Đột phá “tam nông” - Bài 3: Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/6/2020 | 8:14:26 AM

YênBái - Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhất là thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo ra sự bứt phá vượt bậc, giá trị thu được trên mỗi héc-ta canh tác đã tăng rất mạnh và hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì vẫn còn có những hạn chế, những gam màu tối cần được tô sáng.

Một số nhóm sản phẩm chưa được đầu tư như sơ chế, giết mổ chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản do đó sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp.
Một số nhóm sản phẩm chưa được đầu tư như sơ chế, giết mổ chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản do đó sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp.



Nói về kết quả trong sản xuất nông - lâm nghiệp trong 5 năm qua, không ai có thể phủ nhận được, song nhìn một cách tổng thể cho thấy cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự chuyển dịch theo đúng hướng, nhưng vẫn còn chậm. Trong nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi vẫn đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong chăn nuôi thủy sản chưa thực sự trở thành một ngành kinh tế chủ lực. Với trên 23.000 ha mặt nước, mỗi năm chúng ta mới chỉ nuôi, khai thác và đánh bắt trên dưới 10.000 tấn thủy sản, tập trung trên vùng hồ Thác Bà. 

Đến nay, đã có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mô hình mà chưa phát triển ra diện rộng. Bên cạnh đó, thì phương thức sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được sự chuyển biến thực sự trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững. Kinh tế tự cung, tự cấp ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là phổ biến. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) số lượng thì nhiều, riêng trong năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới 2.304 tổ hợp tác (THT). 

Lũy kế hết năm 2019 toàn tỉnh có có 3.140 THT với 18.800 thành viên và 415 HTX, các HTX hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực: nông - lâm, ngư nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; thương mại dịch vụ; giao thông - vận tải; xây dựng; quỹ tín dụng nhân dân... với trên 26.888 thành viên. Số lượng HTX thì nhiều nhưng mô hình còn bé, hiệu quả chưa thực sự cao, doanh thu bình quân năm 2019 của các HTX chỉ đạt 2 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân đạt 425 triệu đồng/HTX; nộp ngân sách đạt 35 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm, nhất là trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp hữu cơ gần như chưa có, nếu như chúng ta không muốn nói là không có. Vẫn biết đẩy mạnh năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay được coi là những yếu tố cơ bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. 

Việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đảm bảo khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý là những giải pháp căn cơ trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái còn rất hạn chế, trong sản xuất lúa gạo và các loại cây trồng ngắn ngày khá phổ biến nhưng mới ở trong khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển. 

Đối với các huyện và các xã vùng cao mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất gần như không có gì. Trong sản xuất chè thì việc cơ giới hóa được áp dụng nhiều hơn trong các khâu: làm đất 80%, thu hoạch 70%, vận chuyển 100%. 

Trong chế biến chưa được chú trọng đầu tư, công nghệ chế biến hiện mới có được trong một số lĩnh vực như chế biến chè, gỗ rừng trồng, sản phẩm quế, tinh bột sắn nhưng công nghệ chế biến và phần lớn thiết bị còn lạc hậu, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm chưa cao. 

Một số nhóm sản phẩm chưa được đầu tư như sơ chế, chế biến sản phẩm cây ăn quả, giết mổ chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản do đó sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp. Chưa có nhiều doanh nghiệp tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế. 

Sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao chưa nhiều, ở nhiều nơi chưa gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tìm kiếm kênh tiêu thụ mới chưa được đẩy mạnh; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn hạn chế.

Từ những hạn chế trên dẫn tới giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích chưa cao (giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất trồng trọt bình quân đạt 59 triệu đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 143 triệu đồng/ha/năm). 

Việc sản xuất theo quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế chưa được áp dụng phổ biến trong trồng trọt. Trồng rừng và nuôi trồng thủy sản chủ yếu theo phương thức quảng canh nên năng suất chưa cao; việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm của ngành nông, lâm nghiệp chưa được quan tâm nhiều, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản còn thấp. 

Nông dân vẫn lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y; chất thải chăn nuôi, rác thải ngày càng gia tăng... gây tác động xấu đến môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa sản xuất nông nghiệp còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, tồn tại nêu trên, trước tiên phải nói đến sản xuất nông nghiệp chịu tác động lớn về điều kiện thời tiết, khí hậu và biến động của thị trường nên chưa tạo ra sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn hạn hẹp, chưa thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nhất là từ các doanh nghiệp, HTX và các thành phần kinh tế khác. 

Một nguyên nhân nữa là quỹ đất dành cho sản xuất còn manh mún, trên một cánh đồng có cả trăm thửa ruộng của cả trăm hộ dân. Biết ruộng đất manh mún không thể cơ giới hóa, rất khó trong sản xuất hàng hóa nhưng dường như các địa phương chưa thể thực hiện dồn điền đổi thửa được. 

Nhiều doanh nghiệp, HTX muốn huy động góp đất cùng kinh doanh hoặc hợp đồng thuê đất, nhưng người dân còn nặng tư tưởng sản xuất kinh tế hộ, sản xuất đơn lẻ đó là lý do chính có ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn còn thiếu, do địa hình chia cắt, dân cư phân tán, suất đầu tư công trình lớn, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu... 

Cùng với đó vẫn còn một số ít người dân nhận thức còn hạn chế, chưa tuân thủ, chấp hành quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng dẫn đến tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế không cao. 

Nhìn rõ những nguyên nhân, tồn tại để khắc phục và phát huy những tiềm năng lợi thế, những kết quả, thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được trong 5 năm qua, tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức, không ngừng đổi mới để nâng cao hiệu quả thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, tạo ra cho sản xuất nông nghiệp có nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức, đòi hỏi phải xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách khoa học, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Thanh Phúc
(Bài 4: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững)

Các tin khác
Lãnh đạo ngành nông nghiệp thăm quan mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại giá trị cao.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của người dân, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã vượt 3 lần so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Chương trình XDNTM không chỉ mang đến luồng sinh khí, diện mạo mới cho mọi miền quê, mà đã làm đổi thay đời sống vật chất, tinh thần người dân và trở thành những vùng quê đáng sống.

Yên Bái đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, mang lại giá trị cao.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nông nghiệp, nông thôn đã có bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Yên Bái. Đặc biệt, vị thế người nông dân được nâng cao, đời sống cải thiện rõ nét. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng phát triển toàn diện, bền vững hơn.

Phóng viên Báo Yên Bái tác nghiệp tại Trường Sa.

Trong cuộc đời mỗi người làm báo đều có cho riêng mình những trải nghiệm nghề đặc biệt. Với riêng tôi, một phóng viên làm báo in của một tỉnh miền núi thì chuyến hải trình hơn 23 ngày đêm qua các đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa cuối năm 2019 là một trong những trải nghiệm nghề đặc biệt, đáng nhớ và mang dấu ấn sâu sắc nhất, không thể nào quên.

Ông Nguyễn Văn Dựng - người tiên phong mang giống cây ăn quả có múi về thôn Hồng Hà, xã Nga Quán và vận động nhân dân cùng phát triển kinh tế.

"Nghe dân nói, nói để dân hiểu, làm để dân tin” trong bất cứ lĩnh vực nào cũng không dễ dàng. Song với sự chân thành, đi sâu sát để tìm hiểu tâm tư, tình cảm của người dân của những cán bộ làm công tác dân vận đã hóa nhiều việc tưởng không thể làm thành có thể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục