, đạt 126 tấn, các cơ sở tư thương cung ứng giống cho các hộ dân nuôi đạt 120 tấn, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc đạt trên trên 6 tấn.
Giá kén tằm thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4 chỉ còn từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, tơ tằm không xuất khẩu được, làm giảm thu nhập của các hộ làm nghề nuôi tằm gần 50% và gây không ít khó khăn cho các cơ sở của tư thương, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc trong quá trình thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy giá kém tằm giảm thấp nhất từ trước đến nay, song huyện Trấn Yên vẫn tiếp tục có các chính sách hỗ trợ các hộ trồng dâu nuôi tằm tiền mua giống dâu để trồng mới, vật tư, phân bón, làm nhà tằm, né ô vuông để nuôi tằm, vì thế số hộ làm nghề nuôi tằm trong quý I năm nay của huyện vẫn tăng lên…
Tất cả các hộ nuôi tằm và các cơ sở thu mua kén tằm đều mong muốn, dịch bệnh sẽ nhanh qua đi, giá kén tằm tăng trở lại để người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu nhập ổn định như trước.
Minh Hằng - Thạch Phong