Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết về ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020 (viết tắt là Đề án). Sau 6 tháng thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay giúp sức đã mang đến những ngôi nhà ấm áp, vững chãi, thể hiện sinh động ý nghĩa nhân văn của Đảng để "không ai bị bỏ lại phía sau”...
Niềm vui từ những ngôi nhà mới
Chọn ngày đẹp, chị Phùng Thị Xoong ở thôn Năm Hăn, xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ làm lễ vào ngôi nhà mới. Là hộ nghèo, không có việc làm ổn định, thu nhập chính dựa vào mấy sào ruộng nên cuộc sống khó khăn. Ngôi nhà tạm bợ được dựng lên bởi những cột tre, vách nứa nhiều năm trước, nay đã ọp ẹp, dột nát. Được hỗ trợ 40 triệu đồng theo Đề án và sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh chị em và người dân trong thôn về vật chất, ngày công, chị Xoong đã có ngôi nhà mới trị giá hơn 100 triệu đồng. Căn nhà là niềm khát khao, mong mỏi bấy lâu nay của chị Xoong. Chị chia sẻ: "Cả đời, tôi chưa dám nghĩ mình sẽ có được ngôi nhà mới khang trang thế này”.
Cũng như chị Xoong, trong tháng 9, ông Bùi Văn Hanh, 94 tuổi ở thôn 7, xã Nghĩa Lộ cùng các thành viên trong gia đình không giấu nổi niềm vui khi được chuyển về ở trong ngôi nhà mới khang trang. Đặc biệt, gia đình ông được đón đồng chí Dương Văn Thống - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trực tiếp đến gắn biển trao nhà.
Ông Bùi Văn Kha - con trai cả của ông Hanh phấn khởi: "Khi được Nhà nước hỗ trợ để làm nên ngôi nhà khang trang, chúng tôi cảm thấy ấm lòng và là động lực để gia đình vượt khó vươn lên trong cuộc sống”.
Với ông Nguyễn Hữu Quý ở tổ 13, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình và các thành viên trong gia đình có lẽ chưa bao giờ được vui, hạnh phúc như bây giờ khi được sống trong căn nhà mới khang trang, kiên cố vừa được xây lên rộng 60 m2. "Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà xuống cấp, có thể bị sập đổ bất kỳ lúc nào trong mùa mưa bão. Khi được hưởng lợi từ Đề án của tỉnh và sự giúp đỡ tích cực của các tổ chức, cá nhân, các con cháu nên tôi đã xây dựng được căn nhà mới trị giá trên 140 triệu đồng. Từ đây, gia đình không phải lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về nữa và yên tâm lao động sản xuất, vượt khó khăn vươn lên” - ông Quý chia sẻ.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ngôi nhà mới của gia đình chị Phùng Thị Xoong ở xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ.
Có thể khẳng định, đến nay Đề án đã thành công hơn mong đợi. Có được kết quả đó, chính là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân chung tay vì an sinh xã hội. Như nhiều địa phương khác, sau 4 tháng triển khai, thị xã Nghĩa Lộ không những hoàn thành 50/45 nhà theo Đề án mà còn huy động từ nguồn xã hội hóa, lồng gắn các nguồn lực làm thêm được 17 nhà, nâng tổng số làm năm 2020 lên 67 nhà.
Đồng chí Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: ngay khi có quyết định phê duyệt Đề án, thị xã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các phòng, ban liên quan và các xã, phường tập trung rà soát, giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, tổ chức vận động, tiếp nhận các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và vận động nhân dân, dòng họ chung tay giúp đỡ các đối tượng về vật chất, ngày công và chất lượng nhà ở đều đảm bảo tiêu chí "3 cứng”. Đặc biệt, có nhiều hộ được sự chung tay của gia đình, dòng họ, cộng đồng đã xây dựng được nhà ở khang trang.
Gần 800 hộ gia đình, tới nay, đã được hưởng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua Đề án. Điển hình như huyện Yên Bình, năm 2020, ngoài 80 nhà được hỗ trợ theo Đề án, địa phương còn thực hiện hỗ trợ 122 gia đình người có công và hộ nghèo mỗi hộ từ 5 - 8 triệu đồng, tương đương từ 5 - 8 tấn xi măng để sửa chữa và làm nhà mới từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Đặc biệt, với cách làm sáng tạo như vận động được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng 30 căn nhà với số tiền hỗ trợ từ 30 - 65 triệu đồng/ nhà; các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn huyện tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên và nhà hảo tâm quyên góp xây dựng được 5 căn nhà… đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong toàn huyện chăm lo đời sống, an sinh xã hội của người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở.
Những năm qua, công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công và hộ nghèo của tỉnh luôn được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm và thực hiện có hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Bà Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: là tỉnh miền núi, hiện còn nhiều hộ chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Để hoàn thiện mục tiêu theo Quyết định 22 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về thông qua Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020.
Với nguyên tắc thực hiện mỗi hộ chỉ được hỗ trợ một lần từ một nguồn vốn, các hộ có trách nhiệm tham gia đóng góp và tự tổ chức xây dựng nhà ở, nhà làm mới đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m. Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với hộ làm nhà mới, 20 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà ở. Với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo và các nguồn vận động xã hội hóa.
Nghị quyết được nhân dân đồng tình hưởng ứng, ủng hộ và đi vào cuộc sống. Đồng thời, kích thích các hộ người có công và hộ nghèo đặc biệt khó khăn phấn đấu làm nhà ở. Đặc biệt là huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, anh em họ hàng, làng xóm... ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, ngày công lao động để làm nhà ở cho các đối tượng theo Đề án được thụ hưởng. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn triển khai thực hiện Đề án, đến nay, 780/780 nhà đã hoàn thành.
Cũng theo bà Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: có được kết quả trên, trong quá trình thực hiện Đề án, Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh thường xuyên tổ chức giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để UBND tỉnh điều hành tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả.
Bài học rút ra
Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, là giải pháp để thực hiện thành công kế hoạch giảm nghèo bền vững của tỉnh trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, thể hiện đầy đủ, toàn diện, kịp thời, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: có nhiều bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện thành công Đề án. Trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh, huyện tới các xã, phường, sự chung tay vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đến cộng đồng dân cư đã nghiêm túc thực hiện, ủng hộ giúp đỡ đối tượng về xây dựng nhà ở; làm tốt công tác tuyên, phổ biến, vận động để mọi người dân hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong các chương trình "Đền ơn, đáp nghĩa”, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc bình xét công khai, minh bạch để việc hỗ trợ đến tận tay hộ gia đình chính sách tham gia Đề án. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, các ngành đã năng động, sáng tạo chọn được những cách làm hay, phù hợp, hiệu quả, nên tập hợp được các lực lượng tham gia và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, chú trọng trợ giúp từ xã hội hóa…
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, "Lá lành đùm lá rách”, Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, hộ nghèo đặc biệt khó khăn đã được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp sức, quyết liệt khẩn trương và nghiêm túc đã mang đến những ngôi nhà thực sự ấm áp, vững chãi, thể hiện sinh động ý nghĩa nhân văn của chính sách để "không ai bị bỏ lại phía sau” như mục tiêu ban đầu đề ra; giúp họ ổn định, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Đề án thành công không những góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4,93%/năm, mà còn là kết quả thiết thực chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Văn Tuấn